Tạ ơn Chúa cuối năm - CĐ Mai Khôi, Xóm Mới

Một năm 365 ngày, đây không phải là thường tình nhưng là những chuỗi ngày hồng ân.


“Bốn mùa Chúa đổ hồng ân

Ngài gieo mầu mỡ ngập tràng lối đi” (Tv 65, 12)

Với một năm 365 ngày, đây không phải là thường tình nhưng là những chuỗi ngày hồng ân. Một năm sắp qua đi để mỗi người nhìn lại những ân huệ Chúa đã ban với niềm tri ân và tạ ơn, đồng thời hướng đến tương lai để cậy trông và phó thác vào tình yêu của Chúa.

Sáng ngày 2/2/2024, Cộng đoàn và Trường mẫu giáo Mai Khôi tham dự thánh lễ tạ ơn Chúa cuối năm. Tạ ơn Chúa đã gửi cha Phaolô Nguyễn Quang Thanh đến chủ tế thánh lễ. Thật ý nghĩa khi lễ tạ ơn nhằm ngày lễ dâng Chúa Giêsu vào đền thờ. Bài chia sẻ của Cha thật sâu sắc và ý nghĩa cho mỗi người khi tham dự thánh lễ. Và ai cũng được đánh động trong bài chia sẻ của Ngài. Ước gì mỗi người sẽ thầm nhuần Lời Chúa và cuộc sống được biến đổi hơn trong năm mới Giáp Thìn.

Xin ghi lại bài giảng của cha:

Lễ dâng Chúa Giêsu vào đền thờ cũng được gọi là Lễ Nến, vì trước thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào đền thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của muôn dân. Lễ Nến nói lên đời sống của mỗi tín hữu phải chiếu giãi ánh sáng cho người khác. Chúa Kitô là Ánh Sáng cho trần gian. “ Ánh Sáng” là một từ thường được dùng để chỉ về sự sống và chân lý. Thiếu ánh sáng là cô đơn, nghi nan và lầm lạc. Chúa Kitô là sự sống cho thế gian và cho mọi người, là Ánh Sáng chiếu soi, là Chân Lý giải thoát, là Tình Yêu viên mãn. Chúng ta không phải là cây nến mà là ngọn nến

Cha đã dẫn chứng bài Ba Cây Nến của Ngọc Lễ. Gia đình chỉ được thắp sáng, lung linh ánh sáng nụ cười khi mỗi cây nến chịu thắp lên thành ngọn nến, chấp nhận hy sinh, tiêu hao chính mình. Không có thập giá không sinh ơn cứu độ, không có hy sinh không có tình yêu thật.

Lửa có được là nhờ có cây nến, cây nến cháy được là nhờ có tim nến. Ở đời quý nhất chữ tâm, nâng niu chữ đức vun trồng chữ nhân.

Cây nến dù ở vị trí thế nào thì ngọn lửa vẫn cháy và vẫn hướng lên cao. Chúng ta phải hướng thượng, ngẩng cao đầu.

Ý nghĩa của lửa ngày lễ nến

Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất hiện khi có tương tác, ít ra là hai vật thể tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều. Nước Việt Nam hình chữ S, hiện thân của số nhiều, lẽ nào lại không biết nuôi lửa và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa? Không có lửa con rồng chẳng phải là rồng, chỉ là con giun con rắn. Không có lửa làm gì có “nồng” nàn, “nhiệt” tâm! Làm gì có sốt sắng, “nhiệt” tình! Làm gì còn “nhiệt” huyết, “cháy” bỏng! Việc Mẹ cha, việc trường, việc lớp, làm gì với đôi vai lạnh lẻo ơ hờ? không có lửa, các trò lấy gì “hun”đúc, “nấu”sử soi kinh? Cho nên biết giữ lửa để giữ nhân cách người - người. Cộng đồng quy tụ quanh đống lửa, thức bên bếp lửa nồi bánh chưng chờ năm mới, nếu không có lửa làm sao thành mùa Xuân?

Bước theo Mẹ Maria

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết noi gương Mẹ để biết khiêm nhường phục vụ Chúa và tha nhân trong mọi công việc của cuộc sống.

