Suy tư thần học

Chúa Kitô, Adam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình.


Đề tài: Vat. II: Mầu nhiệm con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thật vậy, Adam, con nguời đầu tiên chính là hình ảnh của Đấng sẽ đến là Chúa Kitô. Chúa Kitô, Adam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình. Bởi thế, không lạ gì khi những chân lý đã nói ở trên đều tìm thấy nguồn gốc và đạt tới đỉnh điểm  nơi Chúa Kitô. (Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng 22).

Tìm hiểu, phân tích và áp dụng giáo huấn này của Vatican II vào công tác giảng dạy Giáo lý và Đào tạo đức tin cho người Kitô hữu.

  1. DẪN NHẬP

Con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều lãnh vực và cũng là đề tài suy tư cho nhiều nhà tư tưởng. Nhân loại vẫn luôn tự hỏi về chính mình: “Con người là ai? Cuộc sống này có ý nghĩa gì?”. Đó chính là khởi đầu của suy tư triết học. Tuy nhiên, mọi truy vấn triết lý không dừng lại ở bề mặt sự kiện nhưng tìm đến những tầng sâu ý nghĩa để trả lời cho câu hỏi: “Hiện hữu người có ý nghĩa gì?”. Không thiếu những hệ thống triết lý xếp hạng và đánh giá con người. Có những đường lối tiếp cận hữu thể người dưới góc nhìn của một đối tượng được xếp đặt trong phạm trù. Có những hệ tư tưởng giản lược hiện hữu con người thành các hoạt động, hiệu năng công việc, thành phần lịch sử… Cũng có những phương pháp triết lý mới với cái nhìn thận trọng và khách quan hơn, nhưng cuối cùng vẫn xem hiện hữu con người như một hiện tượng phải ‘giảm trừ’ để chỉ còn biết đến các khía cạnh được bộc lộ từ hiện hữu ấy trong động tác miêu tả. “Con người đã và còn đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái ngược nhau, theo đó, thường khi, hoặc con người tự tôn vinh mình như một chuẩn mực tuyệt đối hoặc tự khinh bỉ đến độ tuyệt vọng, từ đó dẫn đến hoài nghi và lo lắng. Thông cảm sâu xa với những khó khăn này, Giáo Hội, vì nhận được mạc khải từ Thiên Chúa, có thể đem lại lời giải đáp cho thấy rõ thân phận đích thực của con người, giải bày những yếu hèn, đồng thời giúp nhận thức cách xác đáng phẩm giá và ơn gọi của con người”1. Hiến chế Gaudium et Spes số 22 cho chúng ta một xác quyết về con người như sau: "Mầu nhiệm con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thật vậy, Adam, con người đầu tiên chính là hình ảnh của Đấng sẽ đến là Chúa Kitô. Chúa Kitô, Adam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình. Bởi thế, không lạ gì khi những chân lý đã nói ở trên đều tìm thấy nguồn gốc và đạt tới đỉnh điểm  nơi Chúa Kitô"2.

Nhờ mạc khải, chúng ta có được câu định nghĩa xác đáng về con người, biết được nguồn gốc của con người: Con người được Thiên Chúa dựng nên giống và theo hình ảnh của Thiên Chúa (xc. St 1,27), và vì thế con người “có khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa”3. Con người là “thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ”4. Con người được đặt làm trung tâm của công trình tạo dựng của Thiên Chúa5. Dưới ánh sáng của mạc khải, Giáo Hội được Thiên Chúa dạy dỗ để giúp con người biết về những giới hạn, những yếu đuối, phẩm giá và thiên chức đích thực của họ6.

Phần nội dung trình bày dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu, phân tích và áp dụng giáo huấn này của Vatican II vào công tác giảng dạy Giáo lý và Đào tạo đức tin cho người Kitô hữu hiểu về mầu nhiệm con người và giúp họ sống xứng với ơn gọi làm người.

