Lời đáp trả trong tự do

Lời thưa Xin vâng của Mẹ không chỉ dừng lại ở giây phút đầu tiên này nhưng tiếp tục diễn ra vào mỗi biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu - Con của Mẹ.


Lần dở những trang đầu của Sách Sáng thế, chúng ta thoáng nhìn thấy bức tranh về một thế giới đau khổ đến chết lặng trong tuyệt vọng do dấu vết của Nguyên tội. Phải chăng sự sa ngã của con người đã làm cho họ mất tự do?

Quả thế, khi Đức Chúa đặt vấn đề với ông Ađam “Có phải ngươi đã ăn trái cây ta đã cấm ngươi ăn không?” (St 3,11b), ông đã đổ lỗi cho vợ mình rằng: “Người đàn bà Ngài cho ở với con đã cho con ăn trái cây ấy, nên con ăn” (St3, 12b). Cuối cùng, bà Evà lại chỉ tay về con rắn để bào chữa cho mình: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3, 13b). Như vậy, cả ba đều thụ động trước câu hỏi của Chúa và họ không muốn nhìn nhận mình tội lỗi. Việc đổ lỗi liên tục đó đã khiến họ rời xa Chúa và mang lấy án phạt muôn đời. Từ đó, cửa địa đàng đóng lại, con người mất đi tự do và ân sủng của Thiên Chúa (St 3, 24).

Tuy rằng, biến cố sa ngã làm cho cánh cửa địa đàng khép lại, nhưng tình yêu của Thiên Chúa lại càng đong đầy và tràn ngập nơi một cánh cửa mới: Người đến gõ cửa tâm hồn của Maria- cô thôn nữ miền Nazaret hầu bắt đầu chương trình kế hoạch cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thật vậy, biến cố Truyền Tin là dấu chỉ Thiên Chúa đến cứu độ con người. Thiên Chúa sai thiên thần đến hỏi Mẹ về ý định của Người. Mở đầu với lời chào đầy ưu ái: “Kính chào Đấng Đầy Ân Sủng” (lc 1, 28). Lời ca tụng này diễn tả ân huệ nhưng không của Thiên Chúa dành cho Mẹ- Đấng được diễm phúc cưu mang Con Thiên Chúa trong lòng. Lời chào của sứ thần đã dẫn Mẹ bước vào cuộc phiêu lưu, khám phá sự diệu kỳ của Thiên Chúa. Khác với lời chất vấn trước đó của ông Dacaria dành cho sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già và nhà tôi cũng đã lớn tuổi (Lc 1,18)”. Mẹ Maria thì không đòi hỏi bằng chứng để tin, nhưng Mẹ hỏi “làm sao những  điều ấy có thể xảy ra?” (Lc 1,34). Mẹ sẵn sàng mở lòng để hiểu và đón nhận thánh ý nhiệm mầu của Chúa, bởi Mẹ tin “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thế làm được” (Lc 1, 37). Thái độ khiêm tốn và lắng nghe chính là bằng chứng của sự xác tín để Mẹ mạnh mẽ thưa lên lời đáp trả: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Có lẽ lời xin vâng của Mẹ, như Đức Thánh Cha Phanxico đã nhận định rằng : “Đây không phải là sự chấp nhận thuần túy thụ động hay bị bắt buộc, hay là tiếng ‘vâng’ vu vơ, kiểu như nói : Ờ, thì ta cứ thử xem sao. Nhưng ngài xin vâng không chút do dự. Đây là tiếng xin vâng của một người sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng mạo hiểm, đặt cược tất cả những gì mình có” (CV 44). Qủa thật, khi thưa “Xin vâng” trước lời mời gọi của Thiên Chúa, Maria đã tự do đón nhận và trực tiếp cộng tác vào việc Nhập Thể. Trước biến cố lớn lao này, Mẹ đã đặt trọn niềm phó thác, tin yêu nơi Thiên Chúa và để Chúa dẫn dắt Mẹ bước đi trong hành trình tự do của một lời hứa. Lời thưa Xin vâng của Mẹ không chỉ dừng lại ở giây phút đầu tiên này nhưng tiếp tục diễn ra vào mỗi biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu - Con của Mẹ.

Tóm lại, biến cố Truyền tin một lần nữa nhắc nhớ chúng ta về thái độ đáp trả đầy tự do của Mẹ trong ân sủng và tình thương vô biên của Thiên Chúa. Noi gương Mẹ, chúng ta cũng mau mắn nhận ra dấu chỉ và thánh ý Chúa trong từng biến cố của cuộc sống, để sẵn sàng thưa lên lời Xin vâng như Mẹ trong tự do và bình an.

Anna Hà (Tiền tập FMI)

(Cảm nghiệm ngày Lễ Truyền tin)