Ơn gọi là gì?

Một đời sống thánh hiến có thể thức tỉnh thế giới, một đời sống thánh hiến chuyên gia của hiệp thông, một đời sống thánh hiến “đi ra”, một đời sống thánh hiến không ngừng phân định.


Con người luôn mang trong mình một khát vọng sống. Một khát vọng được sống hạnh phúc và bình an, một khát vọng yêu và được yêu, sống đúng giá trị sống của mình. Đôi lúc chúng ta quan niệm "Cuộc sống là một khung vải rộng và bạn nên vẽ vào đó tất cả những màu sắc trong khái niệm của mình" (Danny Kaye). Để rồi ở đó, bản thân có thể thỏa sức sáng tạo nên chính giá trị thành công, hạnh phúc của mình. Bản thân mỗi con người là một bản gốc, không có bản sao lưu nào khác, vì thế để đạt được những giá trị ấy người dâng hiến cần phải “Sequela Christi-bước theo sát Đức Kitô”, một Đức Kitô vác thập giá tiến vào vinh quang Phục Sinh.

Ơn gọi là lời mời gọi đến từ Thiên Chúa và mỗi người chọn cho mình một lối đi, làm sao để phù hợp với mình và với Chúa muốn. Ơn gọi thánh hiến, một ơn gọi được Thiên Chúa mời gọi bước vào và sống với Ngài. Ngài không cưỡng ép cũng không bắt buộc phải dấn thân theo Ngài. Nhưng Ngài chờ đợi lời đáp trả một cách tự do và tự nguyện của chúng ta. Chính sự tự do và tự nguyện ấy mà người thánh hiến có trách nhiệm với con đường mình chọn, sống hạnh phúc, triển nở ở đó chúng ta khám phá ra “tôi là ai” khi tôi đáp trả tiếng gọi ấy, nhờ đó người tu sĩ sống đúng căn tính của của mình.

Lắm lúc con người mình dễ rơi vào cái được gọi là tìm hưởng thụ cá nhân, tiền tài, danh vọng, …, mà quên đi căn tính của mình, đặc biệt là ba Lời Khuyên Phúc Âm khiết tinh, nghèo khó và vâng phục cái căn cốt nhất của người tu sĩ. Để rồi biến đời tu thành một cuộc sống dễ chịu, cởi mở quá mức, tệ hơn là nguy cơ pha loãng căn tín của mình khi đi tìm an ủi bù trừ trong các phương thế nhân loại. Một khi những tinh thần thế tục ấy thâm nhập sẽ đưa đẩy con người mình đi tìm đủ mọi thứ của thế gian mà không ngưng nghỉ, không thấy mệt mỏi, không thấy sự sai lệch của bản thân. Trước tiên, một trong những thách đố lớn lao mà tôi thấy đời sống thánh hiến ngày nay phải đương đầu đó là sự lây nhiễm lối sống phóng túng từ các trào lưu thế tục, làm cho những căn bệnh thời đại dễ dàng lây lan giữa các thành viên trong cộng đoàn và tạo nên những chướng ngại trong việc tuân giữ các Lời Khuyên Phúc Âm. Chủ nghĩa vật chất đang dần len lỏi sâu vào lối sống của người tu sĩ và trở nên nguyên nhân cội rễ chống lại đức Khó nghèo. Chủ nghĩa cá nhân thì lại nhân danh tự do, góp phần làm cho tinh thần độc lập bị “biến tính”, trở thành môi trường thuận lợi nuôi dưỡng cái tôi cố hữu trong bản thân người tu sĩ và thôi thúc họ đi ngược lại với đức Vâng phục. Chủ nghĩa hưởng thụ thì dung túng cho sự “thả lỏng” về vấn đề phái tính, khiến cho người tu sĩ “khi thì sa lầy lúc thì mắc cạn”. Có những thành viên phải kéo lê đời tu trong bóng đêm dục tình, có những người khác lại phải đứt gánh giữa đường, làm cho cả cộng đoàn đau đớn và day dứt.