  1. NỘI DUNG

  1. Con người là gì?
  1. Con người theo nhãn quan của khoa học

Chủ thuyết thuần khoa học coi con người là kết quả sau cùng của chu trình tiến hóa vật chất trong vũ trụ. Con người là một dạng sinh vật sống trên Trái Đất với các tiến hóa cao nhất của động vật sống, có tri thức, ý thức. Ở đỉnh cao này xuất hiện trí thông minh, tư duy, tình cảm và chất AND riêng biệt ở con người là kết quả tất nhiên của quá trình biến thái hóa học. Các nhận thức và hành động tác động lên nhau để hình thành với những nhu cầu, đáp ứng cho nhu cầu của con người. Con người phải hình thành cuộc sống có tổ chức, thống nhất. Cho nên tạo ra pháp luật là công cụ để quản lý, điều chỉnh quan hệ của chính con người trong xã hội. Mang đến các quyền lợi, nghĩa vụ thực hiện ở từng hoàn cảnh cụ thể. Càng tạo nên sức mạnh với chế tài xử phạt thích đáng cho các hành vi đáng lên án trong xã hội. Trật tự đó được thiết lập trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, các tổ chức quốc tế cũng như với khu vực chung trong hợp tác và phát triển.

  1. Con người theo nhãn quan của triết học

Theo quan niệm của triết học Mác – Lênin thì con người hiện thực là sự thống nhất giữa yếu tố sinh học và yếu tố xã hội, được sinh ra với sự độc lập mang tính cá thể, với các quan hệ huyết thống và các đặc điểm kèm theo. Bên cạnh yếu tố xã hội ràng buộc, tạo thành các mối quan hệ khác nhau, trong xây dựng quan hệ trong lao động sản xuất, trong hợp tác làm ăn, trong sinh hoạt hàng ngày, điều đó mang đến đặc trưng thể hiện. Sự thống nhất của yếu tố sinh học và xã hội mới làm nên con người. Trong quá trình phát triển, nhận thức, tác động ngược trở lại thế giới. Để tìm kiếm, khai thác các lợi ích trong nhu cầu ngày càng cao. Gắn với ứng dụng các sự vật trong tự nhiên để tạo ra các giá trị mới cao hơn, chất lượng và phục vụ đảm bảo các nhu cầu hơn7.

Platon thì cho rằng con người có xác và hồn: hồn bất tử, còn xác sẽ chết và tiêu tan; hồn làm cho xác sống động, nhưng xác thịt bị coi như ngục tù và là mồ chôn của hồn.

  1. Con người theo nhãn quan Kitô giáo

Khác với hai chủ thuyết trên, Kinh Thánh nhìn con người là thân xác có tinh thần cư ngụ. Hai yếu tố Thân Xác và Tinh Thần không tách rời nhau và làm nên con người. Hơn thiên thần, hơn vạn vật, con người có xác - hồn và là đỉnh cao của mọi tạo vật do Thiên Chúa dựng nên. Con người là một trong ba loài thụ tạo được Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo: Thiên Thần chỉ có tinh thần không có thân xác vật chất, các thụ tạo khác chỉ có vật chất không có tinh thần, nhưng con người vừa có tinh thần vừa có thân xác vật chất. Con người là một chủ vị duy nhất gồm có thể xác và linh hồn, tổng hợp nơi bản thân các yếu tố thuộc thế giới vật chất để từ đó, chính con người làm cho những yếu tố ấy đạt tới đỉnh cao và trở nên lời ca tụng không ngừng dâng lên Đấng Tạo Hóa8. Như thế, con người mang tinh thần của Thiên Thần và vật chất của các sinh vật thuần “vật chất”, để rồi khi chết, xác thân con người sẽ tan biến vì là vật chất, còn tinh thần con người sẽ sống mãi vì tinh thần thiêng liêng, bất tử9. Con người đã được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa” có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng tạo dựng mình, được Ngài đặt làm chủ mọi thụ tạo trên trái đất để quản trị và sự dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa”10.

