Năm Thánh, sống mầu nhiệm tự hủy theo gương Đức Giêsu

Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, để yêu, để khóc, để nhớ, để khổ… Cuộc sống là những chuỗi ngày kết dệt nên những viên...


Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, để yêu, để khóc, để nhớ, để khổ… Cuộc sống là những chuỗi ngày kết dệt nên những viên ngọc “thất tình” trong đời người. Thế nhưng, mỗi người rất riêng lại có những phản ứng khác nhau trước những biến cố xảy đến trong đời mình. Cũng cùng là một vấn đề nhưng có người lại vui, người khác đau khổ, người kia có cái nhìn lạc quan, rút ra bài học cho mình, người nọ tìm ra ý Chúa dưới cái nhìn đức tin…

Quả vậy, Năm Thánh như là cơ hội Chúa ban để toàn thể Hội dòng một lần nữa khẳng định và nhắc nhớ về động lực Nên Thánh của người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. 100 năm rồi cũng sẽ trôi qua, rồi sẽ không còn ai nhớ đến, nhưng ơn gọi nên Thánh thì vẫn là lời mời gọi từ muôn thuở mà Chúa Cha nhân lành đang mời gọi những người con của Ngài sống từng giây phút mỗi ngày. Dù ở bậc sống nào thì con người vẫn đi tìm cho mình hạnh phúc, để có được niềm vui. Charlie Chaplin đã nói “Một ngày không có tiếng cười là một ngày lãng phí” (A day without laughter is a day wasted). Quả vậy, niềm vui đem lại cho con người thêm động lực, thêm sự hăng hái để tiếp tục đi tới cho đến đích điểm cuối cùng khi con người biết sống tự hủy (Kenosis) theo gương Chúa Giêsu.

Kenosis” có nghĩa là trút bỏ, là dốc cạn, là lột bỏ hoàn toàn[1]. Hay nói cách khác, Kenosis là tự hủy, hư vị hóa, [khi Đức Giêsu Kitô giáng thế, đã từ bỏ vinh quang và tôn uy của một vị Thiên Chúa, nhưng vẫn bảo tồn bản chất và hành vi Thiên Chúa]; là tự khiêm hạ, hy sinh tự ngã [Đức Kitô hy sinh tự ngã, lấy thánh ý Chúa Cha làm ý chí điều khiển hành vi mình][2].

Những trang Tin Mừng đã diễn tả hết tinh thần sống của Chúa Giêsu. Cả một cuộc đời Ngài là những chuỗi ngày sống cho Cha, làm đẹp lòng Cha mọi đàng. Ngài đã sống tự hủy từ giây phút đầu tiên của biến cố Nhập Thể, hay những ngày tháng ẩn dật nơi quê nhà Nadaret, ba năm dong duổi trên chặng đường rao giảng Tin Mừng và cuối cùng là cuộc Vượt qua của Ngài, đỉnh cao của sự tự hủy. Đức Giêsu đã sống vâng phục Cha cho đến chết. Ngài đã tự hủy “Kenosis” suốt đời mình để làm gương cho nhân loại trong thân phận của một con người. Ngài đã thông chia “kiếp người” như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi. Vì thế mà Ngài đã kinh qua tất cả hương vị thế trần này.

Có thể nói biến cố rõ ràng nhất của sự tự hủy là trong cảnh hấp hối ở vườn Dầu. Để vâng lời, Đức Giêsu đã thắng vượt cuộc nổi dậy của cả con người, sự lo âu của một tâm hồn run sợ trước cảnh đau đớn đang ập đến, và sự phản kháng của thân xác đang ham muốn sống mà thấy mình sắp bị lên án cực hình. Sự tùng phục của Đấng Cứu Thế bấy giờ không phải là chuyện dễ dàng; chỉ đứng vững được sau một cuộc chiến đấu dữ dội sâu thẳm trong Ngài[3]. Khi diễn giải đêm cầu nguyện này, Đức Benedictô XVI viết: “Đức Giêsu đã “tranh đấu” với Chúa Cha, với chính mình, và Ngài “tranh đấu” vì chúng ta. Đức Giêsu ‘lâm cơn xao xuyến bồi hồi’: vì Chúa Cha, mà người luôn thể hiện sự vâng phục. Đàng khác, Đức Giêsu cũng muốn trải qua sự khắc khoải âu lo đến chết này” vì loài người chúng ta, để cho chúng ta theo ‘gương’ Ngài học thế nào là vâng phục, để trở thành con của Chúa Cha và được cứu rỗi[4]. Vâng phục đòi hỏi Đức Giêsu cố gắng liên tục và suốt đời[5].