Vì sao những người thánh hiến lại rơi vào các cuộc khủng hoảng trầm trọng như thế?  Thưa là vì con người đã dần đánh mất tương quan của mình với Chúa, đánh mất đi nếp sống thân mật với Ngài, điều đặc biệt hơn là đánh mất đi ý nghĩa cốt lõi “tu là gì?”. Một cuộc khủng hoảng to lớn về đức tin. Tôi cảm nghe như con người không biết tin vào đâu? Trắng đen lẫn lộn, sự thất vọng bao trùm, cuộc sống chỉ mang tính chất hiện tại và không tin vào tương lai. Những hình ảnh như “Con Gấu thời đại” và “khoảnh khắc bây giờ” làm ơn gọi mất đi.[1] Con người choáng ngợp trước những văn minh của thế giới đương đại, nhưng không tìm ra được ngõ thoát hướng về tương lai, cái mà người ta gọi là “thế giới bây giờ” to lớn đến độ dường như muốn che lấp cả lối ngõ đi về tương lai đã thật sự ảnh hưởng hết sức ghê sợ trên nhân loại này và tất yếu nó cũng len lỏi vào đời sống tu trì để quảng bá quyền lực của chúng. Vì thế, người tu sĩ trong cuộc có khi bị lừa bịp để đánh mất chính mình và cũng không còn một hấp lực nào để lôi kéo người khác đi vào đường chính để gặp Chúa.

Trong lá thư của cha Timothy trong bài “Cơn lốc thời đại”, tôi đã cảm thấy sức mạnh của con Gấu và của cơn lốc thật vô cùng mạnh mẽ và đáng sợ. Nhưng thật sự cái đáng sợ hơn cả là chính chúng ta. Sự yếu kém trong nhuệ khí, sự mất ý thức tiến công và tinh thần đại khái chủ nghĩa trong lời khấn còn nguy hiểm hơn nhiều. Có người suy nghĩ mang danh nghĩa tu trì đã là một dấu chứng của sự hy sinh rồi thì cần gì phải triệt để quá đáng. Thế nhưng lời Chúa dạy vẫn còn đó: “Nóng thì nóng hẳn, lạnh thì lạnh hẳn, hâm hâm dở dở Ta sẽ mửa ra”. Chúa mửa ra thì ai là người có thể cứu thoát?. Vì thế, không thể có một thái độ thiếu triệt để trong lời khấn. Tôi thiết nghĩ cuộc lữ hành tuy có vất vả nhưng nó sẽ là bảo chứng tốt nhất của tình yêu và cuộc hoàn tất của một đời sống tu trì hoàn hảo. Vì thế mỗi chúng ta phải luôn nhớ rằng mục tiêu cuối cùng của chúng ta là theo sát Đức Kitô và trở nên giống Ngài. Điều này có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận và vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống, giống như Đức Kitô đã vác thập giá của mình, bằng cách dám đánh đổi một cách sự dứt khoát, can đảm đối diện trước những cam go của cuộc sống. Như trong Tông Huấn về đời sống thánh hiến khẳng định: “Khởi điểm của chương trình này là sự kiện phải rời bỏ tất cả để theo Đức Kitô” (ĐSTH số 93) và sống gắn bó với Ngài. Sự gắn bó với Người như là sự sống còn của chúng ta. Ngài là kho báu mà chúng ta đang tìm kiếm và sống thân tình với Ngài. Nói cách khác, Ngài là lẽ sống, là lý tưởng, là thần tượng của của người thánh hiến. Vì thế, không có gì tách bạn và tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô (x. Rm 8, 38). “Khi được Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô” (x. Pl 3,7-8). Vì thế mang tâm tình như Thánh Phaolô đã nói thật thâm sâu: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Ðức Kitô Giêsu, Chúa của tôi …” (Pl 3, 8).

