Mùa Chay - Sám hối và Trở về

Chúng ta hãy bỏ lại sau lưng tính ích kỷ và sự tự hấp thụ vào chính mình, nhưng hướng đến sự Phục sinh của Chúa Giêsu.


Mùa Chay đã về. Sắc tím của phẩm phục phụng vụ, bàn thờ không hoa lá rực rỡ, cung điệu tha thiết của các bài thánh ca cũng như các lời kinh cầu nguyện tạo cho ta một cảm giác trầm buồn, sâu lắng. Trong nghi lễ khai mạc Mùa Chay, khi khiêm tốn đón nhận một chút tro bụi trên đầu, lời thánh ca gọi ta về với thực tại của thân phận con người:

“Hỡi người hãy nhớ, mình là bụi tro,
Một mai người sẽ trở về bụi tro.”

Hội thánh muốn dùng lễ nghi xức tro để nhắc nhở cho con cái mình nhớ rằng con người chỉ là tro bụi và sẽ trở về cùng bụi tro (x. St 3,19). Qua nghi thức lãnh nhận tro trên đầu, chúng ta cảm nhận nguồn cội của mình. Nếu con người được dựng nên bằng tro bụi, tại sao lại dám chống lại với Đấng dựng nên trọ bụi? Con người là gì ? Là hư không! Vậy con người phải biết thân phận hèn yếu của mình mà sám hối, nghĩa là phải làm hòa với Chúa (x. Cr 5,20).

  1. Ý nghĩa Mùa Chay

Mùa chay kéo dài bốn mươi ngày, từ thứ tư lễ Tro đến thứ Năm Tuần thánh, tiếng la tinh là “Quadragesima” nghĩa là bốn mươi. Mùa Chay không chỉ để tưởng nhớ “Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ, Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày… ” (Mt 4,1-2), mà còn là cơ hội để mỗi người chúng ta được đón nhận và sống Sự Thật của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người. Đấng đã mặc lấy thân phận con người yếu đuối, đến nỗi chịu để ma qủy cám dỗ cho chúng ta. Không còn nghi ngờ sự hiện diện đầy yêu thương và đồng hành chở che, nâng đỡ của Ngài trong đời sống làm người luôn phải chiến đấu của chúng ta.

Mùa Chay chúng ta phải tập luyện từ bỏ con người cũ, sống đời bác ái và chuyên chăm cầu nguyện. Cũng trong thời gian này các Kitô hữu cũng được mời gọi hoán cải và sám hối để chuẩn bị mừng lễ Phục sinh, cách riêng những người phạm tội nặng và công khai như bỏ đạo, giết người, ngoại tình … họ phải thật lòng sám hối và làm việc đền tội trong suốt mùa Chay, để cuối cùng được ơn tha thứ cũng như hoà giải với Thiên Chúa và Giáo hội trong ngày thứ Năm Tuần Thánh, trước lễ Phục Sinh.

Như vậy mùa Chay mang ý nghĩa cho mọi người:

– Đối với toàn thể dân Kitô giáo đây là thời gian mọi người chuyên chăm cầu nguyện, giữ chay tịnh và thực hành bác ái.

– Đối với các dự tòng đó là thời kỳ chuẩn bị trực tiếp cho họ lãnh các bí tích khai tâm vào Đêm Phục Sinh.

– Đối với các hối nhân đây là thời kỳ đền tội và sám hối để xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ và hoà giải.

  1. Mùa Chay là mùa sám hối

Khi dùng từ hoán cải - Metanoia - trong Kinh thánh Cựu ước và Tân ước, các tác giả muốn nói lên sự thay đổi tâm tình, não trạng, hối tiếc, hối hận. Cách đặc biệt, nó còn được dùng để nói đến một sự thay đổi hướng đi, thay đổi đường xưa lối cũ, có nghĩa là từ bỏ đường tà để trở lại đường chính, triệt để quay về với Thiên Chúa. Như thế, hoán cải không chỉ là thay đổi việc làm bên ngoài hay chỉ bên trong tâm trí mà thôi, nhưng là thay đổi cả con người, thay đổi cả trong ý muốn cũng như trong hành động.

Quả thực, Phụng vụ mùa Chay không ngớt lời kêu gọi hãy hoán cải, hãy sám hối, hãy “trở về”. Trở về, trở lại với Chúa, với anh em, nhưng để có thể làm như thế tiên vàn phải quay về với chính mình là chủ thể của mọi cuộc hoán cải.

