Tìm lại ý nghĩa ngôi vị

Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi. Chúng ta mang trong mình dấu ấn hình ảnh Ba Ngôi.


“Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu”[1]. Trong niềm tin vào Mầu nhiệm này, chúng ta không tuyên xưng Ba Thiên Chúa nhưng là một Thiên Chúa duy nhất có Ba ngôi vị[2]. Ba Ngôi liên kết với nhau trong cùng một bản thể duy nhất[3], cùng chia sẻ quyền năng, vinh quang và danh dự, cùng hiệp nhất trong đời sống nội tại và cùng chia sẻ với nhau trong nhiệm cục cứu độ. Tuy nhiên, xét về tương quan, “các ngôi vị Thiên Chúa thực sự phân biệt với nhau”[4] và “bình đẳng với nhau trong quyền năng thần linh”[5]. Mỗi ngôi vị có một cương vị, Cha là Cha và không ai có thể thay thế, cũng thế đối với cương vị Con và Thánh Thần. Mỗi ngôi vị là duy nhất và độc đáo, phân biệt và đối lập với các ngôi vị khác. Sự khác biệt này không tạo nên sự xung khắc hay mâu thuẫn; ngược lại Ba Ngôi hợp tác với nhau và tồn tại trong nhau. Đó là vẻ đẹp của Thiên Chúa, có khác biệt nhưng không có chia rẽ, có bình đẳng và hiệp nhất nhưng không triệt tiêu tính độc đáo và tính cá vị của từng chủ thể. Suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là khám phá nguồn gốc sâu xa nhất của chúng ta, bởi lẽ, chúng ta phát xuất từ Ba Ngôi và hướng về Ba Ngôi như là cùng đích đời mình. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi. Chúng ta mang trong mình dấu ấn hình ảnh Ba Ngôi. Vì vậy, chúng ta được mời gọi tiếp tục họa lại mầu nhiệm này trong đời sống của mình bằng việc sống tình liên đới hiệp thông nhưng vẫn giữ được tính độc đáo, duy nhất trong sự khác biệt ở mỗi ngôi vị.

Theo Thánh Tôma Aquinô, khi nhắc đến một ngôi vị thì không thể không nói đến bốn đặc tính: Tự do, trách nhiệm với sự tự do của mình, là chủ thể có tình yêu vô vị lợi và có khả năng hướng đến cùng đích là Thiên Chúa. Như vậy con người hiện hữu như một ngôi vị độc đáo và độc lập, có tự do nhưng đồng thời cũng phải tôn trọng tự do nơi các ngôi vị khác. Mỗi người đều có quyền yêu và được yêu thương cách vô vị lợi, được người khác đón nhận họ như họ là. Đã là một ngôi vị thì phải hướng đến ngôi vị khác vì bản chất của ngôi vị là tương quan. Phủ nhận tương quan với ngôi vị khác là phủ nhận ân huệ Thiên Chúa ban bởi ngay từ những chương đầu Sáng Thế, Thiên Chúa đã tạo dựng con người tồn tại nhờ tương quan. Thế nhưng làm sao chấp nhận sự khác biệt trong ngôi vị, làm sao để trong tất cả các mối tương quan, người này luôn tôn trọng và đón nhận người khác với đầy đủ giá trị của họ. Làm sao để gạt bỏ đi những toan tính và ước muốn sở hữu hay làm chủ người khác ngay từ trong những suy nghĩ dù rất tinh tế. Làm thế nào để yêu thương người khác dù họ không mang lại cho tôi bất kì một giá trị lợi ích nào. Thế giới hiện đại hôm nay đặt con người trước hai nguy cơ đó là sự vật hóa ngôi vị và chức năng hóa ngôi vị. Sự vật hóa ngôi vị là khi con người trở thành những công cụ để trao đổi, buôn bán. Người này trở thành món hàng để đổi chác hay phục vụ cho người kia, nhằm đạt được một nhu cầu nào đó. Nguy cơ thứ hai phổ biến hơn đó là chức năng hóa ngôi vị. Những con người đến với xã hội mà không có tài năng, không sắc đẹp, địa vị, tiền bạc,… thì bị khinh dễ và không được nhìn nhận. Tương quan được thiết lập dựa trên những yếu tố thực dụng. Những khuynh hướng này hạ thấp phẩm giá cao quý của con người vốn được Thiên Chúa ban tặng và làm biến chất mối tương quan giữa các ngôi vị với nhau. “Đó là tội nguyên thủy của những người tin rằng họ có quyền sở hữu người khác, những người không nhận ra giới hạn của bản thân và trơ trẻn tin rằng họ có thể sử dụng người khác như ý muốn của mình. Đó là tội không tôn trọng giá trị con người”[6].

