Sống Năm Thánh: Sống tâm tình của người thừa sai, những người Loan Tin Mừng

Tĩnh tâm tháng 5 Bài 8: Sống năm Thánh: Sống tâm tình của người thừa sai, những người Loan Tin Mừng Lời Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ...


Tĩnh tâm tháng 5

Bài 8: Sống năm Thánh: Sống tâm tình của người thừa sai, những người Loan Tin Mừng

Lời Chúa: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16,15a).

Sau khi sống lại và lên trời, Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ vụ cứu độ cho con người. Ngài trao sứ vụ đó và sai các tông đồ đi loan báo Tin Mừng cho mọi dân mọi nước.

Là thành phần của Hội Thánh, chúng ta có bổn phận nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho mọi người để Nước Chúa được mở rộng khắp nơi.

1 -  Chúa là hạnh phúc, là bình an, niềm vui và lẽ sống đời mình

Sống Năm Thánh là thực thi lệnh truyền của Chúa: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” (Mc 16,15). Tuy nhiên, để thực thi lệnh truyền truyền giáo của Chúa Giêsu, chúng ta phải xác tín Chúa là hạnh phúc đời mình, là bình an, niềm vui và lẽ sống đời mình.

Trong cuốn ĐHV số 292. ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận viết: "Giáo dân thời sơ khai diễn tả cách nôm na: Tông đồ là người có Chúa Kitô trong lòng, Chúa Kitô trên mặt, Chúa Kitô trong miệng, Chúa Kitô trên tay, Chúa Kitô trong óc, Chúa Kitô trên vai... Tóm tắt, là một người đầy tràn Chúa Kitô và cho kẻ khác Chúa Kitô."

Thành ra, để lên đường loan báo Tin mừng, điều ý thức trước tiên vẫn là tin tưởng ở Đấng đã sai mình đi, tin tưởng ở quyền năng của Người, ở chương trình và dự định của Người.

Về phương diện cá nhân, sứ vụ loan báo Tin Mừng chỉ có hiệu quả nếu mỗi người Kitô hữu có được mối tương quan cá nhân với Chúa Kitô, nói như thánh Phaolô: “Tôi biết tôi đã tin vào Đấng nào” (2Tm 1,12).

Chính sự xác tín vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ sẽ thúc đẩy người thừa sai mạnh dạn sống và loan báo Ngài cho người khác, như hai tông đồ Phêrô và Gioan đã mạnh dạn nói trước Thượng hội đồng khi bị cấm rao giảng về Đức Giêsu: “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20).

Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay từ lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Giêsu Kitô” (số 3)

Cuộc gặp gỡ đem lại hiệu quả là bản thân được hoán cải và trở nên môn đệ Đức Giêsu Kitô trong lời nói và việc làm. Khi đó mới có thể loan báo Đấng mình đã thấy, đã nghe, và chạm đến (x. 1Ga 1,1-3)

Điều này chỉ có được khi người tông đồ gắn liền đời mình với Thiên Chúa, bám lấy Ngài và xác tín Thiên Chúa là nguồn mạch phát xuất mọi sinh lực và hoạt động của người tông đồ giữa bao mối bận tâm và các công việc khác trong đời sống hàng ngày.

Ví dụ: Trong cơn đại dịch Covid 19, thông tin khiến người ta hoang mang, lo lắng và phập phồng.

Giữa cơn hoang mang lo sợ này, Chúa bảo chúng ta không được yếu lòng tin. Người cấm chúng ta lo sợ, nếu chúng ta xưng Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Đấng Kitô là Đấng Mêsia, Đấng được Thiên Chúa xức dầu thánh hiến. Đấng giải phóng hùng mạnh. Đấng mà cả sóng biển và giông bão phải vâng lệnh. Đấng đè bẹp sự hung dữ của thần ô uế, thần dữ. Nên người nào hoang mang, lo lắng thái quá, dường như Thiên Chúa cũng vắng bóng trong tâm hồn họ.

