Em thật có phúc vì đã tin

Là một tín hữu đích thực, Mẹ Maria bắt đầu cuộc hành trình dài của mình để 'nhìn thấy' những gì Chúa đang làm giữa dân Ngài, để cùng với bà Elisabeth chiêm ngưỡng hành động đầy quyền năng và ơn cứu độ của Thiên Chúa Israel và cùng bà làm sáng danh Chúa...


Theo sau đoạn văn Truyền tin cho Đức Maria, hay còn gọi là đoạn văn nói về “ơn gọi của Đức Maria” là câu chuyện Đức Maria đi thăm viếng bà Elisabeth. Trong câu chuyện Truyền tin chúng ta nghe thấy lời đồng ý của Mẹ đối với sứ thần, một phản ứng tích cực trong đức tin của Mẹ. Nhờ lời xin vâng ấy mà lời hứa của Thiên Chúa “Lời thành xác phàm” được nên trọn. Lời xin vâng của Mẹ Maria cho phép thực hiện lời hứa của Thiên Chúa theo hai nghĩa: lời hứa và nội dung của lời hứa.

Lời xin vâng của Đức Maria bằng lòng tin vào điều tốt lành được mong đợi trong lời hứa thánh, nhân danh chính nội dung của lời hứa, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ và cứu người nghèo khổ. Sau đó, sự đồng thuận đức tin nơi Mẹ mở ra cho sự cam kết tự do phục vụ tình yêu, điều này sẽ thực hiện lời hứa thánh một cách hiệu quả.

Vì vậy, về phần Thiên Chúa, Ngài thực hiện lời hứa qua sự thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần trong cung lòng Đức Maria. Trong khi về phần Đức Maria, việc thực hiện lời hứa diễn ra qua cuộc thăm viếng bà Elisabeth. Do đó, câu chuyện về ơn gọi được nối tiếp với câu chuyện về sứ mạng, chính vì ơn gọi luôn luôn đi kèm với sứ mạng, đây dường như là ý nghĩa của đoạn Tin Mừng, thường được gọi là “cuộc viếng thăm của Đức Maria” (Lc 1,39-45).

Đức Maria không giấu diếm, không khép mình và không giống như Elisabeth, người ở lại trong niềm vui âm thầm để chấm dứt nỗi nhục nhã của chính mình do tình trạng vô sinh kéo dài. Ngược lại, Mẹ Maria “vội vã” lên đường mang Tin Mừng đang hình thành một cách bí ẩn trong bụng mình. Đức Maria trở thành hình mẫu cho nhà truyền giáo hoàn hảo, bởi vì khi lên miền núi Giuđa, Mẹ đã mang theo Chúa Kitô trong lòng và do đó ban Phúc Âm cho những người đang chờ đợi sự viếng thăm của Thiên Chúa.

Đón nhận các 'dấu chỉ' của Chúa

Câu hỏi đặt ra là tại sao Đức Maria ngay lập tức lên đường đến miền núi Giuđa, vì sứ thần đã không ra lệnh rõ ràng cho Mẹ làm như vậy. Nếu Đức Maria “đon đả lên đường”[1] thì không phải là để xác minh tính trung thực lời của sứ thần, mà trái lại, hoàn toàn chấp nhận lời mời mà sứ thần đã ngầm ngỏ với Mẹ: “hãy đi mà chiêm ngưỡng dấu lạ Chúa đã ban qua bà Elisabeth!”. Lời của sứ thần theo đúng nghĩa đen sẽ là: "hãy xem kìa", "hãy nhìn kìa"!

Giờ đây, Mẹ Maria trở thành người tín hữu chân chính, không từ chối dấu chỉ Chúa ban và vì thế, Mẹ đã “vội vã” đi đến miền núi để thăm viếng người bà con đang mang thai một cách kỳ diệu. Trong sự kiện này, Đức Maria có vẻ trái ngược với hình bóng của vua Akhat, người đã từ chối dấu lạ mà Chúa đề nghị với ngài qua ngôn sứ Isaia: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA” (Is 7,12). Bấy giờ, tiên tri Isaia nghiêm khắc khiển trách nhà vua: “Nghe đây, hỡi nhà Đavít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa?” (Is 7,13).