  1.  Phẩm giá con người

“Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm”. Đó là một tuyên ngôn đầy xác tín và niềm tin của dân tộc Đức được ghi trong Hiến Pháp của nước Cộng Hòa Liên Bang Đức năm 1949.  Điều này có nghĩa: hễ là người, bất cứ ai, bất cứ ở đâu, dưới bất cứ ý thức hệ nào, không phân biệt da màu, phái tính, giàu có hay bần cùng, học thức hay dốt nát, theo tôn giáo này hay theo tôn giáo khác, ý thức chính trị này hay ý thức chính trị khác, hễ là người thì đều có nhân phẩm bất khả xâm phạm. Trong triết học của Immanuel Kant, nhân phẩm con người được đề cao. Theo ông, phẩm giá con người là tiền đề cho bất cứ điều gì có giá trị. Về lôgíc, sự sống và phẩm giá con người là có giá trị. “Phẩm giá chẳng phải là một giá trị trong số những giá trị khác, mà đúng ra nó là “nguồn” giá trị”11. Đã là con người, ai cũng có một phẩm giá bất khả xâm phạm và trọn vẹn dù họ là tội nhân, là bệnh nhân, phế nhân hay già nua12. Đối với Kitô giáo, phẩm giá con người là phẩm giá hữu thể, được Thiên Chúa ban tặng cho mỗi con người từ lúc thụ thai, được nhận biết bởi lý trí và nhờ mạc khải. Phẩm giá ấy cao trọng, thánh thiêng và quý giá vô tận vì con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài”13. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa; Con Thiên Chúa đã trở thành người thật và đã tôn trọng thân phận con người của chúng ta; bằng cuộc vượt qua, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, mỗi người đã được cứu chuộc, điều mở ra con đường “thần hóa”. Theo Giáo Hội, nhân vị “được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa”, mang một phẩm giá bất khả chuyển nhượng, vốn được ban cho nó bởi một Đấng Khác, và phẩm giá ấy không do sự thành công hay khả năng của con người, mà do tình yêu nhân vị hóa của Thiên Chúa. Từ đó, nảy sinh tính bình đẳng căn bản của mọi hữu thể nhân linh (x.GLHTCG số 355). Mỗi cá nhân con người, bởi vì được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên có phẩm giá của một ngôi vị: không chỉ là một sự vật nào đó, nhưng là một ai đó. Con người có khả năng nhận thức về bản thân mình, làm chủ mình, tự hiến mình cách tự do và đi vào sự hiệp thông với những ngôi vị khác; nhờ ân sủng, mỗi nguời được kêu gọi vào Giao ước với Đấng Tạo Hóa của mình, để dâng lên Ngài một lời đáp lại của đức tin và tình yêu, mà không ai khác có thể thay thế chỗ của mình được (GLHTCG số 357).

Tuy nhiên, như đã nói ở phần dẫn nhập, một trong số những cái nhìn ‘giảm trừ’ về con người đó là cái nhìn méo mó, phớt lờ đi phẩm giá và đặc tính tương quan của con người. Đôi khi chúng ta nhìn tha nhân giống như một đồ vật để sử dụng hoặc bị vứt bỏ. Nhưng thực tế, chính cách nhìn này khiến ta ra mù lòa và tạo nên một thứ văn hóa bài trừ mang tính cá nhân và gây hấn, biến con người thành một thứ hàng hóa tiêu dùng14. Nhiều người không được tôn trọng đúng với phẩm giá của mình, bị loại trừ, hắt hủi và ngay cả bị giết chết bởi cái nhìn thiển cận, thiếu tôn trọng hoặc có khi là thiếu hiểu biết.

  1. Mầu nhiệm con người được sáng tỏ trong mầu nhiệm Nhập Thể.

  1. Đức Kitô con người hoàn hảo.

