Thánh lễ khấn tiếp - chị Maria Trần Thị Ngọc Trinh

ICLA, Phi Luật Tân – 29/7/2020 Bài giảng Thánh lễ Khấn tiếp   Chị Maria Trần Thị Ngọc Trinh Cha chủ tế: Micae Phạm Hữu Tâm, CRM Chủ...


ICLA, Phi Luật Tân – 29/7/2020

Bài giảng Thánh lễ Khấn tiếp  

Chị Maria Trần Thị Ngọc Trinh

Cha chủ tế: Micae Phạm Hữu Tâm, CRM

Chủ đề: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi yêu thương mọi người!” (Châm ngôn sống của hai Đức Cha Sáng Lập Dòng)

Bài đọc 1: 2Cr. 5, 14-17

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a.5. 7-11

Tin Mừng: Ga 15, 9 – 17

Bài Tin Mừng hôm nay nói về tình yêu và cái đẹp cao quý của tình yêu. Tình yêu cao quý và nó đẹp ở chỗ là hy sinh tất cả cho người mình yêu. Chúa nói: "Có tình yêu nào cao quý cho bằng chết cho người mình yêu." Mạng sống cho đi là cho tất cả rồi, còn gì để cho nữa đâu. Tình yêu là đòi hành động chứng tỏ và sự thuộc về. Chúa nói: "Nếu anh em yêu mến Thầy hãy tuân giữ lời Thầy, hãy ở lại trong tình yêu của Thầy." Chứ yêu mà chỉ bằng môi mép, không làm gì cả, thì chỉ vứt đi. Rồi tình yêu phải phát xuất cả từ hai phía, chứ tình yêu đơn phương là tình yêu đáng thương. Không thể viết nên một trang tình sử được mà chỉ là câu chuyện mơ mộng thôi. Chúa nói "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em." Chúa yêu chúng ta trước, rồi Chúa gọi, rồi khi chúng ta đáp lại, đó mới là tình yêu, và sau đó mỗi ngày là một trang sử viết nên tình yêu của Chúa với chúng ta.

Thật vậy, mục đích đời tu là đi theo Đức Kitô. Đi theo ở đây hiểu là hiến dâng cho Ngài tất cả những gì mình có và sống thân mật với Ngài. Như sr Trinh hôm nay, tuyên lại lời khấn, là tuyên xưng tình yêu của sr đối với Ngài, tận hiến cho Ngài. Yêu Ngài và tận hiến cho Ngài được thể hiện bằng cách nào đây, bằng ba lời khuyên Phúc Âm.

 1- LỜI KHẤN KHÓ NGHÈO

Chúa nói với các môn đệ rằng: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 33)

Với lời khấn khó nghèo, người tu sĩ hiến trao mọi thứ họ có cho Chúa qua hội dòng. Tùy thuộc hoàn toàn vào hội dòng với mọi nhu cầu đời sống. Vì đó, người tu sĩ trở nên nghèo khi tước bỏ quyền sở hữu cũng như ước muốn sỡ hữu tài sản riêng. Nhưng nhờ đó, nhờ sự từ bỏ quyền ấy giải thoát tâm hồn người tu sĩ những ước muốn ham hố và thu tích, nó là nguyên nhân gây trì trệ tâm hồn. Rồi khi được giải thoát thì tâm hồn người tu sĩ sẽ thảnh thơi suy tưởng và hướng về Chúa.

Rồi khi người tu sĩ sống khó nghèo cũng là lúc họ sống nhân đức cậy sẽ tăng triển. Hệ quả của lời khấn khó nghèo là thanh tẩy người tu sĩ cái ước muốn tìm kiếm của cải vật chất và gia tăng đức cậy, và làm sản sinh hoa trái: từ bỏ, kiên nhẫn, khiêm tốn và sự chịu đựng.

2- LỜI KHẤN KHIẾT TỊNH

Chúa nói với các môn đệ “có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.” (Mt 19, 10 – 12)

Lời khấn khiết tịnh chạm đến tình yêu tự nhiên. Vì theo bản tính tự nhiên của con người là hướng về hôn nhân và gia đình. Nhưng khi tuyên khấn tuân giữ đức khiết tịnh thì người tu sĩ không làm mất tình yêu này, nhưng là hướng tình yêu này về một đối tượng khác là Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu này không mất đi nhưng được thăng tiến và mở rộng. Người khấn khiết tịnh không từ chối yêu thương nhưng chỉ tư bỏ một tình yêu độc chiếm. Con tim của họ đủ mạnh để bừng cháy lửa nhiệt thành vì Thiên Chúa và Nước Trời, đủ rộng để ôm toàn thể nhân loại, đủ ấm để cho đi mà không nhận lại.

Hệ quả khi người tu sĩ sống đức khiết tịnh là tăng triển nhân đức Mến và đem lại hoa trái vui tươi, rộng lượng, tính trẻ trung và dễ đồng cảm.

3- LỜI KHẤN VÂNG PHỤC

Chúa nói với các môn đệ “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34)

Khi tuyên khấn Đức Vâng Phục thì người tu sĩ từ bỏ ý riêng của mình để thi hành ý Chúa qua bề trên. Vì họ tin rằng dự tính của Chúa thì khôn ngoan hơn, hoàn hảo hơn dự tính của họ. Họ tin rằng Chúa dẫn dắt họ qua tay bề trên.

Hệ quả khi người tu sĩ thực hành đức vâng phục là họ thực hành nhân Đức Tin, làm đức được củng cố. Lời khấn vâng phục thanh tẩy chức năng ý chí. Những hoa trái thu hoạch được từ đức vâng phục là sự tự chủ, can đảm, ngoan ngoãn, an bình, trầm tĩnh và kiên trì.

Hành trình mà người tu sĩ đi là hành trình theo Đức Kitô, phác họa lại đời sống của Ngài và để nên một với Chúa. Mà để làm được điều này quả thật là khó, vì nó vượt sức con người. Nên chúng ta cần ơn Chúa trợ giúp. Mà để có ơn Chúa thì cần chúng ta siêng năng cầu nguyện. Nhưng có một phương thế đạt mục tiêu này hiệu quả nhất đó là tận hiến cho Mẹ Maria. Điều này bên nhà các srs cũng đang sống mà. Tận hiến cho Đức Mẹ không phải vì thế mà chúng ta quên Chúa, xa Chúa. Nhưng chính Mẹ đưa chúng ta lại với hiệu hơn là chúng ta tự sức. Vì có ai lắng nghe Lời Chúa, thực hành Lời Chúa và yêu Chúa hơn Mẹ đâu. Nếu Mẹ đạt được một tình yêu hoàn hảo dành cho Chúa, thì khi chúng ta tận hiến cho Mẹ thì Mẹ sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa cách hiệu quả nhất. Chỉ Mẹ mới dẫn dạy chúng ta sống và đáp trả lại tình yêu Chúa như Chúa đòi hỏi chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.