Là một tín hữu đích thực, Mẹ Maria bắt đầu cuộc hành trình dài của mình để 'nhìn thấy' những gì Chúa đang làm giữa dân Ngài, để cùng với bà Elisabeth chiêm ngưỡng hành động đầy quyền năng và ơn cứu độ của Thiên Chúa Israel và cùng bà làm sáng danh Chúa.

Do đó, người đọc cũng được mời gọi giống như Đức Maria, có một đức tin 'rộng mở', một đức tin luôn tìm cách nhận ra những gì Thiên Chúa đang hoạt động trong lịch sử của những anh chị em khác, đặc biệt dấu chỉ về lòng nhân từ và sự chung thủy của Thiên Chúa qua việc dâng hiến những đứa con cho Chúa.

Trong sự chuyển động

Thánh sử Luca cho chúng ta một bức chân dung thật mạnh mẽ của Đức Maria “đang chuyển động”. Đó là một chuyển động xảy ra “trong sự vội vã”, một thuật ngữ quen thuộc với Thánh Luca, để chỉ một sự thúc bách, nghĩa là có một niềm đam mê lớn lao đang chiếm hữu con người với một con tim háo hức lên đường. Như trong trường hợp của những người chăn cừu đi “vội vã” đến Bêlem (Lc 2,16) sau khi nghe thiên thần loan báo. Chúng ta cũng nhớ lại sự “vội vã” của ông Dakêu, người suýt ngã nhào khỏi cây (Lc 19,6). Mặc dù không có cùng một thuật ngữ Hy Lạp, chúng ta có thể nhớ lại sự sẵn sàng của hai môn đệ ở Emmau, những người đã vội vã quay trở lại Giêrusalem để thông báo về sự sống lại của Chúa cho Nhóm Mười Một. Hơn nữa, có một sự “vội vã'” tương tự cũng được tìm thấy trong các văn bản khác nhau của Kinh thánh Cựu ước, chẳng hạn như sự vội vã của Abraham, ở cây sồi Mambre khi chạy đến đàn vật và chuẩn bị bữa tiệc cho ba vị khách thần linh (x. St 18).

Ở đây Thánh Luca muốn đặt sự chú ý của người đọc về sự sẵn sàng và nhanh nhẹn của Đức Maria khi đi lên miền núi Giuđa. Với hình ảnh này, Luca muốn tác động nơi Đức Maria một cách tích cực và ngầm yêu cầu Mẹ đặt câu hỏi về sự sẵn sàng của mình cho sứ mệnh và nhận ra sự cần thiết phải phá bỏ sự chậm trễ, bối rối thường cản trở việc trung thành tuân theo lời hứa của Thiên Chúa.

Điểm đến của chuyến đi cũng rất ý nghĩa: «miền núi». Đức Maria đến một ngôi làng vẫn còn ẩn danh, nhưng có một đường chân trời dễ dàng nhận ra, đó là những ngọn núi bao quanh Giêrusalem. Như vậy, chúng ta thấy một sự ám chỉ không thể phủ nhận đối với đoạn văn nổi tiếng của Is 52,7: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.””

Lời chào của Đức Maria

Cuộc hành trình kết thúc bằng việc Đức Maria vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth. Trong lời chào của Mẹ Maria không chỉ là hoàn thành một nghi thức, của một thói quen giáo dục tốt, nhưng là một lời hiệu quả để hiện thực hóa những gì đã hứa. Với “nhà truyền giáo Maria”, điều Chúa Giêsu nói với các tông đồ sau này đã được kiểm chứng: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này!. Nếu ở đó có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ”(Lc 10,5-6).

