Một thoáng nhìn lại - Mẹ và con

Phần chúng ta, hãy chạy đến với Mẹ, khẩn cầu Mẹ, phó thác cậy trông nơi Mẹ, dâng mình cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.


Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, trước thềm Năm Thánh mừng 100 khai sinh Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (1920-2020), một ý tưởng chợt đến trong tâm trí tôi và tôi đã vội ghi xuống ở bìa sau một tập sách kinh nhỏ cũ kỹ đang có bên cạnh tôi lúc ấy. Từ đó đến nay cũng đã gần ba năm rồi, thỉnh thoảng tôi lại được thôi thúc tìm lại mấy dòng chữ đó để đọc và nghiền ngẫm. Những nét chữ trông có vẻ nguệch ngoạc nhưng sao đối với tôi nó thật thân thương và đáng trân quý đến lạ thường.

Tháng Mân Côi kính Đức Mẹ với ý nguyện cầu cho Giáo hội mở ra với mọi người, luôn trung thành và can đảm trong việc rao giảng Tin Mừng lại một lần nữa thôi thúc tôi lắng nghe xem Mẹ muốn nói gì với tôi qua những dòng chữ cũ kỹ đầy ấp kỷ niệm ấy. Dường như có một sự nối kết nào đó ở đây giữa việc sùng kính mến yêu Đức Mẹ và sự dấn thân cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng. Hay nói cách khác, đó là sự nối kết giữa việc sống tình con thảo đối với Đức Maria và sứ mạng làm tông đồ của Mẹ Vô Nhiễm. Những điều ấy cứ đến rồi đi trong tâm trí tôi khi Hội Dòng bước những bước đầu tiên tiến vào trăm năm thứ hai.

Ngược dòng lịch sử 100 năm trước, tôi mạo muội hình dung những gì diễn ra trong tâm trí của Đấng Sáng Lập Dòng khi ngài ngồi viết cuốn Luật Tiên Khởi.

Trước hết, Đấng Sáng Lập xác định: “...lề luật Dòng “Con Đức Bà” vẫn cũng bởi lề luật chị em cả đàng ngoài cùng cả đàng trong xưa gọi là “chị em mến Thánh Giá” - Amantes de la Croix.”

Tuy rằng đã tùy thì mà đổi khoản nọ khoản kia trong lề luật xưa vì chẳng còn hạp theo thói tục bây giờ, lại hễ đã đổi luật thì cũng phải đổi tên luôn thể, song chẳng có đổi ý (esprit). Vì vậy, “Con Đức Bà chẳng hề mắc tội tổ tông” tuy không hãm mình nhiệm nhặt bề ngoài như ăn chay, kiêng thịt, đánh tội … như chị em mến Thánh Giá xưa mặc lòng, song cũng phải chịu cho vui lòng những sự khó thưởng ngày thường gặp, cùng sẵn lòng bỏ mình đi mà làm các việc bổn phận cho nên: ấy là “mến Thánh Giá cùng thông phần Thánh Giá Đức Chúa Giêsu.” (LTK I, 1)

Tiếp liền sau đó, Đấng sáng lập đã khéo léo đưa vào một nét tinh thần nữa, đó là: “…lại phải tin cậy mến yêu Đức Mẹ, nhận người làm Mẹ riêng mình, cùng tỏ mình là Con Đức Bà thật, lại là “Con Đức Bà chẳng hề mắc tội tổ tông”, chẳng hề dúng bợn nhơ nào nên hằng giữ linh hồn mình cho vẹn sạch cùng yêu chuộng nhân đức sạch sẽ cách riêng.” (LTK I, 1)

