Người trẻ với tha nhân

“Tôi phản ứng thế nào với những người gặp cảnh khốn khó mà tôi thấy xung quanh mình? Tôi có ngay lập tức nghĩ đến lý do nào đó để không phải can dự vào không? Hay tôi thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ?”


Đức Thánh Cha Phanxicô tên khai sinh là Jorge Mario Bergoglio, là vị Giáo Hoàng rất quan tâm về đời sống đức tin của giới trẻ. Trong sứ điệp nhân Ngày Giới trẻ thế giới lần thứ 37, Đức Thánh Cha đã gợi ý cho các bạn trẻ câu hỏi để các bạn nhìn lại lối sống của mình trong tương quan với tha nhân. Nó như một lời nhắc nhở và cũng là sự chất vấn dành cho mỗi người, đặc biệt là người trẻ của Giáo hội. Câu hỏi của ngài cũng gợi lên trong tôi nhiều suy tư.

“Tôi phản ứng thế nào với những người gặp cảnh khốn khó mà tôi thấy xung quanh mình? Tôi có ngay lập tức nghĩ đến lý do nào đó để không phải can dự vào không? Hay tôi thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ?”

Câu hỏi của Đức Thánh Cha được được trích trong phần thứ hai của sứ điệp “trỗi dậy và vội vã” với chủ đề: “Đức Maria trỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1,39) và được gợi hứng từ hình ảnh lên đường của Đức Maria. Ngài đã nhận thấy sự vội vã của Mẹ là một dấu chỉ của ước muốn phục vụ, rao truyền niềm vui và không do dự đáp lại ân sủng của Chúa Thánh Thần. Sự dấn thân đó được thúc đẩy bởi tình thương và lòng trắc ẩn. Tình thương và lòng trắc ẩn thúc đẩy mọi người vượt qua giới hạn của bản thân để giúp đỡ những nỗi đau về thể xác, tinh thần[1] của tha nhân. Có thể nói, đó là chìa khóa mở cửa của con tim. Phải chăng, Đức Thánh Cha Phanxicô đang muốn đánh thức lòng trắc ẩn nơi các bạn trẻ trước một xã hội đang có xu hướng sống chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ?       

Mở đầu câu hỏi, Đức Thánh Cha đã mời các bạn trẻ tự vấn: “Tôi phản ứng thế nào với những người gặp cảnh khốn khó mà tôi thấy xung quanh mình?” Đây như là một cơ hội để các bạn trẻ có thể quay về với con người nội tâm của mình. Với chủ nghĩa cá nhân và cuộc sống bận rộn ngày nay, con người có xu hướng chạy đua với thời gian, công việc mà quên mất sự hiện diện của những người xung quanh. Trước một sự việc hoặc một con người, có những khoảnh khắc nào đó, có lẽ chúng ta cũng chưa đủ ý thức về những phản ứng để rồi nó lướt qua cách không ý thức. Trong vai trò là người cha chung, Đức Phanxicô như muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ để ý hơn đến những phản ứng, lời nói của bản thân trong ngày sống.

Tiếp đó Đức Thánh Cha đưa ra câu hỏi: “Trước những người gặp cảnh khốn khó mà ta thấy xung quanh mình, liệu ta có ngay lập tức nghĩ đến lý do nào đó để không phải can dự vào không? Đây thật là một câu hỏi thực tế và nhức nhối trong xã hội hôm nay. Với cụm từ “ngay lập tức nghĩ”, ta thấy rõ nó là một phản xạ có điều kiện và dường như được thực hiện cách nhuần nhuyễn. Như đã đề cập, chủ nghĩa cá nhân khiến con người chỉ còn biết thu nhỏ trong phạm vi của chính mình. Họ bận rộn tìm cách lo cho các nhu cầu bản thân. Với những việc thiếu hứng thú, ta có thể đưa ra muôn vàn lí do để từ chối. Không can dự vào một vấn đề không chỉ là không quan tâm đến nó nhưng còn là tránh để bản thân khỏi rơi vào những rắc rối, hệ lụy kèm theo sau đó. Và, có những người tự biện minh cho hành động đó là bảo vệ sự yên ổn của bản thân.

“Hay tôi thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ?” là một câu chất vấn nữa mà Đức Thánh Cha dành cho các bạn trẻ. Đứng trước bất kì sự việc nào, chúng ta cũng phải chọn lựa: có hoặc không, làm hay không làm? Sự quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ là một hành động cụ thể hóa bởi thúc đẩy bên trong. Nó thể hiện sự rung nhịp của trái tim và muốn hành động để giúp đỡ trước nỗi khổ đau tha nhân. Nói cách khác, đó là sự gặp gỡ giữa hai trái tim. Khi thể hiện sự quan tâm và giúp đỡ, người đó đến gần hơn với người xung quanh không chỉ bằng lời nói nhưng qua hành động.