Món quà của bình an, của niềm vui dồi dào, đi kèm với lời chào đầy Thánh Thần của Mẹ Maria đối với bà Elisabeth, đứa trẻ đã nhảy lên vui sướng trong lòng bà Elisabeth. Đây là thành quả của Tin mừng: khi nó bước vào đời sống của một người - như trong trường hợp này là nơi bà Elisabeth, người chào đón lời chào bình an của Đức Maria - nó tạo ra niềm vui và nuôi dưỡng niềm vui không thể kìm nén được bởi sự tuôn đổ của Thánh Linh. Bà Elisabeth cũng được đầy Thánh Thần để nói những lời tiên tri và cũng có thể nói một cách chính xác rằng, nhờ bà, đứa con bà mang trong lòng cũng biết nói, vì nó cũng được đầy Thánh Thần.

Bằng cách này, qua lời bà Elisabeth, người đọc cũng được mời gọi chia sẻ lòng ngưỡng mộ đối với Mẹ Maria, tôi tớ Chúa và là người tin Chúa! Khung cảnh hân hoan một lần nữa gợi lại bản văn Isaia về việc sứ giả tin mừng đến Sion. Thực ra, lời đáp trả của bà Elisabeth là một sự tung hô lớn, một tiếng kêu lớn, giống như của những lính canh ở Giêrusalem, những người đầu tiên nhận được tin vui mừng: “Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt ĐỨC CHÚA đang trở về Sion ”(Is 52,8).

Trong khi đó, Đức Maria vẫn im lặng và lắng nghe bà Elisabeth nói. Mẹ là một nhân vật thầm lặng vô cùng gợi mở vì ngoài việc khao khát loan báo tin mừng và mang lời chào bình an, Mẹ còn biết cách im lặng và lắng nghe, để chiêm ngắm những thành quả của Tin Mừng trong lòng. Sau đó, sự im lặng sẽ kết thúc và khi Mẹ nói ra chỉ là để tôn vinh Thiên Chúa.

Do đó, chúng ta thấy Luca đang vẽ nên một bức chân dung lý tưởng về người Kitô hữu trở thành nhân chứng: lời loan báo thực sự hữu hiệu bắt nguồn từ việc lắng nghe và chiêm niệm! Những gì đang thấy trong ngôi nhà Dacaria này với cuộc gặp gỡ của hai người phụ nữ là một sự kiện tuyệt vời của sự hiệp thông trong tình yêu và đức tin. Đó là một sự kiện mà không chỉ giữa hai bà mẹ mà cả hai đứa trẻ trong bụng cũng là nhân vật chính.

Bà Elisabeth nhận ra nơi Đức Maria không chỉ là một người thân muốn ở gần bà trong lúc cần thiết, mà còn là việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa đến viếng thăm dân Người. Chính Thiên Chúa đến thăm nhân loại bằng cách ban sự sống và yêu cầu con người cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Người, nhờ đó Người đã biến mình thành “Thiên Chúa ở cùng”.

Một sự kiện hiệp thông trong đó đặc điểm của dân Thiên Chúa được thể hiện như một cộng đoàn được tạo thành từ một mạng lưới các gia đình, được biểu thị ở đây bằng hai người phụ nữ ôm ấp và vui mừng cùng nhau. Niềm vui lây lan, đầy kinh ngạc, kéo dài đến sự giao cảm mà hai bà mẹ thông chuyển qua hai người con của họ, cảm nhận niềm vui sướng khi còn trong bụng mẹ.

Elisabeth ca ngợi Đức Maria

Sau lời chào của Đức Maria, bà Elisabeth bắt đầu bằng một câu ca ngợi không được coi là một lời chúc mừng đơn giản: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (câu 42), và kết thúc bằng một câu cảm thán khác: “Em thật có phúc, vì đã tin...” (c.45). Ở giữa có một câu hỏi đầy ngạc nhiên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”. Từ câu này, thật hữu ích khi bắt đầu hiểu lời ca ngợi của bà Elisabeth về Đức Maria. Bà nêu bật tất cả sự không xứng đáng của mình và ngược lại, phẩm giá nổi bật của “Thân Mẫu Chúa tôi”.

