Hoán cải để tìm kiếm sự hiểu biết

Cái “ biết” ở đây là gì nếu không phải là sự hiểu biết về một vị Thiên Chúa tình yêu, cái “ biết” của một tâm hồn muốn trau dồi tri thức đề vươn tới Thiên Chúa để hiểu biết tha nhân và chính mình.


Thánh Aselmo đã nói: “Thần học là Đức Tin đi tìm kiếm sự hiểu biết”. Cái “ biết” ở đây là gì nếu không phải là sự hiểu biết về một vị Thiên Chúa tình yêu, cái “ biết” của một tâm hồn muốn trau dồi tri thức đề vươn tới Thiên Chúa để hiểu biết tha nhân và chính mình.

Nếu ai đó đã từng bước vào ngôi trường thần học Phaolô Nguyễn Văn Bình, từ trong trường đi ra sẽ dễ dàng nhìn thấy dòng chữ: Hiểu Biết - Yêu Thương - Phục Vụ. Đó là mục đích của việc đào tạo trong ngôi trường Thần học này. Sự hiểu biết ở đây, không chỉ là sự hiểu biết của tri thức dựa trên lý trí để tôi tiếp thu những tri thức cho chính mình. Mà còn là một sự hiểu biết Yêu Thương làm cho những tri thức tôi tiếp thu được thấm vào con tim để nhào nặn trong cầu nguyện, trong thâm sâu tình bạn với Thiên Chúa. Cùng những thao thức cho sứ mạng của Giáo hội qua Hội dòng, tri thức của tôi được chuyển hoá nơi đôi tay đầy nhân ái và trách nhiệm để tôi ra đi phục vụ anh chị em mình.

Tiến trình hiểu biết đi từ cái đầu đến con tim ra đôi tay là một tiến trình không dễ dàng và cũng không phải ai cũng làm được. Có những sự hiểu biết chỉ trên lý trí để làm giàu kiến thức cho riêng mình, có những sự hiểu biết để rồi kiêu ngạo, tự mãn để chỉ để khẳng định chính bản thân… Vì thế, những sự hiểu biết đó không truyền xuống được con tim và đến đôi tay. Bài học từ thần học gia siêu nghiệm Bernard Lonergan[1] cho tôi một sự hiểu biết thực sự là như thế nào. Con người là một hữu thể tự hướng đến siêu việt, và khát khao hướng đến cùng đích của mình là Thiên Chúa. Để làm được điều này đòi hỏi nơi con người một sự hiểu biết để hoán cải mỗi ngày để hướng đến cùng đích là Thiên Chúa.

Hoán cải tựa như một khởi điểm mới đưa dẫn đến một tiến trình tăng trưởng liên quan đến bốn chiều kích: Tâm tình - kinh nghiệm, lý trí - Hiểu biết, luân lý - Phán đoán và tôn giáo - Quyết định.

Cuộc sống chúng ta phức tạp và hoà lẫn với mọi khía cạnh: Đau khổ trước những thất bại nhưng lại vui tươi trước thành công hoàn thành nhiệm vụ; yếu đuối ngã sa nhưng cũng quyết tâm vươn lên, khắc khoải đi tìm ý nghĩa cho đời mình nhưng cũng có thể buông thả. Hoán cải có thể xảy ra bất kỳ lúc nào để ta đạt được một đời sống đích thực bằng cách tự hướng đến Siêu nghiệm.

Hoán cải tâm tình: Một tình cảm lành mạnh

Hoán cải tâm tình đó là một tiến trình qua đó, con người biết đặt tình thương trên tha nhân, cộng đồng và Thiên Chúa, để chữa lành những sai lệch tình cảm và biết đặt tình cảm đúng chỗ, điều này mang lại sự sung mãn cho đời sống mỗi người. Nhờ tình cảm chúng ta có thể đáp trả ngay trước những giá trị và phẩm chất của tha nhân hay sự việc, tuy lúc đầu có thể là không sâu sắc. Rõ ràng xúc cảm có thể giúp cho sự quyết định và hành động ví dụ như: Đấng Sáng lập Dòng đã quan tâm và xúc động trước những cảnh khốn cùng của trẻ em nghèo của Việt Nam lúc bấy giờ. Trong bối cảnh không được đến trường và bị bài xích tôn giáo. Nên ngài đã thành lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm để đáp ứng nhu cầu xã hội lúc bấy giờ.

