Cám dỗ trên Thập giá

“Hãy tự cứu mình đi, hãy xuống khỏi thập tự giá”.


Cám dỗ là một tình huống trong đó một người chịu thử thách để đưa ra chọn lựa trung thành hay bất trung với Thiên Chúa. Đã làm người thì ai cũng bị cám dỗ về mặt này hay mặt khác: thân phận con người là thân phận bị cám dỗ. Đức Giê-su ở địa vị Thiên Chúa nhưng Ngài không cố giữ lấy địa vị ấy mà huỷ mình ra không, trở nên giống chúng ta (Pl 2,7; Hr 3,17). Chính vì thế, Thiên Chúa đã muốn Con Ngài bị cám dỗ - “một trong những sự chúc dữ chung của con cái Ađam”[1] để chia sẻ số phận của chúng ta và dẫn dắt chúng ta đến chỗ chiến thắng cám dỗ.

Trước khi thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ. Cơn cám dỗ đánh vào nhu cầu thiết yếu của con người là cơm bánh, cơn cám dỗ cũng đụng chạm đến khát vọng sâu xa nơi con người là vinh hoa và quyền lực. Còn trước khi kết thúc sứ vụ trần thế trên thập giá, Chúa Giêsu lại trải qua ba cơn cám dỗ.

Cám dỗ đầu tiên đến từ những những người trên đỉnh đồi Canvê. Trước hết, họ là những người qua kẻ lại, những người đã nghe Chúa Giêsu giảng dạy và những người đã chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Bây giờ họ đang nói với Ngài: “Hãy tự cứu mình đi, hãy xuống khỏi thập tự giá”. Họ sống theo trào lưu, số đông mà không có lòng thương xót. Điều họ mong chờ chỉ là phép lạ và được thỏa mãn những đòi hỏi của mình. Tiếp đến là các thủ lãnh. “Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (Lc 23,35). Sau đó là lời nhạo báng của lính tráng: “Nếu ông là Vua dân Do thái thì cứu lấy mình đi” (Lc 23,37). “Cứu lấy mình” nghĩa là hãy xuống khỏi thập giá đi! Cuối cùng là lời cám dỗ của tên gian phi dưới dáng dấp của sự nhục mạ: “Ông không phải là Đấng Kitô sao! Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với” (Lc 23,40). Những cám dỗ trên đánh vào cái tôi của một con người, là muốn thể hiện mình. Họ muốn cám dỗ Người như ngày xưa ma quỉ đã làm đó là hãy sử dụng quyền lực của mình đi. Quả thật, điều khó nhất trong tất cả mọi sự đó là không làm gì cả trong khi mọi sự đang chống lại ta. Cả những chương trình vô ích, điên rồ nhất dường như cũng không muốn thinh lặng và nhường sáng kiến cho người khác. Đây chính là tình thế khó xử Chúa Giêsu phải đương đầu.[2] Chúa Giêsu là người thật và là Thiên Chúa thật, Ngài quyền năng vô biên. Những lời gợi ý trên đều dưới quyền năng của Ngài. Chúa Giêsu có thể chọn xuống khỏi Thập Giá, chắc chắn Ngài sẽ nhận được những lời tung hô còn vang dội hơn lúc người Do thái đón Chúa vào thành thánh và họ sẽ tin vào Ngài: “Chúng ta tin hắn liền” (Mt 27,42). Nhưng nếu Chúa Giêsu chấp nhận thách thức của họ, thì đồi Calvê sẽ không còn là đồi bi thương nhưng thành đồi “chiến thắng”! Nhưng cái giá đổi lấy chiến thắng của nhân loại là sự thất bại trước thánh Ý Cha, nguyên lý duy nhất mà Giêsu đến trần gian.

