Những ngày được làm Bác sĩ (1)

Những tâm tình được lưu ghi trong tháng làm tình nguyện viên phục vụ các bệnh nhân covid.


Đi ra…

Giữa cơn đại nạn của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, với lời mời của vị Cha chung Tổng Giáo phận: Đây là thời điểm Chúa đang tập cho chúng ta thoát ra khỏi mình để nghĩ tới tha nhân. Chúng ta đừng trốn trách nhiệm khi hỏi “Ai là anh em của tôi?”; trái lại, hãy “tỏ ra mình là người thân cận” với người đau khổ (x. Lc 10,25-37)… Vào buổi xế chiều của cuộc đời, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”(Thư Mục Vụ ngày 27.7.2021), tôi được thôi thúc lên đường dấn thân phục vụ cho các bệnh nhân nhiễm covid-19.

Đứng trước những yếu đuối của phận người, bản thân tôi không tránh khỏi được những xung động và sợ hãi khi thấy biết bao nhiêu con người đã ngã gục về thể xác cũng như tâm hồn. Tôi không biết phía trước tôi là con đường như thế nào, bây giờ tôi đi nhưng ngày tôi trở về sẽ ra sao! Không ai biết trước được điều gì, ngoài Chúa. Tôi gọi điện về cho gia đình để báo tin và mong tiếp thêm lửa tình yêu từ gia đình. Ba tôi tỏ ý lo lắng nhiều, còn mẹ tôi thì lấy làm vinh dự, đó như một động lực vô cùng lớn lao đối với tôi.

Chuyến xe Phương Trang đưa đoàn thiện nguyện chúng tôi tới Khoa Hồi sức Covid – cơ sở 2 của Bệnh viện Ung Bướu – Sài Gòn.

Trong tôi lúc này vẫn cảm giác e ngại, không tự tin lắm khi nhận nhiệm vụ “chăm sóc trực tiếp” cho các bệnh nhân nhiễm covid. Khi được dẫn vào phòng đệm mặc đồ bảo hộ, việc đầu tiên tôi làm là làm dấu và đọc kinh, xin ơn Chúa thánh hóa phận người yếu đuối của tôi, mong sao bộ trang phục tôi sẽ mang trên mình vừa để bảo vệ thân xác, nhưng đồng thời cũng là dấu chỉ cho mọi người thấy Chúa đang dùng tôi như khí cụ tông đồ của Chúa để phục vụ những chi thể khổ đau của Chúa Kitô trong cơn gian nan khốn khó này. Cũng chính lúc ấy, tôi cảm nhận được một tiếng nói bên trong Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con” (2Cr 12,9). Tâm hồn bình an, tôi bắt tay vào công việc.

Căn lầu 5A của bệnh viện không nhỏ tí nào, các bệnh nhân dường như không còn khả năng tự phục vụ cho chính mình. Họ mệt lắm, nằm một nơi và thở bằng oxy. Chúng tôi phải đến từng bệnh nhân để giúp họ. Trong dãy nhà này có đủ mọi tuổi và mọi giới. Công việc tôi đảm nhận nơi đây là cho bệnh nhân ăn uống, dọn rác, thay tả và những công việc không tên tuổi… Những giây phút ban đầu làm tôi e ngại. Tôi cần ơn Chúa thêm sức để có thể can đảm ra khỏi chính mình mà thực thi ý Chúa cách trọn vẹn nhất. Và Luật dòng cũng nhắc nhớ cho tôi rằng “Khi làm việc tông đồ, chị em cần ý thức mình là người đã được thánh hiến cho Thiên Chúa. Do đó, chị em phục vụ với sự dịu dàng, khiêm tốn và nhẫn nại trong tình yêu” (HL 38).

Thời gian trôi, dần dần tôi cũng quen với công việc. Điều tôi quan tâm nhất trong lúc này không phải là sợ dơ bẩn, sợ lây nhiễm, nhưng là sự tận tâm trong công việc, năng động hơn, dấn thân hơn, để giúp đỡ những người đang khổ đau. Nhiều khi, tôi cũng muốn như các Tông đồ khi xưa, phủi tay trốn trách nhiệm: “Xin Thầy cho giải tán dân chúng đi”. Nhưng Thầy quặn đau, nên Thầy không giải tán, mà lại ra lệnh: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi” (Mc 6,37). 