Hoán cải tâm tình cho tôi học cách làm chủ cảm xúc trong một cung cách lành mạnh. Điều này đòi hỏi một cố gắng trường kỳ. Thật không đúng đắn để vững mạnh để ta bỏ qua tình cảm, Lonergan đã nói:

“Vì không quan tâm đến cảm xúc có  thể trở thành lạnh lùng, vô cảm, lãnh đạm, hay thiếu từ tâm, và khó mà đi vào mối tương quan sâu sắc của tha nhân, khó nắm bắt những khắc khoải có khi chỉ biểu hiện trong ánh mắt, trong một vài cử chỉ. Không có được sự hiểu biết đúng đắn về đời sống tình cảm, cá nhân con người dễ rơi vào trầm uất và những xung lực tiêu cực bất ngờ. Thật vậy, nếu ta không hiểu được cội nguồn của những khắc khoải, âu lo đe doạ đến đời sông nội tâm của ta, thì đời sống tôn giáo của ta sẽ dễ bị chao đảo”.[2]

Vì thế, ta cần biết phân định những tình cảm tích cực và tiêu cực. Đồng thời, cần có sự quan tâm đến những cảm xúc lành mạnh, mạnh bạo hay tế nhị nảy ra từ những tương quan của chúng ta, đến những xúc động mâu thuẫn gắn liền với những biểu tượng thật sự là trung tính có khi vô nghĩa, đến những xung lực thúc đẩy chúng ta hành động.

Biết chia sẻ cảm xúc, tình cảm cũng có thể là một cách để tìm được sự quân bình cho tình cảm chúng ta. Chính vì thế, tình bạn chân thật giúp chúng ta giải phóng nhiều tình cảm tiêu cực hay không lành mạnh. Sự nhẫn nại và cảm thông lắng nghe của họ khi ta chia sẻ, giúp ta tìm lại bình an. Hoán cải tâm tình là một tiến trình tự hướng đến siêu việt đem lại cho ta tình cảm quân bình, biết cảm thương, khoan dung và tha thứ.

Hoán cải tâm trí: Tìm kiếm sự khôn ngoan

Hoán cải tâm trí là một trợ thủ đắc lực trong tiến trình thành nhân. Người khôn ngoan là người biết hội nhập những chiều kích khác biệt của cuộc sống: Lý thuyết với thực hành, sự hoàn thành bản thân với mối quan tâm đến đời sống tốt đẹp của mọi người, tri thức với các nguyên lý cao diệu và chiều sâu con tim. Họ biết đi vào đối thoại với con người với mọi nền văn hoá, cởi mở và khoan dung, không tự cho mình độc quyền chân lý, biết chấp nhận sự giới hạn của minh kiến cá nhân, nhận ra rằng sự thông hiểu là một khả năng bao quát hơn là lý lẽ chỉ giới hạn vào phân tích logic, trong khi sự thông hiểu thì khảo sát, hiểu biết, và phán đoán mọi khía cạnh kinh nghiệm của ta. Vì thế, sự hiểu biết đích thực phải tìm kiếm sự khôn ngoan một cách khiêm tốn.

Hoán cải luân lý: Quy hướng về điều thiện

Đó là một tiến trình nhận ra rằng, một sự phát triển đích thực là một sự chọn lựa quyết tâm theo đuổi sự thiện và nhân đức cho dù phải đấu tranh với vui thú và sự thoả mãn. Hoán cải luân lý đòi hỏi thay đổi con tim để hướng đến hành động xây dựng phù hợp với lý tưởng của ta. Ta luôn cần phát triển sự hiểu biết về thực tại và khả năng của con người trong hoàn cảnh hiện sinh, biết phân định giữa những yếu tố phát triển và tụt hậu, nhìn rõ những động cơ thúc đẩy chúng ta hành động và đáp trả trước những đòi hỏi của các giá trị. Biết rút kinh nghiệm từ những hành động tốt lành của tha nhân, biết lắng nghe những phê bình và phản đối. Sẵn sàng học hỏi từ tha nhân, từ những minh kiến, kinh nghiệm của người khác.

