Suy tư về nét Vui Tươi và Trong Sáng của người CĐMVN

Vui tươi và trong sáng được xem như là điểm son hay một thương hiệu uy tín của Hội Dòng CĐMVN. Bởi nó được khơi nguồn từ ý định nguyên...


Vui tươi và trong sáng được xem như là điểm son hay một thương hiệu uy tín của Hội Dòng CĐMVN. Bởi nó được khơi nguồn từ ý định nguyên thuỷ của Thiên Chúa khi Ngài chọn cái tên đẹp nhất của Mẹ Maria để đặt cho Hội Dòng là Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, và dưới sự dẫn dắt của Đấng Sáng Lập: Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys – vị Giám Mục Mỉm Cười.

Suốt hành trình lịch sử 100 năm, CĐMVN đã và đang nỗ lực vun trồng, phát huy sự vui tươi và trong sáng như “chứng tá của nếp sống mới do Đức Kitô Phục Sinh đem lại” (LS 29,1). Một sứ mạng cao quý nhưng cũng đầy cam go, bởi họ được gieo trong một thế giới mà hàng triệu lớp trẻ đang lao mình vào “cơn sốt tìm kiếm những thú vui phù phiếm”1, “một thời đại mà tình trạng luân lý đạo đức đang suy giảm và con người hầu như thờ ơ trước các giá trị Tin Mừng”2 (VK HND19, tr.19). Trăn trở, khó khăn có đó nhưng tinh thần của người CĐMVN vẫn luôn được nung nấu mãnh liệt bởi tình yêu của Đức Kitô, dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria Vô Nhiễm và sự đồng hành của hai Đấng Sáng Lập Dòng.

1.Vui tươi

“Ai vui vẻ dâng hiến thì sẽ được Thiên Chúa yêu thương” (2Cr 9,7). Kinh Thánh luôn luôn mời gọi chúng ta đến sự vui mừng vì chính Thiên Chúa như trung tâm của lễ hội và Ngài vui mừng vì con người3. Vui tươilà hoa quả của Thần Khí (Gl 6,22-23a), là lời mời gọi của Thiên Chúa (Lc 1, 28a), “là không khí lành khoẻ, giữ gìn đức thanh tịnh” (HL I,22), là một trong “bốn nét đặc trưng” của CĐMVN4. Nét đẹp này có sức lôi cuốn “ngay cả trong lần gặp gỡ đầu tiên. Người vui tươi dễ gây thiện cảm, dễ làm cho người khác đến gần”5.

* Mẹ Maria Vô Nhiễm – Người nữ của niềm vui

Lời chào kính “mừng vui lên” (Lc 1,28a) của sứ thần Gabriel đã làm rúng động trái tim Mẹ. Từ giai thoại truyền tin ấy, lòng Mẹ hân hoan vui sướng. Trái tim Mẹ luôn mở ra cho ân sủng, và Con Thiên Chúa đã “cắm lều trong cung lòng Mẹ”6. Chính “ân sủng và sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa” giúp Mẹ luôn sống trong niềm vui (x. LS 22). Sự vui tươi của Mẹ được biểu lộ rõ nét trong lời kinh bất hủ Magnificat (Lc 1,46-56), qua cuộc gặp gỡ đầy hân hoan vui sướng giữa Mẹ với bà Elizabeth (Lc 1,39-45), qua sự hiện diện tròn đầy nơi tiệc cưới tại Cana (Ga 2,1-12) và qua sự chuyên chăm cầu nguyện với các Tông Đồ nơi Nhà Tiệc Ly (Cv 1,12-14). Những biến cố này đang làm sống lại trước mắt chúng ta hoạ ảnh vui tươi của Mẹ, một niềm vui xuất phát từ nội tâm, một niềm vui cưu mang sự hiện diện của Thiên Chúa, một niềm vui của sự quan tâm và sẻ chia, và niềm vui này “sẽ không bị lấy đi” (x. Lc 10,42). “Nhìn ngắm Mẹ, chúng ta hãy học sống niềm vui nội tâm của Mẹ”7 và thưa lên với Mẹ: Mẹ ơi, “Mẹ là niềm vui và hy vọng cho đời sống thánh hiến của chúng con” (LS 19).

* Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys – “Vị giám mục mỉm cười”

Vui tươi là nét chân dung nhân bản nổi bật nhất của Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys. Cha chúng ta đã không để cho mình bị đè nặng bởi những lo âu thái quá. Những khi có điều gì ưu tư nặng lòng thì cha thường hát lên (x. TSA 21). Cha đã để cho tình yêu Thiên Chúa thắng vượt mọi buồn sầu, bi quan, lo lắng. Bằng chứng, khi Thiên Chúa lấy đi đôi mắt của cha lúc về già, cha đã không than phiền nhưng lấy đó làm cơ hội để ở lại lâu giờ hơn trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Chính sự hiện diện tràn đầy của Thiên Chúa đã thúc bách cha luôn mở lòng ra để “yêu thương mọi người” với tinh thần lạc quan vui vẻ. Chính vì thế mà nhiều người lương dân đã gọi cha với cái tên rất trìu mến: “Ông Tiên bên Đạo”. Thật vậy, nụ cười của Cha đã lôi kéo được nhiều linh hồn về cho Nước Chúa. Sự vui tươi của cha đã trở thành những nét vẽ sáng ngời, độc đáo dẫn đưa biết bao con trẻ biết đàng về Trời. Cha đã để lại cho thế hệ con cháu một gia sản tinh thần quý báu: sự vui tươi là chìa khóa vàng để mở ra những nẻo đường gặp gỡ thân thiện và thánh thiện.

* Con Đức Mẹ Vô Nhiễm sống vui tươi

Được sinh ra từ người Mẹ và người cha của niềm vui, CĐMVN quyết tâm “nên thánh bằng cách dấn thân với niềm vui”8. Ngay trang đầu tiên của Luật Tiên Khởi, Đức Cha Chabanon đã lưu tâm dạy chị em: “chịu cho vui lòng những sự khó thường ngày thường gặp” (LTK I,1). Tuy nghịch lý trước mắt người đời nhưng đó là cách thức sống niềm vui nội tâm của CĐMVN giữa trăm chiều thử thách (x. Gc 1,2). Qua đó, CĐMVN làm chứng về một tâm hồn trong sạch và bình an, về lòng biết ơn, về một con tim đang cảm nhận được yêu thương và sống cho tình yêu9. Cũng trên linh đạo này, cha Bề trên Phaolô Lê Văn Đẩu đã khuyên dạy CĐMVN những cách thức sống vui tươi như: “CĐMVN vui tươi luôn, vì vui tươi là không khí lành khoẻ, giữ gìn đức thanh tịnh (Hướng lệ I, 22); CĐMVN sống thuận thánh ý Chúa luôn: vui buồn, may rủi, đau lành…cũng bình thản, an lòng, tươi mặt (HL I,32); CĐMVN không bao giờ nặng mặt cau mày làm tổn thương bầu khí huynh đệ (HL I,47); CĐMVN biết cách vui đùa nhẹ nhàng để giải sầu cho kẻ liệt (HL I,49); và mỗi ngày Chúa nhật, CĐMVN hiệp với Mẹ sống niềm vui Phục sinh trong cộng đoàn cũng như ngoài xã hội (HL II,21)”. Đây quả thật là niềm vui được phát xuất từ Thần Khí: thiêng liêng nhưng không xa rời thực tế10. Niềm vui ấy giúp CĐMVN có khả năng chiếu sáng cho người khác một tinh thần tích cực và tràn đầy niềm hy vọng11. Tuy chưa nhiều nhưng chị em đã và đang có những thực hành mang tính truyền thống như: chào nhau “Ave Maria” với nụ cười trên môi, chia sẻ niềm vui huynh đệ qua những giờ giải trí cộng đoàn, “luôn giữ nét mặt vui tươi khi giao tiếp, nhất là khi tiếp xúc với giới trẻ”. Để nuôi dưỡng niềm vui, CĐMVN được mời gọi “giữ cho mình một lương tâm ngay thẳng, một tâm hồn bình an và trong sáng”12.

* Lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô

Ngài nhấn mạnh trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng rằng: chúng ta phải cho phép niềm vui của đức tin thức tỉnh chúng ta, vì có nhiều Kitô hữu đang “sống như chỉ có Mùa Chay mà không có Phục Sinh” (số 6). Chúng ta biết rằng, “một nhà truyền giáo không thể lúc nào cũng giống như một người vừa đi đưa đám về. Chúng ta hãy phục hồi và gia tăng niềm vui ngọt ngào của việc rao giảng Tin Mừng, ngay cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt. Chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, là thế giới đang tìm kiếm, có khi trong lo âu, có khi trong hy vọng, nhận được Tin Mừng không phải từ nhà truyền giáo buồn rầu và chán nản, thiếu kiên nhẫn hoặc lo âu, nhưng từ những thừa tác viên của Tin Mừng mà cuộc sống của người ấy tỏa sáng lòng nhiệt thành, là người đã nhận được niềm vui của Ðức Kitô trong mình trước” (số 11).

Sau đây là “10 điều răn” giúp sống vui tươi được rút ra từ giáo huấn của ĐTC Phanxicô nhân ngày Thế Giới Hạnh Phúc 20/3/2019: Biết quan tâm đến người khác, xua tan sầu muộn, có óc hài hước, có lòng biết ơn, biết tha thứ và xin tha thứ, dấn thân bằng niềm vui và tình yêu, biết nghỉ ngơi, cầu nguyện và tình huynh đệ, phó thác trong tay Thiên Chúa, và biết mình được yêu thương13.

2.Trong sáng

Hai tính từ trongsáng gợi lên trước mắt chúng ta những hình ảnh thật đẹp: Trong như nước và sáng như trăng. Mẹ Maria Vô Nhiễm được sánh ví như những hình ảnh này, và Giáo Hội đã gọi Mẹ là “Đấng chẳng đúng bợn nhơ” (x. Kinh cầu Đức Mẹ). Là con của Mẹ Vô Nhiễm, trong sáng được xem như là điểm son của Hội dòng và còn là một sứ mạng cao quý (x. LS 92). Vì vậy, Hội Nghị Dòng lần thứ 18 đã bàn thảo kỹ lưỡng trong văn kiện 2, phần II: Học với Đấng Vô Nhiễm (tr. 46-50), được nhắc lại một cách nào đó trong văn kiện HND 19 khi nhấn mạnh đến “Trưởng thành tình cảm-phái tính” (tr. 14-16) và tính “Chân thật” (tr. 21-22).

* “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch”

Nhân đức trong sáng hay trong sạch đã được Chúa Giêsu nâng lên thành một mối phúc (Mt 5,8). “Đây là mối phúc nói về những người có tâm hồn đơn sơ, thanh sạch, “có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,37) và có khả năng yêu thương… Một con tim trong sạch là một con tim yêu mến Thiên Chúa và tha nhân thật sự, chứ không chỉ đơn thuần bằng lời nói. Ở nơi đó, Thiên Chúa muốn nói với của chúng ta (x. Hs 2,16), Ngài muốn khắc ghi lề luật của Ngài (x. Gr 31,33) và khao khát làm mới quả tim chúng ta luôn luôn (x. Ed 26,26)”14.