Chính nơi đây, tôi có cơ hội thực thi vai trò người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, dấn thân cách năng động và tích cực theo gương của Đấng Sáng Lập Dòng “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14), sẵn sàng phục vụ tha nhân với tinh thần khiêm tốn và chân thành, hoàn toàn tín thác vào tình yêu quan phòng của Chúa (HL 68,4). Tôi ý thức rằng đây là một chuyến đi vô cùng mạo hiểm trong cuộc đời tôi nhưng cũng vô cùng hữu ích, nhờ đó tôi càng xác tín “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,15).

Khi “bác sĩ” vào việc

Tôi học chuyên nghành Sư Phạm Mầm Non. Biết mình không thể trực tiếp trên các bệnh nhân như các bác sĩ và nhân viên y tế, nhưng tôi vẫn được khoác trên mình bộ đồ của ngành y. Bù lại, Chúa đã huấn luyện và ban cho tôi một chút chuyên môn khác, là lấy lời lành mà khuyên người, an ủi kẻ âu lo và chữa lành tâm hồn tha nhân bằng chính sức mạnh của Đấng Phục Sinh. Mong sao tất cả cho hiển vinh Danh Ngài.

Mỗi lần giúp lau người cho bệnh nhân, thấy hai hàng nước mắt của họ chảy dài trên gò má, tôi không sao cầm được lòng mình. Khi chứng kiến họ vật vã với nỗi đau, tôi ước mình có thể gánh bớt đi cho họ phần nào, tôi muốn cùng đau với họ, cùng khóc với họ, cùng chia sẻ nỗi niềm với họ trong lúc này và cùng họ tìm lại nụ cười và sự bình an của ngày xưa.

Ý thức được điều này nên bên cạnh việc chăm sóc thể xác tôi luôn dành cho họ những lời kinh, tiếng hát để cầu nguyện cho họ. Tôi cố gắng hết mình để đem lại cho họ những lời an ủi, động viên khích lệ tinh thần trong hoàn cảnh nghiệt ngã này. Mỗi ngày tôi đều đến với họ, chăm sóc và lắng nghe những chia sẻ của họ. Tôi cũng nói với họ về tôi, một tu sĩ, được Chúa sai đến nơi đây để chăm sóc họ thay cho Người… 

   

Một lần nọ, khi tôi đang phục vụ thì có một bệnh nhân trong giai đoạn hấp hối, qua nhiều lần thăm trước tôi biết bà là người công giáo, bà không có ai ngoài chiếc điện thoại và tôi. Trong giây phút lâm chung, tôi thấy rằng bà được ra đi trong lời kinh nguyện. Chiếc điện thoại reo lên liên tục bởi các cuộc gọi. Tôi vừa đọc kinh vừa cầm chiếc điện thoại lên nghe để cho con cháu bà được hiệp thông trong giây phút cuối cùng này. Khi bà vừa tắt thở, tôi nghe tiếng khóc la vang lên trong điện thoại vì nỗi đau mất đi người thân. Tâm hồn tôi như thắt lại, tôi chỉ biết dùng lời lẽ trấn an tinh thần cho thân nhân qua điện thoại, nguyện xin cho họ được Chúa ủi an. Bên cạnh đó cũng có biết bao nhiêu trường hợp khác ra đi không người thân bên cạnh, tôi thấy mà lòng đau đớn vô cùng, xót xa vô hạn...  Một bệnh nhân trong khi được chăm sóc chia sẻ với tôi rằng: “Sơ ơi! Khi khỏe mạnh, Chúa cho không khí để thở ta không biết quý trọng. Giờ vào đây không thở được mới thấy điều Chúa ban cho thường ngày là vô cùng quý giá, mà mình quên tạ ơn”.           

Tôi tin biết rằng nhân loại đang được thanh luyện ngang qua trận đại dịch này...

(Còn nữa)

Nt. Maria Trinh Nhan, FMI