Mùa Chay là thời gian Mẹ Giáo hội mời gọi con cái mình là những Kitô hữu bước vào hành trình nên thánh. Để khởi đầu cho hành trình này, kinh nghiệm của lịch sử Cứu Độ luôn bắt đầu bằng việc kêu gọi sám hối, nhằm giúp con người nhận ra những điều phải sửa, phải biến đổi, phải thăng tiến, nhờ đó việc nên thánh trở nên hiện thực. Và Mùa Chay không phải là nỗi sợ mà là an bình tâm hồn. Mẹ Giáo hội hôm nay mời gọi chúng ta làm các bước của việc Sám hối.

Sám hối là đổi mới là cởi bỏ con người cũ

Thánh Phaolô mời gọi:

“Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham hố lừa dối” (Ep 4,22).

Theo ngài, cởi bỏ con người cũ là cởi bỏ “con người thuộc hạ giới,” con người sống theo xác thịt với những hành vi đó là:Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống vậy” (Gl 5,20-21). Mùa Chay là cơ hội quý báu để chúng ta cởi bỏ con người cũ, từ bỏ các thói hư tật xấu trong chúng ta. Nếu không hoán cải, chúng ta sẽ không có sự tiến bộ về nhân đức và sẽ không được thừa hưởng hạnh phúc Nước Trời.

  1. Mùa Chay là mùa cầu nguyện

Cầu nguyện là cách biểu lộ niềm tin, giúp con người gắn bó với Chúa, hoàn toàn sống phó thác vào Chúa. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về đời sống cầu nguyện. Ngài cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi trong mọi hoàn cảnh để luôn an bình thuận theo ý Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi lâm cơn cám dỗ” (Mt 26.42). Nhưng phải cầu nguyện thế nào để đẹp lòng Thiên Chúa, đó là: “khi cầu nguyện thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn” (Mt 6,6), đừng làm như kẻ giả hình, vì như thế là đã tìm ân thưởng của trần thế rồi. Vậy hãy vào trong sâu thẳm của nội tâm, gặp Chúa và gặp mọi người trong Chúa cùng muôn tâm tư ước vọng. Chúa sẽ lắng nghe, Chúa sẽ thánh hóa, biến đổi, giúp chúng ta luôn sống đẹp lòng Người.

Chúng ta phải dành thời gian, dù cuộc sống bận rộn, để quay lại với chính mình. Hãy cầu nguyện như Chúa Giêsu, là Đấng biết thoát ra khỏi đám đông, dành thời gian cho cuộc hàn huyên với Thiên Chúa Cha. Bằng cách suy gẫm Lời Chúa trong thinh lặng, tắt tivi, radio, tránh quá lệ thuộc vào điện thoại thông minh… Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng im lặng trong cuộc sống của mình, thoát ra khỏi sự hời hợt bề nổi của những thời khóa biểu hoạt động nào đó, để dành ưu tiên cho Đấng Quan Trọng Nhất (x. Sứ điệp Mùa Chay 2024)

Để sống tốt mùa Chay, chúng ta phải cầu nguyện, cố gắng cầu nguyện, tìm thời giờ và những nơi để cầu nguyện. Cầu nguyện đưa chúng ta ra khỏi thái độ dửng dưng và làm cho chúng ta nhạy cảm với những điều có liên quan đến Chúa và các linh hồn. Cầu nguyện cũng giáo dục lương tâm chúng ta và mùa Chay rất thích hợp cho công việc này.

Trong mùa Chay, Hội Thánh nhắc bảo chúng ta phải xưng tội để lương tâm được trong sạch mà sống mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, không phải trong phụng vụ mà thôi nhưng trong cả tâm hồn nữa.

Như vậy, cầu nguyện để kết hợp với Thiên Chúa đồng thời cũng hướng chúng ta tới tha nhân. Khi chúng ta đòi hỏi đối với bản thân và quảng đại đối với tha nhân, nhất là đối với những ai đau khổ và thiếu thốn là chúng ta sống kết hợp với Chúa Kitô chịu đau khổ và bị đóng đinh vì Người tự đồng hóa với họ như Người nói: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han” (Mt 25, 35-36).

  1. Mùa Chay là mùa sống tình bác ái

Trong Mùa Chay, Giáo hội luôn kêu gọi các tín hữu tích cực làm việc bác ái, nghĩa là biết chia sẻ và quan tâm đến những nhu cầu cũng như đời sống thường nhật của mọi người, cách riêng những anh chị em nghèo khổ, bất hạnh hay bệnh tật. Mùa Chay phải là lúc xét mình và từ bỏ mọi dấu vết của lòng ích kỷ, vị lợi, chia rẽ, hận thù là gốc rễ của bạo lực để xây dựng một trật tự thế giới chan hòa yêu thương, sự quảng đại và tình liên đới.