Thánh Phaolô cho chúng ta biết có hai người là nguồn gốc của nhân loại, là ông Ađam và Đức Kitô: “Ađam đầu tiên được tạo dựng là một người lãnh nhận sự sống. Còn Ađam cuối cùng là Đấng thiêng liêng ban sự sống. Người đầu tiên được tạo dựng bởi Đấng cuối cùng, do Đấng này, người đầu tiên lãnh nhận linh hồn để được sống…Khi tạo dựng Ađam đầu tiên, Ađam cuối cùng đã khắc ghi hình ảnh mình trong đó. Từ đó Ađam cuối cùng đã nhận lấy vai trò và tên gọi của Ađam đầu tiên, để không bỏ mất những gì đã được tạo dựng theo hình ảnh của mình.[ ] Ađam đầu tiên có khởi đầu, Ađam cuối cùng không có kết thúc, bởi vì Đấng cuối cùng này mới thật sự là Đấng đầu tiên, như chính Người đã nói: ‘Ta là Đầu và là Cuối’.”(GLHTCG số 359).

Ông Ađam được quy chiếu về Đức Kitô, chứ không phải Đức Kitô được quy chiếu về ông Ađam. Như vậy, không phải ông Ađam giải thích Đức Kitô, nhưng Đức Kitô giải thích ông Ađam. Chân lý về con người được tìm thấy nơi bản thân của đức Giêsu: chính Người “giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình”. Chỉ nơi Đức Kitô, con người hiểu biết căn tính của mình cách tường tận15. Vì thế để có thể hiểu biết con người thì phải quay về với Đức Kitô, chứ không thể nào chỉ dừng lại ở định nghĩa triết học về bản tính con người. “Đức Kitô là con người hoàn hảo” không những theo nghĩa luân lý (không có tội lỗi và nết xấu), nhưng còn theo nghĩa là con người thành tựu: nhân loại đạt tới sự viên mãn nơi Đức Kitô. Nơi Người “bản tính con người đã được tiếp nhận chứ không bị tiêu huỷ”: nhân tính không bị lu mờ hoặc tiêu diệt bởi sự kết hiệp với thiên tính, nhưng được nâng lên, thành tựu mỹ mãn. Sự gần gũi Thiên Chúa không làm cho thụ tạo bị suy giảm hoặc tiêu tan, trái lại còn kiện toàn sung mãn đến nỗi có thể nói được rằng nơi Đức Kitô “con người trở nên người hơn”, và: “ai càng theo Đức Kitô, con người hoàn hảo, thì càng nên người hơn nữa” (GS 41).

  1. Con người trong ánh sáng của mầu nhiệm Nhập Thể.

Sự phân tích triết học vẫn chưa hoàn toàn đạt đến nhân vị trọn vẹn của con người trong thân phận cụ thể của nó, bởi lẽ con người được kêu gọi để hiện hữu không như bất kỳ một loài thụ tạo nào, nghĩa là con người được đặt vào nguồn ân sủng trong chính trật tự tự nhiên mà nó đang mang vác, và trong tác động biện chứng đó, nhân vị con người đạt đến độ sung mãn trong nguồn nhân vị sung mãn là chính Đức Kitô.“Mầu nhiệm con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể” đó là điều mà Công đồng Vaticanô II đã khẳng định qua Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes). Điều này có nghĩa là duy chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể mà mầu nhiệm về con người mới thật sự được sáng tỏ. Hiến chế viết: “Khi mặc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình yêu của Ngài, Đức Kitô cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình”16. Ta nhận thấy có sự liên kết giữa mầu nhiệm Thiên Chúa với mầu nhiệm con người.

