Giá trị các tương quan

Ta đặt lại vị trí trong tương quan của ta với Thiên Chúa, với tha nhân và thế giới vật chất. Hãy luôn tự hỏi một mai khi gỡ bỏ khỏi mình những giá trị tạm thời hư ảo thì ta còn lại gì nơi chính bản thân ta.


Có rất nhiều quan điểm khác nhau khi bàn về nguồn gốc hình thành vũ trụ. Mô hình Big Bang (vụ nổ lớn) cho rằng vũ trụ khởi thuỷ bằng một vụ nổ khoảng 15 tỷ năm trước. Theo thuyết tiến hóa của Darwin thì vũ trụ này lại là kết quả của một quá trình tiến hóa hàng triệu năm. Thế nhưng theo niềm tin Kitô Giáo, chúng ta tin rằng Thiên Chúa sáng tạo mọi sự từ hư vô, từ không không (Creatio ex nihilo). Nghĩa là không phải từ chất liệu đã có sẵn bởi không có gì tồn tại trước Ngài. Ngài là chủ thể của thời gian và không gian. Ngài tạo dựng vũ trụ càn khôn không phải vì nhu cầu, nhưng vì tình yêu thương. Có thể nói công trình sáng tạo là sự tự tỏ bày và hiệp thông của Thiên Chúa. Từ đây mọi mối tương quan được thiết lập.

Bước đầu tiên trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa tạo dựng trời và đất (St 1, 1). Ngài phân chia thời gian và không gian, ánh sáng và bóng tối, đất liền với biển khơi. Tiếp đến, Ngài tạo nên chim trời cá biển muôn loài muôn vật với những lệnh truyền cho chúng: “Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, làm cho đầy dẫy dưới biển; còn các loài chim hãy gia tăng thật nhiều trên đất.”(St 1, 22). Chúng ta thấy một sự hữu lí của Thiên Chúa ở đây. Trước khi dựng nên muôn vật và ra lệnh truyền cho chúng, Ngài đã tính toán sắp xếp cho chúng có một môi trường thật phù hợp để sinh sống. Ngài không bắt chim trời phải bay xa ngàn dặm khi chưa tạo cho chúng một bầu trời bát ngát bao la. Chúa cũng không buộc loài cá phải bơi lội trong nước khi chưa cho nó một biển cả rộng lớn mênh mông. Tất cả cứ thế lớn lên trong sự hữu lí của Thiên Chúa. Cuối cùng, Thiên Chúa tạo dựng con người là Adam. Con người được trao cho quyền làm chủ muôn loài qua việc đặt tên cho chúng (St 20, 2). Giữa muôn loài muôn vật nhưng Adam vẫn cảm thấy cô đơn lạc lỏng, không tìm thấy được sự đồng điệu nên Thiên Chúa đã tạo nên Eva từ xương sườn của Adam, “Đây bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi.” (St 2, 23). Từ đây tương quan con người được hình thành và con người sống vì nhau, cho nhau. Người đồng loại được tạo nên từ chính xương thịt tôi nên nếu bạn đau thì tôi cũng đau, bạn hạnh phúc tôi mới hạnh phúc. Sau khi hoàn thành chương trình tạo dựng, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Đây là khoảng thời gian Chúa cho con người tạo tác tương quan với Thiên Chúa, với nhau và với vạn vật. Cuộc sống sẽ vô cùng tốt đẹp nếu tất cả vận hành theo đúng qui luật trong ý định sáng tạo của Thiên Chúa. Thế nhưng con người đã làm đổ vỡ mọi tương quan và từ đó sinh ra đau khổ. Đau khổ ấy vẫn cứ tiếp tục diễn ra trong thế giới hôm nay khi con người đặt sai thứ tự tương quan trong cuộc sống của mình. Thay vì sử dụng vật chất để làm bàn đạp giúp con người nối kết tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, thì con người lại xem nó như tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá giá trị của một người. Để đạt được những tham vọng quyền lực, người ta không ngại giẫm đạp lên nhau và loại trừ nhau một cách tàn bạo. Vì lợi lộc kinh tế, người ta sẵn sàng sử dụng các hóa chất độc hại làm ảnh hưởng sức khỏe biết bao con người và thế hệ. Nhan nhản đây đó tin tức con giết cha mẹ, anh chị em giết nhau chỉ vì không thỏa mãn những đòi hỏi của mình,…Biết bao nhiêu điều thật đáng thương tâm xảy ra mỗi ngày cũng chỉ bởi sức hút quá lớn của vật chất. Con người cứ thế xô bồ chạy theo và bỏ quên đi đời sống tâm linh. Không thiếu những học sinh có thể dễ dàng bỏ giờ giáo lý, thậm chí thánh lễ ngày Chúa nhật bởi bận đi học thêm. Người lớn có thể tăng ca kiếm thêm thu nhập thay vì đến nhà thờ. Cuộc sống cơm áo gạo tiền đặt người ta trước những chọn lựa và rồi nhiều khi đánh mất đi mối tương quan đích thực của đời người. Họ gỡ Chúa ra khỏi cuộc sống của họ và lấy vật chất làm tấm che thân. Chúng ta không phủ nhận là vật chất cần thiết cho cuộc sống nhưng nó không phải là tất cả. Nó chỉ phục vụ tốt khi là một đầy tớ. Một khi nó trở thành ông chủ thì mọi mối tương quan sẽ đổ vỡ và đau khổ cũng từ đó mà ra. Lối sống ấy nhiều khi cũng len lỏi vào đời tu nếu ta không tinh ý nhận diện. Đó là khi ta quá đặt nặng kết quả của sứ vụ mà thiếu hụt những giờ phút linh thiêng trầm lắng bên Chúa. Đó cũng có thể là khi ta tìm thỏa mãn cái tôi của mình dưới danh nghĩa phục vụ việc nhà Chúa hay khép mình trong những định kiến mà đóng cửa tâm hồn với chị em.

Mỗi người có một giá trị sống cho riêng mình và giá trị ấy sẽ quyết định chất lượng cuộc đời ta. Ước mong sao chúng ta có thể “bước chậm lại giữa thế gian vội vã” để hỏi xem đâu là giá trị đích thực của đời mình. Từ đó, ta đặt lại vị trí trong tương quan của ta với Thiên Chúa, với tha nhân và thế giới vật chất. Hãy luôn tự hỏi một mai khi gỡ bỏ khỏi mình những giá trị tạm thời hư ảo thì ta còn lại gì nơi chính bản thân ta.

Maria Thái Thanh (Khấn Tạm), FMI