Cảm nghiệm lòng thương xót Chúa

Sẽ không bao giờ muộn nếu tôi còn muốn quay về, sẽ không bao giờ trễ vì ân sủng tha thứ của Thiên Chúa luôn tràn đầy.


Nhìn lại hành trình sống của con người, không ai tránh khỏi những giây phút tội lỗi. Có những tội lỗi do sự thiếu hiểu biết. Có những tội lỗi khác vì sự yếu đuối, hèn hạ của bản thân. Nhưng cũng có những tội lỗi ghê tởm mà con người vẫn vấp phạm ngay cả khi biết rõ hậu quả khôn lường của nó. Con người luôn mang trong mình thân phận tội lỗi vì sự mỏng giòn của mình. Thiên Chúa hiểu tất cả những yếu đuối đó của con người và Ngài không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi tha thứ. Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ kết thúc bởi vì Ngài luôn nhân từ. Chính vì vậy mà Thánh Tôma Aquinô đã không ngần ngại nói bản chất của tình thương Thiên Chúa chính là lòng thương xót. Trái tim của Chúa là trái tim của lòng thương xót nên Ngài không bao giờ nỡ để con người trầm luân khổ đau nhưng luôn tạo cho con người một lối mở để vươn đến tương lai. Câu chuyện Ca-in và A-ben (St 4,1-11) một lần nữa giúp chính bản thân tôi xác tín hơn về điều này.

Chuyện kể về hai người con đầu lòng của tổ tiên loài người A-dam và E-va. Sau khi đôi vợ chồng đầu tiên này sa ngã, họ phải tự bươn chải với cuộc đời bên ngoài vườn E-đen để mưu sinh. Họ sinh được hai người con. Người con cả tên là Ca-in và người con thứ tên là A-ben. Hai anh em cùng dâng hy lễ đầu mùa tạ ơn Đức Chúa, nhưng Đức Chúa đoái nhìn đến A-ben và lễ vật của ông, còn của Ca-in thì Ngài không đoái nhìn. Ca-in đã giận dữ và tìm cách sát hại em. “Tiếng máu” của A-ben đã kêu thấu tới tai Đức Chúa. Đức Chúa đã hỏi Ca-in về điều này, nhưng Ca-in đã chối. Đức Chúa đã giáng phạt Ca-in; nhưng bên cạnh đó, Ngài vẫn tỏ lòng xót thương bằng cách không cho ai được phép giết chết Ca-in. Kết thúc câu chuyện, Ca-in đi xa khuất mặt Đức Chúa và tiến về phía đông Ê-đen – nơi vẫn còn niềm hy vọng cho ông, nơi đầy ánh sáng.

Trong trình thuật của câu chuyện, Đức Chúa đã thấy và thấu hiểu Ca-in nên Ngài đã hỏi và đã cảnh báo để ông canh giữ lấy chính mình. Thế nhưng, lòng ghen tức nơi Ca-in và những toan tính xấu xa trong thâm tâm đã làm cho ông không còn để ý gì đến lời cảnh báo của Đức Chúa. Bởi đó, tội ác của Ca-in đi đến một tầm mức nặng nề. Trong cuộc sống của tôi, ngày mỗi ngày Chúa cũng thì thầm trong tâm hồn tôi những câu hỏi khi tôi đứng trước những cám dỗ của chọn lựa, những lúc tôi đến với Ngài, nhất là vào những giây phút thinh lặng xét mình trước Chúa. “Con có đang sống đúng với bậc sống của con?”, “Tại sao con lại chọn cách hành xử như vậy?”… Những câu hỏi làm cho tôi phải quay ngược về với sự thật nơi lòng mình. Có khi những lời thầm thì đó là phương dược giúp tôi vượt qua cái tự nhiên của mình để sống điều siêu nhiên thuận ý Chúa. Nhưng cũng đã không ít lần “bản năng” mạnh hơn “bản lĩnh”, khiến tôi vô tình hay cố ý phớt lờ đi tiếng nói lương tâm. Thiên Chúa là Đấng trung tín nên dù tôi có thế nào thì Ngài vẫn luôn gửi đến những “câu hỏi xót thương” mở đường cho ơn tha thứ và phục hồi nhân phẩm. Hoa trái của lòng thương xót tôi nhận được bao nhiêu tùy thuộc vào thái độ đón nhận và sự nhạy bén thiêng liêng của mình mà thôi.