Để không biến đời tu thành một cuộc sống dễ chịu, cởi mở quá mức, hay tệ hơn nguy cơ pha loãng căn tín của mình khi đi tìm an ủi bù trừ trong các phương thế nhân loại, thì tôi thiết nghĩ trước tiên chúng ta đòi hỏi mình cần phải gắn bó với Chúa bằng tình yêu mến và siêng năng đời sống cầu nguyện. Thánh Gioan Vianney dạy: “kho tàng của chúng ta không ở dưới đất, nhưng ở trên trời. Lòng chúng ta phải hướng đến nơi có kho tàng của chúng ta…khi tâm hồn trong sạch gắn bó với Thiên Chúa, ta thấy nơi mình một thứ hương thơm dịu dàng, một luồng ánh sáng rực rỡ, trong mối kết hợp mật thiết này, Thiên Chúa và linh hồn tựa hai khối sáng nóng chảy hoà vào nhau, không thể tách rời nữa….”[2]. Không có cầu nguyện, chắc chắn đời sống thánh hiến sẽ không tồn tại trên mặt đất này. Cầu nguyện là nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện (ĐHV 120). Bền đỗ, trung thành hay không? Sống bác ái yêu thương hay không? Trách nhiệm và dấn thân hay không? …  đều nằm ở đời sống kết hợp với Chúa.

Đức Thánh Cha khuyên: “Đừng điếc lác trước tiếng gọi của Chúa! Nếu Ngài gọi chúng con đi vào con đường này, xin đừng buông xuôi mái chèo, nhưng hãy tín thác nơi Chúa. Đừng gục ngã trước sợ hãi, vốn là điều làm chúng ta tê liệt trước những tầm cao lớn lao mà Chúa chỉ cho chúng ta. Chúng con hãy luôn nhớ rằng với những ai bỏ thuyền lưới lại đằng sau mà đi theo Giêsu, Thiên Chúa hứa ban niềm vui về một cuộc sống mới có thể lấp đầy tâm hồn chúng ta, và làm cho hành trình của của ta thêm sống động”[3]. Vì thế hôn ước nào cũng có sự trung thành trung tín và kiên trì cho tới cùng, đòi hỏi một sự dấn thân và trách nhiệm đối với nhau. Kiên trì vừa là một điều kiện vừa là một thành quả: “Có kiên trì anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 8, 11 - 15), “Trong mọi sự chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly….” (2Cr 6, 4 -5). Có trung thành trong mọi bổn phận tự nhiên cũng như thiêng liêng, chắc chắn chúng ta sẽ đạt tới lý tưởng của mình.

Hành trình trung tín trong kiên trì đòi hỏi chúng ta phải nhìn thẳng và khách quan vào cuộc sống của mình, mà không nhắm mắt trước những vấn đề hoặc những khó khăn nổi lên như là những dấu chỉ của một sự trung thành bấp bênh hoặc là những khuynh hướng của sự thiếu trung tín. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta rằng những thách đố ở đó là để chúng ta đương đầu. Chính Ngài đã đặt chúng ta trước một số thách đố: một đời sống thánh hiến trong đó không bao giờ thiếu niềm vui, một đời sống thánh hiến có thể thức tỉnh thế giới, một đời sống thánh hiến chuyên gia của hiệp thông, một đời sống thánh hiến “đi ra”, một đời sống thánh hiến không ngừng phân định, luôn tự hỏi mình xem Thiên Chúa và nhân loại đang đòi gì ở mình trong lúc này? Để rồi khi đứng trước những nỗi sợ hãi, sự nản lòng, cám dỗ chạy trốn, chúng ta vẫn trung tín với Chúa đến cùng. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta rằng chúng ta không đơn độc, và chính Chúa cũng bảo đảm với chúng ta: “Đừng sợ… vì có Ta ở với con để bảo vệ con” (Gr 1, 6).[4] Với sự an toàn đó chúng ta hãy nghe lời Chúa phán: Đời sống thánh hiến, hãy chỗi dậy và bước đi.

Matta Nguyễn Thị Tâm (Khấn tạm), FMI  


[1] [3] X. Fr. Timothy, Con gấu và chị Đan sĩ: Ý nghĩa đời sống tu trì hôm nay

[2] Trích bài giáo huấn của thánh Gioan Maria Vianney – bài đọc 2 sách lễ thánh Gioan Maria Vianney.

[3] Toàn Văn Sứ Điệp ĐTC Nhân Ngày Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi 11-3-2019

[4]Xc. Ibid., II,2