CĐMVN sống Linh đạo Thánh giá theo tinh thần Đấng sáng lập Dòng

“Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). “Những...


“Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô,

mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2).

“Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu,

tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức,

vì lợi ích của thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24b).

Thánh Giá chính là biểu tượng, là nét đặc trưng của Kitô giáo. Không thể nói đến Đức Giêsu Kitô mà không nói đến thánh giá, bởi chính nhờ cuộc khổ nạn mà Người hoàn tất sứ mạng đưa nhân loại trở về làm con cái Thiên Chúa. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Thập giá Chúa Kitô là cội nguồn cho mọi ơn gọi đời sống thánh hiến (x. ĐSTH 23; LS 3).  Việc chiêm ngắm Đức Kitô chịu đóng đinh đã trở nên nguồn linh hứng cho nhiều đấng sáng lập Dòng trong Giáo Hội. Đức Cha Chabanon, Đấng đồng Sáng Lập Dòng, đã lấy cảm hứng từ luật của Dòng Mến Thánh Giá đàng trong để viết nên bộ Luật của Hội Dòng. Ngay từ chương đầu tiên của Luật Tiên Khởi, Đức Cha đã vạch ra con đường yêu mến Thánh giá cho chị em thực hành:

Con Đức Bà chẳng hề mắc tội tổ tông tuy không hãm mình nhiệm nhặt bề ngoài như ăn chay, đánh tội…như chị em Mến Thánh giá xưa mặc lòng, song cũng phải chịu cho vui lòng những sự khó thường ngày thường gặp, cùng sẵn lòng bỏ mình đi mà làm các việc bổn phận cho nên: ấy là mến Thánh giá cùng thông phần Thánh giá Đức Chúa Giêsu” (LTK I,1).

Đức Cha Allys, Đấng Sáng Lập Dòng, cũng đã cảm nghiệm và sống mầu nhiệm Thánh giá trong suốt cuộc đời: “Điều quan trọng là cầu nguyện và chịu đau khổ” (TSA 29). CĐMVN yêu mến Chúa Kitô trong tất cả mầu nhiệm Người, nhưng đặc biệt hơn trong mầu nhiệm Khổ Nạn, bởi đó là con đường nên thánh của chị em được xác định trong Linh đạo Dòng. Thánh giá Chúa Kitô phải là cốt yếu trong đời sống của chị em, đến nỗi chúng ta không còn muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá (x. 1Cr 2,2). Hành trình lịch sử 100 năm của Dòng là cơ hội và là động lực thúc bách chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm sống Linh đạo Thánh giá cách năng động hơn, rực sáng hơn trong Hội Thánh và thế giới hôm nay.

I. Thánh Giá Đức Kitô- nguồn ơn cứu độ

Sách Gương Chúa Giêsu viết: “Cuộc đời của Đức Kitô là Thập giá và tử đạo” (II, ch.12). Tất cả từ cuộc sống cho đến cái chết, từ lúc chịu mai táng đến lúc sống lại và lên trời của Người đều mang giá trị cứu thế1, nhưng cuộc khổ nạn là trung tâm điểm. Sự chết của một kẻ bị đóng đinh được giới thiệu như mầu nhiệm cứu độ, đó là điều gây chướng tai gai mắt, nhưng vẫn đứng vững qua muôn thế hệ2. Sự chết của Đức Giêsu không chỉ là một sự kiện đơn độc bình thường của một ai đó trong nhân loại, sự chết của Người đã cứu sống loài người. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Đức Giêsu đã kêu lên: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30), cho thấy cái chết của Người đã đi đến cùng việc hoàn tất Thánh ý Chúa Cha (x. Lc 23, Is 53; Tv 22,61), làm phát xuất Thần khí (x. Ga 19,34-37) ban sự sống Thiên Chúa cho con người. Chính nhờ Người, nơi Người, chúng ta được giải thoát, được sống, và được sống lại.