Mùa Chay là thời gian hành động, và trong Mùa Chay, hành động cũng có nghĩa là dừng lại. Dừng lại trong cầu nguyện, để đón nhận Lời Chúa, và dừng lại như người Samaria, trước sự hiện diện của người anh em bị thương tích. Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là một tình yêu duy nhất. Không có các thần khác có nghĩa là dừng lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa, bên cạnh thân xác của tha nhân. (x. Sứ điệp Mùa Chay 2024)

Khi phục vụ những người nghèo trong khu ổ chuột ở Ấn Độ, mẹ Têrêsa Calcutta trả lời các nhà phỏng vấn: “Tôi thấy Chúa qua những con người bé nhỏ này”. Vì thế, mẹ Têrêsa đã phục vụ họ một cách trân trọng, như một con người, mang trong mình hình ảnh Đức Kitô. Mẹ đã sống Lời Chúa một cách triệt để. Bởi vì Chúa Ki-tô hiện thân nơi người nghèo, như Tin Mừng nhắc nhở chúng ta. Việc bác ái mang chất Ki-tô này giúp ta làm việc lành mà không cầu danh lợi, không huênh hoang tự đắc, không tìm lời khen, không coi thường người nghèo nhưng luôn tôn trọng họ... Chất Ki-tô khiến chúng ta làm tất cả để tôn vinh danh Chúa, để tình người được lớn lên trong tình Chúa.

Vì thế, chúng ta đừng sống dửng dưng, thờ ơ, khép kín trước người nghèo. Hãy luôn chạnh lòng xót thương như Chúa Giêsu đã thương những người cùng khốn. Hãy sống quảng đại cho đi, vui vẻ chia sớt, không chỉ của cải vật chất mà có khi chỉ là một nụ cười thân thiện, một cái bắt tay khích lệ, một lời nói an ủi đỡ nâng, một lần viếng thăm, một cuộc gặp gỡ kiến tạo sự hiệp nhất bình an. Khi chia nụ cười, ta sẽ nhận về vô số niềm vui. Khi chia vòng tay, ta sẽ nhận về mênh mông ấm áp. Khi chia quan tâm, ta sẽ nhận về bao la yêu thương. Khi chia yêu thương, ta sẽ nhận về rất nhiều hạnh phúc.

Như vậy, mùa Chay giúp chúng ta cầu nguyện để kết hợp với Thiên Chúa. Đồng thời, cũng hướng chúng ta tới tha nhân. Khi chúng ta đòi hỏi đối với bản thân và quảng đại đối với tha nhân, nhất là đối với những ai đau khổ và thiếu thốn là chúng ta sống kết hợp với Chúa Kitô chịu đau khổ và bị đóng đinh vì Người tự đồng hóa với họ như Người nói: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han” (Mt 25, 35-36).

Ước mong năm nay, mỗi chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm khi bước vào Mùa Chay với nghi thức xức tro, chúng ta quyết tâm thực hành khổ chế trong việc cầu nguyện, ăn chay và bố thí, sống tình huynh đệ chân thành. Để rồi, qua những hành động này, chúng ta được mời gọi sống thật với chính mình, tìm kiếm Thiên Chúa với tấm lòng chân thành, và do đó, được trưởng thành trong đời sống tâm linh. Chúng ta đừng để mùa Chay qua đi trong sự dửng dưng, vì đã có nhiều mùa Chay qua đi trong cuộc đời. Chúng ta cùng lắng nghe lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

 “Chúng ta đừng để mùa hồng ân này trôi qua vô ích! Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta cất bước trên con đường hoán cải thực sự. Chúng ta hãy bỏ lại sau lưng tính ích kỷ và sự tự hấp thụ vào chính mình, nhưng hướng đến sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy đứng bên cạnh những anh chị em đang túng thiếu của chúng ta, chia sẻ những của cải tinh thần và vật chất của chúng ta với họ” (Sứ điệp Mùa Chay 2019).

Xin Chúa cho chúng con nghe được lời mời gọi ấy và quyết tâm trở về để nối lại mối dây thân tình với Chúa, với chị em và với chính mình, để chúng con được trở nên con người mới, con người đầy tràn Thần Khí và yêu thương.

Mai Liên FMI