Đấng cứu độ duy nhất – Chúa nhật IV Phục sinh – Năm B

Theo niềm tin của người Kitô hữu, Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ đã từng loan báo...


Theo niềm tin của người Kitô hữu, Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ đã từng loan báo hàng mấy trăm năm trước khi Người sinh ra. Vì thế, các Kitô hữu tin rằng Người là Ngôi Hai Thiên Chúa như chính Người đã khẳng định, đồng thời là người duy nhất đem lại ơn cứu độ phổ quát cho tất cả mọi người thuộc mọi nơi mọi thời trong nhân loại. Niềm tin này đã được định tín trong một tín điều, và được nhắc đi nhắc lại trong các văn kiện của các Công đồng chung, của các vị Giáo hoàng, và gần đây nhất là tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo hội tại Á Châu) của thánh Gio-an Phao-lô II (ngày 6-11-1999) và tuyên ngôn Dominus Jesus của Hồng y Joseph Ratzinger (ngày 6-8-2000). Hai văn kiện sau cùng này nhấn mạnh chủ trương phải công bố Đức Giê-su là vị Cứu Tinh duy nhất và phổ quát của nhân loại.

Mặc dù gặp nhiều phản ứng đến từ các tôn giáo và tín ngưỡng khác, khi tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu độ duy nhất và phổ quát, Giáo hội từ hai ngàn năm nay vẫn trung thành với khẳng định này, đồng thời tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Giê-su vừa là Thiên Chúa thật, đồng thời cũng là Con Người đích thực.

Tác giả thư Do Thái gọi thời đại của Chúa Giê-su là “thời cuối cùng”. Điều đó cho thấy, chúng ta không còn phải đợi một đấng cứu độ nào khác. Qua Đức Giê-su, chương trình Cứu độ của Thiên Chúa đã đạt tới hồi kết thúc. Người chỉ vào cung thánh một lần duy nhất để hiến tế chính mình, và thế là đủ để đem ơn Cứu độ cho mọi thế hệ.

Thánh Phê-rô trong Bài đọc I, đã mạnh mẽ khẳng định trước Thượng Hội đồng Do Thái: nhờ việc kêu cầu Danh Đức Giê-su mà người tàn tật được chữa khỏi. Thông thường, người Do Thái kêu cầu Danh Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp. Nay, những thành viên của dân tộc Israel mới chỉ cần kêu cầu Danh Đức Giê-su. Đó là một Danh xưng huyền nhiệm, có sức biến đổi và chữa lành con người.

Phụng vụ Chúa nhật 4 Phục sinh giới thiệu với chúng ta, Đấng Cứu độ mang hình ảnh một Mục Tử, và vị Mục Tử này đã chết vì đàn chiên. Cuộc khổ nạn của Đức Giê-su trên thập giá được khẳng định như hành vi anh hùng, chết vì nhân loại và để mang cho nhân loại ơn Cứu độ. Hình ảnh mục tử với đàn chiên rất bình dị và gần gũi trong xã hội Do Thái, xưa cũng như nay. Hình ảnh ấy còn được các ngôn sứ trong Cựu ước sử dụng để diễn tả tình yêu thương và sự chăm sóc của Đức Gia-vê đối với Dân riêng của Ngài. Khi tuyên bố mình là Mục Tử tốt lành cùng với các đức tính đi kèm, Chúa Giêsu khẳng định Người chính là người Mục Tử mà các ngôn sứ đã diễn tả. Nói cách khác, qua hình ảnh người mục tử, Chúa Giêsu khẳng định Người là Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ.

Người tín hữu tôn thờ Đức Giê-su, và khái niệm tôn thờ đôi khi làm họ xa cách Người. Đương nhiên, Người là Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ kính mến, nhưng Người cũng là Mục Tử, Đấng luôn gần gũi chăm sóc chúng ta, kể cả khi chúng ta là những tội nhân. Thánh Gioan khuyên chúng ta: hãy đến với Thiên Chúa trong tâm tình con cái, để nhận ra tình thương của Ngài dành cho chúng ta thật lớn lao. Hãy đặt để niềm hy vọng vào lòng nhân hậu của Chúa. Tương lai của con người là trở nên giống như Thiên Chúa, tức là được hưởng vinh quang và hạnh phúc viên mãn với Ngài (Bài đọc II).

Chúa nhật 4 Phục Sinh cũng là ngày cầu cho ơn gọi Linh mục Tu sĩ. Sứ mạng của các Linh mục và Tu sĩ là phản ánh tình thương của Thiên Chúa đến với mọi người, nhất là những người bé mọn thiệt thòi và dễ bị tổn thương. Trong xã hội ảnh hưởng bởi lối sống ích kỷ và ham hưởng thụ hôm nay, nhiều người hiểu sai về ơn gọi và ngại dấn thân. Chúng ta cầu nguyện cho có nhiều bạn trẻ can đảm bước theo Chúa Giê-su, vị Mục Tử nhân lành. Ai theo Người sẽ không phải thất vọng. Trái lại, họ sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc đích thực khi phục vụ tha nhân.

Nhờ Bí tích Thanh Tẩy, Ki-tô hữu trở thành con chiên trong đàn chiên của Chúa Giê-su. Đương nhiên đây chỉ là lối nói so sánh bằng hình ảnh để dễ hiểu từ thời xa xưa (có người ác ý đã suy diễn mục đích đời sống Ki-tô hữu là để trở thành con chiên, con cừu!). Chúa Giê-su cũng ao ước quy tụ tất cả những con chiên chưa thuộc đàn của Người, để họ được sống và sống dồi dào. Để thực hiện ước mơ của Chúa Giê-su, trước hết Ki-tô hữu phải sống đúng với bổn phận và tư cách làm “con chiên” của mình, rồi sau đó mới có khả năng cộng tác để quy tụ và phát triển đàn chiên có Chúa Giê-su làm Mục Tử.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org