Hoán cải tôn giáo

Điều này mời gọi chúng ta nhận thức rằng tự hướng tới siêu việt của chúng ta thúc bách chúng ta tìm kiếm ý nghĩa cùng đích của cuộc sống, xác tín rằng tình yêu sẽ chiến thắng cho dù phải sống trong điều kiện mâu thuẫn và sự ác bao trùm ta. Đó là một cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa nó là một trạng thái, một ý thức hiện sinh tiềm ẩn, một sự đón nhận đi vào con đường linh thánh, một lời mời gọi đến càng lúc càng sống giản đơn hơn, thụ động hơn trong cầu nguyện, một sự hiệp thông ngày càng cao, sâu, thân mật với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Sự hoàn thành không là sản phẩm của kiến thức và sự chọn lựa của chúng ta. Trái lại, nó tháo gỡ sự hiểu biết và chọn lựa tiến bước và thiết lập một chân trời mới và trong đó, tình yêu của Thiên Chúa sẽ siêu việt hoá chúng ta và con mắt yêu thương sẽ biến đổi nhận thức của chúng ta. Hoán cải tôn giáo là một sự hoán cải của Tin Mừng, đưa chúng ta trở thành con người ở trong tình yêu và đầu hàng vô điều kiện trước tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.”[3]

Bốn tiến trình hoán cải của nhà thần học Lonergan cho tôi cũng những bài học trong đời sống thánh hiến, đời sống cộng đoàn và sứ vụ. Tôi học được cách nhìn nhận cảm xúc của người khác và chính mình cách chân thật. Từ đó, tôi có thể xây dựng những mối tương quan lành mạnh và giữ được tình cảm quân bình. Cư xử với người khác cách tế nhị và cảm thông hơn, để hiểu và yêu thương, đón nhận anh chị em như họ là.

Nhìn mọi sự dưới cái nhìn yêu thương sẽ giúp tôi sống sự “tương tại” trong cộng đoàn. Sự tương tại này không chỉ cho tôi biết “sống gần nhau” trong cộng đoàn nhưng là “sống với nhau”. Ý thức ta thuộc về nhau chứ không chỉ lướt qua đời nhau như một khách lạ. Sự cởi mở trong các mối tương quan cho phép người khác đi vào trong thế giới của trái tim mình để sống chiều kích tương tại là điều cần thiết. Nó giúp cho tôi biết nhận và cho một cách quảng đại.

Ước mong những kiến thức thần học tôi lãnh nhận được không chỉ là một mớ kiến thức làm cho tôi có một cái đầu duy lý nhưng là một sự mở ra với tri thức để vươn tới Thiên Chúa, chính mình, tha nhân và tạo thành. Nhận ra sự giới hạn của bản thân, cùng với cái “biết” thật sự để sống yêu thương và phục vụ.

Xin cho con biết trân trọng những khoảnh khắc hồng ân trong cuộc sống, biết làm giàu những kiến thức của mình qua sứ mạng hiện tại để nhận ra Thánh ý Chúa trong cuộc đời con.

* Note: Suy tư dựa trên bài học Nhân học Thần học.

M. Catarina Nguyễn Thị Tâm (Khấn tạm), FMI


[1] Bernard Joseph Francis Lonergan  (17 /12 /1904 – 26/ 11/ 1984) là một linh mục, triết gia và nhà thần học Dòng Tên người Canada , được nhiều người coi là một trong những nhà tư tưởng quan trọng nhất của thế kỷ 20. 

[2] Nguyễn Hữu Quang, FSC, “Nhân học Thần học: Con Người Trong Dòng Mạc Khải”. NXb Tôn Giáo. P.230

[3] Ibid, p.238