Ngôn ngữ của đời sống mới

Ngôn ngữ tình yêu sẽ không bao giờ mất đi vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời.” (Hr13,8).


Ngôn ngữ là một hệ thống giao tiếp có cấu trúc được sử dụng bởi con người. Theo Ethnologue, khoảng 7.097 ngôn ngữ được nói đến ngày nay. Theo thời gian, ngôn ngữ chính thống của các dân tộc sẽ bị bào mòn bởi sự thay thế của những ngôn ngữ thịnh hành. Vây, liệu có thứ ngôn ngữ nào không bao giờ mất đi trong đời sống con người? ai là người dễ dàng trao gửi thông điệp bằng ngôn ngữ đó? đâu là những yếu tố cần thiết để duy trì được loại ngôn ngữ này?

Thực tế, bao lâu con người còn sống trên trái đất này thì bấy lâu còn tồn tại một thứ ngôn ngữ nào đó để giao tiếp và trao đổi. Dẫu vây, dù họ có dùng bất cứ ngôn ngữ nào để thông tri cho nhau thì họ vẫn không thể đánh mất ngôn ngữ tình yêu. Bởi, thiếu tình yêu, lời nói trở nên nhạt nhẽo vì vô nghĩa; thiếu tình yêu, hành động chỉ mang lại những âm thanh trống rỗng; thiếu tình yêu thì con người chỉ là những “vật thể” được đặt cạnh nhau vì vắng bóng sự thấu hiểu và cảm thông; thiếu tình yêu, con người sẽ nhẫn tâm hoặc vô cảm trước niềm vui và khổ đau của đồng loại; đáng sợ hơn cả, khi thiếu tình yêu, con người không đủ nhạy bén để nhận ra sự hiện diện của Chúa nên tự chôn vùi cuộc sống của mình trong sợ hãi và thất vọng.

Quả nhiên, nhờ ngôn ngữ này, Maria Madalena đã dễ dàng nhận ra Chúa Phục Sinh. Tiếng gọi – đáp: “Maria”- “Lạy Thầy” (Ga 20,16) không còn là một ngôn ngữ trao đổi đơn thuần khiến ai cũng có thể hiểu. Đây là tiếng gọi thân quen, tiếng gọi đã có trong kỷ niệm với Thầy trên hành trình theo Người. Nó đem đến cho người phụ nữ một sự bình an lạ thường, phá tan bao nỗi quạnh hiu trong tâm lòng bà. Thế là giới phụ nữ - những người thua kém trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ được trở thành những chứng nhân đầu tiên trong biến cố Phục Sinh trọng đại. Họ được chính Đấng Phục Sinh hiện ra và trao sứ mệnh loan Tin Vui Phục sinh cho các môn đệ, họ trở thành môn đệ của các tông đồ. Họ đón nhận Tin Mừng và mau mắn lên đường loan báo với ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của trực giác, của cảm nghiệm, không cần lý luận chứng minh nhưng vẫn xác tín vào Chúa đã sống lại.

Thật thế, biến cố Phục Sinh mở ra cánh cửa hy vọng cho một “đời sống mới” cho tất cả những ai khao khát tìm kiếm Chúa. Tôi chắc chắn rằng: Những ai đã bước vào “đời sống mới” này thì chỉ biết giao tiếp bằng ngôn ngữ tình yêu. Cũng vậy, những ai sẵn sàng đón nhận Tin Mừng bằng sự khiêm hạ, “cưu mang” Tin Mừng bằng sự trân trọng, loan báo Tin Mừng bằng sự mau mắn và trách nhiệm thì không nghi ngờ gì nữa, họ đang ở trong vương quốc của “đời sống mới”- nơi tràn ngập Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh.

Tóm lại, ngôn ngữ tình yêu sẽ không bao giờ mất đi vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời.” (Hr13,8). Người luôn thành tín yêu thương “Bởi vì Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.” (Tv 99, 5). Vì vậy, trong ánh sáng Phục Sinh, chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa, mạnh dạn sử dụng ngôn ngữ tình yêu để suy nghĩ, để hành động, để trao ban niềm vui và bình an cho mọi loài thụ tạo. Đó là hoa trái của Thần Khí mà sự sống mới của Đức Kitô Phục Sinh ước ao thông truyền cho tất cả chúng ta.

Nt. Maria Cẩm Nhi, FMI