Câu chuyện Sáng thế kể trên cho thấy mức độ quá nghiêm trọng của tội nơi Ca-in đã buộc Thiên Chúa phải can thiệp và đã ra hình phạt cho Ca-in. Phạt thì phạt nhưng Ngài vẫn tỏ lòng thương xót bằng cách ghi dấu trên Ca-in. Dấu ấy là một thứ ấn tín cho thấy Thiên Chúa vẫn yêu thương và bảo vệ mạng sống của ông cho dù ông đã phạm tội. Ca-in đi về hướng đông của vườn Ê-den, là hướng của mặt trời, hướng của niềm hy vọng và hướng của sự sống. Nhìn lại cuộc sống của mình, khi thực hiện Giao Ước tình yêu với Chúa qua việc tuyên khấn Ba lời khuyên Phúc Âm, tôi đã khấn hứa dâng cho Chúa những gì là tốt đẹp nhất, là cao quý nhất của tôi. Thế nhưng, trải qua năm tháng, tình yêu thuở ban đầu dần dần phôi pha.

Tôi không ít lần chạy theo những đam mê trần thế, đặt những thú vui hay lợi ích con người lên trên sự thánh thiêng của Giao Ước mà mình đã cam kết với Chúa. Cũng đã bao phen tôi sống đời tu nhưng không tìm Chúa mà chỉ lo tìm công việc của Chúa hay vinh quang trần đời. Tôi ỷ lại vào lòng thương xót Chúa và chẳng bận lòng rằng những việc tôi làm cũng có thể khiến Chúa thổn thức. Tôi hối hận rồi lại lỗi phạm. Thế nhưng, Chúa vẫn luôn tha thứ và đón nhận tôi. Lòng thương xót của Thiên Chúa vượt qua bên kia tội lỗi của tôi và tình yêu của Ngài vượt qua bên kia sự phản bội. Chỉ cần tôi biết nhận ra lỗi lầm của mình và quay về với Ngài, thì dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, cánh cửa lòng xót thương của Thiên Chúa vẫn luôn mở rộng để đón nhận tôi vào trái tim của Ngài. Sẽ không bao giờ muộn nếu tôi còn muốn quay về, sẽ không bao giờ trễ vì ân sủng tha thứ của Thiên Chúa luôn tràn đầy.

Ai trong chúng ta mà không một lần yếu đuối? Ai trong chúng ta lại không gặp thử thách, đôi khi rất nặng nề? Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người đều cần đến lòng thương xót và sự cảm thông. Vậy nếu mỗi người chúng ta đều muốn đón nhận lòng thương xót Chúa và sự quảng đại của tha nhân, tại sao chúng ta lại ích kỉ trong việc trao ban tình yêu thương cho người khác. Là người sống đời dâng hiến, tôi được mời gọi họa lại hình ảnh của Thiên Chúa - một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Vậy nên, sẽ không đúng nếu tôi sống cay nghiệt, đố kỵ, nói xấu, soi mói… chị em của mình. Nếu tôi ghét bỏ, làm khổ chị em thì tôi đang làm méo mó đi hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa đã không bao giờ bỏ rơi tôi, thì chính tôi cũng phải có trách nhiệm với những người chị em mà tôi được sống cùng sống với. Tôi phải biết nhìn sang người chị em của mình để quan tâm giúp đỡ họ, để không một ai phải hư mất. Chỉ với những cử chỉ yêu thương nho nhỏ hay một thái độ khoan dung trước lỗi lầm của chị em cũng có thể thắp lên trong tâm hồn chị em một niềm hi vọng. Bởi tình thương là sức mạnh lớn lao có khả năng cảm hóa và biến đổi con người, nó giúp cho con người sống tốt hơn, sống yêu đời hơn và sống có mục đích hơn.

Lòng thương xót Chúa thật quá vô biên và không một ngôn từ nào có thể diễn tả cạn. Một trái tim đầy ắp tình yêu là điểm mạnh của Chúa nhưng đồng thời đó cũng là điều khiến Chúa phải khổ nhiều bởi Ngài chẳng nỡ đành bỏ mặc con người, cho dù người ta có bao lần quay lưng Chúa đi nữa. Điều này thắp lên trong tôi một niềm hi vọng nhưng đồng thời cũng là một lời mời gọi hãy cố gắng vươn lên mỗi ngày để bù đắp những thương tích nơi trái tim Chúa bởi biết bao tội lỗi của chính mình và nhân loại gây nên. Đồng thời, là một người sống đời thánh hiến, tôi được mời gọi trở nên chứng nhân của lòng thương xót Chúa để nơi đâu tôi hiện diện, sự bình an có thể khỏa lấp muộn phiền, nỗi buồn được xóa tan bởi niềm vui, và tình yêu phủ lấp hận thù. Đó chính là cuộc sống Nước Trời ngay ở trần gian hôm nay mà ai cũng hằng mơ ước.

M. Anna Nguyễn Thị Hà (Khấn tạm), FMI