Trước hết, Lễ này dạy chúng ta bài học khiêm nhường vâng giữ luật Chúa và Hội Thánh. Dù là Mẹ của con Thiên Chúa, cha nuôi Đấng cứu thế. Thế nhưng chỉ vì khiêm tốn vâng phục mà Đức Maria và thánh Giuse đã chu toàn Lề luật để nêu gương cho chúng ta.

Thứ đến, Đức Maria sẵn lòng dâng hiến Con mình cho Thiên Chúa. Qua đó, Mẹ lặp lại lời Fiat, và một lần nữa, trao phó trọn đời mình cho Thiên Chúa an bài sử dụng. Hơn ba mươi năm sau, Chúa Giêsu đã dâng chính thân Người để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Gia đình Thánh gia sống đơn giản, nghèo khó. Của lễ bằng hai bồ câu gọi là “của lễ của người nghèo”. Maria đã dâng của lễ đó. Một lần nữa, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu sinh ra trong một gia đình nghèo, không chút sang trọng, ở đó mỗi đồng phải được tính kỹ, ở đó các phần tử trong gia đình biết rõ những khó khăn của cuộc sống và những gian nan của kiếp người. Khi nào đời sống trở nên bế tắc cho chúng ta, chúng ta nên nhớ rằng Chúa Giêsu đã nếm trải đủ mọi mùi cay đắng đó rồi.

Ngoài gia đình Thánh gia còn có cụ ông Simêon và bà Anna: cả hai vị luôn có một ước mơ để thành tựu; thời gian sẽ cướp đi nét trẻ đẹp và vẻ cường tráng của thân thể chúng ta, nhưng còn tệ hơn, là năm tháng có thể giết chết sự sống trong tâm hồn chúng ta, đến nỗi bao hy vọng từng ôm ấp cũng chết lịm và chúng ta trở nên ảm đạm, ê chề, an phận thủ thường, không còn thiết tha gì nữa. Khi đó, nếu chúng ta nghĩ rằng Chúa là một Đấng xa cách, không hề quan tâm đến chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ tuyệt vọng. Ngược lại, chúng ta tin Thiên Chúa có liên hệ mật thiết với cuộc sống ta, Ngài điều khiển mỗi bước của ta trên đường đời thì chúng ta sẽ thấy tương lai thật tốt đẹp. Tuổi tác, thời gian, sẽ không thể giết được hy vọng của chúng ta.

Bí quyết để hai vị giữ được niềm hy vọng đó là: Không hề ngưng nghỉ trong việc thờ phượng qua việc hiến thân phục vụ và cầu nguyện không ngừng. Năm tháng đã không đem cay đắng vào lòng Anna và Simêon, không làm tan hy vọng của các ngài vì mỗi ngày họ biết kết hợp với Đấng vốn là Nguồn sức mạnh và với sức mạnh của Ngài, sự yếu đuối của chúng ta trở nên mạnh mẽ.

Mẹ Maria đã trở nên một dụng cụ tuyệt vời để Chúa sử dụng trong cuộc việc cứu chuộc loài người. Mẹ không từ chối Chúa một sự gì. Tiếng Fiat luôn chiếm hữu tâm trí Mẹ để mọi việc được diễn tiến theo thánh ý Chúa, cho dù thân xác Ngài phải bị hao mòn như ngọn nến.

Tạm kết: Trong thánh lễ hôm nay, cùng với lễ dâng trọn hảo là chính Chúa Giêsu, được Đức Maria và Thánh Giuse tiến dâng trong Đền thờ, chúng ta cũng xin hiến dâng tuổi xuân và cả cuộc sống của chúng ta là lễ dâng lên Thiên Chúa. Xin Ngài chúc phúc và hướng dẫn đường đời chúng ta trong thánh ý Ngài, hầu cả cuộc sống chúng ta trở nên lễ dâng tình yêu trong Tình Yêu Thiên Chúa.

Cộng đoàn Mai Khôi, FMI

(Ghi lại bài chia sẻ của cha Phaolô Nguyễn Quang Thanh)