Cám dỗ thứ hai là sự yếu đuối của thân phận làm người, nhất là khi đối diện với giây phút hãi hùng của cái chết. Chúa Giêsu nhập thể dù là phận Thiên Chúa nhưng cũng mang thân phận con người, người thật như ta[3] nên thân xác Ngài đau đớn tột cùng khi bị hành hình trên Thánh Giá. Một cái búa đóng những chiếc đinh dài xuyên qua cổ tay, và chiếc đinh lớn xuyên qua hai bàn chân chồng lên nhau và qua miếng gỗ chêm, rồi người lính canh đâm cạnh sườn Ngài với ngọn giáo. Trước khi bị đóng đinh và bị ngọn giáo đâm, Chúa Giêsu đã bị quất bằng roi và bị đánh. Cú đánh bằng roi khủng khiếp đến nỗi xé thịt từ thân thể Ngài ra. Cú đánh ghê rợn đến nỗi mặt Ngài bị đứt và râu bị xé toạt trên mặt Ngài. Mão gai đâm vào tận xương sọ của Chúa Giêsu. Hãy tưởng tượng đến sự vật lộn, đau đớn, thống khổ, cam đảm của Chúa Giêsu.[4] Ta không được giảm nhẹ một trong những cảm xúc mạnh mẽ thuộc con người này trong Chúa Giêsu, nếu vậy sẽ có nguy cơ tước mất phẩm giá của Người và sẽ hoàn toàn hiểu lầm Người. Bởi Chúa Giêsu là người thật hệt như ta (Hr 4,14-16) nên chắc chắn Ngài đã phải chiến đấu đến cực độ trước những đau đớn tột cùng nơi thân xác. Nỗi đau của Ngài không chỉ dừng lại ở đó mà còn là nỗi đau chờ đợi sự đáp trả của con người.[5] Vì yêu thương nhân loại, Người đã đến với con người, sống kiếp con người. Người chạnh lòng thương khi thấy đám đông vất vưởng không người chăn dắt (Mt 9,36). Người chữa cho người què đi được, kẻ điếc nghe được, người mù thấy được (Mc 7,31-37; Lc 7,22) và chữa lành biết bao tật nguyền (Mt 15, 21-28, Mc 11,14-23, Lc 9,37-43). Người làm cho kẻ chết sống lại và rất nhiều dấu lạ để bày tỏ vinh quang Nước Trời. Ngài sống tất cả vì con người, cho con người. Thế mà điều Người nhận lại là sự thờ ơ, vô cảm và dửng dưng của con người. Sự thờ ơ lạnh nhạt ấy đã được thể hiện ngay từ khi Người sinh ra và đỉnh cao là trên đỉnh đồi Canvê. Bàn tay mở mắt kẻ mù, chữa người yếu đau, chúc phúc và làm nên biết bao điều lạ lùng; bàn chân đi gieo tình người, loan tin mừng, ban ân sủng và nâng đỡ người yếu tin của Đức Giêsu giờ đây lại bị đóng đinh bởi chính bàn tay con người. Cơn đau tinh thần của Chúa Giêsu cảm nghiệm được trong suốt cuộc khổ nạn của Người không thua gì cơn đau thể lý và những lời phỉ báng bên ngoài.[6] Trước những cơn đau này, nếu trong phút chốc nào đó Người không vượt qua được mà nảy sinh một ý nghĩ hối tiếc về những việc mình đã làm cho con người hay trách móc nhân loại vô tâm, bội bạc thì giá trị của công trình Cứu Chuộc đã không còn vẹn nguyên.

Cám dỗ cuối cùng, Ngài bị thử thách về đức tin trên thập giá.[7] Ngài kinh nghiệm thấm thía “sự thinh lặng của Thiên Chúa”[8]Lạy Thiên Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi, sao Chúa bỏ tôi?” (Mc 15,34; Mt 27,46). Không những bị các môn đệ chối bỏ, bị những người trước đây đã từng tuyên xưng “Đấng ngự đến nhân danh Chúa” bỏ mặc, bị nhiều người qua đường nhạo báng, Chúa Giêsu còn cảm thấy bị chính Thiên Chúa, “Đấng Người phục vụ cách quả cảm, từ bỏ.[9] Tiếng kêu ấy cũng buộc ta phải hiểu mức độ đầy đủ của sự bất lực và bơ vơ của Chúa Giêsu. Hầu như mọi chiều kích kinh nghiệm của Chúa Giêsu về thập giá đều thức tỉnh nơi Người một cảm thức toả khắp về sự vắng bóng Thiên Chúa.[10] Ngài trải qua một hoàn cảnh xa lạ nhất chưa từng thấy đối với Người: “sự xa cách Thiên Chúa”[11]. Thế nhưng, mặc dù giữa những đổ vỡ và thất bại như vậy, Chúa Giêsu đã không hề tuyệt vọng. Tình yêu tuyệt đối của Ngài dành cho Cha đã giúp Ngài vượt qua những cơn cám dỗ kinh hoàng, đón nhận cái chết, và ý thức rõ ràng rằng mình phải “chu toàn sứ mạng đúng theo cách.[12] Tiếng kêu của Người là tiếng kêu của người tự nguyện gánh lấy những chỉ nỗi thống khổ của dân Người, của tất cả mọi người bị sự dữ áp đảo và đồng thời, Người mang tất cả những điều này đến trước trái tim của chính Thiên Chúa, Người bám chặt vào Thiên Chúa và tin chắc rằng tiếng kêu của Người sẽ được Thiên Chúa nghe trong biến cố Phục Sinh.[13] “Tiếng kêu của đau khổ tột cùng đồng thời vẫn là niềm tin chắc chắn về một câu trả lời từ Thiên Chúa, niềm tin chắc chắn về ơn cứu độ – không chỉ cho chính Chúa Giê-su, nhưng còn cho nhiều người”[14].

