Tiểu sử Cha Bề trên Tiên khởi

ĐỨC CHA ALEXANDRE PAUL MARIE CHABANON


ĐỨC CHA ALEXANDRE PAUL MARIE CHABANON

CHA BỀ TRÊN TIÊN KHỞI

Là một con người đa năng, uyên thâm về học vấn đặc biệt trong lãnh vực văn chương, thần học và giáo luật, thế nhưng, cả cuộc đời Nhà truyền giáo Thừa sai Alexandre Paul Marie Chabanon đã sống một cách khiêm tốn và trầm lặng đến lạ thường. Đúng như câu châm ngôn ngài đã chọn từ khi còn là chủng sinh và đã trở thành quy luật sống cho ngài trong suốt cuộc đời: “Yêu thích ẩn dật và kể mình bằng không”. Trong vai trò là Cha Bề Trên Đại chủng viện, rồi đến Giám mục cai quản Giáo phận Huế, với dáng vẻ bên ngoài khiến nhiều người lầm tưởng ngài lạnh lùng, nhưng ẩn dấu bên trong một trái tim vàng, ấm áp tình cha. Mọi người thương mến và cảm phục về những đức độ cao đẹp của ngài: giản dị, hiền hòa, điềm đạm, luôn kiên vững, giàu nghị lực, ân cần, kiên nhẫn và một năng lực bình lặng tuyệt vời.

ddsl

Vị linh mục trẻ Chabanon đã âm thầm đặt chân đến vùng đất truyền giáo Huế, Việt Nam, lúc mới 23 tuổi, những ước mong được sống và chết cho công cuộc loan báo Tin Mừng nơi đây. Tuy nhiên, Chúa quan phòng có một đường lối khác cho ngài. Căn bệnh hiểm nghèo bắt buộc ngài phải rời xa đoàn chiên ngài đã từng gắn bó suốt 40 năm để về lại Pháp điều trị. Và đó cũng là lần cuối cùng ngài ra đi không bao giờ trở lại.

Tại bệnh viện Saint Joseph, thành phố Marseille, nước Pháp, ngày 4.6.1936, vị Giám mục, Nhà truyền giáo khiêm tốn đã ra đi về nhà Cha trong âm thầm, lặng lẽ như chính cuộc sống của ngài.

Alexandre Paul Marie Chabanon sinh ngày 7.7.1873, tại Antrennes, Địa phận Mende, Nước Pháp. Cậu là con thứ hai trong gia đình có ba chị em, một người em trai là Sư huynh Jean Baptiste thuộc Dòng Lasan, từng đến dạy ở trường Pellerin Huế và qua đời tại đó. Chính từ người mẹ với đặc tính vững chắc của khối óc và con tim, cậu bé Chabanon đã được thừa hưởng những đức tính tinh thần cao đẹp, trí thông minh lạ thường và một lòng đạo đức thật sâu sắc.

Tháng 10.1891, chàng thanh niên 18 tuổi được vào Đại chủng viện Mende. Sau một thời gian ngắn, đáp lại lời mời gọi của Chúa âm thầm nhưng mãnh liệt, thầy Alexandre Chabanon cùng với một người bạn đồng chí hướng là thầy Tardieu sau này làm Giám mục Giáo phận Qui Nhơn đến xin gia nhập Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris.

Ngày 28.6.1896, thầy được thụ phong linh mục. Sau hai tháng, vào ngày 26.8, vị linh mục trẻ Chabanon cùng với 8 linh mục khác rời Paris sang Việt Nam.

Đến Huế, Đức Cha Caspar đặt ngài làm cha phó Giáo xứ Cố Vưu vừa học tiếng Việt và tìm hiểu phong tục tập quán nơi đây. Chỉ sau ba năm, tháng 9.1899, ngài được bổ nhiệm làm Giám đốc Đại chủng viện Phú Xuân. Đến năm 1905, ngài làm cha xứ Tam Tòa và Hạt trưởng Quảng Bình.

Tháng 8.1908 Đức Cha Allys bổ nhiệm ngài làm cha xứ Di Loan, Cửa Tùng, Quảng Bình kiêm Hạt trưởng Đất Đỏ và Tổng Đại diện Giáo phận.

Năm 1918, ngài được gọi về làm Bề Trên Đại chủng viện và linh hướng cho Dòng Kín Carmel.

Năm 1920, được Đức Cha Allys giao nhiệm vụ đào tạo các nữ tu đầu tiên Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Trong suốt hơn mười năm, ngài vừa đóng vai trò người cha dạy dỗ, hướng dẫn đường tu đức, vừa đóng vai trò người mẹ chỉ bảo cách sắp đặt trong nhà, biết bao yêu thương! Biết bao kiên nhẫn! Sự dịu hiền của ngài là một an ủi lớn lao cho những chị em thơ ngây trong buổi ban đầu.

ddsl1

Ngày 26.6.1930, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục phó với quyền kế vị Đức Cha Allys lúc bấy giờ đã bị mù.

Ngày 28.10.1930, lễ tấn phong Giám mục tại Huế do Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Columban Dreyer chủ phong.

Từ tháng 6.1931, Đức Cha Allys từ chức, Đức Cha Chabanon thay thế cai quản Địa phận. Ngài là vị Giám mục thứ 6 của Giáo phận Huế kể từ ngày biệt lập năm 1850.

Đức Cha Chabanon là một vị tông đồ đầy nhiệt huyết. Trong các xứ ngài ở, ngài đã thi hành thừa tác vụ của mình với tất cả nhiệt tâm lo giúp giáo dân nên thánh. Các chủng sinh được ngài đào tạo rất vững chắc về mọi mặt. Dòng Phước Sơn lúc mới thành lập đã gặp được nơi ngài một người bạn, một vị bảo trợ, một người hướng dẫn tận tình đầy khôn ngoan. Và cũng chính trong thời gian này, Dòng Phước Sơn được thừa nhận vào cộng đồng Xi-tô.

Trường Thiên Hữu mà ngài đã nâng đỡ, cổ vũ từ ngày mới thành lập minh chứng rằng ngài yêu quí tâm hồn giới trẻ và thao thức sứ mạng giáo dục Kitô giáo biết bao. Có thể nói được rằng tất cả những gì ngài làm đều xuất phát bởi tình yêu Chúa Kitô, đúng như câu châm ngôn Giám mục của ngài: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi” (Caritas urget nos). Một cuộc sống tuy trầm lặng nhưng chứa đựng bên trong một tình yêu và nhiệt huyết tông đồ mãnh liệt. Ngài quả thật là một con người “Yêu thích ẩn dật kể mình bằng không” (Ama nesciri et pro nihilo reputari).