Thế là từ đó trở đi, trải qua hơn 100 năm lịch sử của Hội dòng, hai nét tinh thần này cứ đi song song, liền kề với nhau … hướng dẫn đời sống tu đức cho chị em. Các thế hệ nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm mỗi ngày mỗi khắc sâu hơn giáo huấn của Đấng Sáng Lập, vừa thấm nhuần tinh thần “mến Thánh Giá cùng thông phần Thánh Giá Đức Chúa Giêsu,” vừa sống đậm nét tình con thảo đối với Mẹ Vô Nhiễm. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cuộc sống của Hội dòng suốt hành trình 100 năm qua, chúng ta lại có cảm nhận như nét thứ hai nổi trội hơn so với nét thứ nhất. Điều đó có lẽ cũng rất đúng khi đứng ở góc nhìn của những người ngoài cuộc. Hễ cứ nói đến Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, là người ta liên tưởng ngay đến Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm và lòng sốt mến, kính yêu của các thành viên dành cho Mẹ. Dó đó, nếu linh đạo xét như kinh nghiệm sống thì đối với Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, đó lại là nét thứ hai. Các thành viên sống gắn bó với Mẹ Vô Nhiễm với hết tình con thảo, và thể hiện ra bên ngoài bằng những nét cụ thể khiến cho người ngoài có thể nhận ra được.

Quả thật, dưới sự hướng dẫn và chở che đầy tình mẫu tử của Mẹ Maria Vô Nhiễm, Hội Dòng đã lớn lên từng ngày và cùng với sự phát triển về nhiều phương diện thì truyền thống yêu mến Đức Mẹ Vô Nhiễm cũng được đắp bồi. Hằng ngày, mỗi khi gặp nhau chị em vui vẻ cất lời chào “Ave Maria” như một thói quen lành thánh. Từ sáng sớm, khi vừa thức dậy, chị em dâng lời chúc tụng ngợi khen Mẹ Maria Vô Nhiễm ngay sau lời chúc tụng ngơi khen Chúa Giêsu Kitô. Tối đến, chị em lại cùng nhau qui tụ trong nhà nguyện để cùng với Mẹ nhìn lại một ngày sống đã qua trong tâm tình tạ ơn và hối lỗi. Dẫu một ngày sống diễn ra như thế nào, vui hay buồn, lành thánh hay tội lỗi thì chị em vẫn tín thác vào tình thương chở che, ủi an, nâng đỡ của Mẹ để phó dâng mọi sự cho Mẹ Vô Nhiễm qua khúc ca: “Lạy Mẹ tinh tuyền khiết trinh, xin Mẹ từ ái ấp ủ con dươi cánh nhân lành Mẹ. Mẹ ơi, đoàn con đây, con yêu của Mẹ…”. Ngày lại ngày cứ thế trôi qua trong ân sủng của Thiên Chúa và tấm lòng từ mẫu của Mẹ Vô Nhiễm. Đặc biệt, đối với người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, các ngày thứ Bảy hằng tuần và các ngày lễ kính nhớ Đức Mẹ hằng năm đều được coi là lễ hội. Hễ đến những ngày đó là chị em lại cảm thấy lòng mình rộn rã một niềm vui sâu thẳm từ bên trong tâm hồn toát ra bên ngoài tạo nên một bầu khí hoan lạc, bình an, hạnh phúc, chan hòa tình thân … rất hồn nhiên và dễ thương!

Một trong những nét truyền thống rất đáng yêu của Hội Dòng, đó là mỗi thứ bảy chị em trong mỗi cộng đoàn cùng nhau làm giờ cầu nguyện với Mẹ, chia sẻ tâm tình sống với Mẹ, suy gẫm về các nhân đức của Mẹ dưới ánh sáng của một đoạn Lời Chúa hay một điều luật Dòng liên quan đến Đức Maria. Cứ thế, chị em được nuôi dưỡng và làm phong phú cho nhau những kinh nghiệm thiêng liêng trong tương quan với Mẹ: yêu mến và biết ơn Mẹ, tín thác và cậy trông nơi Mẹ, noi gương các nhân đức của Mẹ. Có lẽ, ca từ của một của bài hát quen thuộc sau đây diễn tả rõ nét tâm tình vốn có của mỗi chị em: “Hạnh phúc thay đời ta có Mẹ ở bên. Hạnh phúc thay đời ta có Mẹ giữ gìn. Hạnh phúc thay đời có Mẹ yêu mến, hạnh phúc tay được nấp dưới tay Mẹ hiền…”    