Chúa Kitô đã đón nhận cuộc khổ nạn cách tự do và tự nguyện. Thánh giá Đức Kitô nằm trong kế hoạch Chúa Cha, nhưng thánh giá cũng là kết quả lựa chọn căn bản của Đức Giêsu. Đỉnh cao của sự chấp nhận đó là lời cầu nguyện ở vườn Giếtsêmani: “Lạy Cha, nếu được thì xin cho con khỏi uống chén đắng này, nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 26,42). Những lời đó rất có ý nghĩa vì nhiều lý do: chứng thực tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha qua sự vâng phục, đồng thời cũng xác nhận Đức Kitô đã chịu đau khổ thật sự3. Người tự nguyện liên kết mình với toàn thể nhân loại đến nỗi chịu đựng cả những hậu quả của tội lỗi con người phạm. Liên đới với con người là cứu chuộc, và cứu chuộc là gánh tội trần gian. Người đến đứng vào chỗ chúng ta, Người mang lấy hình ảnh người Tôi tớ đau khổ (x. Is 54): chịu bắt bớ, khinh miệt, sỉ nhục, bị xử án bất công, bị đánh đòn, đội mão gai, vác thập giá, đóng đinh, hấp hối và chết trên thập giá giữa hai người trộm cướp thay cho con người và vì con người. Khi nhìn thấy con cái mình lựa chọn sự chết, Thiên Chúa đã chết thay cho chúng ta.

Thánh giá Đức Kitô - khuôn mặt Thiên Chúa

J. Moltmann, một nhà thần học Đức đã tuyên bố: “Nếu muốn biết Chúa là ai, chúng ta phải quỳ gối dưới chân thập giá”. Đức Giêsu đã dùng cả cuộc đời nói cho con người Thiên Chúa là ai, nhưng chính dung mạo của Đấng bị đóng đinh trên thập giá đã mặc khải đích thực khuôn mặt của Thiên Chúa: “Khi các ngươi treo Con Người lên các ngươi sẽ biết Ta Là” (Ga 8,28). Quả thực, không một nơi nào khác Thiên Chúa tỏ mình ra là Thiên Chúa như trên thập giá: bị nhục mạ, kết án mà vẫn một niềm yêu thương thành tín. Không một nơi nào khác, Thiên Chúa lại tỏ mình ra là Đấng quyền năng như trên thập giá: hoàn toàn trần trụi, bất lực trước sự dữ nhưng đã chiến thắng khải hoàn. Một cuộc chiến thắng không bằng sức mạnh nhưng bằng tình yêu. Sự yếu đuối của Thiên Chúa chính là sức mạnh của Người4.

Thiên Chúa đã chọn cái chết “ô nhục” và “đáng nguyền rủa” (x. Dt 12,2; Gl 13,3) trên thập giá cho Con Một của Ngài để biểu lộ tình yêu. Đấng đã yêu thế gian đến nỗi đã sai Con Một của Ngài “không phải để lên án nhưng là để nhờ Người Con này mà thế gian được cứu” (Ga 4,16-17).  Trong mầu nhiệm Thập giá, sự đau khổ của Thiên Chúa đạt tới tuyệt đỉnh: trước hết Thiên Chúa đau khổ khi nhìn Con Một mình đau khổ tột cùng trên Thánh giá, rồi Ngài đau khổ vì con người lìa bỏ Đấng ban sự sống qua hành động độc ác tội lỗi đến nỗi không tha chính Con Một của Thiên Chúa mà đã giết chết (x. Mt 21,38-39). Còn Ngôi Con đã tự nguyện đi đến “tận cùng” của thân phận con người trong đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần: nghèo khó, cô đơn và cái chết. Người đã thí mạng sống mình cho những người mình yêu (x. Ga 13,3). Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Giêsu trao lại cho Chúa Cha vào giờ tăm tối này: Người dâng hy sinh của mình khi làm cho Chúa Cha xa lìa Chúa Con, để giúp Chúa Con có thể đến với người nghèo trong sự tột cùng của bỏ rơi. Như thế, mầu nhiệm ẩn giấu nơi thập giá là mầu nhiệm đau khổ và tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đau khổ và tình yêu luôn sóng đôi. Thiên Chúa đau khổ vì Người yêu, và Người yêu trong mức độ Người chịu khổ. Chính tình yêu làm cho Thiên Chúa chịu khổ theo cách ấy5.

