Cộng đoàn - nơi vác Thánh giá cùng Đức Kitô

Quả thực nơi mỗi người luôn có một sự hòa trộn giữa cái tốt và cái xấu, giữa tình yêu và lòng ghen ghét.


Người thánh hiến cam kết bước theo Đức Ki- tô mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa với việc họ trở thành những người cùng nhau trên một hành trình, nơi đó người thánh hiến vai mang lấy thập giá của riêng mình và cùng Đức Ki-tô bước đi. Là người môn đệ của Chúa, người tu sĩ được mời gọi dấn thân xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn theo chân Đức Ki-tô.Quan sát cộng đoàn tiên khởi, nơi đây hiện diện đầy đủ mọi cá tính khác nhau: một Phê-rô bộc trực, Giacobe, Gioan lại là những người nóng như lửa, Tôma thì cứng tin...thử hỏi Chúa có vất vả khi huấn luyện các ông không? Các môn đệ có khó khăn khi phải sống với nhau không? Thế nhưng đổi lại, khi Chúa bị bắt, có nỗi đau nào lớn hơn khi những người cận kề lại là người bán mình (Giuđa), chối ( Phêrô), biệt tăm, chạy trốn ( các môn đệ). Đâu cả rồi những lời tuyên xưng hùng hồn “dù Thầy đi đâu con cũng đi theo”? Có sức nặng nào nặng hơn thế nữa, thập giá ghì lấy đôi vai đẫm máu, đôi chân run run...

Cộng đoàn thánh hiến cũng thế là nơi của những con người với những cá tính khác nhau, có người nóng, có người lạnh, có người lại quá vô tư không để ý đến việc chung, người thì lúc nào cũng trễ nãi, có người lại quá băn khoăn lo lắng. Có chăng đó cũng chính là những thập giá trong đời sống cộng đoàn? Tuy nhiên mỗi người thánh hiến cần ý thức rằng tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu không lấn át hay bóp nghẹt, không loại bỏ hay thờ ơ, không coi thường hay thống trị nhưng là một tình yêu nâng dậy và chữa lành.[1]

Một trong những khó khăn lớn nhất của đời sống cộng đoàn là đôi khi người này lại muốn người kia phải sống theo cái khuôn chính họ đặt ra. Lắm khi có những người sống như “nướng bánh tráng”, luôn luôn tìm cách để người khác thừa nhận tôn trọng bản thân mà giấu mình sau những lớp mác thật đẹp. Quả thực nơi mỗi người luôn có một sự hòa trộn giữa cái tốt và cái xấu, giữa tình yêu và lòng ghen ghét. Chúng chính là thực tại của một phần bản tính con người.

Trong cộng đoàn sẽ luôn tồn tại những thập giá như thế. Tất cả mỗi người phải mang lấy sức nặng và mâu thuẫn của đời sống chung. Đón nhận thập giá cách thụ động khi chịu đựng, đón nhận mà không thể giải quyết hoặc tránh né được; chia sẻ mà không có cách nào cứu chữa hoặc giải quyết được. Đón nhận thập giá cũng đồng nghĩa đón nhận sức nặng của người xung quanh.

Để thăng hoa đời sống cộng đoàn, xây dựng tình huynh đệ, mỗi người phải biết mình là ai và như thế nào, mới có thể sống với người khác. Tin chắc rằng không ai có thể thay thế, cùng với tất cả sự giới hạn, và yếu đuối. Chính khi nhận ra điều này, con người mở lòng ra với thế giới và xích lại gần nhau hơn.[2] Nhưng điều này thật không dễ khi mỗi người mang trong mình tất cả những gì rất riêng và cá vị, nơi đó đòi hỏi sự hy sinh và khổ chế của chính họ để xây dựng cộng đoàn.

Đức Ái và sự hy sinh, khổ chế

Sống Đức Ái cần có sự hy sinh và khổ chế rất nhiều, sở dĩ như vậy là bởi lẽ nếu tất cả mọi người đều có tính hiền hòa, nhẫn nhịn, thì mọi thứ sẽ rất dễ bỏ qua cho người khác. Nhưng thiết nghĩ điều này không tồn tại, nơi đây tất cả mỗi người đều mang đầy đủ những cá tính rất khác nhau như đã nói ở trên, và bất cứ lúc nào người này cũng có thể là gánh nặng của người kia, mỗi người phải hy sinh ý riêng của mình để vì lợi ích chung, nói chung quy lại sự hy sinh đó có thể là những lời nói nhẹ nhàng hơn, thái độ chân thành hơn, cử chỉ quan tâm hơn...tuy nhiên sẽ không bao giờ là một chuyện dễ dàng vì nơi chính họ mang lấy những bản ngã riêng và để thực hiện được họ phải hy sinh và khổ chế về tất cả mọi phương diện, để xây dựng một cộng đoàn đích thực. Thậm chí có người phải mất cả một hành trình để giúp người chị em mình tự tin hơn, nhanh nhẹn hơn, có người thì lại thay đổi cả sự nhanh nhẹn vốn có của mình để cùng chờ bạn đồng hành của mình cùng đi...nhưng trên tất cả mọi sự đó, điều quan trọng là nơi mỗi người thánh hiến trong cộng đoàn ý thức rằng đó chính là một gia đình thiêng liêng và những người chị em trong cộng đoàn là anh chị em mình.

Đời sống chung đòi phải từ bỏ liên tục vì luôn chung đụng với người khác và sự lệ thuộc quyền bính khá chặt chẽ. Mỗi người trong cộng đoàn cần phải chấp nhận bỏ ý riêng, bỏ đi những ước muốn nổi bật, được yêu thương chiều chuộng cách đặc biệt hay muốn thống trị người khác. Nỗ lực khổ chế là điều cần thiết không thể thay thế cho bất cứ một sự giải phóng nào nhằm biến đổi cộng đoàn.

Mùa Chay Thánh cũng là cơ hội để mỗi người thánh hiến ý thức sự mời gọi mãnh liệt của một hành trình biến đổi không ngừng, ngang qua chính suy nghĩ và hành động bé nhỏ của mỗi người. Sống trong nhịp sống đòi hỏi mỗi người cần phải không ngừng canh tân cách sống, cách nhìn nhận và sự hiểu biết, thiết nghĩ nếu khi dừng lại không bước đi cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang dừng lại trong cuộc đua trên thao trường và sẽ không bao giờ vươn đến được cùng đích là chính Đức Ki-tô. Lạy Chúa, Chúa đã gánh phần nặng, còn phần nhẹ là của chính mỗi người chúng con. Xin cho chúng con biết cam đảm để sống cho Chúa và cho tha nhân nhiều hơn.

Maria Minh Chi (Khấn tạm), FMI


[1] CV, số 116

[2] DÒNG GIOAN THIÊN CHÚA. Tu Sĩ Lớn Lên Trong Tương Quan Với Cộng Đoàn Truy cập 23/10/2023, https://donggioanthienchua.net/tu-si-lon-len-trong-tuong-quan-voi-cong-doan.html