Khi mặc khải Thiên Chúa và tình yêu của Ngài như là Cha, đức Kitô cũng mặc khải bản thân như là Con, và tỏ cho con người biết ơn gọi của mình là trở nên con cái của Chúa. Điểm tựa trung gian của việc tạo dựng là Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể: “Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành… Người ở giữa thế gian, và thế gian nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người”17. Là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15)18, chính Chúa Kitô là con người hoàn hảo đã tái tạo nơi con cháu của Ađam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Vì trong Người, bản tính nhân loại đã được tiếp nhận chứ không bị tiêu diệt19, nên trong chúng ta, bản tính ấy cũng được nâng cao, đạt tới một phẩm giá siêu việt. Nơi con người, hồn xác quan trọng như nhau và có quyền được kính trọng, chăm sóc, vì cả hai cùng làm nên con người và được mời gọi tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa20. "Mầu nhiệm Nhập Thể mặc cho thân xác con người một phẩm giá đặc biệt, vì Con Thiên Chúa đã tiếp nhận thân xác đó cho vĩnh cửu. Là đối tượng của lời hứa sẽ được biến hình trong sự sống lại và là Đền Thờ của Chúa Thành Thần, thân xác con người không thể bị đối xử như một vật dành cho thí nghiệm hay trị liệu"21.

Việc khám phá ra phẩm giá con người nhờ mạc khải, giúp con người tìm thấy thái độ xử sự đúng đắn với thân xác và đánh giá đúng đắn những biểu lộ của thân xác. Hạ thấp giá trị của thân xác, khinh thường thân xác hay quá sợ hãi thân xác của mình là đi ngược lại với niềm tin vào Mầu Nhiệm Nhập Thể22.

  1. Áp dụng giáo huấn của Công Đồng vào công tác giảng dạy Giáo lý và Đào tạo đức tin cho người Kitô hữu.

  1. Giáo dục tôn trọng sự sống và phẩm giá con người.

Nhân loại hiện nay đang sống trong một giai đoạn lịch sử, trong đó những đổi thay sâu xa và mau chóng đang dần dần lan rộng khắp toàn thế giới. Những thay đổi được tạo thành do sự thông minh và hoạt động sáng tạo của con người đang trở lại ảnh hưởng trên chính con người, trên những phán đoán và ước vọng cá nhân hay tập thể nhân loại, trên cách suy tư và hành động đối với vạn vật cũng như đối với con người”(GS 4). Thế giới hiện đại đã và đang bị cuốn vào guồng máy của sự phát triển, kéo theo nhiều nhu cầu và những ý thức hệ đi ngược lại với các giá trị văn hóa cũng như giá trị sự sống mà mỗi người từ lúc tượng thai đã được Thiên Chúa phú bẩm và trao cho một sứ mạng khi được sinh ra trên cõi đời. Tình trạng phá thai, nghiện ngập, buôn bán người, xem con người như một thứ hàng hóa để thương mại; tình trạng phân biệt đối xử, xa lánh hoặc loại trừ, xem như không tồn tại đối với những người nghèo khổ, những người sống dưới đáy xã hội; tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường hay tình trạng xem thường sự sống khi con người khi dễ dàng để tự tử, phá thai hay kết thúc cuộc đời bằng những quyết định nhất thời cảm xúc đã và đang ngày một trở nên điều quen thuộc trong cuộc sống xã hội của con người thời nay. Sự sống cũng như phẩm giá của con người ngày càng trở nên tầm thường, rẻ rúng, có thể “nắm trong tay”, tùy thuộc vào những điều mà nó đóng góp cho xã hội qua sự gia tăng sản xuất và những tiện ích, có khi được sử dụng theo ý muốn của cá nhân chủ nghĩa. Trước thực trạng đáng lo âu như thế, việc giáo dục sự hiểu biết đầy đủ về con người, tôn trọng sự sống và phẩm giá con người là một điều rất cần thiết và quan trọng cho thế hệ hôm nay, đặc biệt đối với những người Kitô hữu đang phải đối diện với thực tế đời sống hiện đại với niềm tin của mình.

