Tự hào về Cha

Ngoài người cha đã sinh ra tôi, khi vào Dòng, tôi có thêm một người cha nữa – người mà tôi chưa bao giờ được gặp mặt...


Là con, dù nhiều hay ít, có lẽ ai cũng có điều gì đó để tự hào về cha của mình. Ngoài người cha đã sinh ra tôi, khi vào Dòng, tôi có thêm một người cha nữa – người mà tôi chưa bao giờ được gặp mặt, nhưng qua những lời kể, những điều được học biết về cha thì tôi có muôn điều để tự hào về người cha thiêng liêng này của mình.

Cha là một vị mục tử tận tâm tận tình với đoàn chiên được trao phó và là một vị thừa sai nhiệt thành trong việc truyền giáo cũng như tìm cứu những trẻ em bị bỏ rơi hay sắp chết. Năm 1883, khi là cha sở của giáo xứ Dương Sơn, mặc dù được Đức Cha Caspar cho biết nhóm Văn Thân sẽ đến để giết hại những người công giáo trong giáo phận và được yêu cầu về Kim Long để trú ẩn, nhưng với tấm lòng mục tử, cha đã tự nguyện ở lại giáo xứ để làm chỗ tựa cho đoàn chiên và cùng với đoàn chiên làm chứng cho Chúa[1]. Sự cam đảm của cha phát xuất từ việc quên mình mà nghĩ cho người khác. Với thao thức dai dẳng dành cho lớp trẻ trong giáo phận cần được giáo dục về đức tin và văn hóa, cha đã thao thức, đầu tư để lập Dòng các nữ tu giáo viên bản xứ[2] và Dòng Thánh Tâm[3] . Với châm ngôn “Tôi yêu mến mọi người”, cha đã ôm ấp, tận tụy giúp đỡ tất cả mọi người không trừ một ai, kẻ có đạo cũng như không có đạo[4]. Cha lưu tâm đến nhu cầu tinh thần và vật chất của Dân Chúa, đặc biệt cho các linh mục. Trên giường bệnh, khi lãnh nhận bí tích cuối cùng, cha đã khiêm tốn xin lỗi tất cả các linh mục và thì thào câu: “cha thương mến chúng con tất cả”[5]. Đó là tấm lòng của một vị mục tử chỉ biết sống cho đàn chiên cho đến khi trút hơi thở cuối đời.

Cha còn là người rất yêu mến bí tích Thánh Thể và hết lòng cứu rỗi các linh hồn. Cha từng tâm sự: “Khi nào ra trước tòa phán xét, tôi chỉ sợ hai điều, đó là: Khi còn sống đã không yêu mến phép Thánh Thể cho đủ, hai là đã không hết lòng cứu rỗi các linh hồn”. Thật vậy, trong thời gian làm cha xứ, sau giờ đọc kinh chung với giáo dân ban tối, cha thường ở lại chầu Thánh Thể rất lâu[6]. Có lẽ cha ở lại để nói với Chúa về những nhu cầu của giáo phận, của đoàn chiên hay về những dự định cho cánh đồng truyền giáo mà cha đang thao thức…

Cha là người yêu mến Đức Mẹ cách riêng. Từ hồi niên thiếu, cha đã yêu mến Mẹ cách đặc biệt. Cha năng chạy đến cầu nguyện với Mẹ tại nhà thờ xứ và hang đá Đức Mẹ, cha cũng rất siêng năng lần chuỗi Mân côi. Vì lòng yêu mến Mẹ, cha đã chọn khai sinh Hội dòng mới đúng vào ngày lễ sinh nhật Mẹ. Với tư cách là vị chủ chăn giáo phận, cha cũng tổ chức Đại hội La Vang và xây cất lại ngôi thánh đường La Vang rộng lớn[7]. Và, có lẽ, vì lòng yêu mến Đức Mẹ và thường xuyên chuyên ngắm hình ảnh Mẹ dưới chân thập giá nên cha đã có một sự can đảm chấp nhận thánh giá, thử thách của người tông đồ. Giữa bao thử thách, khó khăn, gian truân, nụ cười vẫn luôn nở trên môi cha. Đến cuối đời, Chúa cho cha được kết hợp với cuộc thương khó Chúa qua việc bị mù hai mắt. Đối với cha, đây là thánh giá quá nặng nhưng cha đã chấp nhận trong vui tươi, nhẹ nhàng trong suốt sáu năm[8].

Để nói về cha, còn bao nhiêu điều tôi làm sao kể xiết! Là một ông tây, thế nhưng, khi đến Việt Nam, cha đã dấn thân hết mình trong từng cách ăn, nếp ở. Bữa ăn của cha chỉ cần một khúc cá hay củ khoai luộc chứ có khó khăn gì đâu! Kể từ ngày cha lên đường để sang Việt Nam, chưa một lần cha trở về quê mẹ. Với tôi, cha quả thật là một người cha đáng kính, một “ông tiên bên đạo”. Mãi tự hào và yêu mến, tri ân cha!

M. Anna Thảo Ly (Học viện SG), FMI


[1] x. Tiểu sử Đức Cha Tổ Phụ Eugene Marie Joshep Allys, Bình diện nhân bản: can đảm, cương quyết

[2] Chiều 7.9.1920: Cha Allys đã mời 6 chị Mến Thánh Gía rời Phước viện Dương Sơn lập nên Hội dòng mới với tên gọi ban đầu: “Con Đức Bà chẳng hề mắc tội tổ tông”. Sáng 8.9.1920: thánh lễ khai sinh Hội dòng.

[3] Thành lập 9.10.1925 với mục đích mở trường dạy văn hóa và dạy giáo lý tại các cơ sở Dòng hoặc giúp các cha sở tại các trường giáo xứ.

[4] x. Tiểu sử Đức Cha Tổ Phụ Eugene Marie Joshep Allys Bình diện nhân bản: Ôn hòa, thích đối thoại với mọi người.

[5] Ibid, Bình diện tu đức: Khiêm tốn và bác ái

[6] Ibid, Bình diện tu đức: lòng yêu mến bí tích Thánh Thể và các linh hồn

[7] Ibid, Bình diện tu đức: lòng yêu mến Đức Mẹ

[8] Ibid, Bình diện tu đức: can đảm chấp nhận thánh giá.