II. Sống Linh đạo Thánh Giá

Đức Kitô mời gọi chúng ta trở thành môn đệ của Ngài: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Mc 8,34). Theo tinh thần của Đấng Sáng Lập Dòng, chúng ta thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng việc tự nguyện bước theo Chúa Giêsu vác thánh giá trong đời sống hằng ngày (LS 3).

Chiêm ngắm Thánh Giá

Lòng yêu mến Thánh giá Chúa Kitô trước hết đòi chúng ta học biết chiêm ngắm Người trong cuộc khổ nạn. Việc say mê suy ngắm mầu nhiệm Thương khó Chúa Giêsu phải là một khao khát mãnh liệt của chị em, không chỉ trong Mùa Chay, hay thứ Sáu Tuần Thánh, hoặc trong tuần Linh thao mà còn là trọng tâm suốt cả đời. Lời Kinh lúc 3 giờ chiều đọc hằng ngày: “Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang hiệp nhau dưới chân thánh giá …” cùng với việc mang dây Thánh Giá trên người là dấu hiệu bên ngoài nói lên Linh đạo Hội Dòng, thế nhưng đâu là dấu hiệu bên trong của lòng yêu mến Thánh giá Đức Kitô? Mầu nhiệm Thập giá Chúa Kitô chiếm chỗ như thế nào trong các giờ suy niệm cầu nguyện của chúng ta?

Qua việc suy niệm Cuộc Thương Khó Chúa Kitô, chúng ta lớn lên trong việc đồng cảm và hiểu biết hơn về những gì Chúa đã làm cho ta[6]. Thánh Tôma Aquinô xác tín: “Tôi học biết nhiều điều khi quỳ dưới chân Thánh Giá hơn là tìm hiểu trong sách của các vị tiến sĩ”. Dung mạo Đấng chịu đóng đinh được tỏ lộ ra khi chúng ta kiên trì ở với Chúa đủ lâu, để nhìn, để chờ đợi, để lặng lẽ chiêm ngắm…và học nơi đó những bài học cao cả của mầu nhiệm Thiên Chúa. Tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa không phải là lời nói nhưng là một hành động, một cuộc khổ nạn để chứng tỏ cho con người biết tội lỗi có thể dẫn đưa con người đi tới đâu đồng thời tình yêu cũng có thể dẫn Thiên Chúa đến chỗ nào[7]. Chúng ta tôn kính, ẵm lấy thánh giá Đức Kitô trong cầu nguyện để khuôn mặt Đấng chịu đóng đinh tỏ lộ ra, khuôn mặt ấy hấp dẫn thu hút ta say mê yêu mến Ngài, đến nỗi chúng ta có sức chịu đủ mọi đau khổ ở đời nầy và xem đó là một hồng phúc được chia sẻ nỗi khổ với Chúa như các thánh. Thánh nữ Têrêsa Avila không ngần ngại thưa lên: “Lạy Chúa, xin cho con hoặc là đau khổ hoặc là chết”, thánh Gioan thánh giá còn khẩn thiết: “Con muốn xin Chúa cho con được đau khổ vì Chúa, bị khinh chê và bị người ta coi không ra gì”. Hỡi con cái của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, chúng ta có can đảm xin một ơn tương tự như thế không? Chúng ta có tha thiết nài xin Đức Mẹ in dấu Thánh giá của Con Mẹ ghi tạc vào lòng ta khắn khắn?

Yêu mến Thánh Giá qua sự khó thường ngày

Theo tinh thần Đấng Sáng Lập, chị em yêu mến Thánh giá là chịu cho vui lòng những sự khó thường ngày thường gặp. Sự khó thường ngày gặp thấy trước hết là gánh nặng của giới hạn, yếu đuối, tội lỗi của chính bản thân ta. Đón lấy thập giá của chính mình như một nỗi giằng co, khắc khoải giữa ước muốn nên thánh với sự yếu hèn trong con người. Tôi tìm thấy những vết thương của chính mình qua lịch sử đời tôi: các khuyết điểm, vấp váp, tội lỗi lặp đi lặp lại; nhân đức tu luyện hoài mà sao cứ trầy trụa, quỵ ngã… Thật là đẹp biết bao khi ta quỳ xuống và cầu nguyện với những lỗi tội, yếu đuối đó như người thu thuế cầu xin lòng xót thương của Chúa. Chúng ta đón nhận thập giá của chính mình trong khiêm tốn nhìn nhận, trong hài hòa và bình an. Chúa Giêsu đã kinh nghiệm thật sự về giới hạn của thân phận người, Ngài trở nên sức mạnh cho những ai tin tưởng chạy đến nơi Ngài.

