Nhà Mẹ của tôi

Niềm hạnh phúc của một con người khi sinh ra trên cõi đời đó là được sống trong tình thương của ba mẹ, dưới một mái nhà. Mái nhà là nơi...


Niềm hạnh phúc của một con người khi sinh ra trên cõi đời đó là được sống trong tình thương của ba mẹ, dưới một mái nhà. Mái nhà là nơi mọi người trong gia đình thể hiện, trao tặng tình thương cho nhau. Dù đi đâu xa, ai cũng mong sớm được trở về với ngôi nhà của mình bởi không đâu bằng nhà mình. Vì lẽ đó, có được một ngôi nhà để ở, một không gian riêng cho cả gia đình, đó là nỗi ước mong lớn của ba mẹ. Nỗi lo ấy luôn canh cánh trong lòng, nó như một gánh nặng đè lên đôi vai hao gầy của ba, trên khuôn mặt rám nắng của mẹ. Ba mẹ tôi có thể mất một năm, hai năm, nửa cuộc đời hay là cả cuộc đời để gầy dựng nên một ngôi nhà cho gia đình. Cái giá ấy thật đắt, thật nhiều nhưng cũng thật đáng để hy sinh. Cuộc đời của ba mẹ là cả cuộc đời tần tảo hy sinh, vất vả vì con. Cuộc đời ấy thật cao đẹp, ý nghĩa và đáng sống.

