Chất người trong Đức Kitô

Một Thiên Chúa “rất người”, rất gần gũi như vậy, Ngài hiện diện giữa con người chúng ta trong yếu đuối và trần trụi.


Từ sự hư vô trống rỗng, Thiên Chúa đã dùng ánh sáng thượng trí và một tình yêu uyên nguyên để tạo dựng con người như là loài thụ tạo cuối cùng và hoàn hảo nhất trong chương trình sáng tạo của Ngài (x. St 1, 24-31). Thế nhưng con người đã xa lìa ánh sáng chân lý để bước vào bóng đêm của sự chết. Cánh cửa thiên đàng không vì thế mà khép lại vĩnh viễn nhưng Thiên Chúa luôn sáng kiến để “viếng thăm” và cứu chuộc con người. Sáng kiến ấy diễn ra suốt dòng lịch sử và hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô. Trong Người, con người “được ở lại trong Thiên Chúa, được Thiên Chúa hóa”[1] để mặc lấy ơn cứu độ. Kể từ đây, "Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người" (Thánh Irenee).

Qua mầu nhiệm Nhập thể, Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cự ngụ giữa chúng ta. Ngài bước vào lịch sử của nhân loại với nhịp sống như bao con người. Việc sinh hạ Đức Giêsu trong thành vua Đavit nằm trong khung của lịch sử thế giới vĩ đại: năm thứ mười lăm triều đại của hoàng để Tiberius, thêm vào đó là vị tổng trấn La Mã và tiểu vương Galile, Iturea và Trachonitis, cũng như Abilene và vị thượng tế (x. Lc 3, 1-2)[2]. Người cũng được nuôi dưỡng và lớn lên trong mái ấm tình gia đình tại một vùng quê nghèo và bình dị ít ai biết đến. “Ngài đã làm việc với đôi tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu thương bằng quả tim con người”[3]. Với lòng nhiệt thành phụng sự nhà Cha, bước chân Ngài đã rong ruổi khắp xứ Palestin để khai nguyên Nước trời ở trần gian và mặc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Ngài. Cuộc đời công khai của Ngài là một cuộc lên đường liên lỉ. Ngài luôn lưu động chứ không tập trung sức lực vào bất cứ một thành phố nào. Ngài không bị tù túng trong những lâu đài vật chất cùng với những đặc tính tiện nghi của chúng. Trong quá trình hoạt động công khai ấy, Ngài không chỉ trải qua sự mệt mỏi, vô gia cư, sự hiểu lầm ngay cả từ những người thân thiết nhất, mà hơn bất cứ điều gì, Ngài ngày càng trở nên cô lập và bị bao vây bởi sự thù địch và sự chuẩn bị đưa Ngài vào cái chết.[4] Ngài đã cảm nhận sự yếu đuối của xác thịt mà Ngài đang mặc lấy. Sự yếu đuối ấy đã khiến Ngài kinh nghiệm được một nỗi buồn day dứt, một nỗi buồn hầu như đang đè bẹp Người, một nỗi hãi hùng sâu thẳm, một sự bấn loạn trong tận cõi lòng vào giây phút bước vào cuộc khổ nạn. Nếu ta giảm nhẹ một trong những cảm xúc mạnh mẽ thuộc con người này trong Chúa Giêsu, ta sẽ có nguy cơ tước mất phẩm giá của Ngài và sẽ hoàn toàn hiểu lầm Ngài. Chúa Giêsu là người thật hệt như ta (Hr 4,14-16); và vì biết được nỗi hãi hùng sâu thẳm khi thấy trước Thập giá, nên Ngài đã chịu đựng lúc đen tối ấy với một sự can đảm đầy hứng thú.[5] Chính nhân tính nơi Đức Giêsu khiến cho con người mạnh dạn đến gần Ngài hơn bởi “vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội”. (Dt 4, 15).

Một Thiên Chúa “rất người”, rất gần gũi như vậy, Ngài hiện diện giữa con người chúng ta trong yếu đuối và trần trụi. Vậy mà không ít lần tôi cứ đi tìm một Thiên Chúa toàn năng trên cao. Tôi nhìn Chúa của tôi quá siêu việt, quá “Chúa” nên quên rằng Ngài cũng buồn thật nhiều khi tôi đến với Ngài mà “xác đây hồn ở nơi đâu”. Tôi quên mất rằng Chúa thật đau khi tôi hết lần này đến lần khác thất tín thất trung với Ngài. Tôi quên mất rằng Chúa đang mong ngóng, chờ đợi tôi như người cha, người mẹ mong con trở về. Trong cuộc sống thực tế, để xây dựng một mối tương quan luôn cần có sự nổ lực từ hai chiều. Ví như lúc này tôi cần bạn, lắng nghe bạn, chia sẻ giúp đỡ bạn thì lúc tôi cần bạn cũng là người đồng hành với tôi. Nếu một tương quan chỉ có sự nổ lực từ một phía thì tương quan ấy sẽ không bền vững. Tôi thiết nghĩ đối với Chúa cũng vậy, để duy trì và thắt chặt tương quan với Ngài, tôi không chỉ chạy đến với Ngài để mong Ngài lắng nghe và ôm lấy những muộn phiền hay vui buồn cuộc sống mà tôi còn cần lắng nghe những tâm sự, thổn thức, nỗi lòng của Ngài. Tất cả những tâm tình ấy Ngài sẽ thổ lộ với tôi qua chính Lời Ngài mà mỗi ngày tôi suy gẫm. Có vậy tôi mới luôn cảm nhận một Đức Kitô thật gần gũi nhưng luôn mới mẻ.

Như lời bài hát: “Lạy Chúa, Chúa không ở xa chúng con, Ngài hằng kề bên chúng con. Chính ở nơi Ngài mà chúng con sống, chúng con cử động, chúng con hiện hữu…” Ước mong sao ngày mỗi ngày và lần mỗi lần chúng ta đến với Chúa, chúng ta luôn cảm nhận một sự hiện diện thật gần gũi này nơi vị Thiên Chúa rất người của chúng ta.

Maria Thái Thanh (Khấn tạm), FMI


[1] Là con người trọn vẹn- Thiên Chúa trọn vẹn, Michael Casey, NXB Tôn Giáo, năm 2009, p.5

[2] Đức Giêsu Thành Nazareth, Phần III: Thời thơ ấu của Đức Giêsu, Joseph Ratzinger, NXB Tôn giáo, p.93

[3] x. GS, số 22

[4] Gioan Phaolo II, Tông thư Salvifici Doloris, s.16

[5] Dẫn vào Kitô học, Gerard H. Luttenberger, NXB Tôn Giáo, 2011, tr. 323