Tiểu sử Đấng Sáng Lập

ĐỨC CHA EUGÈNE MARIE JOSEPH ALLYS 


 ĐẤNG SÁNG LẬP - ĐỨC CHA EUGÈNE MARIE JOSEPH ALLYS 

Hai mươi ba tuổi đời, bao nhiêu ước mơ, tình yêu, công danh và sự nghịêp đang chờ phía trước, vậy mà, chàng trai trẻ Eugène Marie Joseph Allys đã can đảm “bán” tất cả để lên đường đem niềm vui Tin Mừng đến với những người nghèo khổ nơi đất lạ quê người. Sáu mươi mốt năm đằng đẳng, miệt mài trên cánh đồng truyền giáo miền Trung, đất Việt, không một lần trở lại quê nhà, đã minh chứng về một tình yêu trọn vẹn của ngài dành cho Thiên Chúa và dân Người.

Dù chưa được Giáo hội phong thánh, nhưng hình ảnh người Mục tử với con tim đầy tràn yêu thương, tấm lòng rộng mở và nụ cười luôn nở trên môi đã làm ngời lên vẻ đẹp của Thiên Chúa và Giáo hội Người. Giáo dân thường gọi ngài là “Vị Giám mục mỉm cười”, còn những người chưa nhận biết Chúa thì đặt cho ngài một tước hiệu thật gần gũi, dễ thương và đầy vẻ thánh thiện: “Ông Tiên bên đạo”. Điều đó không có nghĩa là cuộc sống của ngài không trải qua đau khổ, thử thách. Ngược lại, với một người Tây Âu đến Việt Nam thời bấy giờ, để thích ứng với cảnh thiếu thốn, nghèo khổ của người dân với nhiều phong tục tập quán lạ lẫm nơi đây là cả một vấn đề, chưa kể đến chuyện phải đương đầu với những chiếu chỉ cấm đạo, bắt đạo, tàn sát những người theo đạo cách dã man của các triều đình Việt Nam lúc đó. Vậy thì lý do nào khiến nụ cười trên môi ngài không bao giờ tắt? Tất cả chỉ vì Tình Yêu. Tình yêu của một người cha, người Mục tử dành cho đoàn chiên. Ngài đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng bằng chính tình yêu của Đức Kitô. Tình yêu ấy đã lôi kéo được hàng ngàn linh hồn về với Chúa, và đặc biệt chính tình yêu ấy đã sinh hạ Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhễm trong lòng Giáo hội hôm nay.

dsl

Cậu Eugène Marie Joseph Allys chào đời ngày 12.02.1852, trong một gia đình tuy nghèo nhưng rất đạo đức. Có hai linh mục và một nữ tu trong số tám người con do cha mẹ cậu sinh ra. Cậu bé Eugène được lớn lên trong một xóm đạo xứ Paimpont, thuộc Giáo phận Rennes, nước Pháp, gần khu rừng Brocéliandre nổi tiếng mà các thi sĩ xứ Bretagne thường ca tụng. Nơi đây, cậu được thừa hưởng một đời sống đạo đức tốt đẹp, sâu đậm từ cha me, gia đình và xóm đạo. Những ký ức thánh thiện đó không bao giờ phai nhạt trong tâm trí cậu bé. Sau này, khi bị mù, Đức Cha già Allys vẫn thừờng kể lại những kỷ niệm khó quên về gia đình và xứ đạo .

Sau thời gian học ở Paimpont, thầy Eugène được gởi tới Tiểu chủng viện Saint Méen, rồi vào Đại chủng viện Giáo phận Rennes một thời gian. Chính tâm hồn thao thức truyền giáo đã thúc đẩy người chủng sinh trẻ này xin gia nhập Chủng viện Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Ngày 27.07.1872, thầy Eugène chính thức trở thành chủng sinh của Chủng viện này.

Ngày 10.10.1875, thầy được thụ phong linh mục tại nhà thờ Hội Thừa Sai Paris. Hai tháng sau, ngày 16.12.1875 cha Eugène lên đường truyền giáo tại Việt Nam, lúc đó mới 23 tuổi.

Đến Huế, Đức Cha Giuse Bình (Sohier) đặt ngài ở viện Dục Anh coi sóc các trẻ mồ côi, đồng thời làm phó giúp cố Đăng (Dangelzer) ở Kim Long để học tiếng Việt với vị thừa sai lão luyện này từ năm 1876.

Năm 1880, cha Allys được giao nhiệm vụ làm cha phó Giáo xứ Dương Sơn. Một năm sau, ngài được bổ nhiệm làm cha sở Giáo xứ này.