Tóm lại, lòng sùng kính mến yêu Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm của Hội dòng khởi đi từ tâm huyết của Đấng Sáng Lập truyền lại cho con cái, được khắc ghi trong Luật Tiên Khởi, rồi theo thời gian chị em được học hỏi thêm về Đức Mẹ, được chia sẻ truyền thống yêu mến và sùng kính Mẹ trong Giáo hội, nơi các thánh và qua các triều đại Giáo Hoàng, cùng với những kinh nghiệm thiêng liêng riêng tư của từng  chị em góp nhặt lại, nối tiếp từ thế hệ này đến thế hệ khác. Truyền thống đó qua dòng lịch sử lại được viết thành luật như thấy trong Luật sống, Nội quy và hiện thời là Hiến luật của Hội dòng. Ngoài các điều khoản ghi trong luật dòng, chị em còn vận dụng chút ít tài mọn Chúa ban để làm thơ, viết văn và sáng tác ca khúc về Mẹ, góp phần làm phong phú gia sản tinh thần của Hội dòng. Thế nhưng, tất cả những điều đó vẫn còn quá ít nếu mỗi người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm không tiến thêm một bước để trở nên Tông Đồ của Mẹ Vô Nhiễm.

Như chúng ta vẫn thường thấy, trong những lần Đức Mẹ hiện ra đây đó trong lịch sử, Đức Maria đều trao sứ mạng cho các thị nhân. Sứ mạng đó thường khởi đầu rất đơn giản và cũng lời dạy bảo dễ thực hiện, chẳng hạn, Đức Mẹ nói với Benadette tại Lộ Đức (Lourdes) năm 1858: “con có thể trở lại đây trong 15 ngày liên tiếp không?” Tương tự như thế, Đức Mẹ nói với Lucia, Phanxicô và Gianxita tại Fatima năm 1917: “Bà đến để xin chúng con một điều là trong vòng 6 tháng tới, các con hãy đến đây vào cùng thời giờ đúng ngày 13 mỗi tháng. Rồi Bà sẽ nói cho chúng hay Bà là ai và Bà muốn gì!” Như vậy lời mời gọi đầu tiên của Đức Mẹ là hãy đến với Mẹ để lắng nghe Mẹ nhắn bảo. Trong các lần hiện ra, Đức Mẹ nhắn bảo với các thị nhân là Mẹ muốn có một đền thờ để mọi người đến cầu khẩn Mẹ và những người được Mẹ hiện ra sẽ đi thưa trình ước nguyện của Mẹ với các đấng bậc có thẩm quyền. Chẳng hạn, khi hiện ra với Juan Diego trên sườn đồi Tepeya, thành phố México ngày 9 tháng 12 năm 1531, Đức Mẹ yêu cầu anh đi nói với Giám mục xây dựng một nhà thờ ngay tại nơi đó. Hay với Benadette, Mẹ nói: "Hãy nói với các linh mục xây nhà thờ kính Mẹ ở đây, và để dân chúng đến đây rước kiệu."  Ngày nay có rất nhiều đền thờ trên thế giới ghi dấu các cuộc hiện ra của Mẹ và trở thành nơi hành hương Đức Mẹ. Ở Việt Nam chúng ta có Thánh Địa Đức Mẹ La vang, Đền Thờ Đức Mẹ Trà kiệu, v.v... Bên cạnh các lời mời gọi đó, Mẹ còn bày tỏ những tâm tư của Mẹ trước hiện trạng của thế giới, nhân loại. Mẹ đau buồn và lo lắng cho đoàn con cái của Mẹ ở khắp mọi nơi và tha thiết xin các thị nhân cầu nguyện, hy sinh hãm mình, chay tịnh, và sám hối. Chúng ta có thể lấy một ví dụ tiêu biểu như tại Fatima, Đức Mẹ đã truyền sứ điệp đầu tiên cho ba trẻ nhỏ: “Các con hãy cầu nguyện! Hãy cầu nguyện thật nhiều!” Rồi sau đó vào những lần hiện ra kế tiếp, sứ điệp của Mẹ lại càng khẩn thiết hơn: “Hãy hy sinh nhiều để xin ơn tha thứ cho các tội nhân. Có rất nhiều linh hồn đang sa xuống hỏa ngục, vì không có ai hy sinh đền tội và cầu nguyện cho họ”. Rồi từ Fatima, thông điệp của Đức Mẹ được truyền đi cho cả thế giới “Hãy siêng năng lần hạt; hãy cải thiện đời sống; hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ”:

Như vậy qua những lần Đức Mẹ hiện ra, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng Mẹ luôn kêu mời các thị nhân, những người được tuyển chọn giúp Mẹ loan truyền các sứ điệp khẩn thiết đến với mọi người, với các dân tộc. Các sứ điệp của Mẹ tựu trung lại nhằm giúp mọi người nhận biết rằng Mẹ vẫn đang hiện diện với nhân loại, với thế giới, Mẹ yêu thương và che chở đoàn con của Mẹ giữa những gian nan thử thách, chiến tranh, dịch bệnh, bắt bớ, hoạn nạn…. Trên hết, Mẹ lo lắng cho phần rỗi của mỗi người trong chúng ta, nhất là những kẻ có tội và các dân tộc đang lạc xa đường lối Thiên Chúa.

Phần chúng ta, hãy chạy đến với Mẹ, khẩn cầu Mẹ, phó thác cậy trông nơi Mẹ, dâng mình cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Để lời cầu nguyện của chúng ta đáng được Chúa thương chấp nhận, Mẹ cần chúng ta cộng tác với Mẹ, cụ thể bằng việc thực hành những lời nhắn nhủ của Mẹ ở Fatima, và giúp cho mọi người nghe biết đến sứ điệp của Mẹ và mau mắn thi hành. Hơn bao giờ hết, Mẹ Maria rất cần các tông đồ, cộng tác với Mẹ để cứu thế giới khỏi đắm chìm trong bóng tối tội lỗi, sự dữ; cạm bẫy, lạc thuyết làm lung lay đức tin nơi những người bé nhỏ của Mẹ. Đứng trước tình thế như vậy, chị em chúng ta, những người đã nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm làm Mẹ riêng mình, và đã tỏ mình ra là con thật của Mẹ …chúng ta cần phải sẵn sàng làm tông đồ cho Mẹ để cứu thế giới và nhân loại hôm nay, nhiệt tình cộng tác với Mẹ để loan truyền sứ điệp của Mẹ đến với mọi người.

Trở lại với Luật Dòng của chúng ta, trong đó ý tưởng làm tông đồ của Mẹ Vô Nhiễm cũng bàn bạc nơi các điều luật.... Trước hết, trong Nghị Định Thiết Lập Dòng (1931), chúng ta đọc thấy mục tiêu “để làm vinh danh Chúa hơn và làm gia tăng lòng tôn kính Đức Trinh Nữ Maria.” Ở đây ý tưởng “làm gia tăng lòng tôn kính Đức Trinh Nữ Maria” cũng là một cách thức làm tông đồ của Đức Mẹ. Tiếp đến, trong Luật sống có một điều luật với tiêu đề “Tông đồ của Mẹ Vô Nhiễm” (LS đ. 103), trong đó dạy rằng: “Là Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, chúng ta phải dùng chính đời sống và lời nói để rao giảng về Mẹ, làm cho mọi người hiểu biết, yêu mến và noi gương Mẹ Maria Vô Nhiễm.” Ý tưởng này cũng được Hiến luật hiện thời nhắc lại trong triệt 4 của số 70 dưới tiêu đề “Hướng tông đồ.”

Như thế, Luật dòng của chúng ta đã từng nói đến khía cạnh Tông đồ của Mẹ Vô Nhiễm, đó là “làm gia tăng lòng tôn kính Đức Trinh Nữ Maria” hoặc là “rao giảng về Mẹ, làm cho mọi người hiểu biết, yêu mến và noi gương Mẹ Maria Vô Nhiễm” bằng phương tiện là “chính đời sống và lời nói” của chúng ta. Vâng, nếu chúng ta sống hết tình con thảo với Mẹ Vô Nhiễm, năng suy gẫm, noi gương các nhân đức của Mẹ thì đời sống của chúng ta quả là một chứng tá để có thể rao truyền về Mẹ một cách thuyết phục. Tóm lại, một đời sống chứng tá song hành với lời nói rao truyền về Mẹ là tất cả những gì Luật dòng dạy chúng ta để làm tông đồ của Mẹ Vô Nhiễm.

