Nghe dòng sông kể chuyện

Buổi chiều mùa thu, làn gió nhẹ cuốn theo những chiếc lá vàng tung bay như đang cùng nhau đùa vui dưới ánh nắng chiều tàn. Bên dòng Sông Hương,...


Buổi chiều mùa thu, làn gió nhẹ cuốn theo những chiếc lá vàng tung bay như đang cùng nhau đùa vui dưới ánh nắng chiều tàn. Bên dòng Sông Hương, tôi ngồi một mình với những suy tư về Hội Dòng, về Cây Hoa Phú Xuân sắp bước vào tuổi 100.

Biết bao câu hỏi quẩn quanh trong tâm trí tôi, rằng Cây Hoa Phú Xuân được ươm mầm trong hoàn cảnh nào? Nhờ đâu mà cây được lớn lên, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống như thế? 100 năm qua, Cây Hoa Phú Xuân đã trải qua những biến cố lịch sử nào? Những ai đã góp công vun trồng để cây hoa cứ ngày càng mạnh mẽ và trổ sinh nhiều hoa trái như thế? Dòng sông vẫn êm đềm trôi. Tôi cũng thế, cứ mãi miên man với những câu hỏi ấy. Bất chợt, dòng nước vỗ nhẹ vào bàn chân, cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Tôi đưa mắt nhìn và kìa, một bà lão có mái tóc dài và bạc trắng đang nhìn tôi trìu mến. Một chút bối rối, tôi lên tiếng hỏi bà cụ:

Bà ơi! Bà là ai thế? Có phải bà là bà tiên trong các câu chuyện cổ tích mà con thường được nghe kể không?

Bà lão vẫn nhìn tôi với ánh mắt trìu mến. Bà nhẹ nhàng nói với tôi:

-Ta không phải là bà tiên như con nghĩ đâu! Ta là dòng Sông Hương đây! Người ta cũng thường hay gọi ta là “Sông Hương Thơ Mộng” đấy!

-Thì ra là bà đấy ư! Bà ơi! Thế bà có từ bao giờ? Năm nay bà bao nhiêu tuổi rồi?

-Ta ư! Ta đã có mặt ở đây từ rất lâu rồi. Khi Đấng Tạo Hóa dựng nên vũ trụ xinh đẹp này, thì ta cũng được tạo thành. Vì thế, trái đất, vũ trụ này được bao nhiêu tuổi thì đó cũng là tuổi của ta.

Tôi tròn xoe đôi mắt nhìn bà Sông Hương với lòng kính phục vì sự ra đời của bà. Bà sông Hương lại vỗ nhẹ vào bàn chân tôi và hỏi:

-Này lá non, con đang suy tư chuyện gì thế? Nhìn con có vẻ đăm chiêu lắm, ta có thể giúp con điều gì chăng?

Nghe bà hỏi, tôi vui lắm. Tôi trải lòng với bà về những điều còn ấp ủ trong lòng mấy bữa nay:

-Bà ơi! Bà ở đây đã lâu, vậy bà có biết gì về Cây Hoa Phú Xuân bên kia đường không?

-Ồ! Thì ra là con đang suy nghĩ về Cây Hoa Phú Xuân xinh đẹp kia à! Thế con có mối liên hệ gì với Cây Hoa Phú Xuân không, sao lại quan tâm đến Cây Hoa ấy vậy?

-Dạ thưa bà! Con là chiếc lá non của Cây Hoa Phú Xuân ạ! Vì chúng con sắp mừng Cây Hoa tròn một trăm tuổi nên muốn được biết về mẹ của mình nhiều hơn ạ!

-Ôi! Con thật là thảo hiếu với mẹ của mình. Ta cũng sẵn lòng nói cho con biết những điều mà ta đã chứng kiến trong suốt cuộc đời của mẹ con. Nói rồi, bà bắt đầu kể về cuộc đời của Mẹ.

