Người Tu sĩ - Sống cộng đoàn và sứ vụ

Con đường dâng hiến của người người tu sĩ là một con đường ngày nay chẳng mấy ai đi, không phải là vì Chúa không chọn gọi.


Giữa những bộn bề của cuộc sống, người tu sĩ từ sáng sớm tinh sương tới lúc chiều tà luôn phải “ăn cơm Chúa, múa tối ngày” nơi môi trường phục vụ mà có lẽ ít ai biết đến. Lắm khi, trong sự gian nan vất vả của một ngày sống tôi dừng lại hỏi: “Lạy Chúa, Tu sĩ – người ấy là ai? Họ chu toàn các giờ kinh nguyện như thế nào được gọi là đủ? Họ sống với chị em và tha nhân tới mức nào thì được gọi là hết tình? và làm việc của Chúa như thế nào thì được gọi là chọn Chúa hơn chọn công việc của Chúa? 

Thật là khó có câu trả lời chính xác cho tôi lúc này, khi mà thánh Phaolô khẳng định “các bộ phận tuy nhiều nhưng vẫn là một thân thể duy nhất” (1Cr 12, 12). Cho nên các lĩnh vực phục vụ tuy nhiều, nhưng nhằm một mục đích duy nhất là “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Lc 11, 2). Phương chi Hội dòng chọn câu Lời Chúa này làm kim chỉ nam xuyên suốt trong chương 4 về đời sống cộng đoàn của Hiến Luật của Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Câu nói đơn sơ, ngắn gọn của thánh nhân có lẽ chúng ta nói “tắt chỉ một lời – nhưng sống cả một đời”. Bởi tôi chân nhận rằng đời sống Kinh nguyện, đời sống Cộng đoàn và công việc phục vụ là những yếu tố không thể tách rời nhau trong đời dâng hiến, chúng bổ túc và cân bằng cuộc sống và người tu sĩ mỗi ngày nên một với Chúa hơn.

Trong tông huấn Vita consacrata, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trình bày đời sống dâng hiến phát xuất từ nguồn mạch Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Chúa Cha kêu gọi những người nam và nữ bước theo dấu chân của Chúa Kitô, là con đường dẫn đến Chúa Cha. Họ được Chúa Thánh Thần thánh hiến, ban ân sủng để được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và nhận lấy sứ mạng của Người làm của mình. Khi đọc những tâm tư nhắn gửi của thánh nhân, tôi thấy người tu sĩ được Thiên Chúa và Giáo hội dành riêng cho một đặc ân vô cùng cao quý. Có thể ví như được họ nhà vua trao cho một lệnh bài, mà dù bất cứ nơi đâu họ cũng có thế giá nhờ sắc chỉ của vua. Vậy mà, khi họ lăn lộn vào giữa đời sống thường nhật, dẫu là nơi thành thị hay thôn quê thì họ trở nên một tôi tớ của mọi người. Họ phục vụ tha nhân một cách nhưng không, dường như quên đi rằng Chúa cho mình là một người nữ (nam). Họ cũng cần có một chút gì đó để chăm sóc cho bản thân không phải vì tìm chút dính bén của người đời, nhưng là để mọi người nhận thấy giá trị của đời sống dâng hiến nơi người sống đời thánh hiến. Họ dám bất chấp tuổi thanh xuân tươi đẹp, dám lao mình vào những gian truân, giám sống âm thầm để phục vụ tha nhân như một nữ tỳ trung tín của Chúa.

 Hơn thế nữa, trong Tông huấn Vita Consecrata do Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II ban hành ngày 25-3-1996 viết rằng: “Đời thánh hiến loan báo những gì Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Thánh Thần đã thực hiện do tình yêu, do lòng nhân lành, do vẻ đẹp của Người. Quả thế, bậc sống tu trì đặc biệt cho thấy Nước Thiên Chúa vượt lên trên mọi sự trần thế và những đòi hỏi cao cả biết bao; nó cũng cho mọi người thấy quyền lực cao trọng tuyệt vời của Đức Ki-tô và quyền năng vô cùng của Chúa Thánh Thần đang hoạt động cách kỳ diệu trong Giáo Hội (35).  Qua những lời nhắn gửi của thánh nhân, tôi cũng muốn gửi lại nơi đây một nỗi niềm canh cánh là chia sẻ những tâm tư nhỏ nhỏ từ góc nhìn của tôi về cuộc sống người tu sĩ rằng:

  • Đời sống Cộng đoàn

 Trong bối cảnh xã hội phát triển, cuộc sống con người được mở ra với nhiều hy vọng, nhiều hứa hẹn, nhưng cũng nhiều thách đố và không ít rủi ro. Thời đại 4.0 hôm nay, tinh thần thế tục len lỏi tràn lan vào trong thế giới ẩn dật của người tu sĩ. Những cám dỗ về vật chất, những đỗ vỡ trong đời sống cộng đoàn khiến cho biết bao nhiêu người tu sĩ phải rời bỏ ơn gọi của mình chỉ trong chốc lát.  Thế nhưng, giữa những khó khăn đó người tu sĩ được mời gọi sống trọn vẹn và viên mãn trong đời sống chung bằng việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục một cách triệt để, bởi đây một yếu tố cần thiết của người sống đời dâng hiến. Mỗi người trong chúng ta được mời gọi dâng hiến và sống dấn thân ngay trong môi trường cộng đoàn nơi chúng ta hiện diện và lấy Đức Kitô là trung tâm của đời sống cộng đoàn. Dù rằng, cộng đoàn được quy tụ bởi các thành viên từ khắp mọi miền đất nước, khác biệt về văn hóa, quan điểm sống và tính cách… nhưng cốt lõi là mọi thành viên quy tụ lại với nhau vì chung một lý tưởng hướng đến Đức Kitô và làm chứng nhân cho Ngài trong thế giới tục hóa ngày nay. 

Khi nói đến đời sống chung thì chắc chắn phải có nhiều người sống với nhau, nhưng lại khác nhau về hoàn cảnh, văn hóa, vùng miền, suy nghĩ, lối sống, quan điểm và cả tuổi tác... Những khác biệt này ít nhiều cũng gây xung khắc hay va chạm trong đời sống thường ngày, không phải ai cũng hợp tính, không phải ai cũng có cùng sở thích, cùng quan điểm với mình. Nhưng vì Thiên Chúa quy tụ nên chúng ta phải đón nhận nhau, từ bỏ ý riêng để lấy ý chung Cộng đoàn làm trên hết. Chính điều này, nên trong đời sống cộng đoàn tôi luôn tìm mọi cách để tránh đi những xung khắc, tránh gây đau khổ hoặc làm tổn thương người chị em bên cạnh mình. Nên tôi luôn đưa ra cho mình một quyết tâm là phải sống tử tế với ơn gọi của chị em mình. Tôi sợ, và rất sợ một ngày nào đó ra trước mặt Chúa, Ngài hỏi tôi “Aben em ngươi đâu rồi?” (St 4,9).

Có lẽ ai trong chúng ta cũng chân nhận rằng khi bước vào đời sống thánh hiến, người tu sĩ mang vào dòng tu toàn bộ con người yếu đuối của mình. Chứ không phải một con người thánh thiện, và khi họ phải khoác lên mình chiếc áo dòng thì sẽ thánh thiện hơn. Nhưng con người ấy vẫn yếu đuối và giới hạn vẫn luôn tồn tại. Nhưng tôi xác tín rằng, dù ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ thời đại hay hoàn cảnh nào, cứ khi con người sống chung với nhau là có những vấn đề nảy sinh giữa họ. Có những va chạm, xung khắc… nhưng cũng không thiếu niềm vui xen lẫn niềm hạnh phúc vì có tình huynh đệ nâng đỡ nhau.

  • Đời sống Sứ Vụ

Khi một người tu sĩ được sai đi nhận sứ vụ có nghĩa là họ sẽ đến một môi trường văn hóa mới, tháp nhập và đồng chia sẻ với những con người đang hiện diện trong môi trường đó. Vậy làm sao để sống trong thế gian, để hòa nhập chứ không hòa tan nơi môi trường sứ vụ. 

Đức Phanxicô nhiều lần lặp đi lặp lại “ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”.  Câu nói của vị cha chung như là một lời mời gọi, nhưng đồng thời là một thách thức cho người tu sĩ trong thế giới hôm nay. Chính vì vậy, người tu sĩ trong khi phục vụ phải khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa trước một thế giới đầy biến động, sự hy vọng lắm khi tan vỡ mỗi ngày. Chúng ta cần phải trở nên dấu chỉ và biểu hiện của niềm hy vọng cho người tín hữu, đừng để mình đánh mất đi niềm hy vọng vào Đức Giê-su Ki-tô. Giữa những lôi cuốn của công việc phục vụ, bản thân tôi nhiều khi thấy mình dễ chạy theo công việc được giao, mà lơ là trong căn tính tu sĩ của mình, dễ chọn việc của Chúa hơn là chọn chính Chúa.