Quả thật, Đức Giêsu đã thực hiện ý muốn là nên một với Chúa Cha không phải là dễ dàng nhưng đây là ý muốn khó khăn nhất, khiến Ngài phải mướt mồ hôi trong Vườn Cây Dầu. Vì Ngài đã vâng phục Chúa Cha theo bản tính nhân loại. Vì Ngài muốn vâng phục cách hoàn hảo mà lại bằng một ý muốn giống như ý muốn của ta. Là con người, Ngài đã thực hiện sự vâng phục ngang tầm với Thiên Chúa[6]. Hơn nữa, trong lời cầu nguyện hấp hối ấy, Chúa Giêsu giải quyết sự đối nghịch giả trá giữa vâng phục và tự do, và mở ra con đường đi tới tự do. Con người đích thực của chúng ta phải nài xin Đức Kitô dẫn đưa chúng ta đến việc ‘xin vâng’ Thánh Ý Chúa Cha như Ngài, và chỉ có thể bằng cách này mà loài người chúng ta mới thực sự tự do[7].

Như thế, sống Năm Thánh trong vui tươi và để đón được nhiều phúc lành từ Thiên Chúa thì đòi hỏi người nữ tu như tôi phải thực sự tự hủy theo gương Đức Giêsu mỗi ngày. Sự tự hủy đó thể hiện qua việc chúng ta sống theo thánh ý Cha trong cuộc sống hàng ngày, qua đời sống cộng đoàn, với ba lời khấn, với công việc mục vụ, hay cả chính bản thân với những chiến đấu bên trong... Đó là cơ hội để trở nên như Ngài. Bước đi với niềm xác tín vào Chúa Kitô, cũng như nhờ ơn thánh của Ngài giúp tôi mỗi ngày mạnh mẽ “Tiến bước trong Thần Khí” (Gl 5,25) với nụ cười trên môi. Niềm vui và sự bình an xuất phát từ một điều cốt lõi là tôi từng bước nhỏ trở nên giống Chúa Giêsu hơn trên hành trình dâng hiến. Vì qua khổ giá mới đạt tới vinh quang. Đức Giêsu đã đi trước và làm gương cho con người, thì những người môn đệ cũng từ từ từng bước một theo chân Ngài trong cuộc đời dương thế.

Tóm lại, sống vui thì đời sẽ vui, lạc quan và tích cực trong suy nghĩ, đời tôi trở nên nhẹ nhàng hơn. Vì ý muốn của Thiên Chúa thể hiện qua Linh đạo Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đã toát lên niềm vui đó. Ngài luôn muốn nhìn thấy con của Ngài sống vui và hạnh phúc. Người môn đệ theo Chúa cần cảm nhận được hạnh phúc, niềm vui với những gì đơn sơ trong cuộc sống hiện tại. “Chúng ta được mời gọi mở mắt nhìn và dành một chốc lát để cảm nhận trọn vẹn mọi món quà nhỏ bé của đời sống với lòng biết ơn…vì đó là quà tặng của Thiên Chúa[8]. Vui như niềm vui của Chúa dù phải chiến đấu và khổ đau, nhưng tất cả là sống cho Cha, cho các linh hồn. Đức Thánh Cha Phanxico đã nhắn nhủ các bạn trẻ rằng: “Các con hãy sống hữu hiệu nhất những năm tuổi trẻ của mình. Đừng nhìn đời từ một ban công. Đừng lăn lộn hạnh phúc với chiếc ghế bành, hay sống đời sống các con sau một bức màn. Làm gì thì làm đừng trở nên thê thảm như một chiếc xe ô tô phế thải nghĩa địa!... Đừng đi qua đời sống một cách vô cảm, hay tiếp cận thế giới như những khách du lịch. Hãy sôi nổi lên! Hãy dấn thân cho những gì tốt nhất trong đời sống! Hãy mở cửa lồng, thoát ra và bay lên! Xin các con đừng về hưu sớm”[9]. Chúa đang chờ tôi và bạn đấy!

Anna Phúc Ái (Kinh viện), FMI  

[1]Vital Luca Nguyễn Hữu Quang, FSC, Thiên Chúa Ba Ngôi và Mầu Nhiệm Phục Sinh, 2017, tr. 210

[2] Từ Điển Công Giáo, tải xuống ngày 20/9/2018 tại https://tudienconggiao.net/eng/kenosis

[3] Jean Galot, S.J, Thánh Thể Sinh Động, chuyển ngữ Giuse Ngô Đức Thắng, Tôn giáo, 2012, trang 120-123

[4] Nguyễn Hữu Quang, Dòng dõi nói tiếng Fiat, 2010

[5] Nguyễn Thế Truyền, Sống Mầu Nhiệm Tự Hiến Của Đức Kitô, tải xuống  ngày 2/3/2019 tại

 https://thinhviendaminh.net/chua-nhat-v-mua-chay-b-song-mau-nhiem-tu-hien-cua-duc-kito/

[6] R.Cantalamessa, Đời Sống Mới Trong Chúa Kitô, Nxb Tôn giáo, 2012, trang 103-104

[7] Nguyễn Hữu Quang, Giáo trình Linh đạo Kitô giáo trong Linh đạo Huấn luyện, 2016, trang 365-369

[8] Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, 146-147

[9] Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 143