Trong Thông điệp Tin Mừng về sự sống Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã long trọng tuyên bố: Không thể nào có thể thực hiện công ích mà không nhìn nhận và bảo vệ quyền sống, trên đó được thiết lập và phát triển mọi quyền bất khả nhượng khác của con người. Và một xã hội không thể có nền tảng vững chắc, nếu như, khi khẳng định các giá trị như phẩm giá con người, công lý và hoà bình, xã hội ấy lại tự mâu thuẫn triệt để bằng cách chấp thuận hay miễn trách những hình thức khác nhau của việc khinh dễ hay xâm phạm chính sự sống con người, nhất là khi sự sống ấy thật non yếu hay bị gạt ra bên lề. Chỉ có lòng tôn trọng sự sống mới có thể thiết lập và bảo đảm những thiện hảo quý báu nhất, và cần thiết nhất của xã hội, như nền dân chủ và hoà bình23. Lời Chúa cũng không ngừng nhắc nhở: "Ngươi không được giết người" (Xh 20,13). "Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: chớ giết người. Ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo anh em biết, ai giận anh em mình thì phải bị đưa ra tòa" (Mt 5, 21-22). "Ai yêu người thì đã chu toàn lề luật" (Rm 13,8). Sự sống thánh thiêng của con người là do Thiên Chúa ban tặng và phải được nuôi dưỡng, bảo vệ. Sự sống con người có tính thánh thiêng; là tặng vật của Thiên Chúa; chúng ta là người quản lý sự sống chứ không phải là chủ của sự sống. Hủy hoại mạng sống không phải là quyền của con người mà là đặc quyền của Thiên Chúa24. Chúng ta không được phép chấm dứt sự sống một cách tùy tiện. Mạng sống con người là một “tài sản tín thác” chứ không phải là “tài sản sở hữu” thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của ta25. Con người không được khinh miệt sự sống thể xác, nhưng trái lại, con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Thiên Chúa tạo dựng và sẽ được sống lại trong ngày sau hết26. Trong khi dạy giáo lý và đào tạo đức tin cho người Kitô hữu, chúng ta giúp cho họ nhận ra giá trị sự sống, phẩm tính cao quý của mình trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Giúp họ hiểu rằng “Con người phải được đối xử như một nhân vị kể từ khi thụ tinh, và vì vậy cũng từ lúc đó nhân quyền của nó phải được thừa nhận, trước hết là quyền sống bất khả xâm phạm của một con người vô tội”27. Từ khi bắt đầu hình thành trong lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt từ giã cõi đời này chúng ta cần phải tôn trọng sự sống và có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ sự sống con người. Giá trị con người là bất khả nhượng28. “Mỗi một can thiệp trên thân xác con người là đụng chạm đến trọn vẹn con người trong tư cách là một nhân vị. Ngay cả xét về thể xác, giữa con người và con vật cũng đã có một khoảng cách không thể giản lược và săn bằng được: vì đó là thân xác của một nhân vị, một sinh vật có lý trí và ý chí. Chính vì thế, không ai có quyền dùng thân xác người làm đối tượng nghiên cứu khoa học hay tiêu hủy theo ý muốn”29.

  1. Hiểu biết, yêu mến và phục vụ con người.

Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến anh em (1Ga 4, 20).

Người sống theo Giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo hẳn phải là người luôn tôn trọng, bảo vệ và làm thăng tiến phẩm giá con người, họ không bao giờ tiếp tay hay ủng hộ những hành vi giết người, diệt chủng, phá thai, hành hạ, buôn bán hoặc lạm dụng người khác; không bao giờ có những hành vi xúc phạm đến nhân phẩm người khác (x. GS 27), nhưng luôn ra sức bảo vệ và làm thăng tiến phẩm giá dưới nhiều hình thức khác nhau như sống bác ái, yêu thương, chia sẻ, cảm thông, sống công bằng30. Phẩm giá con người thể hiện qua thái độ và hành vi ứng xử của cá nhân trong các mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, mang giá trị về mặt văn hoá đạo đức trong lối sống của mỗi người. Để bảo vệ, nâng cao và sống đúng phẩm giá con người, người Kitô hữu được mời gọi, trước tiên, luôn ý thức mình, và người khác đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Là người Kitô hữu, luôn ý thức mình là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Như vậy, mỗi người phải luôn rèn luyện, học hỏi, trau rồi kiến thức về phẩm giá, về con người, về ước mơ của Thiên Chúa cho con người, để sống hoàn thiện hơn mỗi ngày, sống đúng với phẩm giá của mình. Cách cụ thể trong xã hội hôm nay, phải cùng nhau bảo vệ sự sống, bảo vệ quyền tự do và quyền được giáo dục.

