Vũ khí trong cuộc Khổ nạn

Ngài lấy sự thinh lặng để trả lời cho tất cả những lời tố cáo, nhạo báng,


Chầm chậm đọc từng trang Tin Mừng nói về cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, ở lại trong mỗi nhân vật xuất hiện trong chuyến hành trình. Tôi tưởng chừng ai ai cũng đang cất giữ trong mình kho “vũ khí”, từ quân lính đến đám đông, Thượng tế rồi đến môn đệ, Mẹ Maira và tôi cũng đã nhìn thấy nơi Đức Giêsu, Ngài cũng đã lần lượt sử dụng “vũ khí” của mình như hành trang lên đồi Gôngôtha.

Thoạt tiên ghi vào mắt tôi là hình ảnh những khuôn mặt bặm trợn của quân lính, với gươm giáo gậy gọc bên mình. Mọi người dường như nhường đường để cho chúng thi hành nhiệm vụ đánh đập và bắt trói Đức Giêsu. Cũng chính vào khoảng thời gian ấy, tôi bất chợt thấy kho “vũ khí” của từng nhân vật được mở cửa. Giọng nói bốc mùi chê bai, sự khinh miệt qua nét mặt của các Thượng tế, sự cười cợt của quân dữ. Kho “vũ khí” của chúng chất chứa những lời nói và hành động đầy sự tính toán và xảo trá. Hùa theo cảnh tượng ấy là những đôi bàn tay, những tiếng la hét “đóng đinh nó vào thập giá” của vô số đám đông, “vũ khí” mà họ dùng là sự thiếu hiểu biết, thiếu niềm tin bởi họ chỉ trông chờ vào phép lạ, những bữa “hóa bánh ra nhiều” để được no nê.

Còn những người thân tín của Chúa thì sao? Họ dùng “vũ khí” nào để chiến đấu? Hẳn là lúc này dũng khí của người môn đệ bị đóng chặt cửa, sự sợ hãi xâm chiếm toàn bộ con người họ khiến tất cả đều chạy tán loạn. Cứ ngỡ Phêrô cũng đã táo bạo chém đứt tai một tên lính, nhưng rồi ông cũng thấy mình như chẳng còn vũ khí nào để chống chọi với đêm kinh hoàng này, như để an toàn ông chọn lấy “vũ khí” của một người dưng: vô cảm, mặc kệ, thoái thác. Trái ngược với những ồn ào bên ngoài ấy, hình bóng Mẹ, một người thân của Chúa, trong đêm ấy “vũ khí” của Mẹ thật dịu dàng nhưng rất mạnh mẽ. Mẹ dùng “vũ khí” của sự thinh lặng để suy gẫm điều Thiên Chúa hứa và điều Người sẽ thực hiện nơi Giêsu, Con Mẹ. Mẹ đón lấy tất cả “vũ khí” người khác trao cho Con Mẹ như là năng lượng đổ đầy trong sự tín thác của Mẹ vào Thiên Chúa.

Với Giêsu, trong thinh lặng Ngài cho tôi cảm nếm “vũ khí” Ngài đã dùng. Ngài lấy sự thinh lặng để trả lời cho tất cả những lời tố cáo, nhạo báng, nhục mạ của các Thượng tế, quân lính và đám đông. Ngài dùng sự cảm thông, nhân từ của đôi mắt để chạm đến trái tim người môn đệ Phêrô; Ngài nhìn Simon, bà Vêrônica với lời cám ơn của đôi mắt vì đã vác đỡ Thánh giá cùng đã lau mồ hôi bụi lấm trên mặt Chúa. Ngài dùng trái tim để an ủi những người phụ nữ khóc thương Ngài. Và “vũ khí” cuối cùng Ngài dùng là sự tha thứ, Ngài xin Cha tha cho kẻ giết mình vì họ không biết việc họ làm.

Con đường lên Gôlgôtha của Chúa Giêsu phải chăng cũng là con đường mà mỗi chúng ta đã, đang và sẽ đi. Chúng ta hoàn tất nó trong từng ngày sống, tôi tự hỏi, liệu bản thân mình đã dùng “vũ khí” nào trên con đường ấy, với những người xung quanh. Sử dụng kho “vũ khí” của các Thượng tế, quân lính, đám đông, của các môn đệ hay là tôi sẽ lựa chọn “vũ khí” của Đấng mà tôi đang kiếm tìm. Tự do chọn lựa nói lên sự trưởng thành của tôi trong đời sống. Ước mong sao điều tôi chọn lựa cũng là điều Thiên Chúa muốn.

                                                                                  Maria Mỹ Hằng (Khấn tạm), FMI