Trong cuộc sống, không khó để ta gặp thấy những người kém may mắn. Đâu đó trên các vỉa hè vẫn có những người ăn xin hay những em bé với xấp vé số trên tay. Trong những khu chợ, gầm cầu vẫn có đó những người đang chịu cảnh màn trời chiếu đất. Ngay cả những người ở ngay bên cạnh, có thể họ cũng đang gặp những khó khăn, đói khổ về vật chất cũng như tinh thần mà ta không hay biết. Là con người, dù giàu sang hay bần cùng, dù hạnh phúc hay bất hạnh, vẫn có một lúc nào đó con người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Tất cả họ vẫn cần một ai đó đến và mang lại cho họ sự giúp đỡ. Đôi lúc là sự giúp đỡ cụ thể về vật chất như một ổ bánh mì, một bát cơm trắng cũng đủ làm ấm lòng những người đói khát. Và, đôi lúc, người ta chỉ cần trao cho nhau một nụ cười để phá tan cái lạnh giá của con tim, một lời an ủi động viên để giúp họ có thêm động lực vượt qua những khó khăn, một bờ vai để tựa và lắm khi im lặng để lắng nghe cũng là một sự giúp đáp tuyệt vời. Câu hỏi của Đức Thánh Cha đưa ra cho các bạn trẻ trong bối cảnh xã hội hôm nay thật tuyệt vời và cấp bách. Thử hỏi ai là người mà không có nhu cầu yêu và được yêu. Hơn nữa, nó góp phần làm cho cuộc sống con người đa sắc màu, cảm xúc. Thiếu tình yêu, cuộc sống dễ nảy sinh những mâu thuẫn, bất đồng và mất đi hạnh phúc. Mặt khác, quan tâm và giúp đỡ là một hành động biểu lộ cho tình yêu đích thật. Con người chỉ có thể quan tâm và giúp đỡ nhau, đặc biệt là những người gặp cảnh khốn khó khi và chỉ khi họ có lòng trắc ẩn với tình yêu chân thành.

Phải nói rằng, quan tâm, giúp đỡ người khác là một điều tốt nhưng quan tâm, giúp đỡ như thế nào cho đúng cũng là một nghệ thuật. Ông bà ta có câu: Đèn nhà ai nhà nấy rạng. Trong cuộc sống, mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau. Đôi khi nhìn sự việc bên ngoài ta thấy vậy nhưng chưa hẳn ta đã biết đúng và tường tận về sự việc để có thể giúp đỡ người khác cách hữu ích. Mặc dù với ý hướng tốt nhưng nếu thiếu sự hiểu biết, phân định có thể ta sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Mặt khác, có những điều tốt với ta nhưng chưa hẳn đã tốt với người khác. Nếu chúng ta quan tâm và giúp đỡ người khác với những điều mình muốn thay vì tìm kiếm những điều tốt cho họ thì có thể gây nên những tác dụng ngược. Có lẽ nhiều người biết câu chuyện về “cái kén bướm”. Một chú bé chỉ vì muốn giúp đỡ chú bướm tội nghiệp bị mắc kẹt đau đớn trong cái tổ kén nên đã cắt cái kén bướm ra. Chú bướm nhỏ kia chui ra cách dễ dàng nhưng nó mãi mãi là một chú bướm tàn tật, không thể bay trên bầu trời như đám bạn. Như vậy, việc quan tâm và giúp đỡ người khác không phải là việc làm theo ý chủ quan của mình nhưng tùy theo đối tượng ta muốn giúp đỡ. Hơn nữa, khi quan tâm giúp đỡ ai đó, chúng ta nên tạo điều kiện để họ có thể biết cách tự lập thay vì sự lệ thuộc, như người đời hay nói: cho cần câu chứ đừng nên cho con cá.

Có phải Đức Thánh Cha chỉ gửi thông điệp này cho các bạn trẻ? Thiết nghĩ, người trẻ không chỉ bị giới hạn trong tuổi tác nhưng cả những người tuy lão thành nhưng có con tim trẻ trung, mới mẻ. Cả thế giới dường như không còn lạ lẫm gì với Mẹ Têrêxa Calcuta- một nữ tu già với khuôn mặt đầy những nếp nhăn. Tuy nhiên, mẹ là một người có con tim nhạy bén, tinh tế, trẻ trung trước những người gặp cảnh khốn khó xung quanh mình. Mẹ cùng các nữ tu của mình đã hết lòng quan tâm và săn sóc những người vô gia cư, nghèo khó, cô nhi. Mẹ đã được cả thế giới ca tụng vì đã làm những việc bình thường đó bằng tình yêu phi thường. Đó chính là một biểu hiện tuyệt vời của tình yêu, của lòng trắc ẩn. Bên cạnh đó cũng có nhiều người dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã để con tim trở nên già nua vì thiếu máu tình yêu, thiếu sự chia sẻ và niềm hy vọng. Đây cũng là một sự phản tỉnh để các bạn trẻ có cơ hội duyệt xét lại con tim và làm mới lại cũng như phục hồi sức sống cho nó.