Để giúp con người sống đúng tương quan ngôi vị với một ngôi vị khác trong một xã hội luôn có nguy cơ xúc phạm ngôi vị như vậy, Thiên Chúa đã ban Thập Điều. Xét thấy trong Mười Điều Răn, các tội đều xuất phát từ tương quan giữa ngôi vị với ngôi vị và các Điều Răn suy cho cùng là để giúp con người tìm lại đúng giá trị trong tương quan: từ Điều Răn thứ nhất đến thứ ba đặt ngôi vị trong tương quan với Thiên Chúa, Điều Răn thứ tư là tương quan giữa ngôi vị với cha mẹ, từ Điều Răn thứ năm đến thứ mười là tương quan giữa ngôi vị với tha nhân trong sự tôn trọng thân xác, tài sản và ngôn ngữ. Mười Điều Răn như kim chỉ nam hướng dẫn con người bước đi trong tương quan mà không vi phạm các giá trị của tương quan. Riêng đối với người tu sĩ, việc sống Mười Điều Răn được cô đọng qua Ba Lời Khuyên Phúc Âm - có mục đích là nhằm giúp con người sống đúng ngôi vị của mình, không thống trị ngôi vị khác bằng cách chiếm hữu tài sản, thân xác và ý muốn của họ thành của mình. Đồng thời, tái khẳng định giá trị những điều tốt lành mà Thiên Chúa tạo dựng, giúp con người tìm lại tương quan đích thực với Chúa và với tha nhân, là “trị liệu thiêng liêng”[7] cho nhân loại. Các lời khuyên Phúc Âm không phủ nhận những giá trị gắn liền với tính dục, với ước muốn chính đáng được sở hữu và được tự do định đoạt cho đời mình bởi trong mức độ chúng phù hợp với bản chất thì tất cả đều là quà tặng Thiên Chúa ban. Qua việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm sẽ trở thành những chứng tá giúp con người biết trân quý những món quà vô giá này và sử dụng chúng đúng với mục đích ban đầu của Thiên Chúa.

Như thế, tính ngôi vị chính là ân ban Thiên Chúa dành tặng cho con người khi sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Là một ân ban nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn trong đó những nguy cơ đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của con người. Mỗi Kitô hữu qua việc ghi khắc và thực hành Mười Điều Răn Chúa truyền dạy, cách riêng đối với người tu sĩ cụ thể là việc sống ba Lời Khấn, sẽ là phương thế hữu hiệu giúp mỗi người biết mình đang ở vị trí nào trong các tương quan và từ đó điều chỉnh cho xứng với bậc sống của mình.

 Maria Thái Thanh (Khấn tạm), FMI


[1] GLHTCG, s.234

[2] CĐ Constantinopoli II năm 553

[3] CĐ Toledo XI năm 675

[4] GHLTCG, s.254

[5] Kinh Tiền Tụng của thánh lễ Chúa Ba Ngôi

[6] ĐGH Phanxico, Hãy cùng ước mơ, Nxb Thế giới.2022, tr.38

[7] ĐGH Gioan Phaolo II, Tông huấn Vita Consecrata, số 87