Sứ mạng của người trẻ

Đừng do dự, hãy cho bản thân thời gian, cơ hội ngay chính lúc này tìm ra sứ mạng mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho mỗi người và sống hết mình cho sứ mạng đó.


Tất cả chúng ta đến thế giới này không một cách vô tình. Sự hiện hữu của chúng ta có trong ý định ngàn đời của Thiên Chúa, là ước muốn của những Đấng sinh thành. Sự hiện diện của chúng ta mang lại niềm vui, niềm hy vọng, là sức sống của những người đang chờ đón chúng ta. Những người cưu mang chúng ta, ngay từ những giây phút đầu đã mơ đến một tương lai chúng ta sẽ trở nên những kỹ sư, bác sĩ, hay một linh mục, tu sĩ, một con người trưởng thành và góp ích cho Giáo hội và xã hội. Chính trong tình yêu, sự chờ đợi, và trong những ước mơ chúng ta được sinh ra. Như đã nói, sự hiện hữu của chúng ta không vô tình, “chúng ta là một sứ mạng trên trái đất này, đó là lý do vì sao chúng ta có mặt ở đây trong thế giới.” Lời mời gọi này cách riêng cho người trẻ, ngay chính bây giờ các bạn hãy khám phá đâu là sứ mạng dành cho mình trong thế giới này và hãy sống cho sứ mạng đó. Như thế sự hiện hữu, cuộc đời của chúng ta sẽ không trở nên vô nghĩa, nhưng mang lại một giá trị tuyệt vời.

Trước hết, chúng ta cần hiểu “sứ mạng” mà Đức Thánh Cha muốn nói đến ở đây là gì? Sứ mạng được hiểu là ‘được sai đi’, hiển nhiên sự ‘được sai đi’ này đáp ứng một sự ủy thác, một nhiệm vụ được giao cho một người thi hành.[1] Tất cả chúng ta được Thiên Chúa sai đến thế gian này để thực thi một nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã dành riêng cho từng người. Cũng vậy, người trẻ có một sứ mạng, họ được sai đi. Đức Thánh Cha nói rõ, người trẻ được mời gọi thi hành sứ mạng phục vụ tha nhân. Người trẻ được kêu gọi tham dự vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa bằng cách góp phần xây dựng thiện ích chung với những khả năng đã nhận được (CV 253). Đó chính là lý do các bạn ở đây trong thế giới này theo cách Thiên Chúa muốn.

Làm thế nào để người trẻ nhận ra và thực thi sứ mạng của mình? Người trẻ cần dành thời gian cho mình, trong sự tĩnh lặng, lắng nghe bản thân, nhận ra nơi mình những khả năng Thiên Chúa ban giúp thực hiện sứ mạng và đưa ra quyết định cho chính mình. Một khi đã quyết định, người trẻ phải phát huy, đẩy mạnh, làm tăng triển tất cả những gì là chính mình. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, mỗi người đều được kêu gọi phát triển chính mình (CV 257). Khi người trẻ khám phá ra sứ mạng Thiên Chúa trao, và ý thức đó là lý do cho sự hiện hữu của bản thân, người trẻ có thể phát huy những khả năng tốt nhất của mình để hy sinh, quảng đại và cống hiến (CV 273). Biết rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng để đưa ra quyết định, dốc hết sức, nghị lực và cả sự sáng tạo để thực hiện quyết định đó. Bởi còn đó những hạn chế khắc nghiệt của thực tế. Qua Tông huấn, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ đừng bao giờ bỏ cuộc, đừng bao gi vùi lấp hẳn sứ mạng Thiên Chúa trao và đừng bao giờ chịu thua. Hãy tiếp tục tìm cách sống điều đã chọn, ít là một phần nào đó. (CV 272)

Nhìn vào cuộc sống của người trẻ giữa một thế giới đang bị khủng hoảng. Trong bối cảnh toàn cầu, nhiều người trẻ đang sống trong hoàn cảnh chiến tranh, phải gánh chịu bạo lực dưới vô số hình thức. Nhiều người trẻ khác vì đức tin bị tước mất cơ hội làm việc, gánh chịu sự bách hại. Những người trẻ bị lạm dụng, lôi kéo vào các con đường tệ nạn (CV 72).  Cùng với sự bành trướng của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa hưởng thụ, khiến người trẻ nghĩ nhiều cho bản thân mà quên đi sự hiện diện của người khác trong cuộc đời mình. Người trẻ luôn muốn khám phá bản thân, muốn được công nhận và thể hiện chính mình. Cách thế các bạn chọn, đôi khi dẫn các bạn đến những ngõ cụt. Để rồi khi nhìn lại, người trẻ nhận thấy những va vấp, những thất bại và những ký ức buồn thảm hằn sâu trong tâm hồn (CV 83). Tất cả những gì đã diễn ra, có thể nói là những bi kịch đang dần vùi lấp ngươi trẻ, vùi lấp cả hiện tại và tương lai, vùi lấp luôn sứ mạng mà các bn đã lãnh nhận. Chúng ta vừa nhìn thấy một bức tranh buồn trong cuộc sống người trẻ, ngay cả của chính mình.

Có lối thoát nào cho người trẻ?