Chúng ta lãnh lấy thập giá của chính bản thân mình như thế nào? Tận dụng để rèn luyện, học hỏi, nỗ lực để vươn lên hay than trách, bất bình, miễn cưỡng chịu vậy?

Sự khó thường ngày thường gặp là gánh nặng lao động. Lao động bao gồm chiều kích tế lễ do bởi tính chất nhọc nhằn, vất vả của công việc. Lối vào Nước Trời và niềm hoan lạc của Nước Trời chỉ được khai phá bằng thập giá là sự lao động cần cù của con người[8]. Luật Sống điều 32 cho thấy người CĐMVN sống bằng Lời Chúa và cả bằng sức lao động của đôi tay, là chấp nhận làm lụng vất vả để nuôi sống mình và phục vụ tha nhân. Khi chúng ta vất vả trong lao công mỗi ngày từ làm vườn, nấu ăn, may vá, học hành, đứng lớp, lê bước trên đường sứ vụ… trong vui tươi, cần mẫn, sáng tạo, hòa quyện với lời kinh thì thầm dâng lên Chúa là lúc chúng ta học biết tiến dâng mồ hôi, nước mắt trong lao động như một lễ tế với Đức Kitô. Chính nhờ phục vụ và thăng tiến vũ trụ giúp chuẩn bị chúng ta đi vào vinh quang Nước Trời. Chúng ta tự hỏi xem mình có ươn lười trong công việc không? Chúng ta sáng tạo hơn trong phương cách làm việc của chúng ta?

Sự khó thường ngày là những biến cố đôi khi xảy đến bất ngờ trên đường đời không thể trốn tránh. Đó là một loạt danh sách quen thuộc: bất công, chống đối, hiểu lầm, cô đơn, vất vả, phiền hà trong tương quan, câu nói khó nghe…bệnh tật, tuổi già, mất mát, và cái chết không chờ đợi… Những điều đó làm kiệt quệ nghị lực và lấy mất niềm vui của chúng ta, nhưng đó cũng là cách Thiên Chúa đến rất gần chúng ta. Ngài nói rõ ràng qua nỗi đau đớn[9]. Thiên Chúa thường đưa những đau khổ nho nhỏ đến như là cách hiệu quả nhất để mời gọi chúng ta trở về với Ngài[10]. Chính phẩm giá cao cả của con người được khẳng định một cách đặc biệt nơi những đau khổ của họ[11]. Chúng ta được mời gọi sống như Ông Gióp: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?” (G 2,10).

Yêu mến Thánh Giá qua việc chu toàn bổn phận

Sự khó thường ngày thường gặp là chính bổn phận. Đức Cha Chabanon đã thấm hiểu điều này khi ngài nhắc nhở chị em chu toàn bổn phận hằng ngày với tinh thần hy sinh từ bỏ. Bổn phận của một tu sĩ là thi hành những đòi hỏi của các Lời Khuyên Phúc Âm và luật lệ Hội Dòng. Đó là con đường chất chứa sự từ bỏ và hy sinh, dẫn đưa họ đi con đường của Đức Kitô, dành một sự tự nguyện khổ chế trong quân bình và vui tươi (x. CTPA 30). Việc từ bỏ nghị lực yêu thương, nhu cầu chiếm hữu, và sự tự do định đoạt về đời mình (LS 50) là những dấu đinh đóng chặt chị em vào thánh giá Đức Kitô. Đời sống cộng đoàn với những tổn thương nho nhỏ hằng ngày: cảm giác bị lãng quên, cảm giác bị khinh miệt, chỉ trích… là một phần trong cuộc sống tu trì. Chúng ta sử dụng những khoảnh khắc đó thế nào? Tin và sống mầu nhiệm thập giá đưa ta đến việc sẵn sàng chấp nhận những căng thẳng và thất bại, những giới hạn của chị em, làm cho ta cảm nghiệm được đức nhẫn nhục và sự tha thứ (LS 59). Chúng ta lớn lên trong lòng yêu mến Thánh giá qua việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, luật lệ Hội Dòng và sống tình huynh đệ cộng đoàn như thế nào?