Với đức tin, chúng ta thấy tương lai tươi sáng hơn. Thấy Thiên Chúa vẫn đang hoạt động để cùng với các nhà khoa học tìm ra phương thuốc. Thấy Thiên Chúa vẫn thôi thúc các nhà chức trách phải có nghĩa vụ và trách nhiệm với dân. Thấy Thiên Chúa mời gọi tôi lạc quan vì bao tấm lòng tử tế cứu người vẫn đang ngày đêm xả thân cho đồng loại. Thấy đồng cảm với cả triều thần trong niềm vui vì bao người đang ăn năn hoán cải khi nhận ra thân phận bọt bèo, mong manh của mình.

Giữa cơn dịch này, Chúa mời gọi con cái Chúa phải nên nguồn động viên tinh thần lớn lao. Chúng ta có Thiên Chúa, Đấng an bài mọi sự. Chúng ta có đức tin, là món quà để giúp người ta vượt qua mọi bão táp phong ba. Giả như mỗi người gieo một chút đức tin cho mình, cho người thân, xã hội (cả trên Internet), khi ấy, chắc là ai cũng được an bình trước bức tranh ảm đạm này.

Giúp nhau phòng chống dịch là điều cần thiết. Nhưng nhắc nhau tin vào Chúa giữa cơn đại dịch cũng là điều đáng làm. Cầu nguyện cho mỗi người giữ vững đức tin cũng là hành động đẹp. Bởi, mất đức tin, mất niềm tin là mất tất cả. Như thế thì nguy hiểm hơn cả Corona nữa !!!

2 -  Điều thứ hai là khơi dậy niềm say mê sứ vụ.

"Một ngọn lửa chỉ có thể được thắp lên bởi chính một vật đang cháy lửa. Chúng ta phải cháy lửa tình yêu Đức Kitô và lửa nhiệt thành mong ước làm cho Đức Kitô được nhiều người nhận biết hơn, yêu mến hơn, bước theo Người sát hơn" (ĐGH G.P II, Ecclesia in Asia, số 23)

Bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của người thánh hiến thì đều mang tính truyền giáo, dấn thân, vì đều ở trong "trạng thái truyền giáo" (NVTM 25). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II diễn tả điều đó như sau: “Chúng con tạ ơn Cha vì món quà đời sống thánh hiến. Họ hằng tìm kiếm Cha trong đức tin và mời gọi mọi người đến gần Cha, nhờ sứ mạng của họ trên khắp hoàn vũ.” (XPLTĐK 5)

Tông huấn niềm vui Tin Mừng, số 266: "Một nhà truyền giáo đích thực biết rằng Chúa Giêsu đang đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình. Người đó cảm nhận Chúa Giêsu đang sống với mình ngay giữa công việc truyền giáo. Nếu chúng ta không thấy Chúa đang hiện diện trong sự dấn thân truyền giáo của mình, nhiệt tình của chúng ta sẽ sớm nhạt nhòa và chúng ta không còn chắc chắn về những gì mình đang truyền lại. Một người không còn xác tín, nhiệt tâm, chắc chắn và yêu thương, người đó chẳng thuyết phục được ai" (NVTM, số 266)

Cuối cùng, niềm say mê sứ vụ luôn gắn liền không ngừng nghỉ với ý thức thừa sai bất diệt của mình:

"Sứ mệnh của tôi giữa lòng dân không chỉ là một phần của đời tôi hay một cái phù hiệu mà tôi có thể gỡ bỏ; nó không phải một cái gì “phụ thêm” hay chỉ là một khoảnh khắc khác trong cuộc đời.

Trái lại, nó là một cái gì tôi không thể dứt bỏ khỏi mình nếu không muốn tiêu diệt chính mình. Tôi là một sứ mệnh trên trái đất này; đó là lý do tại sao tôi có mặt trên trái đất này. Chúng ta phải coi mình như được đóng ấn, thậm chí được in nhãn bởi sứ mệnh mang ánh sáng, phúc lành, tạo sức sống, nuôi dưỡng, chữa lành và giải thoát." (Ib 273)

Bản chất Giáo Hội là được-sai-đi. Trong lòng Giáo Hội, mỗi tín hữu đều là môn đệ được sai đi (missionary disciple). Cách riêng, người nữ tu được sai đi (bài sai) phục vụ cộng đoàn. Vì thế, đi làm mục vụ không chỉ là những công việc thuần túy, mà là sứ vụ, nằm trong dòng chảy vĩ đại của sứ vụ được khơi nguồn từ Chúa Cha.

