Làm bạn với cái chết

Chính nhờ niềm tin ấy, mỗi người Ki-tô hữu nhận ra cái chết không còn đáng sợ như con quái vật, nhưng là một người bạn đem chúng ta vào một thế giới rộng lớn của Thiên Chúa, một thế giới yêu thương.


Cái chết là một quy luật của cuộc sống, cho dù muốn hay không con người cũng không thể chối từ nó. Cái chết đến với con người bất kể thời gian, tuổi tác. Thế nhưng, cái chết là một mối đe doạ hay là một ân huệ? việc làm bạn với cái chết cho ta cái nhìn như thế nào về cuộc sống? Qua niềm tin của người Công giáo cái chết đã trở thành một người mẹ, người bạn đồng hành và dẫn đưa những Ki-tô hữu về với Đấng là cội nguồn sự sống, yêu thương và đưa mỗi người vào vĩnh cửu.

Thiên Chúa đã biến sự chết từ một con quái vật trở thành một người mẹ. Thay vì một quái vật chỉ chờ chực cắn xé, sự chết đã như một người mẹ  sinh ra chúng ta. Thế giới này giống như một cung lòng vĩ đại, và khi chúng ta chết thì cũng là lúc chúng ta được sinh ra vào thế giới rộng lớn hơn rất nhiều, thế giới của Thiên Chúa. Người đang giang rộng cánh tay chờ đơi để đón lấy chúng ta. [1]

Làm bạn với cái chết một ân huệ nhưng không

Theo cái nhìn của thần học hy vọng, chết là điều tự nhiên, nhưng cũng đầy nhân bản vì ta được tự do chuẩn bị cuộc đời, lập công nghiệp đang khi tiến về vĩnh cửu.[2] Chết cũng là cái đích, là bến đợi cho ta niềm hy vọng được gặp gỡ Đấng Tạo Thành. Chính Đức Giê-su Ki-tô trong thân phận làm người đã chết và phục sinh đem lại cho ta niềm hy vọng ấy. Khi nói Thầy đi dọn chỗ cho anh em, nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến đem anh em về với Thầy.[3]

Đứng trước mầu nhiệm sự chết làm cho con người có nhiều cung bậc cảm xúc: đau đớn, sợ hãi, lo âu…nhưng cũng đầy hy vọng và sẵn sàng. Như Chúa Giê-su trong thân phận làm người Ngài cũng xao xuyến khi phải đối mặt với cái chết (x. Lc 24,42). Nhưng Ngài đã tràn đầy hy vọng khi phó thác chính mình vào tay Cha là Đấng quyền năng (x. Lc 23,46). Và những người môn đệ theo Chúa Giê-su cũng tràn đầy niềm tin như thế. Thánh Phaolô đã quả quyết: Đối với tôi sống là Đức Ki-tô, chết là một mối lợi ( Pl 1,21). Lịch sử Giáo hội đã minh chứng niềm tin kêu hùng của biết bao nhiêu các vị tử đạo vì niềm tin vào Đức Ki-tô Phục sinh. Điều đó đã mở đường cho chúng ta về niềm hy vọng được Phục sinh với Người. Các ngài coi cái chết như là một ân huệ để được sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa.  “Xin cho con chịu đau khổ vì danh Đức Ki-tô, được đón nhận ngành lá tử đạo về tới bến thiên đàng (Ðức Cha Phêrô Cao- Pierre Rose Dumoulin Borie). Các ngài được sinh ra trong một thế giới rộng lớn hơn qua phép rửa bằng máu của mình, chính vì thế, các ngài tìm lại được căn tính của chính mình và khát khao đạt được hạnh phúc viên mãn. "Tôi ước mơ trở thành tro bụi để kết hợp với Chúa Kitô. Tôi giã từ cõi đời này, không hề thương tiếc điều gì, chỉ nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh, đủ an ủi tôi về mọi đau khổ và cả cái chết nữa. Tất cả ước vọng của tôi là sớm thoát khỏi thân xác tội lỗi này, để kết hiệp cùng Chúa Giêsu trong nơi vĩnh phúc”. (Phanxicô Kính - Francois Isidore Gagelin).