* Mẹ Maria đáp trả đặc ân Vô Nhiễm

“Đặc ân Vô Nhiễm làm cho Đức Maria xuất hiện như một hữu thể hoàn toàn mới: không vết nhơ, trong sáng như Vườn Diệu Quang, như Thiên Đàng[1]. Đặc ân ấy “được biểu lộ cách tuyệt vời nơi mầu nhiệm truyền tin: Mẹ hiến dâng cõi lòng trong sạch cho Con Thiên Chúa ngự vào” (LS 4). “Tâm hồn Mẹ trở nên ngôi nhà chầu đầu tiên được đón tiếp và cất giữ Chúa Giêsu Thánh Thể”[2]. Tâm hồn Mẹ luôn trong sạch vì Mẹ luôn để cho ân sủng và sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa làm trung tâm cuộc đời Mẹ (x. LS 7&22). Đồng thời, Mẹ cũng đặt hạnh phúc của tha nhân lên hàng đầu trong lời kinh chuyển cầu (x. LS 7&23). Thật thế, Mẹ đã đáp trả liên lỉ như một tỳ nữ hèn mọn và trung tín (x. Lc 1,38). Mẹ luôn hướng về Chúa Giêsu với tình yêu thanh khiết trọn vẹn: từ khi Giêsu còn trong bào thai cho đến khi được sinh ra, từ thuở ấu thơ cho đến lúc hoạt động công khai. Mẹ theo Ngài trên đường đến Núi Sọ và đứng dưới chân thánh giá để nên một với Ngài… Mẹ vừa là khuôn mẫu tuyệt diệu về sự trong sạch vừa là Mẹ đầy tình yêu thương.

* Học với Mẹ Vô Nhiễm: sống trong sáng

“Yêu mến Mẹ Maria Vô Nhiễm là noi gương bắt chước nhân đức trong sạch của Mẹ”[3]. CĐMVN từ xưa đến nay hằng luôn khăng khắn trong lòng những lời khuyên dạy của Đức cha Chabanon: chị em gìn giữ thân xác và tâm hồn được tinh tuyền thánh thiện (x. LTK IV,B,3), giữ sự nết na, khiêm tốn, lịch sự, dịu dàng, không dung những lời nói bất xứng khi tiếp xúc với mọi người (LTK VI,8; NQ 1). Sách Hướng lệ Dòng cũng lưu lại những lời chỉ bảo của cha Bề trên Phaolô Lê Văn Đẩu: “CĐMVN: hằng lo bảo vệ đức thanh tịnh, không bao giờ hững hờ, mặc dù là trong điều nhỏ mọn; biết điều khiển tư tưởng của mình theo đàng thanh cao tươi sáng, không cho nó lưu lạc vào bóng tối. Tâm hồn luôn hướng về Thiên Chúa; hằng siêu hoá tâm tình của mình; biết điều khiển trí tưởng tượng vào cảnh thanh cao tươi sáng; hằng canh giữ tai-mắt không để nó nghe ngóng, trông nhìn những điều bất chính; đoan trang lúc đi đứng, nằm ngồi, luôn tôn trọng sự hiện diện của Thiên Chúa khắp nơi; nét mặt biểu lộ sự sống siêu nhiên, thánh thiện; không bạo buông những lời bóng dáng hai ý ba nghĩa, không cười cợt lố lăng bất đáng; uý kỵ những sách vở lãng mạng và những tranh ảnh không đoan trang (HL I,17-29).