3 - Không phải là lý thuyết, nhưng là tương quan giữa người với người.

Điều cần nhớ: Loan báo Tin Mừng là việc của Chúa Thánh Thần, chính Thánh Thần nói với chúng ta phải đem Lời Chúa ra đi công bố, đi tuyên xưng Danh Chúa Giêsu. Thánh Thần nói với Philipphê mà cũng nói với chúng ta: "Hãy đứng lên và đi về hướng Nam!" (Cv 8,26: "Hãy đứng lên, đi về hướng nam, theo con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Ga-da; con đường này vắng.") Công cuộc loan báo Tin Mừng không có kiểu ngồi lì trên chiếc ghế bành. Để công bố Tin Mừng, chúng ta phải đứng lên và đi, phải đi đến nơi Chúa muốn để công bố Lời của Ngài. (c.29: "Tiến lên, đuổi kịp xe đó.")

Tuy nhiên, không thể loan báo Tin Mừng bằng những lý thuyết. Loan báo Tin Mừng là công cuộc diễn ra trong tương quan giữa những con người. Và điều này phải bắt đầu với từng hoàn cảnh sống cụ thể chứ không phải với lý thuyết. 

Chúng ta phải truyền giáo bằng chính đời sống của mình, và sau đó là với lời nói làm chứng. Chúng ta cần đứng dậy ra đi, cần biết lắng nghe và đến gần mọi người, bắt đầu từ những tình huống cụ thể.

Phương pháp này thật đơn giản, nhưng đây chính là phương pháp của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã loan báo Tin Mừng, luôn luôn lên đường - luôn luôn gần gũi mọi người, lắng nghe - luôn bắt đầu từ những tình huống cụ thể, rất cụ thể.

Chỉ có thể loan báo Tin Mừng với ba thái độ vừa nói với sức mạnh với sự tác động của Chúa Thánh Thần. Bởi vì, nếu không có sự tác động của Thần Khí Thiên Chúa, thì chẳng có chi hoạt động. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thôi thúc chúng ta đứng dậy ra đi, giúp chúng ta có khả năng lắng nghe, và cho chúng ta biết bắt đầu từ các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. (x. ĐTC PX 19.04. 2018)

Kết:

Cha Henri Nouwen* đã có lý khi gọi các thừa tác viên trong Giáo Hội là wounded healer, nghĩa là những người có sứ mạng chữa lành cho người khác nhưng chính mình lại đang mang thương tích. Tuy nhiên, chính nghịch lý này thúc đẩy các nhà thừa sai thi hành sứ vụ trong khiêm tốn và cậy trông vào quyền năng của Thánh Thần. Khiêm tốn vì nhận biết rằng tự thân mình không phải là ánh sáng và chân lý, nhưng chỉ đón nhận ánh sáng và chân lý từ một Đấng khác. Cậy trông vì xác tín rằng mình không thể chu toàn sứ vụ với sức riêng mình nhưng chỉ có thể chu toàn nhờ quyền năng của Thánh Thần.

Cho nên càng “Bước đi trong Thần Khí” (Spiritu ambulate) (Gal 5,16), càng được quyền năng của Thánh Thần, quyền năng của tình yêu và sức mạnh thúc đẩy, để hiến thân trọn vẹn cho những người Chúa sai ta đến.

Lm. Đaminh Phan Hưng  

________________________________

*Cha Henri Nouwen, Hà Lan, là tác giả thiêng liêng được ưa chuộng nhất của cuối thế kỷ 20. Hơn bảy triệu quyển sách được bán ra trên khắp thế giới và được dịch ra 30 ngoại ngữ khác nhau