Mầu nhiệm tự hủy của lời xin vâng

Thiên Chúa luôn dành sẵn cho mỗi người một chương trình theo Thánh ý Người.


Đọc lại biến cố Truyền tin, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng cảm nghe được, một quyết định quá “táo bạo” của cô gái trẻ tên là Maria ở làng quê Nazaret. “Sức mạnh của lời thưa xin vâng nơi cô gái trẻ Maria luôn khiến chúng ta xúc động. Đó là lời xin vâng của một người muốn dấn thân và chấp nhận rủi ro, đánh cuộc mọi thứ mà không bảo đảm an ninh nào khác hơn ngoài xác tín rằng Mẹ đang cưu mang một lời hứa.”[1] Từ đó, chúng ta có thể thấy những điều trong cuộc sống mà chúng ta không thể nào hiểu hết. Thiên Chúa luôn dành sẵn cho mỗi người một chương trình theo Thánh ý Người.

Lời xin vâng quảng đại

Đức Maria đã thưa tiếng xin vâng để mầu nhiệm tự huỷ đi vào đời mình. Sự tự huỷ đó, là một sự phân định chọn lựa sống theo chương trình của mình hay chương trình của Chúa. Tiếng xin vâng đã mở cõi lòng Đức Maria để Con Thiên Chúa được đi vào lịch sử của con người. Cho Ngôi Lời trở thành xác phàm để cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Có lẽ, Thiên Chúa cũng đã gõ cửa biết bao nhiêu tâm hồn cô gái trẻ trước Maria, nhưng chẳng ai dám sẵn sàng đưa đời mình vào một hành trình phiêu lưu như thế. Thế nhưng, Đức Maria đã thưa lời “xin vâng”, với sự phân định, chiến đấu để từ thân phận yếu hèn của con người Mẹ đã vươn lên thành Thánh vì Mẹ đã dám tin và phó thác đời mình cho Thiên Chúa. Sự quảng đại của lời thưa xin vâng nói lên một tấm lòng luôn mở ra với Thiên Chúa và nỗi mong mỏi của nhân loại. Mẹ đã nối kết tình Chúa và tình người trong lời xin vâng quảng đại ấy.

Lời xin vâng phó thác

Đức Maria biết chấp nhận lời đề nghị của Sứ thần là đời mình sẽ có nguy cơ bị ném đá. Nhưng sự tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa đã vượt thắng những lý lẽ của con người. Mẹ đã chấp nhận trao dâng đời mình cho Thiên Chúa, không do dự, không nuối tiếc. Mẹ đã chớp lấy cơ hội và lắng nghe rất kỹ tiếng gọi của Thiên Chúa. Hành trình phó thác không chỉ dừng lại nơi biến cố Truyền tin mà trong suốt cuộc đời Mẹ cho đến dưới chân Thập giá. Mẹ đã đi trọn lời xin vâng với tâm tình phó thác.

Lời xin vâng đi vào mầu nhiệm tự huỷ

Mầu nhiệm tự huỷ đã cho Đức Maria nếm trải những khổ đau của cuộc đời. Chấp nhận trả giá trong chính chọn lựa của mình để hiệp thông đời mình với những nỗi khổ đau của Con Thiên Chúa. Mầu nhiệm tự huỷ của Mẹ Maria đã hoà quyện vào mầu nhiệm tự huỷ của Đức Kitô đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Lắm lúc, Thiên Chúa cũng gõ cửa vào đời tôi, mời gọi tôi sống mầu nhiệm tự huỷ để đón nhận những sự việc, những con người tôi không thích, không muốn, để cưu mang và yêu thương họ với một tình yêu lớn hơn chính bản thân tôi. Trước sự phân định và chọn lựa, tôi có dám thưa tiếng “xin vâng”? Hãy nhìn lên Mẹ Maria để can đảm đi vào mầu nhiệm tự huỷ để cho Đức Giêsu được sinh ra trong cuộc đời.

M. Cat. Nguyễn Thị Tâm (Khấn tạm), FMI


[1]  Đức Thánh Cha Phan-xi-cô. Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 44.