Thinh lặng, một cõi đợi chờ

Chúng ta được mời gọi, hãy để cho sự thinh lặng là chìa khóa của cánh cửa tâm hồn giúp bạn tìm gặp Chúa, gặp anh chị em và gặp chính mình.


Trong những giây phút phụng vụ Giáo hội đưa con cái bước vào những thời khắc cao điểm của niềm tin và tình yêu. Cũng là dịp để mỗi người dành những khoảng lặng thâm sâu để cảm nghe một sự đợi chờ.

Mỗi giây mỗi phút qua đi, con người đón nhận biết bao âm thanh từ cuộc sống, đó có thể là tiếng khóc, tiếng cười, tiếng chim hót, tiếng gió thổi, tiếng còi xe,...tất cả những âm thanh ấy dù muốn dù không nó vẫn vang lên trong từng nhịp sống của chúng ta. Thế nhưng, chúng ta có thật sự nghe thấy tất cả không? Chính điều đó đôi khi cũng làm cho con người mất đi khoảng lặng cho chính mình. Đôi lúc lại tha thiết đi tìm kiếm sự xáo động ấy mà quên mất có một người đang chờ trong thinh lặng của cõi lòng. Nghe và lắng nghe là điều hoàn toàn khác nhau. Chúng ta có thể nghe rất nhiều nhưng để thực sự lắng nghe thì thật không dễ. Bước vào những ngày cao điểm của mùa Chay, Chúa mời gọi mỗi người đi vào một cuộc biến đổi thực sự giữa mình ta với Chúa trên đỉnh núi của tình yêu. Đi vào trong thâm sâu của sự thinh lặng để lắng nghe từng bước đi, từng hơi thở của Chúa Giê-su trong hành trình thực thi thánh ý Cha, để thực hiện một cuộc biến đổi mạnh mẽ dứt khoát.

Thế nhưng, dường như con người lại cảm thấy sợ hãi trước sự thinh lặng, con người không còn thời gian để lắng nghe những chuyển động xung quanh, không còn chỗ cho những cuộc gặp gỡ, cho những tiếng nói của những đau khổ đang kêu gào. Chính việc không để cho đôi tai được hoạt động đúng chức năng của mình khiến cho con người lạc phương hướng, gây nên biết bao nhiêu sự bất hòa chia rẽ trong gia đình, xã hội và cộng đoàn...

Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra một sự thật rằng: nếu cuộc sống thiếu thinh lặng mọi thứ sẽ rơi vào sự bất ổn, lộn xộn. Nhìn lại lịch sử của Kinh Thánh, hình ảnh của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu. Ngài đã thực sự đi vào trong một tình yêu trao hiến đến tận cùng để thực hiện chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa Cha. Ngài thực sự tự do để chọn lấy việc bước vào trong khu vườn, là nơi chứa đầy kỷ niệm vui buồn của tình thầy trò, nơi của những buổi chuyện trò tâm sự, những lời giáo huấn căn dặn… bước vào khu vườn là bước vào sự cô đơn đến tột cùng của sự phản bội và cô đơn cực cùng của đau đớn, nhưng Ngài vẫn im lặng. Các thần học gia gọi phương thế giữ mình trong im lặng là sự an trú trong tình yêu của Thiên Chúa. Phải chăng trong cầu nguyện Chúa Giêsu đã thực sự đạt đến mức độ ấy. Trong tĩnh lặng, trong những giây phút riêng tư với Cha, Người có đủ sức mạnh để đón nhận ý Cha. Điều đó cho thấy lời nói mất hiệu lực, Người không còn sợ hãi, mọi thứ vượt khỏi biên giới ngôn ngữ, tư tưởng và ý niệm, hoàn toàn để cho Thánh Ý Cha được thực hiện “Abba, Lạy Cha! Mọi sự đều có thể được đối với Cha, xin cất chén này khỏi con. Nhưng xin đừng theo điều con muốn, mà theo điều Cha muốn!” (Mc 14,36). Người hiểu rất rõ những chuyển động những hành vi mà chính những người thân tín dành cho Người. Cũng thế, Người không nói khi đã từng chịu bị nhục nhã, bị nhổ vào mặt, bị quất bằng roi da, bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài chết tại nơi công cộng, trước lời ra tiếng vào của những người xung quanh.

Chiêm ngắm Chúa Giêsu, cũng là lúc để chúng ta nhìn lại chính mình trong sự thinh lặng của của mỗi người. Chúng ta thử đặt cho mình những câu hỏi: tôi có thực sự thinh lặng để cho tiếng Chúa vang lên trong cuộc đời tôi không? Tôi đã lắng nghe tiếng Chúa với thái độ như thế nào? Sẽ thật khó để trả lời cho điều này bởi đôi khi chính sự ồn ào của cuộc sống làm cho chúng ta mất dần cảm thức về sự cần thiết của sự thinh lặng. Có thể hiểu đơn giản nếu một người nào đó trong cộng đoàn bỗng một ngày không nói không rằng, đó sẽ là câu hỏi đặt ra cho nhiều người “chuyện gì xảy ra”, “chị ấy, anh ấy sao vậy?”. Mà chúng ta quên mất rằng họ cũng cần những khoảng lặng riêng của lòng mình. Mỗi người chúng ta cần để cho lòng mình thực sự tìm được những khoảng lặng đích thực để lắng nghe. Thiên Chúa chờ đợi mỗi người đáp lại tiếng của Người và tiếng của anh chị em xung quanh.

Là những người đang sống đời hiến dâng, chúng ta càng được mời gọi tìm về cõi thinh lặng của lòng mình để lắng nghe những tiếng thì thầm đang vang lên trong cuộc sống chúng ta, lắng nghe những tiếng gọi sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa đang tha thiết chờ chúng ta đáp lời “fiat”. Chúng ta được mời gọi, hãy để cho sự thinh lặng là chìa khóa của cánh cửa tâm hồn giúp bạn tìm gặp Chúa, gặp anh chị em và gặp chính mình.

M. Anna Minh Chi (Khấn tạm), FMI