Tuyển Viện - FMI Pleiku, niềm vui ngày đầu năm mới 2016

Happy new year 2016. Ngày đầu năm - 1/1/2016, bạn chọn cho mình những điểm đến: Quán cafe, một buổi tiệc nhỏ trong ngôi nhà ấm cúng hay một...


Happy new year 2016.

Ngày đầu năm - 1/1/2016, bạn chọn cho mình những điểm đến: Quán cafe, một buổi tiệc nhỏ trong ngôi nhà ấm cúng hay một quán bar cùng những người bạn..? Là người công giáo, cùng với niềm vui bên ngoài chúng tôi chọn riêng cho mình những niềm vui thiêng liêng và cũng để đáp lại lời mời gọi của vị Cha chung Phanxico, chúng tôi “ra đi đến vùng ngoại biên” để chia sẻ, trao ban niềm vui cho những con người kém may mắn.

1

Sáng 1/1/2016, khi tiếng chuông đồng hồ báo đúng 7 giờ cũng là lúc bác tài xế nhấn còi thông báo cho chị em Thanh Tuyển Pleiku chúng tôi lên xe, khởi đầu hành trình “ra đi”. Trên khuôn mặt của mỗi người ai cũng vui cũng tươi.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi chính là Đức Mẹ Măng Đen - Mẹ của Lòng Thương Xót – Mẹ của người nghèo. Ngoài chúng tôi còn có rất nhiều anh chị em khác cũng đến với Mẹ để xin lộc đầu xuân. Người kinh có, người đồng bào có, dù khác nhau tiếng nói nhưng cùng chung một nhịp đập hướng về Mẹ. Sau một hồi nghỉ ngơi lấy lại sức, chúng tôi cùng dâng lên Mẹ, Giáo Hội, thế giới, Hội Dòng, cha mẹ, ân nhân, thân nhân và các mầm non ơn gọi qua tràng chuỗi mân côi cùng những lời nguyện thầm kín của mỗi người.

2

Sau bữa cơm trưa đơn giản và thân mật, đúng 13 giờ, chúng tôi tiếp tục hành trình của mình đến thăm nhà của 4 người chị em thuộc hai làng Đăklech và Kon Trang Mơnei thuộc KonTum. Tạm biệt Mẹ Măng Đen, xin Mẹ tiếp tục đồng hành với chúng con.

15 giờ 50 phút, chúng tôi rời Kon Tum để về với thành phố Gia Lai thân yêu và đúng 17 giờ 20, chúng tôi đã an toàn về đến nhà. Đường đi xa, chông chênh nên cũng không ít chị em đã “phun châu, nhả ngọc”, những nụ cười giờ cũng đã tạm “chia tay” trên khuôn mặt của một số người nhưng cũng không ít những con người còn lắm hăng hái. Một ngày đầu năm mới kết thúc tại đây, chúng tôi nghỉ ngơi để lấy lại sức chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai.

Sau một giấc ngủ căng tròn, chúng tôi đã lấy lại sức và sẵn sàng cho một chuyến đi mới. 7 giờ 30 sáng 2/1/2016, chúng tôi tiếp tục lên xe để đi thăm các anh em ở trại tâm thần thuộc đường Trường Chinh, quốc lộ 14 do anh Phước phụ trách. 8 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt trước cửa nhà anh Phước. Bước xuống xe, một đôi vợ chồng trẻ với thân hình mảnh khảnh ra đón chúng tôi với nụ cười trên môi. Có thể nói chắc rằng, không một ai biết đến đôi vợ chồng trẻ này mà không ngớt những lời ngưỡng mộ. Vật chất cô chú chẳng khá giả hơn ai nhưng điều họ có đầy trong con tim đó chính là tình thương và lòng nhân. Qua cuộc nói chuyện ngắn với cô chú, được biết chú Phước nguyên là một tài xế xe khách nhưng vì thấy bao con người “không bình thường” đi lầm thang vất vưỡng, chú đã gác lại công việc của mình để đưa những con người ấy về chăm sóc. Khi hỏi “ngôi nhà” này thành lập từ bao giờ, chú trả lời: “Tôi cũng không biết nữa. Lần đầu tôi chỉ nhận một hai người, rồi sau đó con số đó cứ dần tăng lên và trở thành một ngôi nhà với gần 80 thành viên”. “Vậy khi ở với những con người bị tâm thần, cũng có những người từng giết người chú có sợ không”? “Có những bác sĩ hoặc chính quyền sợ những con người này, nói họ là những người bị tâm thần, kẻ giết người, xì ke ma túy… nhưng với tôi, khi họ vào đây tôi chẳng thấy ai là người bị tâm thần cả. Chúng tôi sống với nhau thành một gia đình yêu thương. Tất cả mọi chuyện đều phó thác cho Thiên Chúa để Ngài lo liệu…”. Thật vậy, với những “người tâm thần” ở đây, chú Phước đã dùng tình thương để thay đổi và cảm hóa họ để rồi trong mắt nhau chẳng ai là người điên vì điên thì làm gì biết yêu thương…

