Lên mạng thể hiện bản thân

Ta dễ dàng thấy một vài người trẻ xây dựng hình ảnh bản thân trên truyền thông:


“Facebook lạc hậu rồi”

Nam, cậu hàng xóm 14 tuổi, vừa nói vừa cho tôi xem tài khoản Discord, một ứng dụng trò chuyện chuyên dành cho việc chia sẻ những tiểu văn hóa không quá đại chúng (subculture) như nhạc Rap, game trinh thám, podcast văn chương...

"Giờ chỉ người già như chú mới dùng Facebook. Quá hỗn tạp, khó tìm thấy người đặc sắc cùng sở thích độc lạ với mình", Nam hào hứng chỉ tôi cách dùng Discord.

Nhưng tôi nghĩ chắc mình sẽ bỏ cuộc, vì tôi già thật rồi, hoặc vì ứng dụng này yêu cầu phải nhớ quá nhiều thao tác.

Thái độ của Nam và một vài học sinh tôi dạy có vẻ khác với quan điểm về mạng xã hội trong phần Nghị luận xã hội, đề thi Học sinh giỏi môn Ngữ văn năm 2024: "Trải nghiệm - ghi lại - tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong thời đại ngày nay?"

Đề thi ngầm định rằng việc chia sẻ lên mạng xã hội có vai trò nhất định trong đời sống tinh thần (khẳng định giá trị) của người trẻ đương đại. Ngầm định này dường như không tương thích với các điều tra xã hội học.

Trong đề tài nghiên cứu "Lối sống và định hướng giá trị của sinh viên hiện nay" (2023) do Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khảo sát trên 26.300 sinh viên trên cả nước, với 85,1% lựa chọn "lên mạng xã hội" là việc họ làm hàng ngày, trong đó với mục đích giải trí chiếm tỷ lệ cao nhất - 91,4%.

Sau mục đích giải trí, 89,8% sinh viên coi mạng xã hội là kênh để "liên lạc với bạn bè, người thân". Tiếp đó mạng xã hội mới là nơi để thể hiện quan điểm (68%) và xây dựng hình ảnh cá nhân (52,5%)...

Tương tự, trong Báo cáo Nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam của Hội đồng Anh (2020), phần sử dụng nền tảng mạng xã hội, mục đích "thể hiện bản thân", "được lắng nghe" xếp áp chót trong các mục đích phổ biến được liệt kê.

Toàn cầu hơn, một khảo sát trải khắp các lục địa do công ty Gallup phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF thực hiện (2021), chỉ ra rằng: tuy dựa nhiều vào mạng xã hội (và các trang trực tuyến) để cập nhật thông tin, nhưng người trẻ lại ít tin tưởng nhất vào các nền tảng này trong việc cung cấp thông tin chính xác. Chỉ 17% người trẻ tin tưởng thông tin từ mạng xã hội trong khi niềm tin vào bác sĩ chiếm 58%, khoa học gia (50%), gia đình (49%).

Giới trẻ liệu có thực sự mong muốn "khẳng định giá trị bản thân" trên nền tảng mà chính họ không thấy tin tưởng, coi như một hỗn tạp các tin tức thật - giả.

Các dữ liệu trên cho thấy người trẻ đã ít đặt kỳ vọng vào mạng xã hội. Họ có thể dành nhiều thời gian để giải trí, đăng một vài tấm hình, tiếp nhận một số loại thông tin, nhưng không chắc sẽ chọn mạng xã hội là phương tiện khẳng định giá trị bản thân.

Ta dễ dàng thấy một vài người trẻ xây dựng hình ảnh bản thân trên truyền thông: họ được học bổng bao nhiêu tỷ, họ dính vào scandal ái tình, họ sử dụng hàng xa xỉ từ khi chưa tự tay làm ra đồng tiền... nhưng đó chỉ là ảo ảnh bề nổi để thu hút những ai hiếu kỳ. Số đó chiếm một phần quá nhỏ so với người trẻ đang phải vật lộn với các kỳ thi đầu vào ngày càng khó khăn, phải đấu tranh với các triệu chứng tâm lý của xã hội hậu công nghiệp, phải giằng xé khi quyết định đi học hay đi làm trong bối cảnh đầu tư công cho giáo dục giảm sút... Họ đang buộc phải khẳng định giá trị bản thân một cách khắc nghiệt tại một nơi cụ thể nào đó, chứ không phải tại một nền tảng hàng đầu cho việc giải trí.

Áp lực của cuộc sống ngày càng cao hơn, kỳ vọng của xã hội ngày càng lớn hơn, dẫn đến việc người trẻ có thể chia sẻ nhiều điều thường nhật trên mạng xã hội nhưng trọng tâm cuộc sống của họ vẫn là vươn lên trong bối cảnh kinh tế vĩ mô liên tục biến động.

Thêm nữa, đã có nhiều bằng chứng cho thấy mạng xã hội tiềm ẩn quá nhiều rủi ro với những người chập chững vào đời: thao túng quan điểm người dùng (vụ bê bối Cambridge Analytica của Facebook); không kiểm soát các nội dung lạm dụng tình dục, tự tử, nhục mạ thân thể; thu thập trái phép dữ liệu cá nhân... dẫn đến thái độ dần quay lưng của người dùng.

Hai nan đề trên dẫn đến một hệ quả thú vị. Theo khảo sát của Gallup & UNICEF ở trên, người trưởng thành, những người đã đi qua giai đoạn vàng của mạng xã hội, đặt nhiều niềm tin vào nó hơn hẳn người trẻ; còn người trẻ lại tìm sự tin cậy trong những nguồn tin truyền thống vững vàng: khoa học gia, người thân, báo chí chính thống.

Thế nên, với câu hỏi của đề thi Học sinh giỏi Quốc gia, tôi trông đợi hai điều:

Một là, với các học sinh có khả năng nghị luận vững vàng, cần cung cấp bối cảnh xã hội xác đáng thay vì một mệnh đề quá trừu tượng, chung chung. Có thêm dữ liệu thống kê giúp các bạn tiếp cận trực tiếp những vấn đề khúc mắc và nan giải nhất của cuộc sống, làm tiền đề giúp các bạn bộc lộ rõ nét tư duy phản biện và giải quyết vấn đề từ góc nhìn người trẻ.

Hai là, đề bài (và đáp án) không nên chỉ dừng lại ở việc yêu cầu học sinh bộc lộ quan điểm về mặt đạo đức (nên làm gì, sáng suốt tỉnh táo hay không) mà cần khuyến khích người trẻ nêu ra kỳ vọng của bản thân vào xã hội: Thế hệ đi trước cần có trách nhiệm gì và chung tay như thế nào với thế hệ tương lai xây dựng một xã hội bền vững trong bối cảnh có quá nhiều thách thức không hồi kết cả về vật chất lẫn tinh thần.

Là người thầy, tôi muốn được lắng nghe giải pháp từ chính ngòi bút của các em, chứ không chỉ là những lập trường mơ hồ về một vài hiện tượng bề nổi.

Lang Minh

Nguồn: vnexpress.net