Phúc

Mẹ Maria, Thánh Giuse, và Chúa Giêsu, đã sống hành trình dương thế để kết dệt nên bản hợp xướng lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa cách tuyệt hảo.


Trong cuộc sống chúng ta thường lựa chọn cái “phúc” cho mình, cho những người thân yêu, và đó cũng là nét đẹp của con người, luôn cầu “Phúc” hay chúc phúc cho nhau. Nhưng giữa một thời đại 4.0 điều “phúc” lại được trang bị quá nhiều kỹ xảo, siêu tốc, nên con người dễ nhầm giữa “Phúc thật” và “Phúc giả”, đôi khi những điều ta tin tưởng nhất, hy vọng nhất là “Phúc”, thì đó lại là “Phúc giả”, nhiều khi phúc giả ấy đến với ta ngay trong các mối tương quan, gần gũi nhất, tin tưởng nhất… do vậy sự chọn lựa của ta không còn tinh nhuệ đủ để thấy đâu là “Phúc thật” mà ta mong đợi.

Khởi đi từ lời khẳng định của Chúa Giêsu về cái “phúc” mà không bao giờ là giả, là ngụy tạo, nếu chúng ta thực hiện điều này 100% chúng ta là người có phúc đó là chìa khóa : “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28). Phúc mà Chúa Giêsu trao cho ta là lắng nghe và thực hiện Lời Ngài. Muốn thực hiện được lời của Ngài phải biết “lắng nghe” lắng nghe để thấu, để cảm và để làm những gì Chúa muốn. chúng ta cùng ngẫm xem cách thức của những người lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.

1. Lắng nghe

Lắng nghe là một hành động tinh thần, một trạng thái tập trung và thấu hiểu những gì đang diễn ra xung quanh. Lắng nghe không chỉ đơn thuần là ngồi im nhưng còn phải trong một trạng thái tư duy mở để nhận thông tin một cách chân thành, sẵn lòng thấu hiểu và đáp ứng.

Lắng nghe để thấy được ý của người đang nói với ta, hiểu được cách thức họ diễn đạt, qua ngôn từ, hành vi… sự lắng nghe không chỉ đơn giản là nghe được âm thanh tiếng động, lắng nghe bắng các giác quan, nghe bằng tai, bằng mắt, bằng cả trái tim và trí hiểu …

Giữa một thế giới không ngừng những tiếng động bên ngoài và âm thanh cực mạnh bên trong, việc lắng nghe quả là một thách đố, mà không phải ai cũng nghe được, không nghe, không hiểu làm sao ta có thể làm được. Người tu sĩ có rất nhiều điều kiện về không gian, thời gian, về bên trong cũng như bên ngoài để lắng nghe. Thế nhưng cũng chưa hẳn người tu sĩ là người biết lắng nghe. Đôi khi vẻ bên ngoài thanh tịnh nhưng cũng chưa chắc là nghe được. Chúng ta chỉ thực sự biết lắng nghe khi ta có một tâm hồn tĩnh lặng đủ, bình an đủ, trái tim và trí hiểu ta mở ra thì mới có thể nghe được.

2. Tuân giữ Lời Thiên Chúa

Khi hai người yêu nhau, họ luôn tìm cách làm đẹp lòng người mình yêu thương, và họ thực sự hạnh phúc khi thấy làm được điều ước muốn. Như vậy tự do của tình yêu trong góc nhìn của niềm tin Kitô giáo là thích những điều mình làm và muốn những điều mình thích, vậy Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Người tu sĩ là người có Đức Kitô, nhờ đi theo và yêu mến Ngài. Ai không yêu mến, không đi theo thì không có Ngài, nên không phải là tu sĩ đích thực. Khi yêu mến Chúa ta sống trong Ngài: “Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em“. Người ta chỉ sống trong nhau vì nhau cho nhau khi người ta yêu thương nhau thật sự. Vì thế, chúng ta chỉ sống trong Đức Kitô và được Đức Kitô sống trong ta khi ta yêu mến Ngài. Yêu mến là giữ lời Ngài “Nếu các con giữ lệnh truyền của Ta thì các con sẽ lưu lại trong lòng mến của Ta(Ga 15,10).

Nhưng làm sao yêu mến Ngài được khi mà ta không hề thấy Ngài cách hữu hình, không nghe Ngài nói trực tiếp, không đụng chạm đến Ngài? Chúa cho chúng ta một tiêu chuẩn để dựa vào đó mà biết mình có yêu Ngài hay không: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Điều răn của Chúa là gì? Chúa xác định rõ ràng điều răn cốt yếu: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 12,34). Chúa cũng xác định luôn cả mức độ yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em“. Như vậy, câu nói “nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” có nghĩa là “nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em phải yêu thương nhau”. Ai yêu thương những người lân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa. Nói cách khác, ai không yêu những người gần gũi mình, những người mình gặp gỡ hằng ngày, người ấy chưa thật sự yêu mến Thiên Chúa.

Thánh Gioan sau khi nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Thầy Chí Thánh đã nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Ngài, là sống sự sống của Ngài. Tình yêu đó là một tình yêu sáng suốt của lý trí, thể hiện nơi những việc làm cụ thể là yêu thương nhau.

Như vậy, để tuân giữ Lời Thiên Chúa, tiên vàn là phải biết lắng nghe, phải nghe được Chúa nói gì với ta, qua Lời Ngài, qua Giáo huấn của Giáo hội, Hiến luật của Hội dòng, qua những người trách nhiệm và các biến cố Chúa gởi đến cho ta. Muốn nghe ta phải gặp gỡ Chúa, yêu mến Chúa, sống với Chúa, muốn làm được điều này, ta cần phải có đức tin và tình yêu. Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta như lời Chúa Giêsu nói: “Ngày đó, anh em sẽ biết Thầy ở trong Cha Thầy,Thầy ở trong anh em và anh em ở trong Thầy.Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy.Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến.Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ cho người ấy biết Thầy

3. Gương sống lời “Phúc” của Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói những mẫu gương về việc Lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa trước tiên là Đức Maria đã lắng nghe và tuân phục, làm thế nào chúng ta không thể không ngạc nhiên trước sự ngoan ngùy của Đức Maria đối với tác động của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời Mẹ, khi Chúa Thánh Thần yêu cầu Mẹ trở thành mẹ của Đấng Thiên Sai? Đức Maria, như mọi phụ nữ trẻ cùng thời, đang chuẩn bị cho kế hoạch tương lai, trở thành hôn thê của Thánh Giuse. Nhưng khi nhận ra Chúa mời gọi mình thi hành một sứ vụ đặc biệt, Mẹ Maria không ngần ngại tuyên xưng là "nữ tỳ" của Thiên Chúa (Lc 1,38). Chúa Giêsu sẽ tán dương sự lớn lao của Đức Maria không phải vì vai trò làm mẹ của Đức Maria, nhưng vì sự vâng lời của Mẹ đối với Thiên Chúa: "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa" (Lc 11, 28). Và khi Mẹ Maria không hiểu tất cả những sự kiện liên quan đến mình, Mẹ thinh lặng suy niệm, suy gẫm sáng kiến của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Mẹ dưới chân Thánh giá hiến dâng tất cả sự sẵn sàng này, Mẹ Maria Vô Nhiễm là mẫu gương tuyệt vời cho ta trong việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.

Thánh Giuse cũng là người biết lắng nghe và vâng phục, đối với Thánh Giuse, Tin Mừng không nói với chúng ta điều gì. Thánh Giuse không nói, nhưng hành động trong vâng phục. Thánh Giuse là một người sống thinh lặng và vâng phục. Lắng nghe và vâng lời Thiên Chúa, bất chấp khó khăn, gian khổ, vất vả, thử thách nguy hại cả đến tính mạng, Ngài cúi mình để tôn thờ và tuân hành ý Chúa, khi trốn sang Ai Cập và từ Ai Cập trở về đất Israel “đang đêm”, để giữ gìn và bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Chúa Giêsu tuyệt đối lắng nghe và vâng phục Cha: Chúa Giêsu. Ngài là ý muốn của Chúa Cha. Thánh Phaolô đã nói: Đức Ki-tô Giê-su, Con Thiên Chúa, không vừa là “có” vừa là “không”, nhưng nơi Người chỉ toàn là “có” (2 Cr 1,19). Điều này được thể hiện trong nhiều thời điểm cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu. Khi Chúa lên 12 tuổi, Ngài theo Thánh Giuse và Mẹ Maria lên đền thờ Giêrusalem. Sau ba ngày trong lo lắng và buồn rầu hai ông bà tìm được Chúa thì Ngài trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49).

Chúa Giêsu tiếp tục lặp lại sự vâng phục của mình: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người" (Ga 4, 34). Chúa cầu nguyện trong cuộc khổ nạn: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha" (Mt 26, 42). Tất cả những sự kiện này là cho thấy Chúa thi hành một cách hoàn hảo sứ vụ: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con”. (Dt 10, 5-7). “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: Này con xin đến! Trong sách có lời chép về con rằng: con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (Tv 40, 7-9).

Mẹ Maria, Thánh Giuse, và Chúa Giêsu, đã sống hành trình dương thế để kết dệt nên bản hợp xướng lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa cách tuyệt hảo. Những kỹ năng, kỹ xảo và cả những tư duy tuyệt vời của các Ngài cũng giúp chúng ta khám phá và thực hiện kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa ngay trong đời sống của mỗi chúng ta, bằng việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa như cách thức các Ngài đã làm.

Nt. Maria Goretty Kim Tươi, FMI

Ngày 02/11/2023