Mỗi Kitô hữu phải luôn tự ý thức, đồng thời giáo dục con cái mình ý thức cách rõ ràng: “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý.” (GLHTCG số 2271). Mỗi người có trách nhiệm nói lên tiếng nói chống lại tình trạng bạo lực, phá thai bằng mọi cách có thể, chỉ cho xã hội và mọi người biết phá thai là một tội ác giết người, hơn nữa là giết chính con cái của mình.

Không chỉ riêng sự sống, Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã khẳng định, “tự do là khả năng, bắt nguồn từ lý trí và ý chí, có thể hành động hay không hành động, có thể làm việc này hoặc việc khác, và như vậy, tự mình làm những hành động có ý thức. Nhờ có ý chí tự do, mỗi người tự quyết định về chính bản thân mình.” (số 1731). Mỗi người sinh ra, tự bản chất đều có quyền tự do để chọn lựa và hành động theo ý mình. Đồng thời, vì có tự do, con người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Thế nên, nếu con người lạm dụng tự do, hoặc dùng tự do để chọn lựa làm những điều sai trái, để chạy theo những thôi thúc bản năng mù quáng, hoặc là để áp lực bên ngoài chi phối, thì chính con người sẽ đánh mất tự do và trở nên nô lệ cho bản năng hoặc cho những thế lực bên ngoài. Sự tự do đích thực chỉ có khi con người hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa. “Con người chắc chắn có tự do bao lâu con người hiểu biết và chấp nhận giới răn của Chúa.” (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 136).

Không những thế, mỗi người còn phải có quyền được giáo dục là phương tiện quan trọng nhất mà nhờ đó, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội có thể tự mình thoát ra khỏi tình trạng nghèo đói và tham gia đầy đủ vào cộng đồng. Đối với xã hội, quyền được giáo dục là nền tảng cho sự phát triển của kinh tế – xã hội và nhân loại, đồng thời là yếu tố then chốt để đạt được hòa bình lâu dài và phát triển bền vững. Giáo dục trước tiên từ trong gia đình, nên mọi bậc cha mẹ, nhất là các Kitô hữu phải ý thức và có trách nhiệm lo cho con cái được giáo dục toàn diện với tất cả tình yêu thương. Giáo dục Đức Tin và những nếp sống nhân bản cho con cái vươn tới sự trưởng thành toàn diện. Giáo Hội, cụ thể là các giáo xứ, cũng cần chú tâm tới hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục Đức Tin và nhân bản cho mọi thành phần trong giáo xứ, đặc biệt là trẻ em và vị thành niêm. Người Kitô hữu cũng tích cực tham gia vào công tác giáo dục xã hội và góp phần thúc đẩy xã hội có trách nhiệm lo cho mọi người được hưởng nền giáo dục chân chính đích thực, góp phần giúp mỗi người sống trọn vẹn phẩm giá con người của mình.