Ở đây chúng ta nghe thấy tiếng vọng của một đoạn trong Cựu Ước, đó là khi Đavít ngạc nhiên tự hỏi lý do tại sao Đức Chúa quyết định vào nhà ông: “Hòm Bia ĐỨC CHÚA đến với tôi thế nào được?” (2Sam 6,9). Tuy nhiên, câu hỏi của Đavit cũng cho thấy sự lưỡng lự của ông khi chào đón Hòm Bia Đức Chúa, thứ vẫn còn khiến con người 'sợ hãi'.

Tuy nhiên, ở đây sự kinh ngạc của bà Elisabeth hoàn toàn đan xen với niềm vui sướng, sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn, không hề có chút sợ hãi nào. Cách diễn đạt mà bà Elisabeth nói với Đức Maria cho thấy lý do của sự vĩ đại và phẩm giá không gì sánh được nơi người đến thăm bà: đứa trẻ mà Maria đang mang trong lòng là "Đức Chúa"!

Cũng có thể nói rằng sự cao cả của Người Con truyền đạt cho người mẹ phẩm giá cao quý hơn. Và nếu ở Israel, tình mẫu tử luôn là một điều gì đó cao cả, thì tình mẫu tử của Đức Maria có phẩm giá thậm chí không thể đạt được, chính vì bản tính thiêng liêng của “Đấng Tối Cao” mà bà đang cưu mang.

Những tuyên bố của Elisabeth yêu cầu một lời giải thích để không có vẻ khoa trương quá mức, điều mà bà vội vàng xác định: “Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (c. 44). Bà Elisabeth đã nói về mình, nhưng chỉ để thể hiện ý thức về sự nghèo khó và nhỏ bé của mình, đồng thời là niềm vui vì ân sủng lớn lao khi được Đức Maria đến viếng thăm, và một ân sủng được thêm vào của Đứa Trẻ đang lớn lên trong cung lòng Đức Maria.

Sự khiêm tốn và đức tin không thể tách rời, và chỉ trong sự khiêm nhường thì sự cao cả của Đức Chúa mới được công nhận. Lời cảm thán ban đầu của bà Elisabeth: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ!” tuy không phải là lời trích dẫn trực tiếp trong Kinh thánh, nhưng là một chủ đề nổi tiếng trong Kinh thánh Cựu Ứớc (x. Tl 5,24; Gdt 13, 18). Ở đây, chúng ta hãy nghĩ đến những lời chúc phúc của Áp-ra-ham bởi Menkisede, sau cuộc chiến thắng bốn vua (St 14,19tt). Thông thường trong tất cả các văn bản này, những lời chúc phúc này được tuyên bố về người anh hùng / nữ anh hùng vừa đạt được một chiến thắng phi thường. Như vậy chúng ta đang nói về chiến thắng nào ở đây cho Đức Maria? Rõ ràng đó là sự chiến thắng đức tin nơi Mẹ, chiến thắng ấy có được nhờ sự mau mắn vâng lời và hết lòng tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa.

Đối chiếu với các bản văn tương tự trong Cựu ước, người ta ghi nhận rằng sau sự ban phúc của anh hùng hay nữ anh hùng là chúc phúc của Thiên Chúa, để Người bảo đảm chiến thắng cho vị anh hùng đó (Vd: St 14, 19-20). Ở đây, có một điều gì đó tương tự nhưng cũng khác biệt sâu sắc: phúc lành của người mẹ trên thực tế được nối tiếp với phúc lành của đứa con mà bà mang trong bụng. Do đó, chúng ta có thể coi lời chúc phúc cuối cùng này như một lời công bố về hành động nhân từ của Thiên Chúa đối với đứa trẻ được mang trong bụng mẹ. Nếu giải thích sát nghĩa theo tiếng A-ram của cụm từ mà bà Elisabeth đã nói sẽ là: "Em là người có phúc trong số những người phụ nữ, bởi vì hoa trái trong lòng em đang cưu mang là Đấng Chúc Phúc".

