Chạm ánh nhìn của Đức Giêsu

Đức Kitô là ai đối với chúng ta và Ngài có vị trí như thế nào trong tâm hồn mỗi người.


Trong suốt hành trình thương khó của Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra nhiều ánh nhìn khác nhau đã tạo nên một bức tranh đa chiều về con người và xã hội lúc bấy giờ, đồng thời phản ánh cận cảnh con người nội tâm chúng ta trong tương quan cá vị với Thiên Chúa và với anh chị em đồng loại. Có bao giờ chúng ta kinh nghiệm được Thiên Chúa “chạm” đến tâm hồn mình, để rồi từ đó, chúng ta can đảm thay đổi con người cũ mặc lấy con người mới trong Đức Kitô, trở nên chứng nhân sống động về lòng thương xót cho những người xung quanh.

Đầu tiên, với các kinh sư và người Pharisêu, Đức Giêsu là kẻ thù không đội trời chung, Ngài luôn lên án đối đầu với các kinh sư và người Pharisêu bởi những việc họ làm không công chính, Chúa vi phạm luật đền thờ và thường xuyên chữa bệnh trong ngày sa bát, nói phạm thượng “tự xưng mình là Con Thiên Chúa”, lôi kéo, xách động dân chúng. Chúa Giêsu đã cho họ rất nhiều cơ hội để nhận biết và đón nhận ơn cứu độ nhưng chính họ lại tự lập lương tâm, tự phòng vệ bằng những thứ lề luật cứng nhắc không có tình người. Lòng ganh tỵ và sợ hãi mất đi vị trí, uy tín và thế giá đã trở nên bức tường ngăn cản họ chạm đến ánh mắt đầy tình yêu và sự thương xót của Đức Kitô.

Thứ hai, Tông đồ Giuđa. Dẫu biết rằng Giuđa sẽ nộp Người nhưng Người vẫn dành tất cả tình yêu cho ông, Chúa Giêsu không buông những lời chỉ trích cay đắng, còn cúi mình xuống rửa chân cho Giuđa, trao cho ông cơ hội để sám hối mà trở về với tình yêu.

Lý tưởng theo Chúa của Giuđa đang dần thay đổi, có lẽ mẫu hình người Thầy của ông khác với điều mà Chúa Giêsu đang thực hiện. Những xung đột không được giải quyết và bị “dồn nén”, ông đã quyết định tìm cách tháo lui nhưng ông lại chọn rút lui của một kẻ tiểu nhân: dùng cái hôn mà nộp Thầy của mình với cái giá ba mươi đồng bạc.

Nỗi sợ hãi và cảm giác tỗi lỗi trong ông đã lấn át tất cả, điều mà ông nghĩ đến đầu tiên đó là chạy trốn, cho dù ông nhận thấy Chúa vẫn nhìn theo ông; sau đó, Giuđa hối hận và đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế - kỳ mục mà nói: “Tôi đã phạm tội nộp Người vô tội, khiến Người phải chết oan". Phải chăng trên hành trình trở về của người môn đệ Giuđa còn thiếu sự can đảm “chấp nhận mình đã sai” và “sửa sai”, ông không cảm nhận được tình thương và sự tha thứ của Chúa dành cho ông, Chúa vẫn ở đó và đợi ông chỉ cần ông quay đầu lại sẽ được ơn cứu độ.

Vậy, “mẫu hình Giêsu” có bị biến chất trong chúng ta theo từng biến cố, khi nhận thấy những dấu hiệu “lệnh pha”, chúng ta có đủ can đảm lội ngược dòng “nhận sai và sửa sai” để trở về trong tư cách là người môn đệ của Chúa hay chúng ta cũng đang tìm cách tháo lui và tìm cho mình một mô mẫu lý tưởng khác: tiền tài, danh vọng, địa vị…

Thứ ba, Tông Đồ Phêrô. Đâu rồi ánh mắt đầy nhiệt thành “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy, Con sẽ thí mạng con vì Thầy”, đứng trước lời cáo buộc của người tớ gái Phêrô đã chối Chúa ba lần. Phêrô đã khóc vì: tội lỗi, sự hèn nhát, ông đã chối bỏ tình yêu và tương quan của mình với Thầy… Ông cảm nhận được ánh mắt tha thứ mà Chúa dành cho ông. Ông can đảm thừa nhận yếu đuối của mình “Lạy Mẹ con không xứng đáng, con đã chối Thầy ba lần”. Kể từ giây phút đó, tình yêu của Phêrô dành cho Chúa không còn ở trên môi miệng nhưng được chứng minh bằng chính mạng sống của mình.

Đứng trước những lỗi lầm của bản thân, chúng ta có can đảm thú nhận tội lỗi của mình hay ta còn tìm đủ mọi cách để biện minh, bào chữa cho mình, tìm người gánh tội thay. Những giọt nước mắt của Phêrô được ví như khoảng thời chúng ta ăn năn tội để được hưởng ơn tha tội của Chúa qua bí tích Hòa giải. Chúng ta còn sự nhạy bén trước tội lỗi không? có khóc được khi chúng ta đánh mất tương quan với Chúa hay tâm hồn chúng ta đang chai lỳ trước tội, ngại phải thay đổi, ngại phải chiến đấu.

Thứ tư, Tông Đồ Gioan. “Người môn đệ Chúa yêu mến” vẫn luôn âm thầm dõi theo từng dấu chân của Thầy trên hành trình thương khó. Yêu lắm nhưng bất lực trước thực tại, Gioan chia sẻ nỗi đau với Thầy từ tận cõi lòng của mình, không ồn ào, không một phản ứng quá khích nhưng là sự chiêm ngắm thâm sâu từ ánh mắt và sự quyết chí theo Thầy đến cùng lên tận đồi Gôngôtha. Giây phút trước khi trối phú linh hồn cho Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ cho Tông Đồ Gioan “Đây là Mẹ anh”. Gioan là hình ảnh của Giáo hội được Chúa Giêsu đón nhận và yêu thương.

