Con Thiên Chúa im lặng

Đức Giêsu không lên tiếng trước những lời vu cáo, không đáp trả những trò nhạo báng, không nổi giận trước những cái tát, ngọn roi, hay cả vòng gai nhọn bị mấy tên lính đội lên đầu.


Chúa nhật Lễ Lá đã mở đầu cho Tuần Thánh – tuần cao điểm trong mầu nhiệm đức tin Kitô giáo. Chính trong thời điểm này, người Kitô hữu được mời gọi chiêm ngắm tình yêu thẳm sâu của Thiên Chúa được diễn tả nơi cuộc thương khó và phục sinh của Con Thiên Chúa làm người. Trong những trang cuối cùng của các Tin Mừng, Đức Giêsu đi vào đêm tối của thế gian – nơi sự dữ tưởng chừng như lên ngôi. Người bị phản bội bằng một cái hôn mà đáng lý ra đó là biểu tượng của tình thương và sự hiệp nhất. Người bị bắt trói như một tên trộm, bị dẫn đi giữa đám đông hỗn loạn, bị điệu đến trước Hội đồng, sang Philatô, Hêrôđê, và trở lại với Philatô để chịu kết án tử hình. Đó là một hành trình trĩu nặng sự bất công và lòng ganh tỵ của con người. Và xuyên suốt hành trình ấy, Người gần như im lặng trước những mưu gian của con người.

Sau khi bị nộp, Đức Giêsu bị điệu ra trước Thượng Hội đồng, các thượng tế và toàn thể Thượng Hội đồng tìm nhiều chứng gian để buộc tội Người (x. Mt 26,63). Khi bị chất vấn với bao tội danh, Đức Giêsu vẫn im lặng trước những cáo buộc sai sự thật đó. Trước mặt Hêrôđê, vua cũng hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả mặc cho các kinh sư đang đứng đó tố cáo Người dữ dội (x. Lc 23,8-12). Với quan tổng trấn Philatô, ông tưởng mình có quyền trên Người. Ông nghĩ sự sống hay cái chết của Đức Giêsu tùy theo phán quyết của ông, tùy thuộc vào cách Người sẽ trình bày cho ông. Thế nhưng, không phải vậy, trước bao câu hỏi của Philatô, “Người không trả lời ông về một điều nào, khiến tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên.” (Mt 27,14). Đức Giêsu không lên tiếng trước những lời vu cáo, không đáp trả những trò nhạo báng, không nổi giận trước những cái tát, ngọn roi, hay cả vòng gai nhọn bị mấy tên lính đội lên đầu. Để rồi, chúng quỳ gối nhạo báng, khạc nhổ: “Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái” (Mc 15,16-20; Ga 19,1-3). Người im lặng không phải vì sợ hãi cũng không phải vì bất lực. Sự im lặng ấy không phải là sự rút lui, nhưng là một chọn lựa. Một chọn lựa đến từ tình yêu. Đức Giêsu có thể biện minh, có thể làm phép lạ để thoát, nhưng Người chọn im lặng để hoàn tất Thánh Ý Chúa Cha trong vâng phục trọn vẹn. Sự im lặng của Người là lời “xin vâng” viên mãn nhất, là sự tự hủy (kenosis) hoàn toàn (x. Pl 2,6-11). Trong sự im lặng ấy, Người để cho chân lý của mình không nằm ở lời nói, nhưng ở chính con người mình, như ngôn sứ Isaia xưa đã tiên báo: “Bị ngược đãi, Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của Người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt”. (Is 53,7-8). Vâng, đúng vậy, một con người hiền lành vô tội lại bị kết án như một tên tử tội, nhưng vẫn không ngừng yêu – yêu đến cùng. Hơn nữa, Người im lặng để Philatô tự chất vấn mình về sự thật (x. Ga 18,38) – điều chỉ có thể được nghe bằng con tim, trong sự thinh lặng thẳm sâu và khiêm tốn của một tâm hồn khao khát kiếm tìm. Người im lặng để con người nhận ra rằng: “Người này đích thực là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39-41; x. Lc 23,47b; Mt 27,54-56).

Đức Giêsu không “tự vệ” bằng lý luận hay lời lẽ của thế gian, mà bằng tình yêu. Sự im lặng của Người còn là tiếng nói của lòng thương xót, không phải để tố cáo, nhưng để tha thứ, không để kết án, nhưng để cứu họ khỏi chính sự mù lòa của họ. Thật vậy, đối với những kẻ đã kết án, nhục mạ, đánh đòn Người, Đức Giêsu không những không thù ghét, không lên án, nhưng trái lại, Người cầu nguyện cho họ. Trong chính giờ phút hấp hối trên thập giá, trong cơn đau đớn tận cùng của thân xác, trong khi kinh nghiệm sự cô đơn vây bủa (x. Mt 27,46), Đức Giêsu vẫn tỏ lòng bao dung của vị Thiên Chúa đầy trắc ẩn, chậm giận và giàu tình thương: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,33-34). Trên cây thập giá, Người đã tỏ lòng thương xót tên trộm biết ăn năn hối cải. Người đã hứa cho anh được vào chung hưởng Nước Trời với mình (x. Mt 27,45-51; Lc 23,43). Trong đau khổ, Người vẫn biểu lộ căn tính sâu xa của mình: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8b).