Mối phúc của đức tin

Bây giờ chúng ta đến với câu cảm thán mà bà Elisabeth kết thúc bài diễn văn của mình và công bố mối phúc của Đức Maria: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (c. 45). Cần lưu ý rằng cách diễn đạt kiểu Semic với các khẳng định trong Kinh thánh “Beato / a' 'Beati / e” không bao giờ là một câu cảm thán biệt lập, nhưng luôn được đề cập đến một chủ đề rõ ràng, vì lý do nào đó, được thúc đẩy bởi lời chúc phúc này. Nói cách khác, không bao giờ có câu cảm thán 'được ban phúc!' mà không chỉ ra được 'ai' được ban phúc.

Tiếp theo cần phân biệt “Hạnh phúc” với “Phúc lành”, mặc dù nó có ý nghĩa gần gũi. Trên thực tế, “phúc lành” đến từ phía trên và do đó là sự hiện thực hóa “hạnh phúc” đối với “người được chúc phúc”.

Ở đây, mối phúc của Đức Maria được thiết lập trong đức tin, nhờ đó Mẹ thực hiện lời Chúa, khẳng định lòng trung thành và ý thức tốt lành về hành động của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Như vậy lời tuyên xưng cũng là một lời giải thích: Đức Maria ở trong mối phúc đức tin, vì trong đức tin, vì đã tin vào Lời Chúa, nên Mẹ đã trở thành Mẹ Chúa (x. Lc 8,21; 11,38)! Vì vậy, trước những lời đầy cảm hứng của bà Elisabeth, với lòng ngưỡng mộ “Thân mẫu Chúa tôi”, trong kinh Magnificat Đức Maria sẽ đáp lại bằng cách chuyển sự chú ý từ con người của mình sang sự thánh thiện và lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã làm 'những điều vĩ đại' nơi Mẹ. Trong đó, Mẹ Maria cất lên bài thánh ca ngợi khen được diễn tả trong ba thời điểm liên kết chặt chẽ: lòng biết ơn tràn trề về những gì Chúa đã hoàn thành nơi Mẹ, niềm hân hoan vì sự can thiệp của Thiên Chúa cách nghịch lý trong lịch sử nhân loại và cuối cùng là tôn vinh lòng trung thành của Thiên Chúa trong việc thực hiện những lời hứa với Israel và toàn thể nhân loại.

Phúc âm của cuộc sống

Đoạn văn Thăm viếng tạo ra một biểu tượng về ơn gọi mà đời sống gia đình cần thể hiện và sống giữa các thế hệ con cái. Mẹ Maria đã lắng nghe lời sứ thần và đáp lại bằng lời xin vâng với niềm tin phó thác. Lời xin vâng đó tạo thành điều kiện để lời hứa của Thiên Chúa trở thành xác thịt. Như vậy, Chúa Giêsu được định sẵn ngay từ lúc thụ thai một ơn gọi và một lời hứa đến từ Thiên Chúa và được thực hiện bởi đức tin của Mẹ Maria, tập trung vào chính danh Chúa Giêsu: "Thiên Chúa cứu độ".

Điều quan trọng cần lưu ý là kết quả đầu tiên của biến cố cứu độ là sự hiệp thông của tình yêu và đức tin, không chỉ là các bà mẹ, mà còn là các trẻ em, những người có ơn gọi được ban tặng trong sự đáp trả đức tin từ các bà mẹ. Sự ngạc nhiên càng mở rộng khi chúng ta nhận thấy rằng những đứa trẻ trong bụng mẹ hân hoan vui sướng, đến mức chính những người mẹ được đặt vào vị trí phải lắng nghe chúng để vui mừng với chúng.

Việc lắng nghe Lời Chúa và Tin Mừng của sự sống đến từ trẻ em là dấu vết của sự cam kết cho hành động giáo dục của cha mẹ, nhưng cũng là điều kiện để khai sinh cộng đoàn trong Nước Trời. Điều này được thể hiện sâu sắc trong cụm từ: "Em thật có phúc vì đã tin ...".

Kính mừng bổn mạng các chị Vĩnh Khấn FMI

Gia Lai, Lễ Mẹ Thăm Viếng 2022    

M. Anna Lê Thị An Bình FMI chuyển ngữ

Nguồn: https://www.latheotokos.it/  


[1] Theo bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn