Suy đi nghĩ lại trong lòng

Mẹ luôn giữ một cõi lòng thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa trong mọi sự và luôn sẵn sàng đáp lời xin vâng.


Đức Maria là gương mẫu về việc suy đi nghĩ lại Lời Chúa trong lòng. Mẹ luôn giữ một cõi lòng thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa trong mọi sự và luôn sẵn sàng đáp lời xin vâng. Đức Maria có một tâm hồn trầm lặng, đầy sự dịu hiền khiêm tốn trong suốt cuộc đời. Mẹ cũng chính là khuôn mẫu để chúng ta noi theo, nhất là về thái độ khiêm tốn tín thác vào Chúa và yêu thương như Chúa đã yêu.

Đọc câu kinh “xin cho con một tâm hồn dịu hiền khiêm nhượng, biết yêu thương không mong chờ đáp trả”, dường như tôi được Chúa Thánh Thần linh hứng, tác động đến tâm hồn mình, giúp tôi có thể cảm nhận được điều mà Chúa muốn tôi hoàn thiện hơn khi tập tành sống theo các nhân đức tốt lành của Mẹ Maria. Tâm hồn tôi cảm thấy bồi hồi và có chút rung động, vì ‘khiêm nhượng là một từ nghe thật dễ dàng nhưng hành động lại ôi thật quá khó! Đối với tôi, trong mỗi con người chúng ta đều mang lấy bản tính người mỏng giòn, xác thịt và mang lấy cả cái tôi trong mình quá cao. Đôi lúc tôi cũng có thấy nơi bản thân mình còn đó sự kiêu ngạo và ích kỷ với người khác, chỉ vì bản thân hơn họ ở một chút tài lẻ nào đó. Một cách nhẹ nhàng, Mẹ nhắn bảo tôi hãy cầu nguyện. Bất cứ lúc nào cũng hãy cầu nguyện. Vì sống gần Chúa, tôi thấy mình bé nhỏ, yếu đuối, bất xứng, tội lỗi. Và để có được ơn biến đổi để sống khiêm nhường thì ngoài việc cầu nguyện, tôi phải biết cộng tác bằng việc uốn nắn rèn luyện, để được biến đổi thật sựCái tâm sẽ được biến đổi do một sức thiêng từ trong và từ trên, đó là Thần Khí Chúa. Tôi tin Chúa sẽ uốn nắn con tim của tôi, đời sống của tôi nên tốt lành hơn.

Đã có lần tôi xúc động khi cầu nguyện với Mẹ: Lạy Mẹ Maria là Mẹ con, xin giúp con và nâng đỡ con trong mọi hoàn cảnh, cho con biết năng chạy đến với Mẹ, tâm sự cùng Mẹ, trò chuyện cùng Mẹ, lần chuỗi cùng Mẹ. Để mỗi ngày con được Mẹ cảm hóa tâm hồn, để đức tính khiêm nhượng mà con được đánh động trong câu kinh trở nên ý lực sống mạnh mẽ trong con, giúp con bắt chước sống như Mẹ. Có lẽ, Mẹ biết con luôn nghĩ cho bản thân, ích kỷ và con chưa thật sự sống khiêm nhường. Xin cho con ngày mỗi ngày biết sống hòa nhã hơn, tôn trọng mọi người chung quanh, và nghe nhiều hơn nói. Biết nhanh chóng nhìn nhận và sửa đổi các khuyết điểm của mình, học tập những cái hay, cái tốt từ người khác và không tự mãn với những gì mình đã đạt được. Khiêm nhường đúng nghĩa là con sống trung thực với chính bản thân mình và trung thực với những người chung quanh, nhìn nhận giá trị của người khác...

Trở về sâu lắng khi sống với Mẹ Maria qua việc cầu nguyện, tôi chân nhận một người khiêm nhường đúng nghĩa, không cần phải tự hạ bệ người khác xuống, không cần phải đánh giá thấp về chính bản thân mình hay tự nâng cao mình một cách thái quá. Một người khiêm nhường thực sự không quan tâm nói về mình, khoe về mình, nhưng thường bày tỏ sự quan tâm đến người chung quanh, lắng nghe những nhu cầu và nguyện vọng của người khác, cũng như tạo ra những dịp thuận tiện hay nhường lại những cơ hội để người khác có thể thăng tiến. Bởi lẽ ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mt 23,12). Khiêm nhường đi song hành với tình yêu thương, không kiêu ngạo, tự cao, như thánh Phaolô nhắc đến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc... (1 Cr 13, 4).

Xin Mẹ luôn chuyển cầu cho chúng con ở dưới thế này, luôn sống với nhau bằng tâm tình khiêm nhượng và yêu thương nhau, để mỗi ngày chúng con thêm hoàn thiện bản thân hơn, sống đúng với chức danh người Kitô hữu, người con ngoan của Mẹ hiền Maria Vô Nhiễm.

Maria Phương Thảo (Thanh tuyển), FMI