Ngoài ra, Luật sống điều 93 với tiêu đề “Khí cụ tông đồ trong tay Mẹ” cũng gợi ý thêm vài cách thức có thể áp dụng vào việc làm tông đồ của Mẹ Vô Nhiễm. Đó là trở nên “khí cụ tông đồ trong tay Mẹ và tùy Mẹ sử dụng theo tinh thần của Mẹ.” Ở đây, Luật sống khai triển ba cách thức hiện diện như cốt lõi của việc tông đồ:

  • Tông đồ bằng sự hiện diện liên lỉ trước mặt Thiên Chúa với một tâm hồn yêu mến, đền tạ và chuyển cầu, một tâm hồn in dấu Thập Giá của Đức Kitô hy sinh vì phần rỗi thế gian.
  •  Tông đồ bằng sự hiện diện liên đới với Hội Thánh trong đời sống đức tin, và đời sống cầu nguyện, sẵn sàng cộng tác với các tông đồ thuộc hàng giáo phẩm và Giáo dân.
  • Tông đồ bằng sự hiện diện trong sáng giữa lòng đại chúng như những chứng nhân mang dấu ấn của sự thánh hiến tiếp nối tâm tình hiến dâng và vâng phục của Mẹ Maria, như những con người đon đả ra đi chia sẻ niềm vui Ơn Cứu Độ, sẵn sàng phục vụ tha nhân bằng hành động thiết thực và bằng lời rao giảng như âm vang trung thực của lời chỉ bảo duy nhất của Mẹ Maria: “Ngài bảo gì, hãy làm theo.”

Nếu các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm khắc cốt ghi tâm những điều luật này và chăm chỉ thực hành suốt 100 năm qua thì chúng ta cũng làm được rất nhiều tuyệt vời với tư cách là tông đồ của Mẹ Vô Nhiễm. Bước vào trăm năm thứ hai của Hội Dòng, chúng ta cũng hãy tiếp tục đào sâu những khoản Luật này. Đồng thời, chúng ta hãy sáng kiến thêm các cách thức hữu hiệu, sử dụng các phương tiện truyền thông của thời đại hôm nay để phát triển khía cạnh làm tông đồ của Mẹ Vô Nhiễm. Chúng ta cũng có thể viết hoặc dịch thuật các bài suy gẫm về Mẹ, chia sẻ các ân huệ thiêng liêng chúng ta nhận lãnh được nhờ lời chuyển cầu của Mẹ. Hãy tập cho mình một thói quen khi gặp gỡ ai, hãy trao tặng cho họ sách viết về Mẹ,  các ảnh tượng, tràng chuỗi, hay bất cứ cái gì liên quan đến Đức Mẹ …như là những vật trung gian nhờ đó họ nhớ đến Mẹ, cầu nguyện với Mẹ … tất nhiên là chúng ta cần dành một ít khoản tiền cho việc đó… Tuy nhiên, trên hết mọi phương thế vẫn là cái hồn tông đồ. Điều này chỉ có được khi chúng ta chăm chỉ lắng nghe, suy niệm các sứ điệp của Đức Mẹ để mỗi chúng ta có cùng một tâm hồn, một ước muốn, một thao thức như Đức Mẹ: khẩn thiết đem Tin Mừng Tình Yêu và Ơn Cứu Rỗi đến cho mọi người. Lúc đó, Mẹ sẽ dạy chúng ta phải làm gì cách cụ thể trong từng cảnh huống cuộc sống.

Nếu chúng ta sâu chuỗi lại tất cả những gì Luật dòng dạy, kết hợp với truyền thống của Hội Dòng suốt 100 năm qua, chiêm ngắm hình ảnh của Mẹ trong Tin Mừng, mở lòng ra với các giáo huấn của Giáo hội liên quan đến Đức Mẹ Maria, lắng nghe những gì Mẹ nhắn nhủ trong các lần hiện ra và nhìn vào gương các thánh nhân đã tự nguyện làm tông đồ của Mẹ Vô Nhiễm, chúng ta biết sẽ làm gì và làm như thế nào để rao truyền về Mẹ và làm gia tăng lòng tôn kính Đức Trinh Nữ Maria nơi các tín hữu.

(Còn tiếp)

Nt. M. Têrêsa Đoàn Thị Mỹ Châu, FMI