Các chị tiền bối thường hay thi đua và cùng nhau sống sự trong sáng từ trong tâm trí, tâm hồn và hành động[4]. Ngày nay, ngụp lặn trong “một thế giới thiếu vắng trầm trọng sự trong sạch tâm hồn và thân xác, mất cảm thức về tội lỗi”[5], ý thức mình mỏng dòn như “bình sành dễ vỡ”(x. 2Cr 4,7), chị em trẻ của CĐMVN rất cần ơn Chúa, biết buông mình cho Thần Khí, năng chiêm ngắm và kêu cầu Mẹ Maria Vô Nhiễm, và nhất là, cần lắm sự cảm thông, nâng đỡ của chị em trong cộng đoàn. Trước là gìn giữ mình, sau là làm chứng và lan toả đức trong sạch trong môi trường sống – cho giới trẻ, cho những cặp đã đính hôn, cho các đôi vợ chồng, cho các gia đình công giáo thấy rằng, tình yêu Thiên Chúa có thể làm những điều phi thường nơi những con người yếu đuối và ngay giữa cảnh thảm khốc của trần gian[6]. Chính nhờ sự khiêm tốn và “sự hoán cải không ngừng sẽ giúp chị em nên trong sạch theo hình ảnh của Mẹ... Với lòng tin và vâng phục, chị em hạnh phúc được tham gia vào mẫu tính đồng trinh của Đức Mẹ và của Giáo Hội: thể hiện thiên chức làm mẹ thiêng liêng trong việc dẫn dắt các tâm hồn đến với Chúa”[7].

* Phương thế giúp sống trong sáng[8]

Phương thế siêu nhiên:

  • Luôn sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa bằng cách gắn bó mật thiết với Đức Giêsu Kitô qua Bí Tích Thánh Thể và nuôi dưỡng tình bạn sâu xa với Người (x. LS 27).
  • Yêu mến Mẹ Maria Vô Nhiễm bằng việc thường xuyên chiêm ngắm, học hỏi và bắt chước Mẹ (LS 5).
  • Trung thành với việc đọc lại ngày sống (LS 85).

Phương thế tự nhiên:

  • Sống tiết độ và kỷ luật trong suy nghĩ, ước muốn và hành động.
  • Thực hành khổ chế, canh giữ các giác quan và các đam mê (x. DT, 12b; LS 28,1a).
  • Rèn luyện một lương tâm ngay thẳng: “có thì nói có, không thì nói không.”
  • Tập thái độ tỉnh thức: khôn ngoan khi sử dụng các phương tiện truyền thông, thẳng thắn và trong sáng trong giao tiếp (x. LS 28).
  • Phát triển một tình bạn trong sáng và chân thành.
  • Tôn trọng kỷ luật cộng đoàn và biết lắng nghe những người hữu trách[9].

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm, Mẹ của niềm vui và sự trong sáng, con hướng lòng lên Mẹ cách đặc biệt trong Năm Thánh mừng Bách Chu Niên của Hội Dòng thân yêu. Xin Mẹ dạy con say mê Chúa Giêsu và say mê con người, nhất là người trẻ. Xin làm cho con có được niềm vui nội tâm và giữ tâm hồn con luôn trong sáng, để con trở nên một hoạ ảnh Maria nhỏ trong môi trường con đang sống. Amen.

Nt. M. Madalena Thuần Lương, FMI  

1 Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 3.

2  VK HND 19, tr. 19.

3 Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 3

4  VK HND 19, tr. 19-24.

5  VK HND 19, tr. 19.

6 x. Thư chị BT tháng 12/2013.

7 x. Sđd.

8  Tông huấn Vui Mừng và Hoan Hỉ, 14

9  x. VK HND 19, tr.20.

10 Một niềm vui mang tính nhân văn và hiệp thông: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15) - “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (CĐ Vat. II, Gaudium et Spes, số 1).

11 Vatican News, 4/10 điều răn của niềm vui được rút ra từ giáo huấn của ĐTC Phanxicô, nhân Ngày Thế Giới Hạnh Phúc, 20/03/2019

12  VK HND 19, tr. 20.

13 Vatican News.

14  Tông huấn Vui Mừng và Hoan Hỉ, 83-86.

[1]  VK HND 18, tr. 37.

[2]  TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt. Maria-Người Nữ Thánh Thể (1/10/2018)

[3]  VK HND 18, tr. 47.

[4]  x.Sinh nhật 60 CĐMVN, tr.5.

[5]  VK HND 18, tr. 47.

[6] x. ĐSTH, 88.

[7] VK HND 18, tr. 48.

[8] VK HND 19, tr. 16.

[9] VK HND 18, tr. 48.