Rắn đồng

Khi nói đến hành trình qua sa mạc của dân Israel, có lẽ không ai không nhớ đến một chi tiết khá thú vị, đó là hình ảnh con rắn đồng...


Khi nói đến hành trình qua sa mạc của dân Israel, có lẽ không ai không nhớ đến một chi tiết khá thú vị, đó là hình ảnh con rắn đồng được treo trên cây cột. Cũng thế, nói đến cuộc đời người Kitô hữu, không ai không liên tưởng đến thánh giá, trên đó, Chúa Giêsu được treo lên. Vậy chúng có liên hệ gì với nhau không? Trong bài này, chúng ta thử dừng lại một vài chi tiết hầu có thể làm sáng tỏ đôi điều.

  1. Rắn Đồng Trong Sa Mạc (Ds 21,4-9)

Trong hành trình qua sa mạc, dân Israel gặp phải muôn vàn thử thách và khó khăn: thức ăn khá nhàm chán, chỉ là manna và chim cút; trời thì nóng cháy, cây cối thì khô khốc; đó là chưa nói đến những trận bão cát kinh hoàng. Dân đói khổ và họng rát khô vì thiều nước. Theo bản tính tự nhiên, họ mất kiên nhẫn, họ kêu trách Thiên Chúa và người đại diện của Người.

Tiếng kêu trách của dân khiến Thiên Chúa nổi giận và Người đã cho rắn bò ra cắn chết nhiều người. Tại sao? Lời kêu trách của họ đưa đến ba tội. Trước nhất, họ nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa, “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc?”; thứ hai, nhu cầu vật chất thật đối với họ quá quan trọng, quan trọng hơn cả Chúa, “Một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống”; thứ ba, sự vô ơn, “Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này”. Hậu quả, Chúa cho rắn bò ra cắn chết nhiều người, Môisen cầu khấn, Chúa bảo hãy đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, để ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, sẽ được sống.

Một cái nhìn tiêu cực đã khiến cho dân chỉ thấy mọi sự trong tiêu cực. Nếu nhìn tích cực, dân sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Và lúc đó dân sẽ không ngừng thán phục Thiên Chúa mà rằng: Tại sao trong sa mạc mà lại có thịt chim cút, có manna để ăn? Tại sao nước có thể vọt ra từ tảng đá? Tại sao ban ngày Thiên Chúa che nắng bằng cột mây và ban đêm lại dẫn đường bằng cột lửa? Và bao nhiêu điều kỳ diệu khác.

Bây giờ, nhìn trên bản đồ, ai cũng biết, con đường từ Ai Cập đến đất hứa không xa, nhưng tại sao dân Israel phải đi mất bốn mươi năm. Một triết gia đã nói, “Chỉ cần bốn ngày để dân Israel ra khỏi Ai Cập, nhưng phải cần đến bốn mươi năm, Ai Cập mới ra khỏi Israel”. Vậy phải chăng Thiên Chúa thật có lý và có tình về tất cả những gì Người đã làm cho dân từ Ai Cập đến đất hứa. Thiên Chúa biết lòng dạ con cái Người nên cho dầu có trừng phạt họ thì sự trừng phạt của Người cũng không nằm ngoài dự phóng của tình yêu.

  1. “Rắn Đồng” Trên Đồi Canvê (Ga 3,14-16)

“Như ông Môisen đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.

Theo lời này, lời của chính Đức Kitô, chúng ta hình dung một bên là con rắn đồng bị giương cao trên cây gỗ, biểu tượng của tội và sự dữ; một bên là Đức Kitô được giương cao trên cây thập giá, chỗ của tử tội, của chính tội. Như thế, Ngài muốn nói trước rằng, Ngài sẽ thế vào vị trí của con rắn bị treo trên cây cột. Vì thế, thánh Phaolô nói, Ngài lại tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lỗi” (Rm 8,3); “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội vì tất cả chúng ta” (2 Cor 5,21).

Rắn đồng trên cột cứu sống một dân là hình ảnh báo trước Con Thiên Chúa trên thập giá cứu độ muôn dân. Ngày xưa, ai nhìn con rắn đồng với niềm tin vào Đức Chúa thì họ sẽ được cứu sống, nhưng trên đồi Canvê, họ không cần nhìn vật trung gian như nhìn vào con rắn đồng nữa, mà là nhìn thẳng vào Đấng Cứu Độ.