Bổn phận còn là việc phục vụ cụ thể hằng ngày của mỗi chị em, được Thiên Chúa giao phó qua trung gian Bề trên và những người hữu trách trong cộng đoàn. Đón nhận bổn phận nầy là chúng ta vác cả gánh nặng công việc và cả hậu quả kèm theo nó: sự nhàm chán lặp đi lặp lại hằng ngày, vất vả xuôi ngược, lo âu, trằn trọc, cô đơn, chịu phê bình, nhận xét nhỏ to… Có khi bổn phận mời gọi ta nhường một bước, nhịn một lời…Tất cả là kinh nghiệm của việc chết dần đi mỗi ngày. Bổn phận càng lớn, càng đòi nhiều hy sinh từ bỏ, càng đòi ta hoán cải. Nhưng đời tu nhờ đó càng phác họa rõ chân dung Đấng chịu đóng đinh, nên đồng hình với Chúa Giêsu để vâng phục ý Cha hoàn tất sứ mạng. Vác thập giá mình theo Đức Giêsu chính là đi đến tận cùng của tình yêu trong bổn phận. Chúng ta có trung tín thi hành bổn phận của mình dù trong bất cứ cảnh huống nào không? Chúng ta có tin rằng Chúa đã vác phần nặng mà để phần nhẹ cho ta rồi đó sao?

Trong bổn phận thi thành sứ vụ tông đồ: giáo dục, truyền giáo, y tế, bác ái xã hội cũng đem lại cho ta thập giá với nỗi đau của chính khổ đau của anh chị em đồng loại. Chúng ta đau xé lòng khi thấy những người già yếu, phụ nữ, trẻ em ngồi giữa trưa hè nắng gắt, tay giơ cao tấm bìa carton với hàng chữ nguệch ngoạc đòi lại đất. Chúng ta chứng kiến nỗi đau của đủ thứ bệnh tật, của những em bé vô tội dị tật, chấn thương tâm lý… và vô vàn nỗi đau khác sát cánh bên ta. Trong đức tin, chúng ta xác tín lịch sử các đau khổ của con người cũng chính là lịch sử của Thiên Chúa. Khi chúng ta đau khổ thì Thiên Chúa của chúng ta cũng đau khổ. Người sống trong họ và gần gũi với đau khổ của họ. Đó là lời rao giảng về thập giá mà chúng ta đem đến cho những con người đang khổ đau dưới mọi hình thức. Việc đồng khổ với Đấng chịu đóng đinh làm cho lòng trắc ẩn tích cực của chúng ta biểu lộ không chỉ trong cảm xúc, hay lời nói mà còn trong những việc làm cụ thể. Chúng ta tìm gặp khuôn mặt Đấng chịu đóng đinh trong họ và tìm thấy chân tính của mình khi phục vụ người khác với tình yêu. Trong kinh nguyện và hy sinh mỗi ngày, chúng ta nhớ đến và hiệp dâng nỗi đau khổ của anh chị em đồng loại lên Thiên Chúa. Tôi chứng kiến và đã làm gì trước nỗi đau trong thân xác và tâm hồn của anh chị em tôi?

Thập Giá và Phục Sinh

Mầu nhiệm Thập giá được sáng tỏ trong mầu nhiệm Phục sinh. Không có Phục sinh, Thập giá là mù quáng, không có tương lai và hy vọng. Ngược lại, không có Thập giá thì Phục sinh sẽ trống rỗng, không có quá khứ, không có căn rễ[12]. Đức tin của ta phải duy trì cùng một lúc cả Thập giá lẫn Phục sinh nếu muốn tìm kiếm khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa. Người môn đệ Chúa vừa là người của ngày thứ Sáu Tuần Thánh, vừa là chứng nhân của sự Phục sinh. Con đường thập giá gồ ghề đau thương nhưng đó cũng chính là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực (x. 1 Pr 2, 21-23). Hạnh phúc mà Chúa Kitô dạy chúng ta đi qua cửa hẹp và đường chật để đến sự sống Nước Trời (x. Mt 7,13).