Bà kể rằng: Vào buổi chiều ngày 8 tháng 9 năm 1920, cũng tại nơi này, bà thấy một ông Cố Tây đứng ở bến đò này và cứ ngước mắt trông chừng như đang ngóng chờ ai. Ta thấy thế nhưng nào có dám hỏi, chỉ âm thầm theo dõi xem chuyện gì sẽ xảy ra. Và kìa, từ đàng xa xuất hiện một chiếc đò nhỏ chở sáu cô trinh nữ trông rất xinh xắn và thánh thiện. Con đò vừa cập bến, mọi người tay bắt mặt mừng, trông họ thân tình lắm. Rồi tất cả cùng tiến lên mảnh đất ấy, nơi mà Cây Hoa Phú Xuân hiện diện cho đến hôm nay. Lúc đầu, ta không hiểu sự gì. Nhưng một thời gian ngắn sau, Cây Hoa Phú Xuân xuất hiện, ta hiểu ra rằng, sáu trinh nữ ấy chính là những hạt mầm mà Trời Cao đem gieo nay đã mọc thành Cây Hoa Phú Xuân. Cuộc sống những ngày đầu của Cây Hoa Phú Xuân này tội nghiệp lắm. Họ phải tự tay lao động vất vả, mà cái ăn cái mặc cũng không đảm bảo. Nhưng ta nhận thấy một điều là cho dù có vất vả đói nghèo nhưng họ sống với nhau rất vui. Cứ chiều chiều, sáu trinh nữ cùng nhau đến đây để lấy nước, giặt giũ… Họ chuyện trò với nhau rất đượm tình yêu mến. Ta cũng thấy được tình cảm trìu mến mà ông Cố Tây dành cho Cây Hoa Phú Xuân trong những ngày đầu ấy. Ngài thường xuyên đi đò ngược dòng lên thăm các trinh nữ. Nhìn cảnh cha con họ chia tay nhau nơi đây, ta hiểu hết được tình cảm của họ.

Như thế đó, từ những hạt mầm bé nhỏ ấy, Cây Hoa Phú Xuân ngày càng lớn lên. Chắc chắn hai ông Cố Tây vui lắm. Với ta, vì được chứng kiến sự ra đời và lớn lên từng ngày của Cây Hoa Phú Xuân, nên ta cũng yêu quý lắm. Ta cũng luôn mong ước cho cây hoa được mạnh mẽ, khôn lớn và trổ sinh nhiều hoa lá tốt tươi để tô đẹp cho thế giới. Từ sáu hạt mầm bé xíu ngày nào, cây hoa đã bắt đầu lớn lên. Ngày càng có nhiều cành, nhiều lá và hoa trái cũng thật dồi dào.

-Thế bà ơi! Bà có nhớ một biến cố nào đó quan trọng đối với Cây Hoa Phú Xuân không ạ!

-Có chớ! Nhiều lắm! Nhất là vào thời điểm đất nước lâm vào cảnh chiến tranh. Ta mà kể tất cả cho con nghe thì không biết đến bao giờ mới hết được đâu. Thôi thì ta sẽ kể cho con nghe những biến cố đặc biệt nhất thôi nhé! Nói rồi, ngưng một chút với giọng nói nghẹn ngào và đôi mắt ngấn lệ, bà bắt đầu câu chuyện:

-Con biết không? Ngày hôm đó, thật là một ngày khủng khiếp và buồn thảm. Ngày 19 tháng 3 năm 1975, được lệnh di tản vào miền Nam, kẻ trên người dưới kéo nhau chạy. Cùng chung một số phận đó, Cây Hoa Phú Xuân cũng bắt đầu tan tác. Lá, cành phân tán mọi nơi. Ta đau lòng khi chứng kiến của những dòng nước mắt của Cây Hoa Phú Xuân. Cây khóc cho những đứa con thơ của mình phải ra đi trong đau khổ. Cũng từ ngày ấy, bóng Cây Hoa Phú Xuân đi vào trong sự âm thầm, buồn thảm. Nỗi buồn ấy chưa kịp nguôi ngoai thì chừng một tháng sau, tức ngày 17 tháng 4, ta thấy một đoàn xe ôtô đi vào. Linh tính của ta cho thấy đây không phải là dấu hiệu tốt lành. Ta âm thầm theo dõi xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo cho Cây Hoa Phú Xuân? Quả thật, điều ta tiên đoán đã không sai chút nào. Cũng trong ngày hôm đó, ta thấy lần lượt những chiếc lá còn lại của Cây Hoa Phú Xuân tay xách, tay mang hành lý ra khỏi mảnh đất tốt tươi này để đến trú ngụ tại căn nhà số 34 như con thấy hiện nay đó. Mấy ngày sau, ta mới biết được là cái nôi ấm áp của Cây Hoa Phú Xuân phải nhường lại cho các chú bộ đội Quân Khu 4 làm chỗ nghĩ dưỡng. Tiếp tục những ngày tháng sau đó, ta không khỏi xót xa khi nhìn thấy cảnh tượng này: cứ chiều chiều, những chiếc lá mỏng manh của Cây Hoa Phú Xuân trú tại căn nhà số 34 đứng trên lầu cao và đưa ánh mắt hướng về nôi ấm của mình với vẻ mặt sầu đau. Ngày nào cũng thế, nhìn thấy những gương mặt đau khổ ấy, lòng ta cũng nào có yên được. Ta luôn cầu xin với Thượng Đế cho Cây Hoa Phú Xuân sớm được về lại cái nôi đã sinh ra mình, và để mẹ con được sum vầy hạnh phúc bên nhau.