Thế giới này sẽ như thế nào nếu thiếu vắng tình yêu và lòng trắc ẩn? Nếu cuộc sống toàn những người chỉ biết sống và tích góp cho mình, nếu ai cũng chỉ nghĩ đến lợi ích và cảm xúc của cá nhân thì có lẽ thế giới này sẽ khó phát triển và sống trong sự hòa bình. Đức Đạt Lai Lạt Ma có câu: “Nếu bạn muốn hạnh phúc, hãy động lòng trắc ẩn. Nếu bạn muốn chính mình hạnh phúc, hãy động lòng trắc ẩn”. Lòng trắc ẩn thật tuyệt vời vì nó cho đi mà không mong chờ được đáp trả. Hơn nữa, nó còn có tính chất lan tỏa từ người nầy sang người khác và mang lại cho môi trường xung quanh ta một năng lượng tích cực.

Lần giở những trang Kinh Thánh, ta cũng tìm thấy giá trị của tình thương và của công việc bác ái được nhắc đến nhiều. Thánh Phaolo trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corintô đã viết: “Hiện nay, đức tin đức cậy đức mến cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,13). Thật vậy, nếu như ta biết thật nhiều, nói thật hay nhưng thiếu đức mến thì cũng chỉ là bên ngoài và không mang lại giá trị cho chúng ta. Chính Đức Kitô khi giảng vè cuộc phán xét chung, Người cũng dùng tiêu chí bác ái, giúp đỡ người khác để xét xử để thưởng công hay luận tội. Người đã đồng hóa mình trong những người nghèo khổ, bệnh tật, trần truồng… (x. Mt 25,3-46). Người không chỉ giảng dạy cho người khác nhưng chính cuộc đời của Người là một chuỗi dài của tình thương và lòng trắc ẩn dành cho người khác. Khi gặp người bệnh tật, Người đã ngay lập tức chạnh lòng thương để chữa lành (x. Mt 15,21-39). Trong hoang địa vắng vẻ, khi dân chúng đói, ngược lại với thái độ của các môn đệ, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương và cho dân chúng được ăn no nê (x. Mc 6 – 8). Có thể nói, chạnh lòng thương là đặc tính của Chúa (x. Lc 15). Mẹ Maria vì tình thương dành cho người chị họ cũng đã lên đường để phục vụ cách mau mắn (x. Lc 1,39-45). Các thánh là những người đã đi theo và họa lại cuộc sống của Đức Kitô. Thánh Martinô đã sẵn sàng cho người ăn xin bên vệ đường chiếc áo choàng của mình khi thấy người đó chịu cảnh đói rét. Các thánh đã sẵn sàng quan tâm, chia sẻ với những người khốn khổ xung quanh vì nhận ra họ là hiện thân của Chúa đang cần các ngài giúp đỡ.

Là một nữ tu đang bước theo sát Đức Kitô và cũng là một người trẻ trong Giáo hội, lời mời gọi của vị Cha Chung cũng đang chất vấn và mời gọi tôi nhìn lại lối sống của mình. Trước những người khốn khó xung quanh, đặc biệt là chị em, tôi đã sự đủ nhạy bén để nhận ra nhu cầu của họ và đến với họ? Đôi khi một lời hỏi thăm, một nụ cười, một lời cầu nguyện cũng đủ để giúp đỡ một ai đó. Có thể ai đó sẽ nói: thế giới rộng lớn với bao vấn đề thì làm sao một người có thể giải quyết được? Đức Phanxicô đã cho họ câu trả lời: Chắc chắn là chúng ta không thể giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới. Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt đầu với những vấn đề của những người gần gũi nhất với ta, với nhu cầu của cộng đồng của ta. Có người đã từng nói với Mẹ Têrêsa: “Những gì Mẹ đang làm chỉ là một giọt nước biển”. Và Mẹ đã trả lời: “Nhưng nếu tôi không làm điều đó, đại dương đó sẽ ít đi một giọt nước”. Những hành động tốt của một người chỉ là một giọt nước nhỏ giữa đại dương bao la nhưng nhiều người hợp lại sẽ đem đến một điều tuyệt vời. Thế giới sẽ thay đổi nếu mỗi cá nhân ý thức để thay đổi. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, yêu thương nhau hơn khởi đi từ những tình yêu cụ thể dành cho những người xung quanh: “Hãy chỗi dậy và vội vã lên đường”.

M. Anna Thảo Ly (Học viện SG), FMI  

 

[1] Theo Wikipedia