Như vậy, Chúa Giêsu dù là Thiên Chúa nhưng Ngài đã không sử dụng tài năng riêng của mình hoặc không tìm cách khai thác bản tính Thiên Chúa vốn có đã thuộc về Người.[15] Người đã can đảm bước qua những cám dỗ ngoại tại lẫn nội tại để không chỉ chịu đựng những đau khổ mà còn để đánh bại nó. Bằng cái chết của mình, Người đã chiến thắng cái chết của nhân loại. Bằng sự đau khổ của mình, Ngài đã loại bỏ đau khổ của thế gian. Người là hình ảnh đích thực về sự hiện hữu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong Ngài, toàn bộ tình yêu, toàn bộ sự trao hiến được nhìn thấy cách rõ ràng.[16]

Maria Thái Thanh (Khấn tạm), FMI


[1] E. HOCEDEZ, S.J, Tin Mừng Về Đau Khổ, Nguyên Tác: L’evangile De La Souffrane, (Hà Nội: Tôn Giáo 2010), tr. 22.

[2] x. MICHAEL CASEY, Là Con Người Trọn Vẹn- Thiên Chúa Trọn Vẹn, Nxb Tôn Giáo.2009, tr. 316.

[3] PAUL HITZ, C.Ss.R, Thần Học Cứu Rỗi Kitô Giáo, (Nhà Xuất bản: Echternach 1960), tr. 97.

[4] PHẠM VĂN DŨNG, “Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học),” truy cập ngày 20-9-2023, https://tgpsaigon.net/bai-viet/ve-cai-chet-cua-chua-giesu-tren-thap-gia-theo-khoa-hoc.

[5] x. AN THIỆN MINH, Cuộc Khổ Nạn Của Đức Giêsu Qua Tấm Khăn Liệm Turin, Nxb Tôn Giáo.2012, tr. 235.

[6] x. MICHAEL CASEY, Sđd., tr. 315.

[7] x. GIUSE PHẠM THANH LIÊM, S.J, Đồng Hành Thiêng Liêng (Hà Nội: Tôn Giáo 2022), tr. 30.

[8] RANIERO CANTALAMESSA, Chúng Tôi Rao Giảng Một Đức Kitô Bị Đóng Đinh (Biên Hòa: Đồng Nai 2020), tr. 107.

[9] GERARD H. LUTTENBERGER, Dẫn Vào Kitô Học Trong Các Tin Mừng Và Hội Thánh Tiên Khởi, Nxb Tôn Giáo. 2011, tr. 323.

[10] x. nt, tr. 325.

[11] x. ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, “Bài Giảng Lễ Lá của ĐTC Phanxicô (02.4.2023): Đấng bị bỏ rơi không bỏ mặc ai một mình,” truy cập ngày 20-09-2023, https://www.giaophandanang.org/bai-giang-le-la-cua-dtc-phanxico-02-4-2023.html.

[12] GIOAN PHAOLO II, Tông thư Salvifici Doloris, s. 16.

[13] BENEDICTO XVI, Bài giáo lý thứ thứ 26 về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên thánh giá khi sinh thì,” Truy cập ngày 20-9-2023, https://www.giaoly.org.

[14]  x. JOSEPH RATZINGER, Đức Giêsu Thành Nazareth - Phần II (Hà Nội: Tôn Giáo 2011), tr.239-240

[15] GERARD O’COLLINS, S.J , Kitô Học- Một Nghiên Cứu Hệ Thống, Lịch Sử Và Kinh Thánh Về Chúa Giêsu, , Nxb Đồng Nai.2020, tr. 75.

[16] JOSEPH RATZINGER, Tuyển Tập Zatzinger- Phác họa một hành trình thần học, (Hà Nội: Tôn Giáo 2023), tr. 147.