Bước chân trần

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, sống bằng nghề nông, tuổi thơ nó đi chân trần hơn là mang dép. Một ngày sống của nó là sáng đi...


Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, sống bằng nghề nông, tuổi thơ nó đi chân trần hơn là mang dép. Một ngày sống của nó là sáng đi học, chiều cắt cỏ chăn trâu. Đôi chân bé xíu của nó rảo khắp cánh đồng làng, nên hình ảnh đôi chân trần thật quá quen với nó. Cả năm học nó chỉ có một đôi dép nhựa để dành mang lúc đi học. Khi ở nhà nó thường xuyên đi chân trần vì sợ hỏng dép, sợ bẩn dép hơn bân chân. Lý do đi chân trần ngày nhỏ của nó thật đơn giản, rất thực dụng.

Bây giờ, khi đã là một Tập Sinh, nó lại đi chân trần. Việc đi chân trần được xếp vào một trong số những cử chỉ hy sinh nho nhỏ trong ngày sống. Nó cười thầm và tự nhủ: “Đi chân trần có gì gọi là hy sinh? vả lại nhà Tập Viện lúc nào cũng sạch tưng thế này thì đi chân trần em thích hơn là mang dép…” Nhưng không phải thế, môi trường Sa Mạc dạy cho nó hiểu rằng mọi việc làm sẽ trở nên giá trị lớn lao khi ta mặc vào đó một tâm tình, một ý nghĩa, một mục đích. Bước chân trần hôm nay cũng thế mang một ý nghĩa mới đó là những bước chân của cầu nguyện được thiêng liêng hóa, Đó không còn là bước chân trần tuổi thơ đơn giản của nó ngày trước nữa. Đi chân đất không phải vì sợ hỏng dép, bẩn giày nhưng là để cầu nguyện, là hành vi thực hành sự hãm mình để góp nhặt những nụ hoa thiêng liêng dâng Chúa và cầu nguyện cho người khác. Mỗi bước chân đi đều có một giá trị riêng góp thêm chất cho ý cầu nguyện. Lúc này nó mới thấm thía và phần nào kinh nghiệm được tình yêu đơn sơ với việc làm nhỏ bé mà phi thường của chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Nó cảm nhận được sự bình an trong sâu thẳm tâm hồn.

Những lần đi chân trần cho nó những cảm xúc, kinh nghiệm thiêng liêng. Nó nhớ người mẹ lam lũ ở quê nhà, nhớ hình ảnh những người nông dân với những bàn chân chai sần bươn chải với ruộng đồng, vì cuộc sống còn quá nhiều gánh nặng lo toan. Nó cầu nguyện cho tất cả. Có một đôi chân cao trọng mà nó nhớ tới là bước chân cứu độ của Thầy Giêsu. Hơn hai ngàn năm trước, đã có những bước chân của Thầy rảo khắp từ nơi này đến nơi khác để đem Tin Mừng đến cho nhân loại. Ngày ấy, Thầy đã để những bước chân ghi lại hành trình cứu độ. Kết thúc hành trình với những bước chân đẫm máu của Thầy trên đường Thập Giá. Đường lên núi Sọ dốc dác, lởm chởm đá…Thầy đã đi để nhân loại được cứu độ, Thầy đi để hôm nay nó có sự sống. Những bước chân mà hơn hai mươi thế kỷ qua đã có biết bao nhiêu người lần theo để khám phá thông điệp tình yêu của một vị Thiên Chúa làm người. Thầy đã sống hủy mình ra không và cho đi đến tận cùng. Những dấu chân ấy hôm nay có thể rêu phong nhưng sức sống thì vẫn luôn chất đầy. Bất cứ ai lần theo và đi lại những bước chân ấy luôn đem lại sự sống mới cho mình và cho con người thời đại.

Hành trình Sa Mạc của nó đi là lần theo những bước chân của Thầy với ước mong là được theo sát Thầy, nên đồng hình đồng dạng với Thầy. Cần lắm những bước chân trần hy sinh, cầu nguyện. Ước chi mỗi bước chân đi của nó luôn mang lại một giá trị thiêng liêng và đi trong tâm tình cầu nguyện với sự đồng hành của Thầy. Mỗi khi đi những bước chân trần nó nhớ đến Thầy nhiều hơn.                     

Tập Sinh, FMI