Năm 1885, ngài làm cha sở Giáo xứ Phủ Cam, kiêm Hạt trưởng Giáo hạt Bên Thủy cho đến khi Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm Giám mục năm 1908, hiệu tòa Phacuse, lãnh đạo Giáo phận Huế.

dsl1

Lễ tấn phong Giám mục được cử hành tại thánh đường Phủ Cam vào ngày 24.05.1908. Ngài lãnh đạo Giáo phận theo đường lối vị tiền nhiệm và đưa Giáo phận vào giai đoạn phát triển cao. Ngài đã bảo trợ việc thiết lập Dòng Kín Carmel ở Huế (1909) và Đan viện Phước Sơn (1918), để yểm trợ công cuộc truyền giáo bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh. Ngài mời Dòng Chúa Cứu Thế từ Canada đến Huế (1925) để tiếp tay với ngài trong lãnh vực mục vụ .

Với tầm nhìn bao quát và lòng chạnh thương của người Mục tử, ngài khám phá nhu cầu khẩn thiết cần được đáp ứng lúc này, đó là, lớp trẻ cần được giáo dục trong đức tin và thăng tiến về văn hóa. Sau khi đã ổn định việc lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (1920) lo về giáo dục giới trẻ và thanh thiếu nữ, năm 1925 ngài lập Dòng Sư Huynh Giáo giảng viên giáo lý Thánh Tâm (Dòng Anh Em Thánh Tâm ngày nay) nhằm giáo dục các nam sinh.

Một điều mà có lẽ ai cũng nhận thấy, đó là, Đức Cha Allys đã dành trọn tình yêu và dốc hết tâm huyết của ngài cho công cuộc Loan báo Tin Mừng. Ngài đã yêu thương đoàn chiên với trọn tấm lòng của người Mục tử. Đúng như lời xác nhận của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, nhân ngày mừng Ngân khánh Giám mục của ngài, trong lá thư gửi từ Roma ngày 29.4.1933: “Quả thực không người nào mà không biết Đức Cha đã miệt mài trong công việc tông đồ với lòng nhiệt thành và hăng say thế nào... Thực sự Đức Cha đã tỏ ra mình là Mục tử nhân lành, trở thành mọi sự cho mọi người, và trong thực tế Đức Cha đã luôn mãi thực hiện những gì vị tông đồ Phaolô đã nói về mình:“Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em” (2Cr 12, 15).

(Trích lá thư bằng tiếng Pháp được chị M. Céphas Trần Thị Diệp, FMI chuyển ngữ).

Với một cuộc sống rất giản dị và luôn vui tươi, người ta thường gọi ngài là“Vị Giám Mục mỉm cười”. Quan toàn quyền Pierre Pasquier ca ngợi ngài: “Lòng quả cảm không bao giờ tắt nụ cười trên môi, với lòng nhiệt thành hăng say, với sự lạc quan thổi vào những ngọn lửa chập chờn...” (Diễn văn ngày 14.7.1921 nhân dịp trao tặng huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh cho ngài).

Đức Cha Allys đã kín múc sức mạnh tông đồ truyền giáo từ nguồn suối tình yêu Thánh Thể. Trong thời gian làm cha xứ, sau giờ đọc kinh chung với giáo dân ban tối, ngài ở lại chầu Thánh Thể rất lâu. Cũng vậy, lúc bị mù, ngài thường ở trong nhà thờ suốt buổi chiều để cầu nguyện và chầu Thánh Thể. Chính Đức Hồng Y Fumasoni – Biondi đã rất cảm phục ghi lại những lời tâm sự của Đức Cha Allys trong một bài đăng ở tạp chí Bulletin MEP năm 1932:“Đức Cha Allys tâm sự trong những năm hưu dưỡng:“Từ nay cuộc sống tôi tóm lại trong cầu nguyện và tôn thờ Thánh Thể, tôi khuyên các cha cũng vậy, dùng đến phương thế đó”.

dsl2

Đầu tháng 4.1936, một cơn mê khác thường xảy đến, báo trước cuộc hành trình của ngài trên trần thế sắp chấm dứt. Vào thứ Năm Tuần Thánh, ngày 9.4.1936, Đức Cha Chabanon chủ tọa Thánh lễ làm Phép Dầu, sau đó ban Bí tích Xức Dầu bệnh nhân cho Đức Cha Allys. Vừa dứt lời nguyện, Đức Cha già đưa mắt nhìn các linh mục đang đứng chung quanh, ngài nói lời xin lỗi và thì thào: “Combien je vous aime tous”. Đó là lời cuối cùng của vị Mục tử nới với đoàn chiên, là âm vang châm ngôn Giám mục của ngài “Diligo omnes (Tôi yêu thương mọi người), kết thúc cuộc đời tông đồ như lời Thánh Phaolô kết thúc bức thư gửi cho Giáo đoàn Côrintô: “Tôi yêu thương anh em tất cả trong Chúa Kitô (1Cr 16, 24)”.