Sống trong mái ấm gia đình, tôi được chắp đôi cánh của tình thương để bước vào đời. Từ “ngôi nhà” cũng trở nên quen thuộc với cuộc sống tôi: nhà thờ, nhà trường, nhà thương, nhà thuốc tây, nhà hàng, nhà hát...và nơi tôi đang sống bây giờ - Nhà Mẹ. Lần đầu tiên nghe tiếng Nhà Mẹ, tôi thật ngạc nhiên: Nhà Mẹ là ở đâu? Nhà Mẹ nghĩa là gì? Vì sao lại gọi là Nhà Mẹ? Những câu hỏi ấy ngay lập tức xuất hiện trong tâm trí tôi những ngày đầu tôi bước chân vào Dòng. Một từ thật lạ, một nơi tôi chưa bao giờ tưởng nghĩ đến. Ở trong Hội Dòng, tôi nhanh chóng tìm ra câu trả lời: Nhà Mẹ là chiếc nôi của Hội Dòng, nơi Hội Dòng được khai sinh. Tất cả các nữ tu sống trong Hội Dòng tuy không cùng chung huyết thống, không quen biết nhau nhưng tất cả đều là chị, là em của nhau bởi vì tất cả các nữ tu đều có chung một người cha- đó là Đấng Sáng Lập, người đã khai sinh ra Hội Dòng. Tiếng Mẹ nghe thân thương, gần gũi được dùng cho ngôi nhà chính của Hội Dòng vì lẽ ấy. Từ trong chiếc nôi Nhà Mẹ, dòng sữa Đặc Sủng, Linh Đạo, Sứ Mạng, Tinh Thần của Hội Dòng mà Đức Cha Sáng Lập khởi xướng đã tuôn chảy ra để nuôi dưỡng ơn gọi dâng hiến của mỗi chị em. Làm sao tôi quên được những bài học tôi được học những năm đầu tiên sống trong Hội Dòng: những bài học về nhân bản, về đời sống cầu nguyện, giáo lý, Thánh Kinh, phụng vụ, tu đức? Làm sao tôi quên được công ơn của các chị giáo biết bao năm đã đồng hành, dạy dỗ tôi nên người? Làm sao tôi không nhận ra những ưu tư, thao thức của các chị cho ơn gọi của tôi? Các chị không chỉ là người chị mà còn như người mẹ chăm lo, dìu dắt, sửa dạy tôi từng chút một để vun trồng trong tôi ơn gọi là nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Và... làm sao tôi không biết ơn, không yêu quý Cha tôi - người đã sáng lập nên Hội Dòng, đã gầy dựng nên chiếc nôi Nhà Mẹ thân thương này? Biết bao ưu tư, thao thức, bao trăn trở, công khó, hy sinh, vất vả Cha đã trải qua để đoàn con thân yêu được sống trong chiếc nôi Hội Dòng. Cả cuộc đời của Cha là cả cuộc đời hy sinh cho đoàn con. Sau khi Cha qua đời, Các Chị Tiền Bối lại tiếp tục mang gánh Hội Dòng trên vai, dày công dựng xây, vun xới. Nhà Mẹ trong những ngày đầu còn chật hẹp, thô sơ, chị em sống trong cảnh đạm bạc, thiếu thốn rồi dần dần được mở rộng, khang trang hơn và chị em cũng ngày một thêm đông. Đời sống tu trì của chị em nhờ vậy cũng được thúc đẩy mạnh mẽ: chị em thi đua yêu mến Chúa, yêu mến nhau và hăng say dấn thân cho sứ vụ. Giữa lúc cuộc sống chị em đang yên ổn thì biến cố 1975 bất ngờ xảy đến. Nhà Mẹ bị nhà nước trưng dụng, chị em không còn nơi cư trú, phải đi ở trọ hoặc di tản đến các vùng đất xa lạ. Thật là một biến cố tang thương, một nỗi kinh hoàng đối với chị em. Kể từ đây, chị em không còn được sống chung với nhau dưới mái nhà Nôi Mẹ. Có lẽ chưa bao giờ như lúc này, chị em cảm thấy yêu quý và gắn bó với Nôi Mẹ. Ở những vùng đất mới, chị em không lúc nào không nhớ về Nôi Mẹ: nhớ từng con đường, từng hàng cây, nhớ những buổi chị em cùng tham dự Thánh Lễ, đọc Kinh, nguyện gẫm, học tập, sinh hoạt... chung với nhau. Trở về Nôi Mẹ, đó là một niềm khao khát mãnh liệt, một nỗi khắc khoải khôn nguôi trong lòng chị em nhưng cũng là một chuyện không tưởng trong bối cảnh khi ấy. Thế nhưng, mặc cho những khó khăn, chị em vẫn quyết định dấn bước vào hành trình đi đòi nhà. Hành trình này thật gian lao, vất vả, có lúc tưởng chừng như vô vọng, nhưng các chị vẫn kiên trì không bỏ cuộc. 19 năm dài đằng đẵng, cuối cùng Nhà Nước đã đồng ý trả lại Nhà Mẹ cho Hội Dòng. Thật là một phép lạ, một niềm vui khôn tả đối với toàn thể chị em. Chị em gặp lại nhau trong tiếng khóc nghẹn ngào vì không ngờ cũng có ngày được trở về lại Nôi Mẹ, cũng có ngày được trở về với tổ ấm yêu thương.

Nhà Mẹ của tôi đã được xây dựng nên như thế đó: nhiều gian lao, vất vả, nhiều hy sinh, đóng góp của biết bao thế hệ trong chuỗi thời gian một thế kỷ. Tôi được ở trong Hội Dòng khi Nhà Mẹ đã xây cất khá hoàn chỉnh. Tôi không chỉ còn được nghe nhưng đã được chứng kiến tận mắt các chị lớn trong Hội Dòng giờ đây vẫn tiếp tục ra sức gánh vác xây đắp Hội Dòng trên vai. Ở trong Nôi Mẹ, tôi cảm nghiệm được sự bao bọc, chở che, nâng đỡ của quý chị, cảm nhận được tình thương của quý chị đối với Hội Dòng, đối với từng chị, từng em. Biết bao năm được sống trong Nhà Mẹ, biết bao năm được uống dòng sữa từ Nôi Mẹ, giờ đây tôi cảm nghiệm thật sâu sắc hai tiếng Nhà Mẹ. Nhà Mẹ đã được xây dựng nên cho tôi, và tôi, tôi cũng được mời gọi sống cho Nhà Mẹ. Nhà Mẹ do đó thật sự là Nhà Mẹ của tôi.

Kim Ngọc (Kinh Viện), FMI