Ngày qua tháng lại như thế, những chiếc lá non tội nghiệp cứ hướng con tim và ánh mắt của mình về cái nôi ấm êm này đằng đẵng suốt 19 năm trời. Mười chín năm đối với một con sông như ta không là gì, nhưng 19 năm của Cây Hoa Phú Xuân, của sự chờ đợi trong đau thương sầu khổ thì nó dài như thế nào, chắc con cũng hình dung được chứ? Trong suốt 19 năm dài ấy, những chiếc lá nhỏ vẫn cứ kiên trì chờ đợi và cậy trông. Và rồi, sự kiên nhẫn của họ cũng đã được đền đáp. Một ngày đáng ghi nhớ cho cuộc đời của Cây Hoa Phú Xuân.

Ta còn nhớ rất rõ, hôm đó là ngày 13 tháng 12 năm 1994, những chiếc lá nhỏ từ bên căn nhà số 34 và khắp nơi vui tươi hớn hở trở về lại nôi ấm của mình vì các chú Quân khu 4 đã trả lại nhà. Ta không biết được vì lý do gì mà họ lại trả nhà cho Cây Hoa Phú Xuân?

Cũng thật lạ, ta không phải là máu mủ ruột rà gì với Cây Hoa Phú Xuân nhưng trước nỗi đau của cây hoa ấy, ta không cầm lòng được và bây giờ, với niềm vui của họ, lòng ta cũng mừng như mở hội vậy. Những ngày sau đó, những chiếc lá bé nhỏ ra sức dọn dẹp lại khuôn viên của Nôi Mẹ sau 19 năm không được bảo dưỡng, chăm sóc. Còn ta, với hết khả năng của mình, ta cũng đóng góp sức nhỏ đó bằng những làn nước mát để tẩy rửa những vết bẩn trên các bức tường. Ta giúp đẩy lùi những đất bùn đóng hàng lớp trước sân nhà. Như vậy đó, chỉ mới một biến cố thôi mà ta đã mất rất nhiều giờ để nói với con huống chi là ta nói hết cả cuộc đời của Cây Hoa Phú Xuân trong suốt cả một trăm năm.

Mẹ của con - Cây Hoa Phú Xuân đã được ươm mầm từ sáu hạt giống rất bé nhỏ, âm thầm và trải qua rất nhiều gian lao vất vả cho đến hôm nay như con thấy đó. Cây Hoa Phú Xuân đã lớn lên thành một cây cao lớn, khỏe mạnh với rất nhiều hoa trái. Những hạt giống ấy cũng đã lan tràn đi khắp nơi, ta nghe đâu là đi đến cả nước Mỹ xa xôi nữa.

Ngồi nghe bà kể chuyện, những dòng nước mắt đã tuôn rơi trên khóe mắt tôi từ lúc nào không hay. Tôi khóc vì thương mẹ đã phải trải qua những nỗi gian lao vất vả và cả những ngày dài bước đi trong tăm tối như thế. Cố dấu đi những giọt nước mắt, tôi tiếp tục câu chuyện với bà.

-Thế bà ơi! Cây Hoa Phú Xuân được lớn lên mạnh mẽ như vậy là nhờ đâu? Phải chăng là nhờ dòng nước mát lành của bà tưới gội?

-Ôi! không phải như thế đâu con! Dòng nước mát lành của ta chỉ góp phần rất nhỏ trong đời sống sinh hoạt hằng ngày cho Cây Hoa Phú Xuân thôi, chứ dinh dưỡng chính là nguồn Ân Sủng từ Trời. Đó là Ân Ban của Đấng Tạo Hóa. Nhờ đó, Cây Hoa Phú Xuân ngày càng được lớn lên cách vững vàng như thế đó.

-Ôi! Thật thế hở bà? Như vậy thì con phải biết ơn Thượng Đế nhiều lắm phải không bà?

-Ừ! Đúng đó con ạ! Ta nghĩ rằng, con cũng như các chị em con phải luôn biết cảm tạ Ngài vì những ơn cao trọng mà Ngài ban cho Mẹ của con trong suốt những tháng năm qua.

-Vâng thưa bà! Con sẽ vâng lời bà ạ. Bà ơi! Bà đã từng chứng kiến cuộc sống của Mẹ con trong suốt một trăm năm qua, vậy theo bà, điều gì sẽ làm cho Mẹ của con buồn phiền nhất?

-Điều này thì rất dễ con ạ! Cũng là một người mẹ nên ta thấu hiểu lắm. Các bà mẹ sẽ đau buồn khi con cái của mình hư hỏng. Mắt của các bà mẹ sẽ thêm vết chân chim vì chờ đợi những đứa con đi hoang…Mẹ của con cũng vậy thôi, cứ mỗi lần có những chiếc lá nhỏ bị sâu cắn vàng úa, không có sức sống hay bị rơi rụng đi vì một lý do nào đó thì mẹ của con cũng buồn như vậy.

-Bà ơi! Con đã hiểu rồi! Nhưng mà Mẹ con đang chuẩn bị bước vào tuổi 100, vậy theo bà, con phải có món quà gì để tặng Mẹ vào dịp mừng đặc biệt này? Bà hãy cho con một lời khuyên đi!

-Dễ thôi lá non à! Mẹ con chắc chắn sẽ không thích những món quà xa hoa vật chất bên ngoài nhưng sẽ thích món quà đó là lòng biết ơn và tâm tình sám hối của mỗi người con của bà. Vì thế, con hãy biết ơn mẹ của con bằng cách đọc lại lịch sử đời bà để thấy được những gian lao vất vả khổ đau mà bà đã phải trải qua để cưu mang con. Chỉ khi con hiểu hết về mẹ của mình, con sẽ yêu mến người nhiều hơn. Hãy nói với người một lời tri ân. Và trên hết, hãy canh tân đổi mới để trở thành đứa con ngoan, như vậy mẹ con sẽ rất vui đó.

-Vâng con cám ơn bà! Con sẽ làm theo lời bà dạy. Nhưng bà ơi! Một trăm năm của Mẹ con đã qua và tiếp tục một trăm năm đang tới, để cho Cây Hoa Phú Xuân mãi tốt tươi với những chiếc là tốt lành, theo bà chúng con phải làm gì?

-Lá non mến! Với những gì mà ta đã từng được chứng kiến, ta nghĩ rằng, cách tốt nhất để Cây Hoa Phú Xuân mãi tốt tươi và giúp ích cho người cho đời thì điều cần thiết nhất vẫn là sự gắn bó mật thiết với Đấng Tạo Hóa. Hãy gắn kết với Ngài bằng việc đón nhận nguồn ân sủng Ngài ban hằng ngày làm lương thực sống cho mình. Bên cạnh đó, các con là những chiếc lá non thì cũng phải gắn bó với mẹ của mình, phải luyện tập làm sao cho bản thân được khỏe mạnh cả trong lẫn ngoài. Hãy nhớ là đừng bao giờ để mình bị những thứ sâu bọ đục khoét, đừng để cho những thứ bụi bặm bám vào mình, vì như thế người ta sẽ không nhận ra con là con của mẹ Phú Xuân nữa đâu. Con hãy cùng với các chị em con cố gắng lên, sống cho tốt, đừng bao giờ để cho nỗi buồn vương lên đôi mắt mẹ của mình nghe con.

-Bà ơi! Con cảm ơn bà nhiều lắm! Nhờ được nghe bà kể chuyện về cuộc đời của mẹ và cả những lời khuyên của bà, bây giờ con cảm thấy yêu mẹ của con hơn. Con cũng hứa với bà là sẽ sống ngoan ngoãn hơn, biết vâng lời mẹ hơn. Bà ơi! Bà hãy ở lại đây với chúng con mãi mãi bà nhé! Hãy ghi nhớ tất cả những gì sẽ xảy đến cho mẹ của con trong một trăm năm tiếp theo, để sau này bà sẽ kể lại cho những chiếc lá non khác, em của con tiến bước phía sau cũng được biết về mẹ của mình một cách rõ ràng như con bây giờ bà nhé. Tạm biệt bà “Sông Hương Thơ Mộng” đáng kính của con. Một lần nữa con xin cảm ơn bà.

Kết thúc cuộc trò chuyện với bà “Sông Hương”, trời cũng đã nhá nhem tối. Tôi nhanh bước về lại cộng đoàn để kịp giờ cơm với chị em. Lòng đầy phấn khởi, tôi dục lòng mình sẽ cố gắng sống mỗi ngày tốt hơn hầu góp phần làm cho Cây Hoa Phú Xuân ngày càng tốt tươi và bền vững trước thời đại có quá nhiều biến đổi như hiện nay.

Nt. M. Têrêxa Phan Nguyện, FMI