Cho đến 11g ngày 23.4.1936, Đức Cha Allys đã nhẹ nhàng ra đi trong sự thương mến của mọi người, hưởng thọ 84 tuổi; 61 năm linh mục, trong đó, 28 năm Giám mục. Ngài đã dành trọn vẹn 61 năm miệt mài truyền giáo tại Giáo phận Huế, không một lần trở về quê hương.

Ngài được an táng trong nghĩa trang các linh mục tại giáo xứ Phủ Cam.

Ngày 6.8 .1986, mộ ngài được cải táng về Nghĩa trang của Giáo phận tại Thiên Thai, Huế.

Chia sẻ: Là con người sinh ra ai cũng cần một mái ấm để yêu thương, để sẻ chia những buồn vui, sướng khổ của cuộc đời. Đức Cha Eugène cũng là một con người như bao người khác. Ngài cũng có một trái tim chứa đầy những cảm xúc, tình cảm rất chân thành dành cho những người thân yêu trong gia đình. Thế nhưng, vì Nước Trời, ngài sẵn sàng lên đường từ bỏ tất cả. Đọc những tâm tình dưới đây sẽ giúp ta hiểu và cảm nhận được phần nào về một tình yêu cao cả của Đức Cha Allys cũng như các Nhà truyền giáo nói chung. Các ngài đã phải hy sinh thật nhiều, từ bỏ thật nhiều (...).

Trích những lá thư cuối đời của Đức Cha Allys, lúc bị mù ngài đọc cho một người viết gởi về gia đình (được Chị M. Céphas, FMI chuyển ngữ từ tiếng Pháp):

Huế ngày 20 tháng 1 năm 1932,

Cháu thân mến,

Cháu biết hơn một năm nay cậu đã mù không đọc được, không viết được. Đây là điều thật đáng buồn nhưng không làm cho cậu buồn. Từ sáng đến tối, cậu hát các bài Thánh ca (Cantiques), cả đến những bài hát ngày xưa. Ít nhất một ngày hai lần cậu làm một cuộc du lịch trong tâm trí từ làng Cannee đến Nhà thờ xứ Paimpont, quỳ xuống trước tượng Đức Mẹ xứ Paimpont cầu nguyện theo nhiều ý chỉ trong đó có nước Pháp, miền Bretagne và giáo xứ Paimpont. Cháu sẽ nói thay cho cậu nhiều điều với bà con và tất cả những người hỏi cháu về tin tức của cậu. Cháu cũng nhớ cho cậu kính thăm cha xứ và tất cả cha phó. Cậu hằng nhớ đến họ trong lời cầu nguyện. Khi nào cháu viết thư cho cậu cháu đừng quên kể cho cậu về tình trạng đạo đức của cha xứ. Đã hơn 56 năm cậu xa nước Pháp để ở Việt Nam. Cậu còn sống bao lâu chỉ có Chúa biết. Cậu của cháu ít lâu sẽ chờ trên Thiên đàng.

Allys Lý.

Thư ký hiện thời của cậu là học trò ở Tiểu Chủng viện, ông tên là Phaolô Trần Văn Lợi.

Huế ngày 9 tháng 8 năm 1934, Cháu Marie thân mến, Ngày hôm qua cậu đã gởi cho cháu một hộp nhỏ trong đó có huy chương Légion d’Honneur (Bắc Đẩu Bội Tinh) do quan toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier tặng và một huy chương vàng do chính phủ Việt Nam tặng cho người có công đối với triều đình Việt Nam. Cậu dâng hai kỷ vật nầy cho Đức Mẹ xứ Paimpont và Giêsu, con bé nhỏ của Mẹ. Nếu có thể mang vào cổ Đức Mẹ và Chúa Giêsu hai kỷ vật nầy, được như vậy thì cậu sung sướng vô cùng. Nếu không thì xin đặt vào trong phòng thánh của nhà thờ xứ Paimpont cùng với nhữgn đồ vật quý của nhà thờ, cùng với là thư cậu viết đây để người ta biết chúng bởi đâu mà đến. 

…Tình yêu của cậu đối với người Việt Nam không làm cậu quên những phần tử trong gia đình. Cậu hẹn ngày gặp nhau trong cuộc sống bên kia thế giới. Trước hết phải thanh luyện trong luyện ngục để đền tội chúng ta và rồi sẽ được lên trời nới đó sẽ được chiêm ngưỡng Ba Ngôi Rất Thánh, và nơi đó sẽ sống sự sống của Chúa Giêsu hợp đoàn với các Thánh. Đó là nơi cậu hẹn gặp cháu cũng như những người thân yêu của gia đình. Allys Lý.

-------------------------