Như thế, việc làm bạn với cái chết đem lại cho người Ki-tô hữu một ân huệ lớn lao vượt qua viễn cảnh lo âu, sợ hãi, ảm đạm, đau thương. Cái chết qua lăng kính của những người môn đệ Chúa Ki-tô đã mang một màu sắc hy vọng với một niềm vui nhẹ nhàng khi mỗi người biết cùng đích của mình chính là nơi ở vĩnh cửu trên quê trời. Nơi đó, chúng ta sẽ được Thiên Chúa lau khô những giọt lệ và được đổi lại bằng những niềm vui không ai lấy mất được.  

Làm bạn với cái chết qua kinh nghiệm được yêu thương

Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. (Rm 5,15)

Tội lỗi đã đến với con người khi nguyên tổ sa ngã và sự chết đã xâm nhập vào thế gian. Thế nhưng, từ kinh nghiệm phải chết ấy, con người có một kinh nghiệm khác đó là kinh nghiệm được Thiên Chúa yêu thương. Chính vì sự chết đã lan tràn, Con Thiên Chúa mới làm người, chịu chết và sống lại để cho chúng ta mặc lấy sự sống mới. Kinh nghiệm ấy, diễn ra trong chính cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nếu như chúng ta sinh ra trong thế giới này chỉ để đón chờ cái chết như là cùng đích thì chắc hẳn chúng ta là những người bất hạnh. có lẽ, cuộc sống của chúng ta sẽ tẻ nhạt làm sao. Khi chúng ta phải bon chen với một cuộc đời vất vả, cực nhọc để kiếm tìm hạnh phúc mà nay cuối con đường hạnh phúc ấy chỉ là cái chết.

Chính vì yêu thương, Thiên Chúa để cho chúng ta có kinh nghiệm về cái chết như một cuộc Vượt Qua mà ai cũng phải trải nghiệm. Đó là giây phút con người được nghỉ ngơi sau một cuộc đời vất vả như lời Thánh vịnh diễn tả: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi và phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ.” (Tv 90,10).  “Nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp”. (Tv 49,12) Cuộc đời vất vả nhọc nhằn là thế đó, nên chúng ta cần được nghỉ ngơi, đó là ý định đầy yêu thương mà Thiên Chúa dành cho ta. Thế nhưng, đó chưa phải là điểm kết thúc đối với những người Ki-tô hữu mà con đường mở ra cho những Ki-tô hữu một sự sống mới được bắt đầu trong Thiên Chúa và một kinh nghiệm để được yêu thương. Cái chết của các Thánh Tử đạo cho ta kinh nghiệm về sự yêu thương ấy, trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, cái ngài được hưởng nếm hương vị ngọt ngào của sự nhẹ nhàng, thanh thoát trước cái chết.Và cái chết như là người bạn giải thoát các ngài khỏi sự sợ hãi của những đớn đau trần thế.

Như vậy, Cái chết như một người bạn luôn đồng hành, nhắc nhở chúng ta bước đi trên con đường trần thế với một niềm hy vọng, sự sẵn sàng với một cuộc sống phải thật đầy tình yêu để chúng ta bước hướng đến cùng đích của chúng ta là Thiên Chúa. Chính nhờ niềm tin ấy, mỗi người Ki-tô hữu nhận ra cái chết không còn đáng sợ như con quái vật, nhưng là một người bạn đem chúng ta vào một thế giới rộng lớn của Thiên Chúa, một thế giới yêu thương.

Cat. Nguyễn Thị Tâm (Khấn tạm), FMI


[1] Perter Kreeft, Chúng tôi hỏi Chúa trả lời. p,.29

[2] Bài học cánh chung học, Thần học hy vọng.

[3] Ga 14, 3