Gánh Mẹ

Cũng như đối với người mẹ trần thế của con, con không thể nào gánh được những đau thương của Mẹ. Nhưng để chung chia với những đau khổ của Mẹ và đáp lại tình Mẹ, con được mời gọi yêu mến Mẹ bằng cách tận hiến cho Mẹ...


Cho con gánh mẹ một lần

Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con

Cho con gánh mẹ đầu non

Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời

..........

Mẹ ơi sóng biển dạt dào

Con sao gánh hết công lao một đời

Bông hồng cài áo đúng nơi

Đâu bằng bông hiếu giữa trời bao la”

Xin mượn những lời của bài hát trên đây để nói lên tâm tình mà con muốn thưa lên với Mẹ: Mẹ ơi, cho con gánh mẹ một lần.

Con vẫn nhớ hồi con còn nhỏ mẹ thường kể chuyện mẹ gánh mấy chị đi làm đồng, đi thả đăng ngoài sông, đi chợ bán rau… không ai giữ con nên chiếc gánh để làm việc của mẹ phải một bên gánh đồ, một bên gánh con. Cứ như vậy, làm xong việc mẹ lại gánh cả hai về… Chắc con sẽ không bao giờ hiểu hết sự khó nhọc của mẹ, những nỗi lòng của mẹ những ngày tháng chăm con như vậy, bởi con chưa từng trải qua.         

Lớn lên, con thấy mẹ đỡ vất vả hơn khi chị em chúng con đã có thể chăm sóc cho nhau được. Nhưng rồi đôi gánh của mẹ không phải chỉ gánh chúng con về thể lý nữa những lại chất đầy những thứ khác: Từ sức khỏe đến học hành, ăn mặc, sự thay đổi tâm sinh lý, đời sống tâm linh… Mẹ gánh cả những tốt lành lẫn cái ngỗ nghịch của chúng con. Gánh những lời than trách của hàng xóm khi chúng con làm điều lỗi, gánh cái biếng nhác, bất hòa của chúng con… và còn biết bao điều khác mà mẹ đã âm thầm chịu đựng.

Thiên chức làm mẹ mà Thiên Chúa trao cho mẹ đã vừa là một ân huệ, vừa là một trọng trách lớn lao. Giờ lớn hơn một chút, con đã cảm nghiệm hơn phần nào những hy sinh, sự lao nhọc của mẹ. Ai gánh được thay mẹ?... “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ” câu nói của cha ông ta ngày xưa con thấy thật là đúng.

Biết đến khi nào con mới gánh lại được mẹ?

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm – Mẹ của con, hôm nay, khi chiêm ngắm hình ảnh của Mẹ, con đã nhớ về người mẹ của con. Tuy không thể nào so sánh Mẹ với một người mẹ trần thế nào nhưng khi nhìn về người mẹ trần thế phần nào giúp con cảm nghiệm sâu sắc hơn về tình thương Mẹ dành cho nhân loại chúng con. Đôi vai của Mẹ cũng đã từng gánh bao sự vất vả, khó nhọc: Mẹ cũng đã từng nuôi nấng, chăm sóc Chúa Giêsu, cũng chịu những khó khăn, thử thách kể từ khi đón nhận lời sứ thần Truyền Tin, suốt thời gian mang thai, khi sinh con, rồi suốt quãng thời gian con Mẹ sống trên dương thế. Nhất là trong cuộc khổ nạn và cái chết đau thương trên thập giá của Con… Một đứa Con vô tội, hy sinh vì nhân loại nhưng lại bị chính người mình yêu bội phản, tìm cách loại bỏ. Có nỗi đau nào sánh cho bằng nỗi đau của Mẹ. Dưới chân thập giá, Mẹ đã đón nhận cả nhân loại chúng con, mang hết những nỗi khổ đau của nhân loại cùng với Con của Mẹ.

Ai đo cho thấu gánh nặng trên đôi vai của Mẹ?

Rồi khi về trời, Mẹ vẫn luôn cưu mang và chuyển cầu cho chúng con trước tòa Chúa. Những lần Mẹ hiện ra, Mẹ luôn nhắn nhủ và thao thức cho con cái của Mẹ được hoán cải và trở về với Chúa để được ơn cứu độ. Rồi biết bao đau khổ đang diễn ra trong nhân loại hôm nay, Mẹ cũng đang âm thầm cùng chịu với con người chúng con…

Cũng như đối với người mẹ trần thế của con, con không thể nào gánh được những đau thương của Mẹ. Nhưng để chung chia với những đau khổ của Mẹ và đáp lại tình Mẹ, con được mời gọi yêu mến Mẹ bằng cách tận hiến cho Mẹ. Yêu mến Mẹ bằng cách bắt chước các nhân đức của Mẹ và sống tinh thần ấy mỗi ngày qua những việc làm nhỏ bé trong ngày sống như sự trung thành quỳ gối dâng ngày sống cho Mẹ, đọc kinh tận hiến nhiều lần trong ngày, trung thành lần chuỗi Mân côi, năng nhớ đến Mẹ, xin Mẹ hướng dẫn trong công việc...

Mẹ biết con chưa trung thành và nhiều khi không nỗ lực hết lòng để yêu mến. Con cũng nhận thấy những yếu đuối của con. Con chỉ biết hình dung về Mẹ qua những nhân đức mà con được học về Mẹ, hình dung qua người mẹ của con, qua những tâm tình chia sẻ của các chị, qua những người có lòng đạo đức, yêu mến Mẹ… Xin Mẹ thương ở với con. Xin Mẹ thứ tha cho những lần con chưa thể hiện tình yêu Mẹ trong cuộc sống. Con muốn được yêu mến Mẹ.

 Mẹ ơi, cho con “gánh Mẹ” một lần!.

Maria Oanh (Khấn tạm), FMI