Bất lực trước nỗi đau của những người mình yêu thương đó là một kinh nghiệm không mấy dễ chịu. Những lúc như vậy, liệu chúng ta có đủ sự thinh lặng, đồng cảm để cùng chia sẻ với người thân hay bản thân chúng ta lại dễ dàng đưa ra các lời khuyên cách sáo rỗng, kể lễ về kinh nghiệm của mình, những chiến lược, đối sách, hay vẽ ra một viễn tưởng ảo cho tương lai.

Thứ năm, Đức Maria. Mẹ đón nhận Con Thiên Chúa vào cuộc đời của mình dưới con mắt của đức tin. Mẹ hằng suy đi nghĩ lại về những biến cố xảy đến trong cuộc sống của Mẹ. Mẹ chiêm ngắm từng biến chuyển của Giêsu, con của Mẹ trong thái độ của người nữ tỳ khiêm tốn. Nhìn thấy con yêu dấu ngã quỵ trên đường khổ giá, Đức Maria đã chạy đến ôm lấy con với tất cả tình yêu của một người mẹ “Mẹ đây con ơi!”, hành động này đã tiếp thêm động lực cho Chúa. Giả như Đức Maria kêu gào, khóc lóc hay buông những lời độc đại đối với những người đã hành hạ con của Mẹ như bao người phụ nữ khác, thì có lẽ tâm hồn của Chúa sẽ nặng trĩu hơn. Chúa Giêsu đã đứng dậy cách hiên ngang vác lấy cây thập giá mà tiếp tục cuộc hành trình “Mẹ sẽ thấy Con sẽ đổi mới mọi sự”. Chúa đăm đăm nhìn Mẹ lần cuối từ trên Thánh giá. Nơi đây, Đức Maria chứng kiến hôn lễ giữa Thiên Chúa và nhân loại. Đức Maria chính là hình ảnh của Giáo hội trong vai trò là Mẹ “Thưa Bà, đây là con của Bà”, Giáo hội sinh ra cho các tín hữu đau khổ.

Trước những biến cố của cuộc đời, chúng ta có đón rước và mời Mẹ bước vào ngôi nhà tâm hồn của mình, để cùng với Mẹ ta đón nhận các thao luyện của Chúa dưới cái nhìn đức tin của một người nữ tỳ khiêm tốn và trung kiên.

Cuối cùng, đám đông dân chúng. Mới ngày nào, đám đông theo chân Chúa đến quên ăn quên ngủ để được nghe Lời Chúa giảng, xem các phép lạ Chúa làm. Họ lấy lá, áo để lót đường cho Chúa đi, tung hô Chúa như một vị vua đang tiến vào thành thánh giữa tiếng hò reo “Hoan hô Thái tử nhà Đavid”. Thế mà nay, họ tỏ ra như không quen biết, kẻ thì sỉ nhục, người thì khạc nhổ, đánh đập Người đến nổi không còn hình tượng con người. Họ đồng thanh xin tha cho Baraba dù biết rất rõ đó là một tên sát nhân đáng bị trừng phạt, đồng thời xin đóng đinh Chúa vào thập giá khi Người chẳng làm gì nên tội. Trái lại, Đức Giêsu đáp lại với sự thất trung thất tín, bội nghĩa vong ân của con người bằng một tình yêu tự hủy, tình yêu nhưng không đến nổi Ngài xin Chúa Cha tha tội cho mỗi người chúng ta “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

Đức Kitô là ai đối với chúng ta và Ngài có vị trí như thế nào trong tâm hồn mỗi người. Chúng ta có sẵn sàng để sống cho Ngài, bảo vệ những giáo huấn Ngài đã dạy, làm chứng cho những gì chúng ta đã thấy đã tin hay chúng ta cũng giống như đám đông dân chúng ở trong cuộc thương khó của Chúa gió chiều nào thì nghiêng theo chiều đó, chịu sự thao túng của thế lực xấu không dám đứng lên bảo vệ công lý và sự thật vì chúng ta sợ mất đi địa vị, danh vọng mà mình đang có. Ngày nay, chúng ta không con mang lấy trên mình thánh giá gỗ nhám nhuốc, sần sùi dính đầy máu như Chúa xưa kia, thay vào đó là thánh giá của sự hy sinh khổ chế trong đời sống hằng ngày. Chúa vẫn đang hỏi mỗi người “con còn yêu Ta không? con có cảm nhận được tình yêu Ta dành cho con không? con có muốn vì Ta mà đón nhận, phục vụ và yêu thương những người ở bên cạnh con không?”

Những giây phút thánh thiêng của Tuần Thánh là cơ hội trở về cho mỗi người trong tương tư cách làm con của Chúa. Chúng ta hãy dành mình một khoảng thời gian để nhìn lại tương quan của mình với Chúa, cùng đi với Ngài trên chặng đường thương khó, khám phá ra đâu là gương mặt, vai diễn của mỗi người trong hành trình ấy. Để rồi từ đó, chúng ta cùng chôn lấp những tính hư nết xấu trong mồ Chúa. Lạy Chúa xin cho chúng con được sống sự “thinh lặng – cô tịch” tận căn để chiêm ngắm và chia sẻ với Chúa trên hành trình khổ giá mà Chúa đã đi, kinh nghiệm được sự đụng chạm của Chúa trong tâm hồn mỗi người hầu đem lại ơn cứu độ cho chính mình và cho người khác.

Maria Diễm Thuý (Khấn tạm), FMI