Ký ức gia đình

Người ta có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một nơi để về đó là gia đình. Gia đình không chỉ là ngôi nhà yêu thương và thiêng liêng nơi...


Người ta có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một nơi để về đó là gia đình. Gia đình không chỉ là ngôi nhà yêu thương và thiêng liêng nơi ta được sinh ra, lớn lên. Ngôi nhà là nơi đầu tiên cho tuổi thơ học những điều hay lẽ phải mà còn là điểm tựa vững chắc cho tương lai của ta. Đó cũng là nguồn sức mạnh nâng đỡ ta trong những phút yếu lòng, là nơi cho ta sự bao dung và vị tha. Những lúc gặp gian nan thử thách, gia đình vẫn là nơi cho ta niềm an ủi động viên, cùng ta giải quyết mọi chông gai phía trước. Khó khăn còn là gì nếu như bên ta luôn có những người thực sự yêu thương, ủng hộ ta. Khi cảm nhận được như thế, ta mới thấm thía nỗi đau của những người không có một mái ấm gia đình hay gia đình bị đổ vỡ.

Gia đình Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm sắp bước vào Năm Thánh Bách Chu Niên. 100 năm hồng ân Chúa tuôn tràn. 100 năm trải bao gian lao khốn khó. 100 năm cậy tin vững bước đi. Từ sáu Chị Tiên Khởi nhỏ bé, dưới bàn tay dìu dắt của người cha người mẹ đầy yêu thương là Hai Đấng Tổ Phụ, gia đình Hội Dòng đã từng bước lớn lên và phát triển. Không phải tình máu mủ huyết thống nhưng mỗi chị em trong gia đình đã luôn sát cánh, yêu thương cùng nhau xây dựng, bảo vệ gia đình vượt bao gian khó. Lần giở lại từng trang sử Dòng để cảm nghiệm tình yêu, sự quan phòng của Chúa và Mẹ hiền Vô Nhiễm qua những biến cố lớn trong gia đình Hội Dòng. Gia đình này cũng đã nhiều lần chao đảo trước sóng gió. Gia đình này cũng không ít lần gặp khó khăn thử thách, đứng trước nguy cơ mất nhà, chia ly.

Biến cố năm 1975, biến cố “phân vùng” của Hội Dòng đã làm chị em lo sợ, hoảng hốt. Lịch sử Dòng ghi lại “biến cố giải phóng năm 1975 đã làm chị em phân tán thành những cộng đoàn rải rác ở khắp nơi. Trong lúc này Đức Tổng Giám Mục Huế chiếu theo điều luật 432 (nói về các dòng giáo phận) ra quyết định các cộng đoàn trong giáo phận nào thì hoàn toàn trực thuộc Giám Mục giáo phận ấy. Chính ngài đã gửi thư trao phó chị em trong các vùng cho các Giám Mục liên hệ ...”(LSD trang 112). Bóng tối bao phủ lên tất cả chị em, một nỗi buồn sâu đậm đang xâm chiếm toàn thể Hội Dòng. Chị em chưa hết nỗi bàng hoàng sau chạy giặc, chưa hết nỗi lo sợ khi đối diện vùng đất mới, chưa nguôi nỗi nhớ nhà khi phải xa quê thì tin “phân vùng” như sét đánh ngang tai, làm chị em tái tê cõi lòng. Dẫu đứng trước muôn vàn khó khăn nhưng quý chị vẫn kiên nhẫn chờ đợi, tìm đủ mọi cách để liên lạc với nhau và vẫn nuôi hy vọng một ngày kia sẽ được hợp nhất thành một gia đình, con cùng một mẹ. Chúa nhân từ đã đoái nhìn đến chị em. “Năm 1984 Đức Tổng Giám Mục Huế Philipphe Điền mới ban phép cho chị em được hợp nhất trong một tinh thần, một cơ chế tổ chức pháp lý”. Tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Hiền Vô Nhiễm đã thương đến gia đình Hội Dòng, đã cho chúng con được hợp nhất nên một, đã cứu gia đình chúng con trước nguy cơ phân ly.

Khó khăn này chưa qua khó khăn khác lại đến, gia đình này một lần nữa lại đứng trước nguy cơ mất nhà, mất Nôi Mẹ với đầy kỷ niệm tuổi thơ bên “mẹ” bên “cha”. Em không chỉ được đọc lại lịch sử nhưng còn được nghe các chị kể. Đôi mắt rưng rưng và những giọt nước mắt lăn dài trên gò má khi quý chị xúc động kể lại, làm em cảm được phần nào nỗi đau xót khi mất đi Nôi Mẹ. Nhất là nỗi trăn trở khôn nguôi của các chị mong trở về Nôi Mẹ là thế nào. Dẫu là thân phận nữ nhi yếu đuối, nhưng quý chị đã can đảm đối mặt với chính quyền để đòi lại đất Dòng. Các chị không chịu khuất phục, không chịu nhượng bộ trước những lời răn đe, dọa dẫm. Có biết bao hiểm nguy chông gai mà các chị phải trải qua trong suốt 19 năm trường mất Nôi Mẹ. Quý Chị đã không mệt mỏi tháo lui bởi đó không chỉ là một mái nhà đơn thuần nhưng còn là một nhân chứng không lời. Nơi đã chứng kiến tuổi thơ của Hội Dòng với bao kỷ niệm. Lời cầu nguyện tha thiết đã đánh động lòng thương xót của Chúa để rồi qua một số người giúp đỡ, ngày 13/12/1994 các chị đã lấy lại được ngôi nhà Mẹ trong nước mắt. Lịch sử Dòng ghi lại “ngay sau khi bộ đội rời khỏi cổng Dòng, chị em nô nức kiệu Mẹ Vô Nhiễm từ nhà kín trở về Nôi Mẹ Phú Xuân...” (LSD trang 128). Các chị không bao giờ quên được kỷ niệm chan hòa nước mắt này. Chúng em, các thế hệ sau cũng sẽ không bao giờ quên được những chông gai, vất vả mà quý chị đã trải qua vì tình yêu Hội Dòng.

Đọc lại từng trang sử Dòng để thấy, hiểu và cảm nghiệm hồng ân Chúa và Mẹ đang tuôn đổ xuống trên Hội Dòng trong suốt gần một thế ky qua với biết bao biến cố của thời cuộc, của con người. Tri ân Hai Đấng Tổ Phụ đã sinh ra Hội Dòng và đặc biệt Quý Chị đã dày công xây dựng, bảo vệ Hội Dòng trong máu và nước mắt. Nhờ đó, chúng em, thế hệ hậu sinh được kế thừa tất cả di sản vật chất cũng như tinh thần các chị để lại. Cám ơn quý chị đã hy sinh, bảo vệ gia đình Hội Dòng để giờ đây em được làm một thành viên trong đại gia đình con cùng một cha, là em của quý chị.

Một nhà văn đã từng nói: “Cảm thấy biết ơn mà không thể hiện điều đó như gói quà mà không trao tặng”. Trong niềm tri ân cùng với Hội Dòng bước vào Năm Thánh Bách Chu Niên, em cũng được mời gọi sống tâm tình biết ơn. Tâm tình này được thể hiện qua những quyết tâm cụ thể nỗ lực đào luyện chính mình. Tích cực trách nhiệm hơn trong mỗi công việc được giao và sống tốt là một Tập Sinh của Hội Dòng, để cùng với các chị viết tiếp những trang sử Dòng còn dang dở.

Anna Lê Thị Thắm (Tập Sinh), FMI