Kết:

Giáo Hội dưới chân thập giá là một dân gồm những  người, giống như Đức Kitô, cố gắng vượt trên chính mình để đi vào con đường thông hiệp với đau khổ của Người trong cuộc thương khó để cùng Người vinh hiển (x. GH 7). Chúng ta không đi tìm đau khổ cho mình vì đó là điều sai trái. Thiên Chúa không thích nhìn chúng ta đau khổ và thật khó hiểu khi Ngài lại cho phép nó xảy ra. Nhưng đau khổ lại mang nhiều phúc lành và phần thưởng khi nó làm cho ta trở nên giống Chúa Kitô chịu đóng đinh hơn, vì được bổ khuyết những gì còn thiếu trong nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu (x. Cl 1,24). Khi phô bày cho thế gian thấy các dấu đinh của Người trong các nỗi thống khổ chúng ta chịu, thì chính là lúc Đức Kitô đang giang tay cứu chuộc con người trong hiện tại. Điều nầy chỉ có thể thực hiện trọn vẹn bằng cách chịu đau khổ [13]. Người môn đệ đích thực là người vác lấy thập giá trong thái độ vui lòng và tự nguyện, yêu mến và thông phần thánh giá với Chúa Giêsu (VK HND18, p.28).

Là Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, chúng ta đi trên hành trình thập giá không cô đơn, nhưng có Mẹ cùng đồng hành. Đức Maria đã gắn kết đời Mẹ với đời Con. Mẹ chịu nhiều đau khổ khi đi trên con đường đức tin và vâng phục thánh ý Chúa, can đảm tiến bước đến dưới chân thập giá, chịu đau khổ tàn khốc với Con Một mình. Cùng với Mẹ, chúng ta dâng đau khổ của mình hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế (LS 75) hầu thánh hóa bản thân và cầu xin ơn cứu độ cho mọi người. Chính nhờ sức mạnh khi chiêm ngắm Thánh giá Chúa Kitô mà những gian nan khổ đau trong đời tu không quật ngã ta, không làm ta chán nản, thất vọng hoặc hờn trách oán giận cay đắng, nhưng giúp ta thanh luyện mình mỗi ngày, và đưa ta gần gũi kết hiệp với Chúa Kitô chịu đóng đinh. Kẻ đau khổ nhiều chính là người yêu thương nhiều. Chịu đau khổ vì Chúa Kitô là một ân huệ (x. Pl 1,29). Ân huệ được thông phần vào mầu nhiệm cứu chuộc của Đấng chịu đau khổ và đã chết cho chúng ta (x. Rm 5,6,8,10; 1 Cr 15,3). Nhờ đó, chúng ta sẽ được sự tự do nội tâm và cảm nghiệm hạnh phúc đích thực (x. Mc 10,30). Thánh Jean Chrysostome thật chí lý khi nói: “Hiểu đau khổ, đón nhận đau khổ, tiến dâng đau khổ, đó là nguồn sống hạnh phúc hoan lạc”.

Nt. M. Madalena Xuân Hà, FMI 

1 x. A. Âmto, Gesu il Signore, p.43.

2 Norberto Nguyễn Văn Khanh,OFM, Cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, p.87.

3 GH Gioan Paul II, Tông thư “Ý nghĩa đau khổ”, số 16.

4 Réné Latourelle, SJ, Con người và các vấn đề  của con người trong ánh sáng Đức Kitô, LM. André Trần  Hữu Phương chuyển ngữ, p.111.

5 Bruno Forte, Tưởng niệm Đấng Cứu Thế, p. 64.

[6] ĐHY Basil Hume, Mầu Nhiệm Thập Giá, Phạm Quốc Huyên chuyển ngữ, p.184.

[7] Réné Latourelle, Con người …, p.110.

[8] Sđd, p.83.

[9] ĐHY Basil Hume, Mầu Nhiệm Thập Giá, p.28.

[10] Sđd, p.65

[11] GH Gioan Paul II, Ý Nghĩa sự đau khổ , số 22.

[12] Lm Micae Trần Ðình Quảng lấy ý trong Bruno Forte, Dans la mémoire du Sauveur, éd. Paulines & Médiaspaul, 1991, pp.71-88.

[13] Réné Latourelle, Con người…, p.155.