Có một kinh nghiệm hay đúng hơn là một va vấp tôi muốn dùng những trang giấy này để chia sẻ cho những ai sẽ đọc những dòng chữ mà tôi viết lên đây đó là: giữa những chuyển động thường ngày của đời sống cầu nguyện, đời sống sứ vụ nơi môi sứ vụ tại Giáo xứ. Tôi luôn hứa với Chúa là con sẽ cố gắng hết mình trong khả năng Chúa ban. Cũng có thể đối với bản thân thì những gì tôi đã làm thì rất tận tuỵ hết lòng, nhưng đối với người khác thì chưa. Cho đến một ngày Chúa gửi đến cho tôi một biến cố ngoài sức tưởng tượng của tôi, lòng tôi thất vọng rất nhiều vì trong công việc phục vụ nơi môi trường giáo xứ. Khi xét lại thì trước mặt Chúa, tôi không hổ thẹn về nhiệt huyết, sự tận tình… mình đã đổ ra cho việc của Chúa. Nhưng sâu xa hơn nữa, suy đi nghĩ lại tôi mới thấy được Chúa luôn có một lối đi riêng của Ngài trên cuộc đời tôi. Qua biến cố ngày đó Chúa cho tôi biết bao nhiêu kinh nghiệm, điều tôi cảm nhận rõ nhất đó là Ngài thấy khả năng và sức lực của tôi chỉ ngang đó. Chúa gửi biến cố đến để qua đó, Ngài cứu lấy ơn gọi của tôi khi chưa quá muộn. Tôi cũng đau, cũng buồn … nhưng trong nổi đau Chúa hỏi tôi “con đang chọn việc của Chúa hay là chọn chính Chúa?”. Quả thực là đúng như vậy, suốt quãng đường đã qua trong ơn gọi, Chúa cho tôi một ơn đó là khi nào có biến cố xảy đến chính là lúc Ngài báo hiệu cho tôi biết “con đang xa Ngài, xa dần … tương quan, thời gian, đời sống nội tâm của con với Chúa đang có đèn đỏ bật lên báo hiệu một điều gì đó không ổn giữa Ngài và tôi.

Con đường dâng hiến của người người tu sĩ là một con đường ngày nay chẳng mấy ai đi, không phải là vì Chúa không chọn gọi. Nhưng tôi nhận thấy do nhiều yếu tố khác tác động trên những người trẻ hôm nay, họ thích được sống một cuộc sống tự do, phóng khoáng. Bên cạnh đó, trước những phát triển không ngừng của thời đại, thích hưởng thụ hơn là hy sinh khổ chế. Điều này không ít nhiều làm lung lay biết bao nhiêu tâm hồn người thánh hiến, khiến họ dễ dàng rời bỏ ơn gọi. Bên cạnh đó, họ gặp không ít khó khăn từ đời sống cộng đoàn, đời sống sứ vụ…qua những cảm nghiệm đó, người tu sĩ cần biết bao những lời cầu nguyện, động viên khích lệ từ gia đình và những tâm hồn thánh thiện trong Giáo hội. Nhằm giúp cho chúng tôi, những người được Thiên Chúa Hiến Thánh và yêu thương theo Ngài trọn con đường này. Và, trên trang Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có một bài viết “Giáo Hội cảm phục và biết ơn những người sống thánh hiến vì sự hiện diện và dấn thân trong mọi lãnh vực cuộc sống của Giáo hội và xã hội, các người thánh hiến xứng đáng với lòng biết ơn của cộng đồng Giáo hội. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II diễn tả lòng biết ơn đó khi cầu nguyện với Thiên Chúa như sau: “Chúng con tạ ơn Cha vì món quà đời sống thánh hiến. Họ hằng tìm kiếm Cha trong đức tin và mời gọi mọi người đến gần Cha, nhờ sứ mạng của họ trên khắp hoàn vũ.” Chúng ta hãy tạ ơn Chúa, cám ơn mẹ Giáo hội dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn bên cạnh, sát cánh với những người sống đời thánh hiến.

Qua cuộc sống thường nhật, ai trong chúng ta cũng phải chân nhận rằng con người chúng ta không thể sống nếu không hít thở. Đối vời người tu sĩ thì tâm hồn cũng sẽ héo khô nếu không cầu nguyện, đời sống hiến thân là một đời sống tạ ơn và cầu nguyện. Bởi cầu nguyện làm nên căn tính người tu sĩ; cầu nguyện định hình người tu sĩ. Để hiến thân và phục vụ vì danh Chúa, cần có tâm hồn sống đời cầu nguyện, nên người tu sĩ cần nhớ “Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ. Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ, để cuối đời, con được cất nhắc lên. Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục. Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người. Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy trông đợi lòng lân tuất của Người, đừng lìa xa Người kẻo ngã” (Hc 2:1-7).

Nt. M. Anna Nguyễn Hải, FMI