Có thể nói, sự im lặng của Đức Giêsu cách nào đó cũng là sự kết hợp sâu xa với nỗi đau của nhân loại. Người trở nên “tảng đá thợ xây nhà loại bỏ” để có thể đứng về phía những ai không có tiếng nói, bị bắt bớ, hiểu lầm, chịu bất công trong xã hội. Người đã mang lấy tất cả tội lỗi của nhân loại vào trong thân xác mình. Người đã đón lấy vào mình những trận mưa đòn roi, sỉ nhục của những quân lính dữ dằn. Người nhận lấy sự thay lòng đổi dạ của dân chúng khi mới ngày nào, họ công khai đón rước Người cách long trọng vào đền thánh Giêrusalem (x. Mt 21,1-11; Mc 11,1-10; Ga 12,12-19) nhưng giờ đây lại không ngừng hô to: “Đóng đinh nó vào thập giá” (Lc 23,21). Họ thà chấp nhận cứu sống tên sát nhân Baraba hơn là tha cho Người (x. Mt 27,11-26). Trong tất cả những sự khó Người chịu, Đức Giêsu dường như hoàn toàn im lặng, im lặng trong sự đón nhận vì tình yêu.

Cho đến nay, đã gần 2000 năm kể từ khi Đức Giêsu chịu tử nạn và phục sinh. Trên cây thánh giá, Người vẫn giang tay im lặng, thân trần truồng. Khi nhìn lên thánh giá Đức Kitô, tôi tự hỏi đâu là điều Người muốn mời gọi tôi? Giữa những ồn ào của cuộc sống, giữa những hiểu lầm hay những trái ý, khó khăn và trong mỗi biến cố của cuộc sống, tôi tự hỏi: Tôi đã thật sự lặng đủ để nhìn lại chính mình, để phản tỉnh, để tìm ra thánh ý Chúa, để biết tôi là ai và Chúa là ai hay tôi vẫn còn mãi mê biện minh, tìm phần lợi thế gian cho chính mình mà quên đi khía cạnh siêu nhiên, của lời mời gọi thánh thiêng, của sự khổ chế, từ bỏ? Đức Giêsu – Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, Người đã chọn sự im lặng, không giải thích trước những sỉ nhục của thế gian vì Người biết được giá trị của những việc mình đang làm, hiểu được đâu là ý muốn của Cha. Sự im lặng của Người là sự im lặng thánh và mang giá trị cứu độ cho nhân loại. Quả thật, Đức Giêsu không bị “bắt buộc” chịu khổ nạn, Người tự nguyện bước vào hành trình này với con tim bừng cháy tình yêu và những ước mong ngọn lửa đó được bừng lên. Sự im lặng ở đây là dấu chỉ Người hoàn toàn tự do, không phản kháng, không rơi vào sợ hãi, nhưng chủ động yêu thương đến cùng. Trên thập giá, Đức Giêsu vẫn luôn quan tâm đến tha nhân. Người quên những sự cực Người đang chịu để nghĩ tới những người phụ nữ thành Giêrusalem, tới Mẹ Maria và người môn đê yêu dấu của mình, tới tên trộm lành, tới viên đại đội trưởng… Noi gương Người, tôi cũng được mời gọi nhìn lên Đấng đang im lặng hiến mình vì yêu để biết hướng cái nhìn của mình đến tha nhân hơn thay vì chỉ quy kỉ. Đó là sứ mạng của người môn đệ, là đi theo sát con đường Thầy đã đi qua, là can đảm sống lối sống “giết mình để cứu người”.

Lạy Chúa Giêsu, giữa những ồn ào của thế giới hôm nay, xin cho con học lấy sự im lặng của Chúa. Một sự im lặng đón nhận những thua thiệt trước mặt người đời nhưng đong đầy sức mạnh và ân sủng Chúa, một sự im lặng không để trốn tránh, nhưng để yêu thương. Ước gì nhờ im lặng cách tích cực, con có thể nghe được tiếng Chúa rõ ràng hơn để có thể sống trọn vẹn trong mỗi giây phút.

M. Anna Thảo Ly (Khấn tạm), FMI