Tháng Mân Côi tại các giáo điểm

Với tinh thần của những nhà truyền giáo, người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm luôn thao thức tìm kiếm những phương thế để người khác cũng có thể biết và yêu mến Mẹ Maria.


Tháng 10, tháng dành riêng để tôn kính Mẹ Maria, cũng là tháng để khơi lên lòng yêu mến Mẹ nơi các tín hữu. Đặc biệt hơn nữa, tháng 10 tại các giáo điểm là dịp chị em chúng tôi sáng tạo và thể hiện lòng yêu mến Mẹ, trực tiếp giới thiệu về Mẹ, làm cho anh chị em Jrai tại các làng biết về Mẹ và cách lần hạt Mân Côi.

Đọc kinh Kính Mừng và lần hạt có lẽ là điều quá dễ dàng, và đôi khi “nhàm chán” đối với chúng ta, những người đã biết đến lời kinh này lâu năm. Nhưng, các anh em Jrai tại 5 giáo điểm này lại là một điều khó nếu thuộc kinh và lần hạt được. Có giáo điểm đã được thành lập 10 năm, nhưng cũng có những giáo điểm được thành lập từ 1 đến 2 năm. Con số những người đã được rửa tội chỉ như “đôi cánh hoa cà[1] trái mùa”. Chữ viết thì phần đông họ không đọc được, nghe tiếng Kinh khi hiểu khi không, và việc lần hạt xem ra là quá khó!

Với tinh thần của những nhà truyền giáo, người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm luôn thao thức tìm kiếm những phương thế để người khác cũng có thể biết và yêu mến Mẹ Maria. Chính vì thế, tháng 10 là cơ hội cho chị em chúng tôi phục vụ tại các giáo điểm có thể thỏa sức sáng tạo, lên ý tưởng và tổ chức những giờ tôn vinh Mẹ.

Những bài vũ dâng hoa được tập dợt cách vội vàng, nhóm dâng hoa là các mẹ, các chị, các em, có người đã là bà của nhiều đứa cháu, tai không còn nghe được nhưng vẫn xung phong vào đội dâng hoa sau màn diễn tả bằng ngôn ngữ cơ thể của các Yă! Nhìn thấy tinh thần hăng hái, những bàn tay thô cứng vì lao động, những đôi chân không còn nhanh nhẹn để nhún, để xoay… sau những nụ cười e thẹn, ngại ngùng vì quên trước quên sau… Nhưng rồi bài dâng hoa cũng được hình thành từ sự đơn sơ và bình dân nhất có thể.

Trong tông huấn Hãy vui mừng và hoan hỷ của Đức Thánh Cha Phanxicô khi nhắc đến Đức Mẹ, ngài nhấn mạnh rằng: “Mẹ không cần chúng ta nhiều lời, Mẹ không cần chúng ta cố gắng quá nhiều để giải thích cho Mẹ những gì đang xảy ra trong cuộc sống mình. Chúng ta chỉ cần lặp đi lặp lại: Kính mừng Maria…” Đó là điều những con chiên tại các giáo điểm này có thể làm được với trọn cả tấm lòng của mình. Với những lời giải thích đơn giản và dễ hiểu, ngắn gọn nhất có thể, chị em chúng tôi thao thức những con chiên nơi đây (có người đã được rửa tội, và phần tương đương cũng chưa được đón nhận Bí tích Thánh Tẩy) được đón nhận ân sủng qua lời kinh đơn sơ này.

Điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi đó là mỗi người, với một vài bông hoa dại được hái từ núi rừng, bản làng, từ cánh đồng xa xa kia được các em nhỏ, các mẹ, các anh, các bố đem góp về và thành tâm xếp hàng lên dâng kính Đức Mẹ. Không xa hoa tráng lệ như những giáo xứ lớn, nhưng dường như sự tráng lệ mà tôi được cảm nếm ở đây là tấm lòng bao la bát ngát của con dân Mẹ nơi này. Tấm lòng mở rộng như cánh rừng điều, như cái rẫy cà phê dài ngun ngút kia… Cùng với sự thanh thản, hồn nhiên trên khuôn mặt các em nhỏ, là nụ hoa đã chùng xuống, bởi lẽ nó được hái từ chiều, nhưng hương hoa luôn tỏa ngát và vút cao đến Mẹ yêu mến.

Ước mong sao những lời kinh Kính Mừng, những tiếng bập bẹ “Mẹ ơi!” mang lại niềm ủi an cho họ trong khi an vui, cũng như khi gian khó; niềm ủi an trong sự lao nhọc vất vả của kiếp người, của lao nhọc vì con cái và của ăn nuôi sống hằng ngày. Ước mong hình ảnh của người nữ tu FMI nơi đây, tại các giáo điểm, trở nên những hình ảnh sống động với tấm lòng “hiền mẫu” của Mẹ Maria, để có thể thắp lên ngọn lửa niềm tin vào cuộc sống cho họ.

Cùng với lời kinh Mân Côi, chúng ta cùng phó thác thế giới, Giáo hội và những người đau khổ cho Mẹ, để từ tận sâu trong trái tim chúng ta luôn ngân nga: “Mẹ nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không… Hết tình kêu khấn, con tin chắc Mẹ thương nhậm lời!”.

Maria Như Ý (Khấn tạm), FMI


[1] Hoa cà: hoa cà phê.