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại cho người trẻ tin vui mà tất cả chúng ta đã lãnh nhận vào buổi sáng Phục Sinh: đó là, trong mọi hoàn cảnh khó khăn và đau thương mà chúng ta đã nói đến, vẫn có một lối thoát. Chẳng hạn, thế giới kỹ thuật số có thể đẩy người trẻ vào nguy cơ của sự khép kín cô lập và lạc thú trống rỗng. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những người trẻ sáng tạo và dùng môi trường này để loan báo Tin Mừng như thánh Carlo Acutis (CV 104 -105). Nhiều người trẻ tại các giáo xứ, trường học, những nhóm sinh viên đại học thăm viếng người nghèo, người già, người bệnh hay tham gia các chương trình thiện nguyện. Qua những hoạt động đó, người trẻ nhận ra mình được nhận nhiều hơn là cho. Mọi người học được sự khôn ngoan và trưởng thành khi chạm đến nổi đau của người khác và khám phá những giá trị bất ngờ (CV 171). Rất nhiều hình ảnh đẹp, những việc làm đẹp của người trẻ góp phần làm thay đổi cuộc sống, thậm chí có khả năng thay đổi những cuộc đời kém may mắn. Với tin vui Phục Sinh chúng ta đã lãnh nhận, người trẻ có thể đương đầu với những thách đố trong sáng tạo và hy vọng (CV 173). Lúc này đây, người trẻ thực thi sứ mạng với sự quảng đại cho đi, sự chân thành cống hiến cùng với những hy sinh gian khổ nhưng thu được những hoa trái thật phong phú (CV 108).

Cuộc sống đôi khi không cho chúng ta một khởi đầu dễ dàng, nó luôn đòi buộc chúng ta phải cố gắng, nỗ lực, nó luôn dành những điều bất ngờ khiến chúng ta phải thích ứng, phải thay đổi để tồn tại, để lớn lên và thành công. Chỉ cần một chút nản lòng, thiếu kiên định, chúng ta có thể sa chân vào những cạm bẫy không lối thoát. Để có thể đứng vững chúng ta cần bám rễ sâu vào Thiên Chúa bằng cách trở nên người bạn của Đức Giêsu (CV 250). Tình bạn với Đức Giêsu bất khả phân ly, Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, đôi khi có vẻ như Người giữ thinh lặng. Khi chúng ta cần, Người sẽ tỏ mình ra (CV 154). Người sẽ đồng hành với chúng ta trong mọi lúc (CV 156). Chính Người sẽ chỉ cho thấy hướng đi cho cuộc đời mỗi người (CV 256). Qua đó, giúp chúng ta hoàn thành sứ mạng đã lãnh nhận. Còn một điều không được phép quên, những bậc tiền bối của chúng ta. Những con người đã làm nên thế giới này. Nơi họ là một lịch sử hào hùng, một kho báu kinh nghiệm để khám phá, là những ngọn hải đăng giúp chúng ta không lạc hướng. Những bậc tiền bối sẽ chỉ cho chúng ta thấy, cuộc sống thiếu vắng tình yêu là một cuộc đời cằn cỗi. Trước những sợ hãi, họ sẽ chứng mình cho chúng ta thấy chúng ta đủ sức để vượt qua nó. Trước những bận tâm về bản thân, qua họ chúng ta sẽ nhận ra cho đi thì vui hơn lãnh nhận (Cv 197). Tất cả những gì mà họ đã trải qua trong lúc thực thi sứ mạng, sẽ giúp chúng ta nhận ra đâu là cách thức hoàn thành sứ mạng của mình.

Có nhiều sứ mạng trong thế giới này. Chúng ta cần tìm, chọn và thực hiện sứ mạng của mình. Chúng ta đừng quên nghĩ đến sứ mạng dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa trong chức vụ linh mục, trong đời sống tu sĩ hay trong các hình thức thánh hiến khác. Tin chắc rằng, nếu chúng ta nhận ra lời mời gọi của Chúa và đi theo, điều đó sẽ làm cho chúng ta thỏa nguyện (CV 276). Điều này không dễ, khi cuộc sống luôn có những lo âu, nhiều quyến rũ dồn dập tấn công khiến chúng ta khó nhận ra, và nghe được lời mời gọi đó. Cần lắm sự thinh lặng, một nơi yên tĩnh để chúng ta có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa sâu trong tâm hồn mình. Hãy cho chúng ta một cơ hội để nhận ra lời mời gọi tuyệt vời từ Thiên Chúa.

Sứ mạng là một con đường hướng những nỗ lực và hoạt động theo chiều hướng phục vụ (CV 255). Vậy đâu là con đường, là hướng đi của người trẻ trong thế giới này? Thánh Alberto Hurtado nói với người trẻ: “Đâu là hướng đi của các bạn? Nếu cần dừng lại để suy nghĩ thêm về điều này, tôi xin mỗi người trong các bạn suy nghĩ hết sức ngiêm túc, vì đi đúng hướng là đã thành công; chệch hướng là đã thất bại rồi.” Chúng ta cần nghiêm túc với bản thân để nhận ra sứ mạng của chính mình, nhận ra lý do vì sao tôi được dựng nên, vì sao tôi đang ở chỗ này, nhận ra đâu là kế hoạch Thiên Chúa dành cho cuộc đời của từng người (CV 256). Đừng do dự, hãy cho bản thân thời gian, cơ hội ngay chính lúc này tìm ra sứ mạng mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho mỗi người và sống hết mình cho sứ mạng đó.

Maria Thảo Nguyên (Khấn tạm), FMI