  1. Kết luận

Để tóm kết, tôi mượn lời của Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc để khẳng định: “Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và đều được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt nào. Liên quan đến điều này, luật pháp nghiêm cấm bất kỳ sự phân biệt đối xử nào và bảo vệ tất cả mọi người một cách bình đẳng, hữu hiệu chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên bất kỳ cơ sở nào như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay các địa vị khác.”31. Dù giàu hay nghèo, sang hay hèn, hay có sống tận dưới đáy xã hội đi chăng nữa, một con người luôn luôn phải được tôn trọng và có đầy đủ quyền lợi xứng với phẩm giá của mình, không ai có quyền lấy đi hay xóa bỏ nó, bởi họ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Là người Kitô hữu, khi đã nhận ra giá trị sự sống và phẩm giá của con người, chúng ta cần phải hành động để thể hiện sự yêu mến, tôn trọng con người bằng những việc làm cụ thể. Chúng ta cần góp phần xây dựng một xã hội theo nếp sống luân lý Kitô giáo, xây dựng nền văn hoá của tình yêu và sự sống, để đẩy lùi lối sống vô luân và buông thả theo tính xác thịt.

Têrêsa Nguyễn Khuyên (Học viện Huế), FMI

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. x. GS 22.
  2. x. SGL 356; GS 12,3.
  3. x. GS 24,3; SGL 356.
  4. x. GS 12,1.
  5. x. GS 12,2.
  6. https://luatduonggia.vn/con-nguoi-la-gi-mot-so-quan-diem-triet-hoc-ve-con-nguoi/.
  7. x. GS 14,1.
  8. Jorathe Nắng Tím, Tôi Tin, Nxb Tôn Giáo, Tr.179.
  9. x. GS 12,3.
  10. Trần Mạnh Hùng, STD. Sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội. Nxb TG. 2020, tr.77.
  11. Nguyễn Thành Sang, Luân Lý Căn Bản, lưu hành nội bộ, 2020, tr. 33.
  12. x. St 1,27.
  13. https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-08/dtc-phanxico-pham-gia-con-nguoi-bat-kha-xam-pham.html
  14. https://www.dcvphanxicoxavie.com/vn/Than-Hoc/Nhan-Luan-Trong-Hien-Che-Gaudium-Et-Spes.html
  15. GS 22,1.
  16. x. Ga 1,3.10.

18. 2 Cr 4,4.

19. x. CĐ CONSTANTINÔPÔLI II, điều 7: “Ngôi Lời không bị biến đổi trong bản tính xác thể, xác thể cũng không chuyển vào bản tính của Ngôi Lời”: DS 219 (428); Xem thêm CĐ CONSTANTINÔPÔLI III: “Cũng thế, thể xác cực thánh, không tì vết và sống động của Người đã được thần hóa chứ không bị tan biến, nhưng vẫn giữ nguyên bản chất và cách thế hiện hữu”: DS 291 (556); x. CĐ CALCÊĐÔNIA: “Phải nhận biết hai bản tính không pha trộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt”: DS 148 (302).

  1. Jorathe Nắng Tím, Tôi Tin, Nxb Tôn Giáo, Tr.173.
  2. Lm Antôn Nguyễn Văn Tuyến, Thần Học Luân Lý Căn Bản, Tr.140.
  3. Lm Antôn Nguyễn Văn Tuyến, Thần Học Luân Lý Căn Bản, Tr.141.
  4. Gioan Phaolô II. Thông điệp Tin Mừng và sự sống, số 101.
  5.  x. Jonathan Glover, The Sanctity of Life (Định nghĩa về sự thiêng liêng của cuộc sống con người), Tr.193.
  6. Lm Trần Mạnh Hùng, STD, sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội, Tr.52.
  7. x. GS 14.
  8. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae về việc tôn trọng sự sống con người từ lúc khởi điểm và phẩm giá của việc sinh sản (22.02.1987).
  9. Lm Trần Mạnh Hùng, STD, sự sống và quyền bất khả xâm phạm: Nền tảng luân lý cho xã hội, Tr.52.
  10. Lm Antôn Nguyễn Văn Tuyến, Thần Học Luân Lý Căn Bản, Tr.133.
  11. x. GLHTCG số 2213;2235.
  12. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 của Liên Hợp Quốc, Tr 184.