Chúng ta được Thiên Chúa chờ đợi

Chỉ khi nên thánh, chúng ta mới được nghỉ yên trong tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa. Nơi đó, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài.


Con người không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên, nhưng là kết quả suy tư của Ba Ngôi Thiên Chúa (ĐTC Benedictô XVI)

Trong cuộc sống của người tu sĩ, đâu đó thỉnh thoảng chúng ta vẫn có nhưng người tới chia sẻ hoặc xin chúng ta: “Xin Sơ cầu nguyện cho con của chúng con được nhiều ơn Chúa để sớm có con, cháu”. Họ là những người cha mẹ ông, bà. Khi nghe như vậy, chúng ta hiểu ngay họ đang nóng lòng mong chờ có những người con, người cháu để nối dõi, nối dòng. Cũng có thể, họ đang mong chờ được nhìn thấy phúc lành của họ được trổ sinh nơi con cháu. Đó là những mong ước thật chính đáng của con người.

Có lẽ, cuộc đời chúng ta cũng được sinh ra trong sự mong chờ như vậy. Chúng ta được ông bà, ba mẹ và những ngày thân ngày tháng mong chờ. Cảm nhận được điều này làm cho chúng ta thấy mình thật hạnh phúc, vì biết mình có một giá trị lớn đối với họ. Chúng ta là những người được mong chờ, để được sinh ra trong tình yêu. Tuy vậy, chúng ta cũng chưa mang một giá trị trọn vẹn, vì đó chỉ là sự mong chờ của con người dành cho con người. Chúng ta tìm thấy cuộc đời mình có ý nghĩa chỉ khi chúng ta nhận ra có một Đấng luôn mong chờ chúng ta, Đấng ấy chính là Thiên Chúa. Ngài đã nói với chúng ta: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta đã dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3). Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: Chúng ta được Thiên Chúa chờ đợi từ đời đời (Cv 114). Thật vậy, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta từ đời đời, ngay khi ta chưa được tạo thành. Từng phút giây, Ngài chờ đợi chúng ta đến trong lòng xót thương của Ngài.

Tiến trình Ngài chờ đợi chúng ta là một tiến trình của lòng kiên nhẫn và xót thương. Khi cho chúng ta được thành hình trong lòng mẹ, từng giây phút Ngài để mắt dõi theo chúng ta. Như người thợ gốm trong tiến trình nắn đúc một sản phẩm, ông ta phải chăm chú nhìn vào sản phẩm của mình. Ông ta hy vọng sản phẩm mình làm ra sẽ hoàn hảo như thiết kế ông đã hoạch định. Thiên Chúa cũng như Người Thợ Gốm, khi nắn đúc chúng ta trong lòng mẹ. Ngài chăm chú nhìn vào chúng ta trong sự lớn lên từng ngày. Ngài hy vọng, Ngài mong chờ chúng ta trong sự hoàn hảo nhất của một con người. Ngài mong chờ sự hoàn hảo như kết quả suy tư ban đầu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đôi lúc, chúng ta nghĩ rằng mình được lớn lên trong sự tự nhiên của thời gian chín tháng mười ngày cưu mang hoặc trong các yếu tố dinh dưỡng từ người Mẹ. Nhưng trên hết, chúng ta phải biết rằng: Chúng ta được lớn lên trong sự mong chờ với niềm hy vọng và ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Khi chúng ta được ra đời, Thiên Chúa còn chờ đợi chúng ta không? Chắc chắn, Ngài tiếp tục chờ đợi chúng ta. Bởi vì, khi cho chúng ta được cất tiếng chào đời, đồng thời Ngài cũng trao vào trong tâm hồn chúng ta một phẩm giá cao quý để làm người, Ngài ban tặng chúng ta sự tự do của con cái Thiên Chúa. Chính vì sự tự do càng ngày làm cho Thiên Chúa bận tâm đến chúng ta nhiều hơn. Ngài biết tự do làm nên phẩm giá con người, nhưng tự do cũng đưa chúng ta đi xa tình yêu của Ngài, đôi lúc tự do có thể làm cho hình ảnh của Ngài bị biến dạng. Vì thế, Ngài chờ đợi chúng ta không chỉ lớn lên về mặt thể lý theo ngày tháng, nhưng Ngài chờ đợi chúng ta lớn lên trong nhân cách, nhất là lớn lên trong Đức tin, trong sự gắn kết với tình yêu của Ngài. Chỉ khi có Ngài, chúng ta mới tìm thấy hướng đi và mục đích của cuộc đời mình. Ngài chờ đợi chúng ta từng ngày trong suốt cuộc đời làm người. Ngài mong ước chúng ta được lớn lên trong yêu thương và sống đúng phẩm giá làm người và làm con Chúa.

Thiên Chúa chờ đợi chúng ta đến bao giờ? Tôi suy rằng: Thiên Chúa chờ đợi chúng ta đến khi chúng ta hoàn tất cuộc đời trong sự nên thánh. Chỉ khi nên thánh, chúng ta mới thực sự là bản sao và là hình ảnh trung thực nhất của Thiên Chúa. Chỉ khi nên thánh, chúng ta mới được nghỉ yên trong tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa. Nơi đó, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài. Đây là mục đích và lý do mà Thiên Chúa phải kiên nhẫn chờ đợi chúng ta.

Cuộc đời chúng ta là một hành trình đi về, chúng ta cố gắng sống làm sao để đi về đúng nơi, đúng địa chỉ mà chúng ta được sinh ra, đó là ngôi nhà tình thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nơi đó, chúng ta được bao bọc, chở che trong sự trọn hảo của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Nt. Maria Phạm Châu, FMI