3

Sau cuộc nói chuyện ngắn với chú Phước, chúng tôi đi xuống phía sau nhà là nơi đang tồn tại những con người “điên nhưng không điên”. Trước khi xuống đây lòng có chút lo sợ, khi nhìn thấy những người anh em bất hạnh kia một vài giọt nước đã rưng rưng trên mắt một số chị em, những giọt nước không phải của sự lo sợ nhưng của sự xót xa, của niềm vui và sự thương cảm. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những người này họ đang cùng nhau xây nhà. Rồi nữa, vừa mới đặt chân tới cửa, họ đã ra đón chúng tôi, tiếng cười nói của họ đánh tan sự lo sợ trong mỗi chị em. Được biết ở đây có gần 80 người với đủ mọi thành phần: Người bị tâm thần nặng nhẹ, người đã từng ở tù, kẻ giết người, kẻ đâm thuê chém mướn, có người từng là trưởng khoa sản, cả nhạc sĩ cũng có. Chưa đầy 5 phút gần 80 con người đã tập họp trước sân. Nhìn thấy họ mà đau cả ruột, già trẻ gái trai thành phần nào cũng có – lem luốt.

4

Ấn tượng hơn nữa là những tài năng mà họ đã thể hiện cho chúng tôi thấy. Họ hát hay đàn giỏi, nhất là chú Nghĩa, tuổi chắc cũng đã gần 60 nhưng tiếng hát còn rất ấm, chú không những đàn hay mà còn sáng tác cả nhạc nữa. Chú còn chúc chúng tôi bằng một câu tiếng Anh rất chuẩn. Chúng tôi cứ vậy nói chuyện, hát những bài hát về xuân, về cha mẹ…. Khi hỏi một người đã giết người: “Anh có hối hận và muốn trở về nhà không? Ở đây có vui không? Anh trả lời: “ Có hối hận và muốn về, ở đây vui”. Nghe họ, thấy họ, những giọt nước mắt cứ thế lăn dài trên má mà không ai ngăn lại được. Đến đây, chúng tôi chia sẻ cho họ một phần quà nhỏ. Chỉ là một vài cây kem, một ổ bánh mì, một hộp sữa nhưng sao nhìn họ thấy niềm vui tràn trào đến vậy. Hơn một giờ nói chuyện hát hò với họ chúng tôi bỗng giật mình…ủa... đây là những con người điên ….nhưng nhìn họ…sao chẳng thấy ai điên?

5

Chúng tôi đi sâu hơn vào trong, có một vài người bị nặng nên phải khóa ở phòng riêng. Thấy chúng tôi, họ cũng cười nói vui vẻ và cũng hát tặng chúng tôi. Chúng tôi cùng nhau chụp những tấm hình kỷ niệm để ghi lại những giây phút này.

Gần 10 giờ, chúng tôi phải nói lời chia tay họ để trở về. Những con người ấy, những nụ cười và những câu nói ấy, chúng tôi sẽ không quên… Ngày đầu năm mới thật ý nghĩa, mỗi chị em chúng tôi đã có cho mình thật nhiều bài học cũng như những cảm xúc thiêng liêng.

Đã sống, ai đâu muốn đau khổ, bệnh tật, ai chẳng muốn được làm một con người bình thường. Xã hội này còn lắm những mảnh đời bất hạnh nhưng những người như chú Phước thì thật hiếm hoi. Ước ao có nhiều hơn nữa những tấm lòng quảng đại để xoa dịu, cảm hóa những tâm hồn tan nát, đánh tan sự vô cảm của xã hội. Nếu bạn muốn có những trải nghiệm như chúng tôi, đừng chần chừ, xin hãy một lần đến thăm những con người này, hãy dùng tình cảm xoa diệu vết thương lòng của họ rồi bạn sẽ thấy họ dễ thương thế nào, tình yêu thật nhiệm mầu biết bao và bạn là những con người đầy may mắn.

Lạy Chúa, xin cho mỗi chị em Thanh Tuyển chúng con luôn biết trân trọng những gì Chúa đã ban và biết cho đi những gì Chúa đang mời gọi chúng con. Xin cho chúng con biết làm một điều gì đó để xóa tan sự vô cảm trong thế giới, trong môi trường chúng con đang sống. Xin Mẹ Maria Măngđen, Mẹ của người nghèo, Mẹ của lòng thương xót giúp chúng con để chúng con luôn là “cánh tay” của Mẹ giữa thế giới này.

Tuyển Viện Pleiku - FMI