Tội thật khó thấy, nhưng tội lại hiện nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô trên thánh giá. Thánh Phaolô trong thư Rôma đã nói, “Tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7,13). Như thế, thân thể chẳng còn ra người của Ðức Kitô trong cuộc thương khó mặc khải cho con người thấy hình dạng thật của tội cũng như bộ mặt thật của con người. Nơi khuôn mặt của Chúa Giêsu trên thánh giá, sự thù hận, ấm ức, gian ác… bùng cháy trong lòng con người được lộ rõ.

Trong sa mạc, Thiên Chúa dùng chính con vật gây chết chóc mà treo lên để cứu con người; trên đồi Canvê, Thiên Chúa dùng ngay chính sự ác của con người để tạo nên việc cứu độ nhân loại. Hình tượng tan nát của Con Thiên Chúa trên thánh giá chính là sản phẩm độc ác của con người tạo ra; thế nhưng, trên thánh giá, Chúa Giêsu không một lời nguyền rủa, không một chút oán hận, trái lại, Ngài đã trả lại cho đời bằng bằng sự tha thứ và bao ân huệ từ cung lòng thương xót của Chúa Cha, “Ôi tội hồng phúc!”.

Như thế, một cách nào đó, thập giá treo Đức Kitô tỏ lộ sự khôn ngoan của Thiên Chúa, một sự khôn ngoan mà thế gian không thể hiểu được. Trong Thánh Kinh, con rắn cũng là biểu tượng của sự khôn ngoan; Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ, “Anh em hãy khôn ngoan như rắn” (Mt 10,16). Sự khôn ngoan đích thực không phải là dùng mưu mẹo mà lừa dối tha nhân, hoặc lừa dối chính mình để tìm cách ngang hàng với Thiên Chúa, như con rắn xưa cám dỗ ông bà Adam và Eva (x. St 3), sự khôn ngoan ở đây là học để khôn ngoan như Chúa Giêsu: tự hủy chính mình để cho ý Chúa Cha được thực hiện.

Con rắn đồng bị treo lên vì tội dân, Đức Giêsu chịu treo lên vì tội lỗi nhân loại. Vì thế thánh Phêrô viết, “Tất cả tội lỗi của chúng ta, Đức Giêsu đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính...Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (2Pr 2,24a).

  1. “Rắn Đồng” Trong Đời Bạn và Tôi

“Rắn đồng” của chúng ta hôm nay có thể là do nọc độc của chính tội chúng ta gây ra chẳng khác gì tội “kêu trách” của dân Israel ngày xưa. Với quyền năng, Thiên Chúa đã biến “Rắn Đồng” trở nên giá cứu chuộc, thì chúng ta cũng thế, hãy biến “rắn đồng” của đời mình là những yếu đuối và vấp ngã của chính mình trở nên nguồn ơn thánh hóa bản thân và cứu độ thế giới. Chúng ta có thể làm được điều đó khi biết treo tất cả chúng lên cây khổ giá với Chúa Giêsu. Bởi lẽ, cái chết của Chúa Giêsu mặc khải cho con người bản chất của tội, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa vượt xa tội lỗi của con người, “Vì Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17).

Không như rắn đồng trong sa mạc, dân Israel được cứu sống rồi cũng lại chết, Đức Kitô cứu độ chúng ta để chúng ta được sống đời đời. “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” (Ga 12,32). Con Thiên Chúa được giương cao và Ngài ước mong chúng ta cũng được giương cao lên khỏi mặt đất này. Vì thế thánh Phaolô mời gọi, “Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới” (Col 3,1). Hãy nhìn lên cao, “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Chúng ta được mời gọi hãy sống theo Thần Khí và để cho Thần Khí hướng dẫn chứ không phải sống theo xác thịt (x. Gal 5). Vì chúng ta được tạo thành cho Thiên Chúa chứ không phải cho thế gian; cho cuộc sống vĩnh cửu chứ không phải cho những gì tạm bợ ở trái đất này. 

Thiên Chúa không thể tha thứ cho con người mà không đồng thời làm cho con người hiểu tội và nhất là thấy tội. Vì thế, thập giá không chỉ mời gọi chúng ta suy tôn, nhưng còn mời gọi chúng ta yêu mến, gắn bó và đặc biệt là đừng tìm cách chạy trốn nó.

Chúng ta hãy thinh lặng, nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu để cảm nghiệm tình yêu của Ngài và sức nặng của tội lỗi để từ đó chúng ta quyết tâm chừa tội. Đồng thời, cũng hãy biết rằng, đây chính là con đường để bạn và tôi đáp lại tình yêu đối với Ngài.

Nt. Maria Phan Hiển, FMI